Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Ngay hôm sau, ngày 11 tháng 5 năm 1969, sớm hơn ngày sinh của Bác mấy ngày, đúng như lời đồng chí Văn, một đoàn lớn gồm toàn các tướng lĩnh, chỉ huy, lãnh đạo thuộc đủ các quân khu, quân binh chủng đang có một cuộc họp quan trọng tại Hà Nội đã dừng lại một buổi, cùng nhau tới Nhà khách Phủ Chủ tịch để chúc thọ Bác. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, Lê Văn Lương, Song Hào, Quang Đạo... cùng đến chúc mừng Bác. Trong khi đợi Bác, mọi người ngồi trò chuyện vui vẻ. Nhiều người không quên nhắc lại một số buổi lễ sinh nhật trước đây của Bác.

Đó là sinh nhật Bác năm 1946, năm độc lập đầu tiên, ở Hà Nội - Bắc Bộ Phủ, Bác đã tiếp các đoàn đại biểu của sinh viên, học sinh, thiếu nhi và tự vệ. Rất vui vẻ, Bác đã tặng các cháu thiếu nhi một cây hoa mai và nói: "mai chủ yếu là ở miền Nam của Tổ quốc". Trong lúc đó, ngoài đường phố, nhiều đoàn thanh niên xếp hàng tuần hành thị uy trước những nơi có phái đoàn quốc tế, vừa đi anh em vừa hát vang các bài ca cách mạng và liên tục hô vang: "Hồ Chủ tịch muôn năm!", "Nước Việt Nam độc lập muôn năm". Một số phóng viên Mỹ và cả phóng viên Pháp đi theo Xanh-tơ-ny (đại diện Chính phủ Pháp sang ta thảo luận nhiều vấn đề cấp bách) chứng kiến cảnh ấy đã phải phát biểu: "Cụ Hồ quả là có một uy tín rất lớn. Không phải ở nước nào trên thế giới cũng có được một lãnh tụ như vậy"... Tới cuối năm 1946, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Chính phủ bí mật dồn lên chiến khu. Những lễ mừng sinh nhật Bác từ đó làm rất giản dị. Trong lễ mừng sinh nhật năm 1949, Bác đã làm một bài thơ, nay nhiều người vẫn còn nhớ:

Vì nước chưa nên nghĩ tới nhà

Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già

Chờ cho kháng chiến thành công đã

Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.

Cho tới 19 tháng 5 năm 1965, Bác đã trên 75 tuổi. Dịp ấy Bác đi công tác xa, một cán bộ cảnh vệ đã mạnh dạn làm mấy câu thơ dâng Bác:

Chúng con chúc Bác sống trăm năm

Để cứu non sông, để cứu dân

Đuổi hết những loài quân xâm lược

Vạn phúc Việt Nam vạn phúc hồng.

Mọi người còn đang vui chuyện thơ, văn, thì cửa phòng bên mở rộng. Bác gắng làm ra vẻ nhanh nhẹn bước ra. Vẫn nụ cười rất tươi và hiền hậu, vẫn bộ bà ba nâu giản dị và đôi dép cao su quen thuộc. Tuy nhiên, mái tóc Bác đã bạc nhiều hơn, chòm râu thông thái cũng vậy và khuôn mặt cũng hao gầy hơn. Tất cả mọi người đều đứng cả dậy reo vang cùng những tiếng hô xúc động kéo dài: "Hồ Chủ tịch muôn năm!", "Bác Hồ kính yêu muôn năm!"... Niềm tin yêu và tôn kính tràn ngập khắp căn phòng. Cũng giống như mọi khi, Bác mỉm cười dang cả hai tay rồi hạ xuống có ý bảo xin ngừng lại. Nhưng Bác phải vẫy tay tới mấy lần tiếng hô, tiếng reo mới chấm đứt. Tất cả mọi người đều vẫn đứng. Bác ôn tồn nói:

- Mời các chú ngồi. Các chú khoẻ không?

Tất cả cùng đáp vang:

- Thưa Bác khoẻ ạ.

Bác gật đầu:

- Vậy tốt lắm, Bác rất mừng.

Đến đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng lên phát biểu chúc Bác sống lâu muôn tuổi để lãnh đạo toàn quân, toàn dân quyết định đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa giàu đẹp.

Trong khi Đại tướng phát biểu, mọi người vẫn ngắm nhìn Bác như ngắm nhìn một người Cha với tất cả niềm tin, niềm vui, nhưng cũng với cả những nỗi buồn lo thầm kín về sức khoẻ của Bác.

Tiếp đó, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Phó Tổng Tham mưu trưởng đứng lên chúc thọ Bác. Đó là người "anh hùng" từ cuộc vượt ngục Nghĩa Lộ trước Tổng khởi nghĩa cho tới trận chiến đấu oanh liệt hai tháng trời trong lòng Hà Nội tháng Chạp năm 1946 chống Pháp... rồi tới Điện Biên Phủ với trận Đồi Độc Lập vang dội và tiếp đó là trận cắt đứt sân bay "cái dạ dày" của tập đoàn cứ điểm. Đồng chí Vũ có đặc điểm: Nói năng sang sảng, rất oai dũng. Hôm nay đồng chí được phân công thay mặt anh em ôm một bó hoa lớn lên chúc thọ Bác nhưng xúc động quá, đồng chí nói khá vấp váp. Bác cười, rút một bông hoa đưa tặng lại cho đồng chí Vũ, rồi làm ra vẻ ngạc nhiên hỏi:

- Này, Hổ tướng mà nói như chim vậy à?

Cả hội trường vỡ oà trong tiếng cười vui vẻ. Bác vẫn thế: Cực kỳ trí tuệ, cực kỳ nghiêm túc và kiên quyết trong mọi công việc, nhưng đồng thời cũng luôn hóm hỉnh, thông minh trong quan hệ bạn bè, đồng chí và nhân dân. Không khí buổi chúc thọ Bác càng thêm vô cùng ấm áp. Tất nhiên nhiều đồng chí cũng như đồng chí Văn bữa nọ vẫn không khỏi âm thầm đau buồn nhận thấy tiếng nói của Bác hôm nay đôi lúc vẫn nhỏ đi và dường như bị ngắt lại một chút.

Sáng hôm sau (13- 5-1969), Bác lại có cuộc tiếp khách khác. Ban Bí thư Trung ương định báo cáo với Bác xin lui cuộc tiếp này vài ngày nữa vì e Bác mệt. Tuy nhiên khi hỏi ai muốn gặp, được trả lời là đồng chí Xuân Thuỷ vừa từ Hội nghị Pa-ri trở về báo cáo, Bác bảo mời sang ngay. Và đồng chí Xuân Thuỷ đã tới không phải chỉ một lần mà theo chỉ thỉ của Bác còn phải tới lần thứ hai để Bác hỏi thêm nhiều điều cần thiết và góp ý với phái đoàn. Đồng chí Xuân Thuỷ đã luôn luôn ôm lấy bàn tay Bác và hứa sẽ chấp hành mọi lời chỉ giáo quý báu của Bác.

Đến đúng ngày 19 tháng 5, lại có hai người khách nữa xin được gặp Bác. Đó là chị Phan Thị Quyên, vợ anh Nguyễn Văn Trỗi và chị Lê Thị Vân phụ trách công tác thanh niên, sinh viên của Sài Gòn - Gia định.Hai người vừa trông thấy Bác đã chạy oà tới ôm chầm lấy Bác như những đứa con đi xa quá lâu ngày mới được trở về gặp Cha. Hai chị khóc, khóc mãi không thôi, khóc vì vinh dự, vì quá yêu kính Bác, khóc còn vì đã được nghe biết Bác đang đau yếu nhiều. Chiều hôm đó Bác đã trò chuyện, cùng ăn cơm với hai chị em. Khi hai chị ra về, Bác đặt tay lên ngực mình, nói với ông Vũ Kỳ: "Bao giờ cũng vậy, gặp các cô, các chú, các cháu trong Nam ra, Bác cũng vô cùng sung sướng và thấy khoẻ ra".

Sang tháng 6. Bác đỡ bận rộn hơn, đồng chí Hà Huy Giáp tới gặp Bác xin chỉ thị về việc xuất bản sách "Người tốt việc tốt...

Bước qua tháng 7, Bác tiếp đồng chí Mac-ta Rô-hát - Chủ nhiệm báo Granma - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Cuba. Cuộc phỏng vấn hết sức tốt đẹp. Bác đã tâm sự với Mac-ta Rô-hát: "... Ở miền Nam chúng tôi, mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng. Gộp cả những nỗi đau ấy lại là nỗi đau buồn của chính tôi. Tôi biết rằng tôi chưa làm tròn nhiệm vụ cách mạng của tôi với đồng bào miền Nam. Mặc dù vậy, tôi biết đồng bào miền Nam vẫn thương quý tôi như tôi rất yêu quý họ. Ở miền Nam, tôi không phải là Hồ Chủ tịch mà tôi là Bác Hồ".

Sau đó Bác tiếp đồng chí Sác-lơ Phuốc-nhê-ô, phóng viên báo Nhân đạo - cơ quan của Trung ương Đảng Cộng Sản Pháp. Bác cũng đã nói với Sác-lơ: "Nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi trước hết vì có hai vũ khí lớn: Một là truyền thống chống xâm lược anh hùng hàng nghìn năm của Tổ quốc tôi và đó cũng là lòng yêu nước rất lớn Việt Nam; hai là chủ nghĩa cộng sản mà hai Đảng của chúng ta đang cùng theo đuổi, mà hạt nhân của nó theo chúng tôi là biết suy nghĩ và hành động theo phép biện chứng trên quan điểm duy vật".

Từ lâu, để giữ gìn sức khỏe cho Bác, Bộ Chính trị đã dành thời gian để Bác được nghỉ ngơi, chữa bệnh nên phần nhiều chỉ bố trí khách tới thăm sức khoẻ, hoặc làm việc nhẹ nhàng. Bác hiểu, tuy nhiên Bác vẫn coi trọng tất cả mọi cuộc tiếp xúc, và rất vui khi cảm thấy mình vẫn còn làm được nhiều việc hữu ích.

Bước sang tháng 8 (2-8-1969) Bác lại có cuộc gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Phó Bí th­ư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Bí thư Đảng bộ Sài Gòn - Gia định mới ra Hà Nội họp.

Sáng hôm ấy, cùng đi tập về, Bác dặn đồng chí Vũ Kỳ:

- Chú nhắc nhà bếp chiều nay làm cơm để Bác tiếp đồng chí Mười Cúc. Nhớ làm cho mấy món miền Nam. Mời cả chú Tô và cả chú nữa, ta cùng ăn cơm cho vui.

Đúng 16 giờ 15 phút đồng chí Mười Cúc tới. Bác đã đón sẵn ở dưới ngôi nhà sàn trong trang phục bà ba đen, một cặp kính trắng, đầu trần, đi dép nhựa giản dị. Đồng chí Nguyễn Văn Linh khoẻ mạnh và nhanh nhẹn bước tới ôm lấy Bác. Đã được nghe nói về sức khoẻ của Bác từ trong kia, bây giờ được gặp Bác, đồng chí Linh không khỏi cảm thương. Bác khoác vai đồng chí Mười Cúc cùng vào phòng họp của Trung ương và Bộ Chính trị dưới ngôi nhà sàn. Bác đã biết đồng chí Nguyễn Văn Linh lừ lâu, một con người chân chính, một trong những đồng chí lãnh đạo có đầu óc thông minh, xuất sắc của Đảng ta, vừa có tài năng, trí tuệ vừa có đức độ nên trong Nam ai ai cũng ca ngợi. Đồng chí Tô đã sang. Đồng chí Mười Cúc bắt đầu báo cáo cụ thể với Bác và đồng chí Tô về tình hình chiến trường miền Nam. Tất nhiên cũng chỉ là tóm tắt, khái quát vì đồng chí biết Bác đang rất yếu. Khi đồng chí kể đến những cuộc tàn sát dã man của Mỹ, nguỵ trên chiến trường miền Nam hiện nay, Bác đã không cầm được nước mắt. Đồng chí Nguyễn Văn Linh nhiều lần phải ngừng lại và chính mình cũng phải rớm lệ - rớm lệ vì tấm lòng của Bác đối với miền Nam. Rồi đồng chí tóm tắt hơn nữa, sợ Bác nghe nhiều sẽ mệt.Sau khi dùng cơm xong, xin phép Bác ra về, đồng chí Mười Cúc bỗng được Bác cầm tay giữ lại:

- Bác đề nghị đồng chí khi trở vào hãy bàn với Trung ương Cục hoặc Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia định cố tìm cách cho Bác vào thăm bà con cô bác trong đó. Bác sẵn sàng nghi trang để địch khỏi nhận ra. Bác có thể sẽ cạo bỏ cả bộ râu này đi...

Hoàn toàn sững sờ, đồng chí Linh lặng người đi rồi thành thực thưa với Bác xin hãy thư thư cho bởi tình hình hiện nay dẫu sao vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong xúc động nghẹn ngào, đồng chí Linh càng hiểu hơn: Cho tới lúc này mặc dầu sức khoẻ đã kém đi như vậy nhưng Bác vẫn tiếp tục tha thiết yêu cầu được vào Nam thăm bà con cô bác. Miền Nam vẫn luôn là niềm trăn trở, nhớ thương khôn nguôi trong tim Bác.

Ba hôm sau (ngày 5-8-1969), Bác lại nói với đồng chí Vũ Kỳ có vợ chồng luật sư Trịnh Đình Thảo cũng vừa từ miền Nam mới ra. Bác muốn tới thăm ông bà ấy. Ông Kỳ xin phép có ý kiến: Sức khoẻ Bác chưa được tốt, vậy nên mời ông bà ấy tới đây phải hơn. Bác lắc đầu. Theo ý Bác: Ông bà Thảo cũng đã có tuổi, vừa mới ra, cần được nghỉ ngơi. Bác cháu ta đến tận nơi mới là quý người. Rồi Bác nói thêm cho ông Kỳ rõ: Ông Thảo là một nhà tri thức lớn rất có uy tín ở cả Việt Nam. Tuy chưa phải Đảng viên nhưng ông bà đã công khai, tích cực tham gia phong trào yêu nước từ năm 1945. Ông Thảo đã bị chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm bắt giam ba lần, nhưng không hề sợ hãi, vẫn một lòng hướng về cách mạng. Năm 1968 vừa qua ông đã quyết dấn thân ra mật khu của cách mạng. Trong Đại hội Quốc dân miền Nam (như Quốc hội) vừa qua, ông Trịnh Đình Thảo được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam... Nghe Bác giới thiệu như thế, ông Kỳ hiểu ra ngay. Tuy nhiên ông cũng không khỏi thầm than: "Bác ơi, đang bệnh, đang yếu mệt vậy mà Bác vẫn chẳng nề hà bất cứ việc gì có thể làm cho sự đoàn kết và phát huy được tinh thần tất cả mọi người vì dân vì nước". Thế rồi ngày 5 tháng 8 năm 1969, đúng như mong muốn, Bác đã được đưa tới tận nơi ông bà Trương Đình Thảo đang nghỉ. Thấy Bác tới, ông bà Thảo đều hết sức ngạc nhiên, cùng chạy vội ra, chắp tay chào tỏ lòng kính trọng và hân hạnh. Bác cười rất tươi trong khi ông bà gần như vẫn vô cùng bối rối vì quá cảm kích trước sự viếng thăm:

- Ôi, thưa Bác, thật không sao ngờ Bác lại hạ cố như thế này. Vợ chồng tôi còn biết nói sao để bày tỏ niềm vinh dự và vô cùng sung sướng cũng như niềm tri ân lớn nhất của lòng mình.

(Còn nữa)

Bài viết khác: