Thứ sáu, 19/04/2024

Hà Nội. Mùa hè năm 1969.

Đã 24 năm qua đi, gần một phần tư thế kỷ, nếu tính từ năm 1945 lịch sử.

Năm nay Bác đã 79 tuổi, sức khoẻ giảm sút nhiều. Có lẽ dấu hiệu quan trọng đầu tiên về sự sa sút sức khỏe và bệnh tật ấy là trận ốm năm 1966. Năm ấy, Bác đi thăm đồng bào Thái Bình về đã bị co thắt động mạch não, liệt nhẹ nửa người. Các bác sĩ giỏi nhất đã được tập trung hết lòng cứu chữa. Bác đã đỡ nhiều, tuy nhiên từ đó việc đi lại của Bác nhiều khi đã phải dùng một cây can nhỏ (gậy cầm tay của những người già yếu). Cũng từ đó, Bác được Bộ Chính trị liên tục hết lòng chăm nom thuốc thang. Nước bạn Trung Quốc cũng đã mời Bác sang chữa bệnh. Bản thân Bác cũng chăm luyện tập thân thể hơn với một nghị lực rất lớn.

Buổi sáng ngày 10 tháng 5 năm 1969, như thường lệ, từ 5 giờ 30 phút Bác đã dậy để lập thể dục. Đồng chí Vũ Kỳ, người thư ký hết sức thân tín của Bác, bao giờ cũng đã đợi sẵn ở chân cầu thang ngôi nhà sàn để đón Bác. Thường mọi hôm Bác còn gọi cả đồng chí Tô (tên gọi thân mật của đồng chí Phạm Văn Đồng) ở ngôi nhà xây hai tầng ngay gần bãi xi măng bóng rổ trong Phủ Chủ tịch. Nhưng hôm nay đồng chí Tô dậy muộn vì tối qua bận làm việc quá khuya. Để đồng chí Tô ngủ tiếp, hai Bác cháu cùng nhau tới đường Xoài tập một hồi, rồi quay trở lại.

Đi bộ xong, Bác còn tưới cây, cho cá ăn ở hồ xong mới vào để điểm tâm rồi mới trở lại nhà sàn làm việc. Đồng chí Kỳ vẫn cẩn thận cùng đi theo Bác lên từng bậc thang để sẵn sàng đỡ nếu Bác lỡ xảy chân. Trước khi đồng chí Kỳ trở xuống, Bác quay lại dặn: Sáng nay Bác bận việc, không tiếp khách. Ai hỏi gì, xin lui lại chiều hoặc sáng mai.

Đồng chí Kỳ nhớ rồi: Sáng nay là ngày 10 tháng 5, như thường lệ từ năm 1965 tới nay, hàng năm Bác vẫn sửa lại bản Di chúc đã viết từ năm đó. Trên góc trang đầu của bản Di chúc, Bác đã ghi mấy chữ "Tài liệu tối mật". Là thư ký riêng, đồng chí Kỳ đã được Bác đưa cho giữ bản "Tài liệu tối mật" ấy mỗi khi Bác đi công tác hoặc sang Trung Quốc chữa bệnh. Năm 1965, Bác vẫn còn khoẻ mạnh, nhưng chiến tranh đang có chiều hướng ác liệt hơn. Mỹ đã đổ thêm quân vào miền Nam khá nhiều và bắt đầu đánh bom cả ra miền Bắc. Hải quân chúng đã bắn phá một số điểm trên bờ biển nước ta. Bọn biệt kích liên tục được chúng tung ra miền Bắc. Chiến tranh rõ ràng đã lan ra cả nước và ngày càng khốc liệt. Do đó rất cần có cái nhìn vững vàng trên toàn cuộc và rất cần sự động viên lớn hơn nữa. Toàn Đảng,toàn dân quyết chiến đấu, dù gian lao, cực khổ đến đâu. Mặt khác, về phần mình, năm ấy tuổi Bác đã cao, vì thế Bác đã viết Di chúc, nhưng chỉ ngắn gọn trong khoảng một ngàn chữ. Sự nghiệp cả một đời người nhìn lại, cộng với những tư tưởng lớn soi sáng cho cả những năm dài mai sau mà chỉ gói trong có một nghìn chữ, rất cô đọng. Tác phong sống và cả văn phong của Bác trong các tài liệu, cả báo chí, thơ ca... xưa nay vẫn thế: Hết sức giản dị nhưng cũng hết sức cô đọng và vô cùng sâu sắc. Qua bốn năm, đã sửa đi sửa lại bản di chúc này, năm nay Bác thấy vẫn cần sửa thêm.

... Trên nhà sàn, Bác kéo ghế ngồi trước bàn. Dù không được khoẻ, Bác vẫn rất ung dung, tao nhã, chòm râu hiền nhân và thông thái tuyệt đẹp. Bác cầm bút lên. Tâm hồn Bác thật bình tĩnh. Tư tưởng, trí tuệ Bác hoàn toàn sáng suốt. Bác đã nghĩ trước rồi, năm nay, trước tình hình mới Bác sẽ sửa lại đoạn mở đầu bản Di chúc: Nhấn mạnh hơn nữa, khẳng định hơn bao giờ hết: Chúng ta nhất định thắng, giặc Mỹ xâm lược nhất định thua. Chiến tranh càng ác liệt, điều đó càng phải khẳng định, phải chốt lại kiên quyết nhất. Năm nay, Bác cũng sẽ bổ sung, nhấn mạnh về sự đoàn kết thiêng liêng trong Đảng. Thật vậy, đó chính là yếu tố quan trọng hàng đầu để đưa nhân dân ta tới chiến thắng và xây dựng Tổ quốc.

Trong lúc đó, ở nhà dưới, đồng chí Vũ Kỳ bỗng nghe có chuông điện thoại liền nhấc máy lên nghe. Ông Kỳ nhận ra ngay người gọi ở đầu dây bên kia là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Quân uỷ Trung ương. Vẫn như mọi lần, câu đầu tiên của đồng chí Văn (tên gọi thân mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) hỏi là đêm qua Bác ngủ có yên giấc không, sáng nay Bác ăn uống thế nào, Bác vẫn tập thể dục đều như mọi hôm chứ?. Rồi Đại tướng ngỏ ý muốn sang thăm sức khoẻ Bác. Đồng chí Kỳ cân nhắc: Mới cách đây một ngày, cũng trong trường hợp Bác đang làm việc, đồng chí Trường Chinh gọi điện đề nghị được gặp Bác. Không muốn Bác phải ngừng công việc của mình, ông Kỳ đã khéo léo nghĩ được một cách là mời đồng chí Trường Chinh đến cùng dùng bữa trưa với Bác rồi sẽ nói chuyện cả thể. Vậy hôm nay, có lẽ cũng lại đề nghị với đồng chí Văn như vậy chăng? Nhưng Bác đã dặn rồi, ai hỏi, xin lui lại. ông Kỳ bèn đề nghị với Đại tướng là đến chiều. Đại tướng đồng ý. Ông Kỳ mừng quá.

Buổi chiều, đúng hẹn, Đại tướng Tổng Tư lệnh tới. Dạo này đồng chí sang thăm Bác luôn luôn, hôm cả buổi, hôm ít nhất cũng nửa tiếng hoặc một giờ. Bác rất biết tấm lòng đặc biệt của đồng chí Văn, người đồng chí, người học trò yêu quý, gắn bó nhất của Bác kể từ khi Bác về Pắc Bó năm 1941. Bác đã sớm nhìn thấy ở đồng chí một con người trí thức cách mạng rất trí tuệ, rất trung thực và đầy tài năng trong xây dựng, chỉ huy quân đội, dù chưa bao giờ được đào tạo ở một trường quân sự nào.

Bác tiếp đồng chí Văn ở ngay dưới ngôi nhà sàn.Bao giờ cũng vậy, Bác ân cần và sốt sắng hỏi trước, dường như Bác có ý không muốn để đồng chí Văn hỏi về sức khoẻ của mình. Bác đã rất cố gắng làm sao cho được bình thường như trước đây với giọng ấm áp và hiền hậu:

- Thế nào chú, tình hình chiến sự trong kia mấy hôm nay ra sao? Việc các đồng chí trong ấy chuẩn bị để Chính phủ Cách mạng lâm thời sẽ ra mắt vào tháng 6 hoặc tháng 7, nay công việc tới đâu rồi?...

Cũng như tất cả mọi lần gần đây sang thăm Bác, e Bác mệt, đồng chí Văn chỉ báo cáo rất vắn tắt mọi việc và trong khi Bác chăm chú nghe, đồng chí Văn vẫn không quên thầm quan sát, ngắm nhìn thần thái Bác như mọi khi, để coi sức khoẻ Bác hôm nay có gì khác, có tiến triển gì không?. Hôm nay, đồng chí nhận thấy: Khi hỏi, khi nói, dù Bác đã cố giữ giọng cho được như xưa, nhưng vẫn không được đều cho lắm, có lúc nghe như yếu và nhỏ đi như hụt hơi hoặc tắc nghẹn lại trong một, hai giây. Đồng chí Văn không thể không thêm lo lắng và thầm xót xa. Các bác sĩ giỏi về chuyên khoa tim mạch, não đã được Bộ Chính trị bố trí thường xuyên bên Bác để săn sóc, trông nom, thuốc men hàng ngày, nhưng nay xem ra bệnh của Bác chẳng hề lui, sức khoẻ Bác vẫn có chiều giảm sút.

Thật vậy, đúng như đồng chí Văn đã đoán biết, dù Bộ Chính trị đã hết lòng quan tâm chăm lo, sau một năm xảy ra "sự cố" về tim mạch, sức khoẻ của Bác vẫn không có tiến triển gì rõ rệt. Ngày 15 tháng 7 năm 1967, Bộ Chính trị đã mở một cuộc họp bất thường bí mật cực kỳ quan trọng. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì cuộc họp này. Cuộc họp đã bàn, một mặt tăng cường hết lòng chăm lo sức khoẻ của Bác, mặt khác Bộ Chính trị nhận thấy tuổi Bác đã ngày càng cao mà bệnh tình lại như vậy, phải can đảm và thực tế nghĩ tới sự kiện cực kỳ đau lòng là Bác có thể không lâu nữa sẽ "ra đi"... Do đó phải tính tới việc lo liệu và phải có ngay quyết định lưu giữ thi hài Bác lâu dài cho nhân dân cả nước, nhất là miền Nam được "chiêm ngưỡng" Bác - vị Anh hùng vĩ đại của dân tộc, đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân đánh bại kẻ thù ngoại xâm hung ác nhất, đồng thời chấm dứt mấy nghìn năm chế độ phong kiến lạc hậu, khai sinh ra nước Việt Nam mới - nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Châu Á này.Đó là một nghị quyết lớn và cực kỳ khó khăn bởi nếu biết Bác sẽ không cho thực hiện. Đã tính hết mọi nhẽ. Để đáp ứng nguyện vọng của toàn dân, Bộ Chính trị quyết định lưu giữ thi hài Bác lâu dài và sẽ xây một ngôi Lăng của Người. Bộ Chính trị tin là toàn dân sẽ hoàn toàn ủng hộ, và cũng tin rằng lịch sử sẽ chứng minh cho quyết định này là hoàn toàn chính xác. Trong cuộc họp ấy, Quân uỷ Trung ương đã được trao nhiệm vụ lưu giữ thi hài Bác nếu vạn nhất Bác phải "nằm xuống". Bộ Kiến trúc được trao cho vai trò chủ yếu trong việc xây dựng Lăng, phải làm sao cho tương xứng với công ơn trời biển của Bác, với uy tín và lòng kính phục Bác của nhân dân ta, của bạn bè thế giới. Trong phân công nhiệm vụ, Bộ Chính trị còn tỉ mỉ hơn nữa: Đã chỉ định cụ thể đồng chí Nguyễn Lương Bằng trực tiếp theo dõi và chăm sóc sức khoẻ Bác hàng ngày. Đồng chí Lê Thanh Nghị được Bộ Chính trị phân công bí mật, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ sớm sang Liên Xô hội đàm đề nghị Bạn giúp đỡ ta đào tạo gấp một số cán bộ y tế chuyên về lưu giữ thi hài, đồng thời giúp ta những phương tiện chuyên dùng và thuốc men đặc biệt cần thiết trong công việc đó.

Sau cuộc họp tối mật, tối quan trọng ấy chỉ vài ngày, đồng chí Lê Thanh Nghị đã lên đường đi Liên Xô. Mọi yêu cầu của chúng ta về đề nghị Liên Xô giúp đỡ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được Bạn đồng ý và cam kết sẵn sàng đào tạo cán bộ y tế cho Việt Nam. Một Tổ Y tế cũng được Quân uỷ cho thành lập gấp và đưa sang Liên Xô để học về lưu giữ thi hài lâu dài.

Tháng 8 năm 1968, sau một thời gian học tập, Tổ Y tế gồm 3 cán bộ, bác sỹ từ Mát-xcơ-va đã về đến Hà Nội. Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, một trong ba thành viên của Tổ Y tế, đã được điều ngay sang nơi Bác ở, tăng cường cho một bác sĩ vốn đã ở đây từ lâu - bác sĩ Nhữ Thế Bảo - để cùng trông nom sức khoẻ cho Bác. Còn hai bác sĩ: Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều được Quân uỷ cho bổ sung thêm một số bác sĩ, y sĩ khác, thành lập một Tổ Y tế đặc biệt (do bác sĩ Quyền làm Tổ trưởng) có nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất làm các thực nghiệm khoa học trong điều kiện nước ta, để khi Bác "nằm xuống" sẽ có thể chủ động được công việc nếu Bạn chưa kịp sang.

Gần như song song với việc này, Quân uỷ đã quyết định làm một cơ sở thí nghiệm dựa vào Khoa Giải phẫu hình thể của Bệnh viện Quân y 108, mang biệt danh 75A; ngoài ra còn làm một cơ sở tương tự ở ngay Hội trường Ba Đình để đưa thi hài Bác tới làm Lễ Quốc tang mang mật danh 75B.

Song song với công việc bí mật làm hai cơ sở 75A, 75B, các việc chuẩn bị khác cho "đại sự" cũng đã được lo liệu rất chu đáo. Tuy nhiên, Đảng và Chính phủ vẫn tiếp tục hết sức chăm lo chu đáo về mặt sức khỏe cho Bác với niềm hy vọng và cầu mong là Bác sẽ ngày càng khoẻ mạnh và có thể kéo dài tuổi thọ.Nhưng tiếc thay, đau đớn thay, tới nay chỉ bằng mắt thường không phải của các nhà y học chuyên sâu, Đại tướng và nhiều người khác đều thấy sức khoẻ Bác giảm sút nhiều...

Sợ Bác mệt, báo cáo vắn tắt về tình hình chiến sự xong, đồng chí Văn chuyển sang báo cáo với Bác việc sẽ có một đoàn lớn đại biểu của toàn quân sẽ tới chúc thọ Bác nhân dịp ngày sinh nhật lần thứ 79. Bác sẽ gặp gần như đầy đủ các đồng chí trong Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng, chỉ trừ một số đồng chí đã vào Nam. Bác tỏ ra rất vui...

Khi đồng chí Văn đứng dậy xin phép Bác ra về, không ngờ, vẫn như mọi khi, Bác lại nhắc lời đề nghị tha thiết của Bác từ mấy năm nay: Hãy cố gắng cùng các đồng chí Bộ Chính trị tổ chức cho Bác được vào thăm đồng bào trong Nam. Đầy xúc động, Bác nói:

- Chú Văn ạ, chưa vào thăm đồng bào yêu quý ở miền Nam được, sau đây nếu có chết đi, làm sao mà Bác có thể dễ dàng nhắm mắt?

Gần như bàng hoàng, nhưng đồng chí Văn cũng chỉ biết hứa về phần mình sẽ đề nghị tích cực hơn nữa với các đồng chí có trách nhiệm. Tuy nhiên, trong đáy lòng mình, một nỗi xót xa đã ngập đầy. Chiến tranh thì ngày càng ác liệt, khó khăn càng nhiều hơn, chưa nói tới những trở ngại khác, chỉ riêng sức khoẻ của Bác năm nay - mặc dầu Bác nói vẫn đủ khả năng đi - rõ ràng là càng kém hơn mọi năm. Vậy ai dám tổ chức đưa Bác đi, dù hiểu rất rõ tấm lòng của Bác yêu quý đồng bào miền Nam sâu sắc không có gì so sánh nổi. Bác ơi, cầu xin hãy cảm thông cho tâm trạng hiện nay của nhân dân, của tất cả học trò, tất cả những người đồng chí, những người chiến sĩ vô cùng tin yêu Bác..

(Còn nữa)

Bài viết khác: