Tại phiên họp tổng kết hoạt động của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: "Ngày 28-11-2013, với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập pháp của nước ta, là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của các vị đại biểu Quốc hội, phản ánh được ý chí nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân".
Hiến pháp vừa được thông qua là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, hội nhập quốc tế. Là đạo luật gốc, định hướng những vấn đề cơ bản nhất về chế độ chính trị, tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, về bảo vệ Tổ quốc, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hiệu lực thi hành của Hiến pháp bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp.
Tại Điều 5, Hiến pháp quy định:
- "Nước CHXHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
- Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
- Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.
- Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát trỉển với đất nước".
Như vậy, việc tiếp tục khẳng định quyền bình đẳng các dân tộc trong Hiến pháp càng có ý nghĩa chính trị sâu sắc vì: sự khẳng định đó rất thiêng liêng với mỗi người dân Việt Nam, được đồng bào các dân tộc thiểu số hân hoan đón nhận với niềm tự hào và càng thấy được trách nhiệm của mình trước Tổ quốc, góp phần động viên toàn dân thực hiện Hiến pháp, bảo vệ Hiến pháp.
Sự bình đẳng giữa các dân tộc là bình đẳng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tham gia bảo vệ Tổ quốc; mỗi người dân các dân tộc thiểu số có quyền sống, làm việc theo pháp luật; ngoài quyền ứng cử, còn có quyền bầu cử những người thay mặt mình tham gia vào cơ quan đại diện của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, mỗi người dân đều bình đẳng trước pháp luật về hình sự, dân sự, kinh tế, luật nghĩa vụ quân sự... Như vậy, quyền bình đẳng này đã trở thành một trong những nội dung quan trọng của bản chất ưu việt chế độ xã hội chủ nghĩa của nước ta; thể hiện rõ ràng, kiên định là: Vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Đảng ta, Nhà nước ta đã dựa trên những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền các dân tộc nên đã có chủ trương, chính sách dân tộc đúng đắn, những nội dung quy định trong Hiến pháp là thể chế các nguyên tắc cơ bản: các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng nhau, giúp nhau cùng phát triển, các nội dung này không tách rời mà có quan hệ khăng khít với nhau, tác động lẫn nhau, thúc đẩy nhau trong quá trình phát triển, có thực sự bình đẳng thì mới càng phát huy được tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Đoàn kết, tương trợ không phải chỉ bằng lời nói mà là đoàn kết, tương trợ thực sự vì đoàn kết đã trở thành truyền thống quý báu, được hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, các dân tộc sống chết có nhau, no đói giúp nhau, chia sẻ cho nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, cùng giúp nhau vốn liếng, kinh nghiệm sản xuất để tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành như Bác Hồ hằng mong muốn để các dân tộc cùng phát triển. Sự tôn trọng nhau và không kỳ thị dân tộc được thể hiện rất sinh động về việc các dân tộc cùng nhau kiên trì thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; Nhà nước hỗ trợ, chăm nom cẩn thận các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc còn ít người ở các vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn. Các chính sách đó được thực hiện toàn diện cả lĩnh vực phát triển về kinh tế, hỗ trợ về vốn, giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Nhà nước hỗ trợ việc học tập, nâng cao kiến thức, trình độ dân trí, giúp đỡ đồng bào xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, chăm lo các lĩnh vực y tế, sức khỏe sinh sản, chất lượng dân số của các dân tộc thiểu số. Về văn hóa - xã hội: các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của mình, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy các phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Ngoài các chính sách chung của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đã động viên, tạo điều kiện để các tổ chức thành viên, các hội viên và cả cộng đồng giúp đỡ các dân tộc thiểu số, để các dân tộc phát huy nội lực vươn lên cùng phát triển với đất nước.
Từ thực tế kết quả đã thực hiện các Hiến pháp trước đây, nay kế thừa để tiếp tục thực hiện Hiến pháp: Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, với ý thức vươn lên, không cam chịu đói nghèo, các dân tộc thiểu số đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nhiều chương trình mục tiêu đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số thực sự hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào các dân tộc vươn lên tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sự nghiệp y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ. Đặc biệt Nhà nước đã thực hiện những chính sách đặc thù chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, nên đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số đã trưởng thành, có tri thức, năng lực, dám nghĩ, dám làm, gương mẫu vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nông thôn mới bền vững, chăm lo toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, bảo vệ cuộc sống yên vui cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ sự tôn trọng nhau, cùng nhau giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc lại càng tôn vinh các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong cộng dân tộc Việt Nam, càng củng cố, tăng cường tình đoàn kết bền chặt. Đồng bào các dân tộc không nghe theo kẻ xấu kích động, chia rẽ đoàn kết các dân tộc, không phân biệt xuôi ngược, không trông chờ, ỷ lại mà đồng sức, đồng lòng bảo vệ thành quả cách mạng, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp.
Thể chế và thực hiện nhất quán chính sách dân tộc, Hiến pháp đã ghi rõ Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo. Trong cơ cấu tổ chức của Quốc hội, Quốc hội có Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, là cơ quan mang tính đại diện cho các dân tộc trong Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội là dân tộc thiểu số đều tham gia cơ quan này. Hội đồng Dân tộc có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Dân tộc nghiên cứu, kiến nghị với Quốc hội về công tác dân tộc, thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để đảm bảo triển khai Hiến pháp, các chính sách dân tộc và các Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi có hiệu quả: Tại các phiên họp của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc được mời tham dự phiên họp của Chính phủ bàn về thực hiện chính sách dân tộc. Mối quan hệ này khẳng định vai trò, vị trí của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, tạo điều kiện để Hội đồng Dân tộc nắm bắt trực tiếp việc điều hành của Chính phủ, trực tiếp góp ý kiến tại phiên họp Chính phủ, phản ánh kịp thời việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này với Quốc hội. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền mời thành viên Chính phủ, cá nhân hữu quan báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về các vấn đề liên quan đến thực hiện chính sách dân tộc.
Ngoài ra, trong cơ cấu Chính phủ có Ủy ban Dân tộc của Chính phủ là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trong phạm vi cả nước, tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện Hiến pháp, pháp luật, theo dõi kiểm tra vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng hệ thống, chỉ tiêu, bộ dữ liệu về dân tộc thiểu số; điều tra nghiên cứu tổng hợp về tên gọi, về phong tục tập quán các dân tộc thiểu số; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc, pháp luật trong lĩnh vực dân tộc; lắng nghe giải quyết nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số... theo quy định của Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Càng nghiên cứu sâu sắc từng điều của Hiến pháp, các dân tộc càng thấy tự hào về Đảng ta, về Bác Hồ, về Nhà nước ta; chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, sự chăm lo kiên trì của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, cùng với sự cố gắng vươn lên, đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Do đó, các dân tộc thiểu số càng thấy sâu sắc hơn trách nhiệm trong việc thực hiện Hiến pháp, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta./.
TÒNG THỊ PHÓNG
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội
Theo nhandan.com.vn