Đã 75 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Trong những nhân chứng có mặt, được chứng kiến và là một phần của thời khắc lịch sử ấy, có người chiến sĩ công an Phạm Gia Đốc, lúc bấy giờ tuy tuổi đời còn trẻ đã được tin tưởng giao chức Đội trưởng Đội An ninh bảo vệ Lễ đài.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 02/9, Đoàn Thanh niên cơ sở Trung đoàn 375 đã có buổi gặp mặt, nghe nói chuyện và tri ân đến ông.

Căn nhà của đồng chí Phạm Gia Đốc nằm lặng lẽ trong một con ngõ nhỏ trên phố Hàng Quạt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Năm nay đã 96 tuổi, song đồng chí vẫn có thể nhớ từng chi tiết, từng cái tên của đồng đội đã sát cánh cùng ông bảo vệ Lễ đài trong thời khắc thiêng liêng ấy. Tuy đôi mắt đã không còn vẻ tinh anh năm nào nhưng người chiến sĩ ấy vẫn giữ cho mình sự minh mẫn, để có thể kể lại từng chi tiết nhỏ về khoảnh khắc lịch sử của dân tộc.

Khi gặp gỡ các đồng chí đoàn viên, thanh niên của Trung đoàn 375, là thế hệ trẻ đang tiếp nối những nhiệm vụ của mình năm xưa, đồng chí Phạm Gia Đốc không giấu được niềm xúc động và bồi hồi kể lại kỷ niệm bảo vệ Lễ đài ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

pham gia doc chi e ky niem bao ve le dai
Đồng chí Phạm Gia Đốc bồi hồi kể lại kỷ niệm bảo vệ Lễ đài ngày
 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Đồng chí kể lại: “Ngày 02/9/1945, buổi lễ mít tinh lịch sử diễn ra từ lúc 14 giờ nhưng lực lượng bảo vệ đã có mặt từ sáng sớm để chuẩn bị. Các chiến sĩ được phát đồng phục, quần dài trắng, đứng cách khu vực Lễ đài, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập chỉ vài bước chân.

 Chúng tôi được chia ra làm 3 đội, mỗi đội có 10 người đứng bảo vệ ở vòng thứ hai. Ngoài ra còn các anh giải phóng quân ở chiến khu mới về, vòng ngoài cùng là lực lượng thanh niên. Trong suốt hơn 3 tiếng diễn ra buổi lễ, tôi cùng anh em chỉ nhìn về phía trước, không được phép quay lại hay ngẩng đầu lên nhìn do vậy mà chúng tôi không được nhìn thấy Bác thời điểm đọc bản Tuyên ngôn Độc lập”.

pham gi adoc trongdoi bao ve quoc khanh
Đồng chí Phạm Gia Đốc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Lễ đài (người đứng thứ 2 từ phải sang)

Trong suốt cuộc đời của mình, có lẽ chưa bao giờ đồng chí Đốc cảm thấy xúc động đến như vậy, khi chứng kiến cả biển người trước mặt đứng trang nghiêm, trật tự khi Bác Hồ bắt đầu cất giọng: “Hỡi đồng bào cả nước!”... Đất nước độc lập rồi, chúng ta đã thành công - đó là những suy nghĩ mà chàng trai trẻ Phạm Gia Đốc cảm nhận được, một nhân chứng của lịch sử có mặt trong thời khắc thiêng liêng của đất nước.

Trong những năm kháng chiến, đồng chí Phạm Gia Đốc đã tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ an ninh khác như: chiến đấu trong lòng địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ; tham gia truy bắt gián điệp tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang; thực hiện nhiệm vụ đưa đón, dẫn đường cho bà con đi sơ tán và phát triển kinh tế ở vùng tự do. Sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, đồng chí tham gia đoàn cán bộ miền Bắc vào công tác ở miền Nam 3 năm với nhiệm vụ hỗ trợ công tác quản lý và đào tạo cán bộ. Năm 1979, ông trở ra Bắc và nghỉ hưu. Từ đó đến nay, ông nhận trách nhiệm làm Phó Ban liên lạc cho anh em đồng đội cũ trong Sở Công an Bắc Bộ.

Trong lúc chia sẻ những kỷ niệm của mình, đồng chí cũng không quên dặn dò các đồng chí đoàn viên, thanh niên: “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ có tính chất đặc biệt và vô cùng quan trọng. Chỉ những chiến sĩ có thể hình, thể lực tốt, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống nguy hiểm có thể xảy ra mới được lựa chọn thực hiện. Nên các cháu phải thấy được sự vinh dự, tự hào đó để phấn đấu, rèn luyện cho tốt, để thực sự là những chiến sỹ cận vệ bên Bác Hồ”.

Qua những câu chuyện kể đầy xúc động của đồng chí Phạm Gia Đốc, các cán bộ, đoàn viên thanh niên Trung đoàn 375 được ôn lại truyền thống tự hào và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh. Sự chỉ bảo, dìu dắt của các thế hệ đi trước, những nhân chứng lịch sử như đồng chí Phạm Gia Đốc là kim chỉ nam để các thế hệ trẻ Trung đoàn 375 có điều kiện rèn luyện, bồi đắp kiến thức, phấn đấu, cống hiến và trưởng thành.

Cuộc gặp gỡ, giao lưu với đồng chí Phạm Gia Đốc đã để lại cho tuổi trẻ Trung đoàn 375 nhiều ấn tượng sâu sắc. Tuy thời gian không nhiều nhưng hình ảnh, tấm gương của người chiến sỹ Công an được vinh dự làm nhiệm vụ trong ngày đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ấy đã có sức lan tỏa và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Trung đoàn 375 nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ tiền bối đi trước, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, đoàn kết một lòng, vượt qua gian khó và vững bước đi lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao./.

Lê Thị Thanh Huyền

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: