1. Chính phủ: Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 11/11/2020 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2020
Theo đó, về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020, Chính phủ thống nhất đánh giá: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhân dân cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có chuyển biến tích cực. Chúng ta tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, không để lây lan trong cộng đồng; tạo điều kiện cho nền kinh tế tiếp tục đã phục hồi và được các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao (Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm 2020 Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN-5, quy mô GDP đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á). Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục xu hướng giảm dần, bình quân 10 tháng tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công tiếp tục là điểm sáng; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 69,8% kế hoạch cả năm. Tiếp tục thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, công nghệ cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Xuất khẩu tăng 4,7%; xuất siêu đạt kỷ lục 18,72 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tháng 10 có dấu hiệu khởi sắc, trong đó ngành chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng tăng, tháng 10 tăng 2,4% so với tháng trước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 tăng 18,4% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4% so với tháng trước. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, hình ảnh và uy tín của Việt Nam được nâng lên. Việc tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp đã tạo thêm niềm tin, khí thế mới trong toàn xã hội tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bên cạnh kết quả đạt được và thời cơ, thuận lợi, nước ta vẫn phải đối mặt vẫn nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều nước phải áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách xã hội; căng thẳng thương mại và nguy cơ bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng trên nhiều lĩnh vực. Trong nước, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, đe dọa tính mạng, đời sống của người dân và ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, nền kinh tế tuy đã từng bước phục hồi nhưng không đồng đều, ngành dịch vụ, nhất là hàng không, du lịch, lưu trú vẫn suy giảm sâu; ngành công nghiệp và xây dựng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là với một số đối tác lớn.
Để hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong thời gian còn lại của năm, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm từ 2,5 - 3%; tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là hai Thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh, không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhất là kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, đeo khẩu trang tại nơi công cộng và nơi tập trung đông người. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị trên diện rộng, khả năng truy vết, dự trữ đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế; chủ động sản xuất và hợp tác để người dân sớm tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19. Đồng thời, có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước.
Chính phủ cũng yêu cầu nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, cơ quan, địa phương như:
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg để sớm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bộ Y tế phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế cho hoạt động khám chữa bệnh từ xa; phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong thanh toán bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Rà soát, đánh giá hiệu quả việc triển khai chương trình sữa học đường giai đoạn 2016 - 2020.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức tốt Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các sự kiện bên lề. Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, nhất là tại các nước dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về những kết quả đạt được trong việc thực hiện “mục tiêu kép”; các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt, tấm gương hy sinh cao cả giúp người dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cấp hạ tầng số, công nghệ thông tin, băng thông rộng quốc tế để triển khai mạng 5G quy mô quốc gia…
Bên cạnh đó, về chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp khi tài trợ máy thở để phòng, chống đại dịch Covid-19, Chính phủ thống nhất nội dung đề xuất của Bộ Tài chính nêu tại văn bản số 13256/BTC-TCHQ ngày 29/10/2020 về nội dung thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 liên quan đến kiến nghị của Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần.
Giao Bộ Tài chính ban hành danh mục cụ thể linh kiện nhập khẩu để sản xuất máy thở được miễn thuế nhập khẩu cho đến khi có văn bản công bố hết dịch Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền và hướng dẫn cơ quan hải quan thực hiện đúng quy định.
Ảnh minh họa/Internet
2. Bộ Y tế: Chỉ thị số 24/CT-BYT ngày 24/11/2020 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19
Chỉ thị nêu rõ: Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Dịch bệnh đã bùng phát trở lại trong mùa đông xuân tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều quốc gia đặc biệt tại khu vực Châu Âu đã phải tái thiết lập việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội. Trong nước, tình dịch bệnh vẫn đang tiếp tục được kiểm soát. Cả nước đã tải qua hơn 80 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Mặc dù vậy, các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài dương tính với SARS-CoV-2 vẫn liên tục được ghi nhận trong thời gian vừa qua do đó nguy cơ dịch bệnh xuất hiện vẫn luôn thường trực đặc biệt nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong thời gian tới, trong nước sẽ diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện chính trị quan trọng, công tác phòng, chống dịch được yêu cầu đặt trong tình trạng nghiêm ngặt với mức độ an toàn cao nhất. Để tăng cường việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không để ảnh hưởng sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:
- Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020 về việc phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và trực tiếp chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan.
- Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị y tế chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị và phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần gương mẫu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng dịch nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người, các hoạt động sản xuất, kinh doanh…
- Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
+ Tiếp tục thực hiện đánh giá theo Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp theo Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 của Bộ Y tế; trên cơ sở đó rà soát các vấn đề không an toàn và các nguy cơ tiềm ẩn được phát hiện, xây dựng kế hoạch khắc phục, giải pháp can thiệp nhằm tăng cường năng lực phòng, chống dịch của bệnh viện và cập nhật các tiêu chí an toàn Covid-19 đối với các cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế lên bản đồ chung sống an toàn Covid-19.
+ Duy trì tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đặc biệt tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; tiếp tục đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường…
+ Tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ, bệnh nhân nằm điều trị tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng và nhân viên y tế; tăng cường tập huấn về công tác xét nghiệm, điều trị, sử dụng trang thiết bị máy thở, máy lọc máu và các thiết bị khác phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư vấn, khám, chữa bệnh; tiếp tục yêu cầu tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đến thăm, chăm sóc phải thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh; có hình thức phân luồng ưu tiên đối với người đến khám, điều trị thực hiện việc cài đặt và bật ứng dụng truy vết. Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký lịch khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa.
+ Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống Covid-19 tại các khoa, phòng, bộ phận trong bệnh viện.
+ Cập nhật phác đồ điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19; chuẩn bị cơ sở điều trị dự phòng khi dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn, khi phong tỏa bệnh viện.
- Đối với các đơn vị y tế dự phòng:
+ Thực hiện nghiêm các quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu; Yêu cầu tất cả người nhập cảnh bắt buộc phải khai báo y tế; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức phân loại các trường hợp phải cách ly phù hợp theo quy định ngay tại cửa khẩu; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của người nhập cảnh hằng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế. Rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 đối với tất cả các trường hợp là chuyên gia nhập cảnh từ nước ngoài.
+ Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng; thực hiện khoanh vùng, cách ly kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế trong khu vực cách ly.
+ Chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng khi có yêu cầu về phòng chống dịch; tổ chức tập huấn, tăng cường đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm, nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, đáp ứng nhanh khi có tình huống dịch bệnh xảy ra.
- Đối với các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc cơ quan, đơn vị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế:
+ Xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập khẩu.
+ Phối hợp lấy mẫu xét nghiệm các thực phẩm từ nguồn nhập khẩu trên địa bàn để xác định, đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
- Đối với Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
+ Tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, thành phố; tiếp tục tham mưu để huy động việc đầu tư nguồn lực, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch xảy ra trên địa bàn.
+ Tiếp tục chỉ đạo quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh; xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy đinh, tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, không thực hiện cách ly theo quy định.
+ Chủ động xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản, diễn tập phòng chống dịch theo các tình huống cụ thể khi tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch đối với các địa điểm có nguy cơ cao; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp không thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người.
+ Chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện, phòng khám tư nhân tuyến huyện, tuyến xã thực hiện ngay việc cung cấp thông tin, cập nhật dữ liệu, khai báo, chấm điểm định kỳ dành cho bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có hình thức xử lý đối với các cơ sở không thực hiện, không đảm bảo an toàn.
+ Chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện các biện pháp nhằm phòng chống lây nhiễm Covid-19 từ nguồn thực phẩm nhập khẩu.
+ Tiếp tục thực hiện công tác truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, tuyên truyền thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tránh tâm lý lơ là, chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tham mưu cho chính quyền địa phương việc thực hiện các chế tài xử phạt hành chính với các trường hợp cố tình vi phạm việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
+ Xây dựng, chuẩn bị và triển khai phương án đảm bảo dự trữ đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống Covid-19.
+ Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII theo đúng kế hoạch của Bộ Y tế.
- Đối với các Viện nghiên cứu:
+ Tiếp tục rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu các biện pháp chuyên môn kỹ thuật về giám sát, đáp ứng chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình dịch và tiến bộ kỹ thuật của các nước trên thế giới, tiếp tục hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ các địa phương thực hiện các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về giám sát phát hiện, khoanh vùng dập dịch, cách lý và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
+ Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng bệnh Covid-19, các phương pháp xét nghiệm mới để sàng lọc, xác định SARS-CoV-2; tập trung hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng bệnh Covid-19.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Thông tư số 12/2020/TT-NHNN ngày 11/11/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 07/5/2020 quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Thông tư này quy định về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sau đây gọi là Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg) và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi là Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg).
Về số tiền tái cấp vốn, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg với tổng số tiền tái cấp vốn tối đa là 16.000 tỷ đồng (mười sáu nghìn tỷ đồng.
Thời hạn giải ngân tái cấp vốn từ ngày ký khế ước nhận nợ đầu tiên đến hết ngày 31/01/2021.
Trước ngày 20/02/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội có văn bản giấy, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về số liệu tiền vay tái cấp vốn đã giải ngân theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg theo Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này, đồng thời gửi Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; thời gian chốt số liệu từ ngày bắt đầu nhận giải ngân tiền vay tái cấp vốn đến hết ngày 31/01/2021.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc đầu tháng tiếp theo sau tháng Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả nợ vay tái cấp vốn quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư này, Ngân hàng Chính sách xã hội có văn bản giấy, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước, báo cáo về việc trả nợ vay tái cấp vốn từ tiền trả nợ của người sử dụng lao động theo Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này; thời gian chốt số liệu từ ngày 01 của tháng phát sinh tiền trả nợ của người sử dụng lao động đến hết ngày cuối cùng của tháng Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả nợ vay tái cấp vốn.
Thu Hiền (tổng hợp)