Ngày 29/8 năm nay, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng đài của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô tròn 45 năm khánh thành và đi vào hoạt động. Đến nay, đã có gần 60 triệu lượt nhân dân trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và khách quốc tế vào Lăng viếng Người. Để có được những phút giây thiêng liêng đó, các nhà khoa học y tế Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay đã gắn bó với cán bộ, bác sĩ Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ kể từ ngày 02-9-1969, khi trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa ngừng đập…
Tại Mát-xcơ-va, các chuyên gia Liên bang Nga đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng,
Nhà nước ta trao tặng nhân dịp kỷ niệm 50 năm giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài
Chủ tịch Hồ Chí Minh (5/2019)
Nhớ lại thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước, Liên Xô đang trên đà phát triển, các nhà khoa học của bạn được quan tâm đầy đủ về vật chất và tinh thần. Đối với các bạn, chiến tranh đã lùi xa 25 năm, giờ lại lên đường ra mặt trận, điều đó càng khẳng định tình cảm to lớn mà các chuyên gia nói riêng và nhân dân Liên Xô nói chung đã dành cho Việt Nam. Trong 6 năm chiến tranh (1969-1975), các chuyên gia y tế Liên Xô đã cùng với cán bộ, chiến sĩ của chúng ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, bảo vệ, giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Những kiến thức và kinh nghiệm được các chuyên gia truyền thụ lại thực sự là nền tảng, tiền đề cơ bản vững chắc cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Đây cũng là cơ sở cốt lõi nhất để đội ngũ các nhà khoa học y tế của Việt Nam vươn lên từng bước làm chủ nhiệm vụ chính trị trong mọi tình huống như thực tế đã xảy ra vào các năm sau này.
Ngày 29/8/1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành, nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bầu bạn quốc tế đến viếng Bác, được tận mắt chiêm ngưỡng dung nhan của Người, đó chính là chiến công thầm lặng và tình cảm đặc biệt của các nhà khoa học y tế Liên Xô và Việt Nam trong những tháng năm đầy gian khổ hy sinh của đất nước.Tại Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể ở Hội trường Ba Đình, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh trong lời khai mạc buổi lễ đã thay mặt Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệt liệt biểu dương tinh thần lao động quên mình của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và biểu dương tinh thần quốc tế vô sản của chuyên gia Liên Xô đã cùng với nhân dân Việt Nam hoàn thành công trình Lăng Bác đúng thời gian quy định. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hoàn thành vào đúng thời điểm lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng chí Xô-lô-men-xép, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô sang dự lễ khánh thành Lăng Bác đã phát biểu ca ngợi tư tưởng, đạo đức tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khẳng định: “Toàn thể loài người tiến bộ đều tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng triệu người ở tất cả các nước và ở khắp năm châu đánh giá cao Người, vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam bách chiến, bách thắng”.
Sau khi Lăng khánh thành, đi vào hoạt động, từ năm 1975 đến năm 1990, theo hiệp định thỏa thuận giữa hai nhà nước Việt Nam và Liên Xô, các chuyên gia y tế, kỹ thuật của bạn đã định kỳ, lần lượt sang Việt Nam để hướng dẫn, đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật công trình Lăng và giúp đỡ chúng ta giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Tình cảm, tình đồng chí, tình thầy trò luôn được giữ gìn và trân trọng. Trong 15 năm đã có hàng chục lượt chuyên gia sang Việt Nam và bạn đã không quản ngại khó khăn, gian khổ bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm quản lý, vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật công trình Lăng Bác. Từ chỗ chúng ta chưa trực tiếp vận hành được thiết bị kỹ thuật, không bao lâu, toàn bộ hệ thống thiết bị kỹ thuật công trình Lăng Bác đã được đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ hoàn toàn.
Từ năm 1991, quan hệ hợp tác giữa Ban Quản lý Lăng và chuyên gia y tế Liên bang Nga đã mở ra một chương mới. Hằng năm, theo sự thỏa thuận hai bên, các chuyên gia của bạn tiếp tục sang Việt Nam giảng dạy và hợp tác nghiên cứu khoa học cùng với các nhà khoa học y tế Việt Nam. Phía Việt Nam, cũng cử cán bộ, bác sĩ sang Liên bang Nga học tập và nghiên cứu khoa học phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Quá trình học tập, nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm trong những năm qua, đội ngũ các nhà khoa học y tế Việt Nam đã trưởng thành tiến bộ, công lao đó trước hết thuộc về những chuyên gia Nga, những người thầy đã hết lòng hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức cho các đồng nghiệp của Việt Nam. Những người như: GS. Viện sỹ De-ni-sốp Ni-kol-skiy Iu.I; TS. Ko-zel-sép V.L; GS. TSKH Mát-vây-chúc I.V; GS. TSKH Đốc-tơ-rốp A.A; TS. Be-lô-u-sôva M. IA; TS. Đu-bin-skaya V.A… là những chuyên gia sang Việt Nam nhiều lần và đã để lại những tình cảm tốt đẹp, kinh nghiệm khoa học quý báu cho đội ngũ bác sĩ của Việt Nam.
Các chuyên gia Liên bang Nga đã nêu tấm gương sáng về năng lực, trình độ và lòng say mê nghề nghiệp cho các bác sĩ chúng ta học tập và làm theo. Không phụ lòng bồi dưỡng, hướng dẫn của các bạn Nga, đội ngũ cán bộ, bác sĩ của chúng ta đã có sự trưởng thành vượt bậc. Nay chúng ta đã độc lập tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các chuyên gia Liên bang Nga đã không thể sang Việt Nam để cùng với các nhà khoa học y tế Việt Nam tiến hành nhiệm vụ tu bổ định kỳ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tinh thần tự lực, tự cường, chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tu bổ năm 2020, mở cửa Lăng để đón nhân dân vào viếng Bác đúng dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hướng tới kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9.
“Ăn quả nhớ người trồng cây”, chúng ta luôn nhớ tới công lao và biết ơn các chuyên gia Liên bang Nga, những người Thầy đã tận tuỵ, bồi dưỡng, đào tạo và truyền thụ kinh nghiệm trong suốt hơn nửa thế kỷ qua đối với nhiệm vụ chính trị đặc biệt: Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và 45 năm hoạt động Công trình Lăng của Người./.
Các chuyên gia được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương nhân dịp tổng kết 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh: 1. GS, Viện sỹ BƯKOV VALERY ALEXEEVICH, nguyên Giám đốc FSBSI VILAR, NIC BMT, Huân chương Độc lập hạng Nhì. 2. GS, Viện sỹ DENISOV NIKOLSKIY IURY IVANOVICH, Nguyên Phó Giám đốc VILAR, GĐ NIC BMT, Huân chương Độc lập hạng Nhì. 3. GS, Viện sỹ SIDELNIKOV NIKOLAI IVANOVICH, Giám đốc FSBSI VILAR, Huân chương Lao động hạng Nhất. 4. GS, TSKH MATVEYCHUK IGOR VASILIEVICH, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu y sinh Mátxcơva, Huân chương Lao động hạng Nhất. 5. Trưởng nhóm chuyên gia VOLODINA TATIANA VLADIMIROVNA, Huân chương Lao động hạng Nhì. 6. Trưởng nhóm chuyên gia DUBINSKAIA VALENTINA ALEKXEEVNA, Huân chương Lao động hạng Ba. Và 8 cá nhân được tặng Huân chương Hữu nghị, 9 cá nhân được tặng Huy chương Hữu nghị vì đã có nhiều đóng góp trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Trung tướng, PGS, TS. Đặng Nam Điền
nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh