1. Luật Đầu tư năm 2020

Ngày 17/6/2020, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và thay thế Luật Đầu tư năm 2014.

Luật Đầu tư năm 2020 có một số nội dung mới đáng chú ý sau đây:

Chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ (Điều 6)

Từ ngày 01/01/2021, cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ (quy định mới).

- Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I Luật Đầu tư năm 2020.

- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II Luật Đầu tư năm 2020.

luat moi phan 2
Ảnh minh họa: Internet

- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III Luật Đầu tư năm 2020.

- Kinh doanh mại dâm.

- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người (bổ sung việc cấm mua, bán xác, bào thai người).

- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

- Kinh doanh pháo nổ.

Bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư (Khoản 1 Điều 16)

Luật Đầu tư năm 2020 bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư so với hiện nay, gồm:

- Giáo dục đại học.

- Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.

- Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

- Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế.

- Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

Số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện giảm còn 227

Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trước đây được áp dụng theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư năm 2014, bao gồm 243 ngành, nghề.

Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021 thì số lượng này sẽ được giảm xuống còn 227 ngành nghề theo Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020.

Ngoài ra, Luật còn quy định một số nội dung mới như: Thêm hình thức ưu đãi đầu tư (khoản 1 Điều 15); chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt (Điều 20); điều kiện thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài (Điều 22)…

2. Luật Doanh nghiệp năm 2020

Một số điểm mới nổi bật của Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:

Bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng

Theo đó, Điều 43 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về con dấu của doanh nghiệp như sau:

- Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

- Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

- Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

Như vậy, so với quy định về con dấu tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”.

Thêm đối tượng không được thành lập doanh nghiệp

Cụ thể, Luật Doanh nghiệp năm 2020 bổ sung thêm nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp, gồm:

- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

- Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp).

- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Bổ sung quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết

So với Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 bổ sung quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết như sau:

Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết.

3. Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 có một số điểm mới đáng chú ý sau:

Bỏ quy định về đủ vốn khi khởi công xây dựng

Khoản 39 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung điều kiện khởi công xây dựng công trình. Theo đó, không còn quy định điều kiện về bố trí đủ vốn theo tiến độ xây dựng công trình.

Luật mới quy định việc khởi công xây dựng công trình phải bảo đảm các điều kiện sau:

- Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng.

- Có giấy phép xây dựng đối với công trình phải có giấy phép.

- Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt.

- Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với nhà thầu thực hiện các hoạt động xây dựng liên quan đến công trình được khởi công theo quy định của pháp luật.

- Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.

- Chủ đầu tư đã gửi thông báo về ngày khởi công xây dựng đến cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng tại địa phương trước thời điểm khởi công xây dựng ít nhất là 03 ngày làm việc.

Một số dự án phải đánh giá tác động môi trường

Khoản 11 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã bổ sung quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường khi lập dự án đầu tư xây dựng. Những loại dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường gồm:

- Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công.

- Dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

- Dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư.

Nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân khi xây dựng không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

4. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2020

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2020 có một số nội dung đáng chú ý như bổ sung thêm văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; sửa quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật… Cụ thể:

Bổ sung thêm VBQPPL vào hệ thống VBQPPL

Cụ thể, Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi năm 2020 bổ sung thêm hai loại VBQPPL sau:

- Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Sửa quy định về thời điểm có hiệu lực của VBQPPL

Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần VBQPPL được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn:

- 45 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của cơ quan nhà nước ở Trung ương.

- 10 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh (hiện hành quy định không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với VBQPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh).

- 07 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã (hiện hành quy định không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã).

VBQPPL ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua/ký ban hành, đồng thời phải được:

- Đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành.

- Đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày công bố/ký ban hành với VBQPPL của cơ quan nhà nước ở Trung ương; hoặc đăng công báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh(hiện hành quy định đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chậm nhất là sau 03 ngày kể từ ngày công bố/ký ban hành).

VBQPPL có thể bị đình chỉ, bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước khác

VBQPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng VBQPPL của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền.

(Hiện hành quy định việc đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ VBQPPL phải bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền).

5. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 có một số nội dung đáng chú ý sau đây:

Thu hẹp các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP

Theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 thì lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP đã thu hẹp chỉ còn 5 lĩnh vực sau:

(1) Giao thông vận tải;

(2) Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực;

(3) Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải;

(4) Y tế; giáo dục - đào tạo;

(5) Hạ tầng công nghệ thông tin.

Thông tin dự án phải công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đầu tư theo phương thức PPP, Điều 9 của Luật quy định một số thông tin phải được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Cụ thể:

- Thông tin về quyết định chủ trương đầu tư; quyết định phê duyệt dự án PPP.

- Thông tin về lựa chọn nhà đầu tư, gồm: Thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

- Thông tin về nhà đầu tư được lựa chọn, doanh nghiệp dự án PPP.

- Nội dung chính của hợp đồng dự án PPP, gồm: Tổng vốn đầu tư; cơ cấu nguồn vốn trong dự án; loại hợp đồng; thời hạn thực hiện dự án (nếu có); giá, phí sản phẩm, dịch vụ; hình thức và địa điểm thu giá, phí (nếu có) và các thông tin cần thiết khác.

- Giá trị quyết toán vốn đầu tư công trong dự án PPP trong trường hợp có sử dụng.

- Văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.

- Cơ sở dữ liệu về nhà đầu tư.

- Thông tin giải quyết kiến nghị, xử lý vi phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.

Ngoài ra, các thông tin này còn được khuyến khích đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Quy định chi tiết tư cách hợp lệ của nhà đầu tư

Không phải nhà đầu tư nào cũng có thể tham gia đầu tư theo phương thức PPP mà chỉ những nhà đầu tư đáp ứng được các điều kiện sau:

- Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà đầu tư đang hoạt động cấp.

- Hạch toán tài chính độc lập; bảo đảm cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư.

- Không đang trong quá trình giải thể; không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật.

- Không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải liên danh với nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân để tham dự thầu.

- Nhà đầu tư thành lập theo pháp luật nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường khi tham dự thầu dự án thuộc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện theo pháp luật về đầu tư.

6. Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2020

Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2020 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2020có một số nội dung đáng chú ý sau đây:

Thêm điều kiện quốc tịch của đại biểu Quốc hội

Hiện nay, để trở thành đại biểu Quốc hội phải đáp ứng 05 điều kiện là: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội…

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội bổ sung thêm 01 điều kiện nữa là phải có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn cũng như đảm bảo đại biểu Quốc hội là người Việt Nam.

Nâng số lượng đại biểu Quốc hội thêm 5%

Theo quy định hiện nay, tại Điều 23 Luật Tổ chức Quốc hội, tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách.

Trong đó, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, Luật sửa đổi này đã nâng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội.

Quy định này tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách, góp phần tăng cường tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: