“Trẻ em Việt Nam sung sướng” - Đây là khẩu hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng hô vang với các cháu thiếu nhi trong tối Tết Trung thu độc lập đầu tiên vào ngày 21-9-1945 tức ngày 15-8 năm Ất Dậu tại Bắc Bộ phủ. Khẩu hiệu ấy cũng chính là mong muốn của Bác, của các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau.
Bác Hồ cùng các thiếu nhi.
Tết Trung thu độc lập đầu tiên
Ngày 17-9-1945, với tình cảm tràn đầy yêu thương, Bác viết: "Hôm nay là Tết Trung thu. Mẹ đã sắm cho các em nào đèn, nào trống, nào pháo, nào hoa... Cái cảnh trăng tròn gió mát, hồ lặng trời xanh của Trung thu lại làm cho các em thêm vui cười hớn hở. Các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Ðố các em biết vì sao?...". Ðằng sau câu hỏi đó là cả một tấm lòng tràn đầy tình thương mến, hy vọng và tin tưởng; là sự căn dặn ân cần và niềm mong mỏi các em học tập, vui chơi, rèn luyện thành những người vừa có tài, vừa có đức, vừa có sức khỏe để trở thành người có ích cho gia đình và cộng đồng xã hội.
Trong cuốn “Theo 117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Ban Tuyên giáo TW, Nxb. CTQG - 2007) đã kể lại tối Trung thu ngày 21-9-1945. Trong câu chuyện đó, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu, sự quan tâm của Bác Hồ kính yêu dành cho các cháu thiếu nhi:
Và đêm nay, Trung thu đã thực sự đến trong nỗi bồi hồi mong đợi của Bác. Theo chương trình thì đúng 21 giờ các em mới đến vui chung với Bác Hồ. Thế mà lúc này chưa đến 20 giờ Bác đã bồn chồn đi lại trong phòng, xem lại đề cương bài phát biểu lát nữa sẽ nói với các em, xem lại những tấm ảnh lát nữa Bác sẽ tặng cho mỗi em một tấm… Thật khó mà hình dung một cụ già đã gần tuổi 60, một vị Chủ tịch nước, một nhà hoạt động quốc tế nổi tiếng, một con người vốn có bản lĩnh ung dung, bình thản trong mọi tình huống, đêm nay lại nóng lòng chờ đợi, gặp gỡ các em nhỏ như vậy.
Hồ Hoàn Kiếm tưng bừng náo nhiệt. Những bóng điện lấp lánh trong các vòm cây. Hàng ngàn, hàng vạn đèn giấy trên tay các em soi bóng xuống mặt hồ. Trên đỉnh Tháp rùa rực sáng ánh điện với băng khẩu hiệu “Việt Nam độc lập”.
Đúng 20 giờ, lễ Trung thu độc lập đầu tiên bắt đầu. Sau lễ chào cờ, một em đại diện cho hàng vạn thiếu nhi Hà Nội phát biểu niềm vui sướng được trở thành tiểu chủ nhân của nước độc lập. Tiếp đó đồng chí Trần Huy Liệu, đại diện Chính phủ, trịnh trọng đọc thư của Bác Hồ gửi thiếu nhi, căn dặn các em cố gắng học tập để xứng đáng với sự quan tâm, chăm sóc của Bác.
Buổi lễ kết thúc, các đoàn đội ngũ chỉnh tề đều bước trong tiếng trống vang vang hướng về Bắc Bộ phủ. Dẫn đầu đoàn là những đội múa lân, múa sư tử cùng hàng ngàn, hàng vạn chiếc đèn giấy lung linh uốn lượn như một dòng sông sao…
Đúng 21 các em có mặt trước Bắc Bộ phủ. Bác Hồ xuất hiện tươi cười, thân thiết. Tiếng hoan hô như sấm dậy. Tiếng trống rộn ràng. Sư tử lại nhảy múa. Tất cả sung sướng hò reo. Chúc mừng Bác Hồ kính yêu.
Bác Hồ xúc động bước xuống thềm đón các em, tiếng hoan hô lại dậy lên. Một em đứng trước máy phóng thanh đọc lại lời chào mừng. Đọc xong em hô to “Bác Hồ muôn năm!”. Lập tức tiếng hô “Muôn năm” rền vang không ngớt.
Bác Hồ giơ cao hai tay tỏ ý cám ơn các em rồi Bác lần lượt bước đến bắt tay từng em đứng ở hàng đầu. Cặp mắt của Bác ánh lên một niềm vui đặc biệt. Trong lúc ở phía ngoài, các đoàn “xe tăng”, các binh sĩ của Hai Bà Trưng, của Đinh Bộ Lĩnh, các đội sư tử với rất nhiều em đeo mặt nạ… ùn ùn kéo vào dinh của Chủ tịch trong tiếng trống hò reo vang dậy, khu vườn Phủ Chủ tịch bỗng nhiên im phăng phắc khi đồng chí phụ trách giới thiệu Bác Hồ sẽ nói chuyện với các em.
Bằng giọng xứ Nghệ có pha lẫn giọng các miền của đất nước, Bác thân thiết trò chuyện với các cháu: “Các cháu! Đây là lời Bác Hồ nói chuyện…”.
Cuối cùng Bác nói: Trước khi các cháu phá cỗ, ta cùng nhau hô hai khẩu hiệu: “Trẻ em Việt Nam sung sướng!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”.
Tiếng hô hưởng ứng của các em rền vang cả một vùng trời.
Tết Trung thu năm đó thật đặc biệt khi Bác có đến hai bức thư gửi cho thiếu nhi. Trong bức thư thứ hai (ngày 22/9/1945, đăng trên báo Cứu Quốc), ngoài những tình cảm và sự căn dặn ân cần, Bác còn muốn gửi đến mọi người hai thông điệp mà Bác từng theo đuổi nó suốt cả cuộc đời hoạt động của mình, đó là "Trẻ em Việt Nam sung sướng" và "Việt Nam độc lập muôn năm".
“Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”
Sinh thời, Bác thường gửi thư, thơ vào những ngày kỷ niệm như Quốc tế thiếu nhi, Ngày khai trường, Tết Trung thu hay mỗi khi các cháu thiếu niên, nhi đồng làm được việc tốt, đạt thành tích xuất sắc. Đó đều là những câu văn, vần thơ rất đỗi giản dị mà luôn chan chứa tình yêu thương của Người.
Tết Trung thu năm 1953 là một trong những cái Tết Trung thu đầy dấu ấn đáng nhớ cho các cháu thiếu nhi. Ðó là cái Tết Trung thu Bác viết thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng toàn bằng thơ. Toàn bộ thư Trung thu bằng thơ như sau:
"9 Tết Trung Thu,
8 năm kháng chiến,
Các cháu khôn lớn,
Bác rất vui lòng.
Thu này Bác gửi thơ chung,
Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa,
Thu này hơn những thu qua,
Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần.
Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Ðông,
Ðưa tin thắng lợi cờ hồng tung bay
Các cháu vui thay!
Bác cũng vui thay!
Thu sau so với thu này vui hơn".
Theo Giáo sư Hoàng Xuân Nhị thì "... Bác là lãnh tụ của Ðảng, của dân tộc, thế mà trong bài thơ, có thể nói, Bác nghiêm chỉnh báo cáo với các cháu nhi đồng những đặc điểm nổi bật nhất của tình hình trong năm... Qua bài thơ, chúng ta thấy tinh thần dân chủ của Bác rất sâu và thái độ quý trọng nâng niu, tình thương của Bác đối với các cháu nhi đồng rất đẹp".
Đến Tết Trung thu năm 1956, Bác Hồ đã gửi thư cho các cháu thiếu nhi miền Nam bày tỏ niềm thương nhớ và động viên các cháu tin tưởng đến ngày sum họp, đoàn tụ tại hai miền Bắc, Nam sẽ không còn xa. Đặc biệt, trong đó Bác Hồ đã gửi gắm mong muốn dành cho các thiếu nhi bởi “Người lớn cứu nước đã đành/ Trẻ em cũng góp phần mình một tay”…:
Bắc - Nam sẽ sum họp một nhà
Bác cháu ta gặp mặt trẻ già vui chung
Nhớ thương các cháu vô cùng
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi
Đáp lại lời kêu gọi của Bác Hồ, cùng với thiếu nhi miền Bắc, thiếu niên, nhi đồng ở miền Nam cũng thi đua lập công như: Anh hùng Lê Văn Tám, Anh hùng Kim Lịch... Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, thiếu niên, nhi đồng khắp cả nước đã cùng thực hiện lời dặn dò của Bác kính yêu, góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà thỏa lòng Bác mong...
Các cháu nhỏ xếp hàng vào Lăng viếng Bác.
Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và toàn xã hội đã và đang quan tâm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Trong đó, công tác giáo dục thế hệ măng non luôn được nhấn mạnh như lời Bác đã khẳng định: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Cách dạy trẻ, cần làm cho các em biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, hiếu động, trẻ trung của các em”… để thực sự xây dựng được một lớp thế hệ “Trẻ em Việt Nam sung sướng” như Bác hằng mong muốn.
Bác đã đi xa nhưng hình ảnh của Bác kính yêu vẫn luôn còn đây, vẫn luôn gần gũi với mọi thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Và không chỉ mỗi khi Trung thu đến mà ngày nào cũng vậy, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam sẽ luôn nhớ về Bác, nhớ về những lời dạy của Bác… Những lời dạy ấy đã trở thành động lực để thúc đẩy mỗi người tiếp tục học tập, rèn luyện để trở thành thế hệ đủ đức đủ tài, là lực lượng xứng đáng kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc./.
Thanh Huyền (Tổng hợp)