Chúng tôi về thăm nhà của bà H’Yiêng Dak Chắt, hay còn gọi là Amí Sơn, ở buôn Yúk, xã Dak Phơi (huyện Lak) khi bà đang sum vầy bên con cháu và kể lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ.
Những năm tháng chống Mỹ, bà cùng bà con trong buôn đồng lòng theo cách mạng. Khi các chàng trai xung phong đánh giặc thì những cô gái như H’Yiêng đi gùi đạn dược, lương thực tiếp tế cho khu căn cứ. Địch điên cuồng lùng sục, H’Yiêng đổi tên là H’Yuôm Bkrông, họ của người Êđê để che mắt địch và tiếp tục làm cách mạng. Vào một buổi chiều cuối năm 1963, khi nhóm của H’Yuôm đang gùi đạn vào rừng bị địch phục kích, H’Yuôm trúng 3 phát đạn, bị thương nặng. Bộ đội ta nhận được tin báo, từ trong căn cứ đã kịp thời ứng cứu, cứu được nhiều người và H’Yuôm.
Bà H’Yiêng (thứ hai, từ trái sang, hàng đầu) vinh dự được chụp ảnh với Bác Hồ.
(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Năm 1964, tổ chức đưa H’Yuôm ra miền Bắc để chữa trị và học tập. Sau khi hồi phục, H’Yuôm đi học chữ và chính trong thời gian này, một vinh dự lớn lao đã đến với H’Yuôm khi cùng với một số anh, chị em người dân tộc thiểu số được may mắn gặp Bác Hồ. Là người con của Tây Nguyên chưa một lần được gặp Bác, chỉ được nghe qua lời kể, những câu chuyện bình dị về Người, đã để lại những tình cảm thật đặc biệt trong lòng H’Yuôm.
Nhắc đến vinh dự được gặp Bác Hồ, bà bồi hồi nhớ lại: “Đó là vào một buổi sáng tháng 3-1964, mình và một số anh, chị em khác được thông báo chuẩn bị đi gặp Bác Hồ. Lúc đó, mình cứ cuống cả lên, quên cả rét, chỉ kịp lấy một chiếc khăn quàng cổ, cùng bộ đồ truyền thống và lên xe. Đến Phủ Chủ tịch, mọi người không ai chịu ngồi mà đều đứng ở tiền sảnh để đón Bác. Khi thấy Bác bước từ đằng xa đến, dang rộng vòng tay ấm áp đón mọi người, chúng tôi chạy ùa lại đón Bác như những người con được gặp lại người cha già thân yêu sau những ngày xa cách. Ai cũng muốn được đứng thật gần Bác, để được nghe Bác nói. Tôi vinh dự được đứng cạnh Bác”. Giọng bà H’Yiêng như nghẹn lại và đôi mắt cứ rưng rưng khi kể về những giây phút ấy, “Khi Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe và bệnh tình của mình, mắt mình như nhòa đi. Là một lãnh tụ nhưng Bác thật giản dị biết bao, ở bên Bác, mình có cảm giác như được về với ama, amí của mình, đó có lẽ là giây phút mà suốt đời này mình không bao giờ quên. Bác còn căn dặn mọi người hãy vững tin vào cách mạng, cố gắng học thật giỏi để phục vụ đất nước sau này…”.
Các em thiếu nhi trong buôn quây quần bên bà H’Yiêng để được nghe bà kể
những câu chuyện về Bác Hồ.
Cuộc gặp gỡ này đã để lại cho bà một món quà quý giá, đó là tấm ảnh bà được chụp chung với Bác Hồ cùng các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. “Trong hình, ngoài Bác Hồ còn có Bác Tôn… nên tấm hình này quý lắm, mình phải cất giữ thật cẩn thận để lại cho con cháu nữa”, bà vừa cười, vừa gói tấm ảnh qua 4 lớp giấy, bọc vào bao ni lông và cho vào tủ khóa lại. Tấm ảnh đen trắng vẫn còn mới, trong ảnh là Bác Hồ với bộ kaki trắng và đôi dép cao su giản dị đang tươi cười hiền hậu. Xung quanh Bác là những người con của đồng bào Tây Nguyên, một lòng quyết tâm theo Đảng, theo Bác Hồ…
Sau lần gặp Bác, theo yêu cầu của cách mạng, ngày ấy bà H’Yuôm lại lên đường đi rất nhiều nơi ở miền Bắc như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa… để vừa học tập, vừa tham gia sản xuất phục vụ chiến trường. Và trong những ngày tháng đó, H’Yuôm đã nên duyên với Y Săm Niê, ở xã Ea Sol (Ea H'leo), một chàng trai người Êđê cũng được ra Bắc. Hai vợ chồng sinh được 3 người con và lấy họ Bkrông. Đất nước thống nhất, bà lại cùng với chồng, con về lại quê hương sau 12 năm xa cách. Già làng Y Tók Bkrông cho hay: “Trong buôn của mình, H’Yiêng là người may mắn nhất khi được gặp Bác Hồ. Những ngày lễ, hay đến sinh nhật Bác, mọi người trong buôn, cùng con cháu lại quây quần bên H’Yiêng để được nghe kể về câu chuyện được gặp Bác”./.
Hà Thiên Ân
Thu Hiền (st)