1. Thông tư số 140/2020/TT-BCA ngày 23/12/2020 của Bộ Công an quy định về triển khai các hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/02/2021.
Thông tư này quy định về nguyên tắc, quy trình chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân.
Nguyên tắc trong hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:
- Tuân thủ quy định của pháp luật về Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Việc tiếp nhận thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn và triển khai hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm tính cơ động và thống nhất trong chỉ huy điều hành.
Ảnh minh họa: Internet
- Trước hết phải ưu tiên cứu người bị nạn; bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
- Khi điều động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải điều động đơn vị gần nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn trước, sau đó đến các đơn vị ở xa.
- Nghiêm cấm lợi dụng nhiệm vụ được giao trong hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để sách nhiễu, gây phiền hà, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Quy trình chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được quy định cụ thể trong Thông tư này.
2. Thông tư số 145/2020/TT-BCA ngày 29/12/2020 của Bộ Công an quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2021.
Thông tư này quy định những người được bảo vệ, phạm vi, nội dung bảo vệ và căn cứ áp dụng biện pháp bảo vệ bao gồm:
- Những người được bảo vệ gồm: Người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí (gọi chung là người được bảo vệ). Người được bảo vệ đang sinh sống, làm việc, học tập tại nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
- Phạm vi, nội dung bảo vệ người được bảo vệ, gồm: Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm. Tài sản được bảo vệ là tài sản thuộc quyền sở hữu của người được bảo vệ. Tài sản của người được bảo vệ tại nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
- Căn cứ áp dụng biện pháp bảo vệ: Khi có căn cứ về việc tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc do việc tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí.
Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ: Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật Tố cáo. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, cơ quan Công an có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ không chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ trong trường hợp người được bảo vệ tự đề nghị chấm dứt, từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc không chấp hành các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Tố cáo.
Một số trách nhiệm thực hiện việc bảo vệ người được bảo vệ như sau:
- Cơ quan Công an các cấp nơi người được bảo vệ có địa chỉ nơi ở hoặc nơi có tài sản, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ; quyết định huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, công cụ, biện pháp và các nội dung đề nghị, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan phối hợp thực hiện việc bảo vệ. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp theo đề nghị, yêu cầu của cơ quan Công an các cấp.
- Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo thấy có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này, thì kịp thời đề nghị, yêu cầu cơ quan Công an cấp có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ, thực hiện như sau:
+ Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quy định tại các khoản 6, 7, 8 Điều 13; khoản 4 Điều 14; khoản 4 Điều 15; Điều 16; khoản 1, 3 Điều 17 và Điều 20 Luật Tố cáo kịp thời đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ đến Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Giám đốc Công an cấp tỉnh) có liên quan, đồng thời gửi Bộ trưởng Bộ Công an để chỉ đạo. Khi nhận được đề nghị, yêu cầu bảo vệ, Giám đốc Công an cấp tỉnh xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc chỉ đạo Công an các đơn vị trực thuộc có liên quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
+ Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 13; khoản 2, 3 Điều 14; khoản 2, 3 Điều 15; khoản 2 Điều 17 và Điều 18, Điều 19 Luật Tố cáo kịp thời đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ đến Giám đốc Công an cấp tỉnh. Khi nhận được đề nghị, yêu cầu bảo vệ, Giám đốc Công an cấp tỉnh xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc chỉ đạo Công an các đơn vị trực thuộc có liên quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
+ Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quy định tại các khoản 2 Điều 13; khoản 1 Điều 14; khoản 1 Điều 15 và Điều 21 Luật Tố cáo kịp thời đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ đến Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Trưởng Công an cấp huyện). Khi nhận được đề nghị, yêu cầu bảo vệ, Trưởng Công an cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc chỉ đạo Trưởng Công an phường, Trưởng đồn, Trưởng trạm Công an, Trưởng Công an thị trấn, Trưởng Công an xã thuộc biên chế của lực lượng Công an nhân dân (gọi chung là Trưởng Công an cấp xã) có liên quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ…
3. Thông tư số 168/2020/TT-BQP ngày 25/12/2020 của Bộ Quốc phòng quy định kiểu mẫu, màu sắc trang phục thường dùng, trang phục dã chiến, trang phục nghiệp vụ và trang phục công tác của Cảnh sát biển Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/02/2021.
Theo Thông tư, một số kiểu mẫu, màu sắc trang phục của Cảnh sát biển Việt Nam như sau:
Kiểu mẫu, màu sắc cảnh phục thường dùng mùa hè của nam, nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp:
- Kiểu mẫu
+ Nam
Áo: Kiểu áo sơ mi ngắn tay, cổ đứng. Mỗi bên đầu cổ áo thùa hai khuyết đeo phù hiệu. Ngực có hai túi ốp nổi, nắp túi cài cúc. Nẹp áo cài năm cúc và một cúc chân cổ. Vai áo có dây vai đeo cấp hiệu. Tay áo bên trái gắn lô gô Cảnh sát biển. Thân sau có cầu vai xếp hai ly. Cúc áo đường kính 15 mm.
Quần: Thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Thông tư này.
+ Nữ
Áo: Kiểu áo sơ mi ngắn tay, cổ bẻ. Mỗi bên đầu cổ áo thùa 2 khuyết đeo phù hiệu. Thân trước có chiết vai, chiết eo; hai túi dưới ốp nổi. Nẹp áo cài năm cúc. Vai áo có dây vai đeo cấp hiệu. Tay áo bên trái gắn lô gô Cảnh sát biển. Thân sau có sống sau may liền. Cúc áo đường kính 15 mm.
Quần: Thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 Thông tư này.
+ Cúc áo: Thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 4 Thông tư này.
- Màu sắc: Áo màu trắng, quần màu xanh tím than, cúc áo màu vàng.
- Kiểu mẫu, màu sắc cảnh phục thường dùng mùa hè của nam, nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Kiểu mẫu, màu sắc cảnh phục thường dùng của nam học viên đào tạo sĩ quan và hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; hạ sĩ quan, binh sĩ:
- Kiểu mẫu:
+ Áo: Kiểu áo sơ mi cổ bẻ. Đầu cổ áo thùa hai khuyết đeo phù hiệu. Nẹp áo cài năm cúc. Thân trước có hai túi ốp nổi, nắp túi cài cúc. Vai áo có dây vai đeo cấp hiệu. Cầu vai thân sau mỗi bên xếp một ly. Tay áo dài có măng séc cài cúc, bên trái gắn lô gô Cảnh sát biển. Cúc áo bằng nhựa, đường kính 15 mm.
+ Quần: Kiểu quần âu dài, có hai túi chéo, cửa quần cài cúc. Thân trước mỗi bên xếp một ly lật về phía sườn. Thân sau mỗi bên chiết một ly, có một túi hậu. Cạp quần có sáu dây nhôi để luồn dây lưng, hai bên cạp thiết kế dây điều chỉnh vòng bụng. Phía trên gấu quần có gắn dây nhôi cài cúc. Cúc quần bằng nhựa, đường kính 15 mm.
- Màu sắc:
+ Mùa đông: Áo, quần màu xanh tím than.
+ Mùa hè: Áo màu trắng, quần màu xanh tím than.
- Kiểu mẫu, màu sắc cảnh phục thường dùng của nam học viên đào tạo sĩ quan và hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định tại Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Thông tư số 172/2020/TT-BQP ngày 30/12/2020 của Bộ Quốc phòng ban hành chương trình, nội dung; chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/02/2021.
Ban hành kèm theo Thông tư này Chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Mục tiêu chung là bồi dưỡng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động đối ngoại gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh. Nâng cao nhận thức, vận dụng có hiệu quả trong tổ chức thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới theo từng cương vị.
Mục tiêu cụ thể:
- Về phẩm chất chính trị: Rèn luyện phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội.
- Về kiến thức: Bảo đảm cho đối tượng bồi dưỡng nắm vững quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; nghệ thuật quân sự Việt Nam; tình hình, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; khu vực phòng thủ; phòng thủ dân sự; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; kết hợp quốc phòng, an ninh với đối ngoại.
- Về kỹ năng: Bảo đảm cho đối tượng bồi dưỡng hiểu biết và thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở nơi công tác, nơi cư trú.
Khánh Linh (tổng hợp)