1. Chính phủ: Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên:

- Số lượng: Khoảng 150 triệu liều. Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, quyết định số lượng vắc xin cụ thể cần mua, nhập khẩu theo từng giai đoạn.

- Cơ chế mua vắc xin: Thực hiện mua sắm trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013.

Phan 39
Ảnh minh họa/Internet

Đối tượng, địa bàn ưu tiên tiêm và miễn phí như sau:

- Đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí:

+ Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); Quân đội; Công an.

+ Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

+ Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...

+ Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

+ Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.

+ Người sinh sống tại các vùng có dịch.

+ Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

+ Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

+ Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

- Địa bàn: Ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tại khoản 1 ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.

- Căn cứ khả năng cung ứng vắc xin, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, đối tượng ở vùng có dịch.

Nguồn kinh phí thực hiện gồm:

- Ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước:

+ Ngân sách địa phương đảm bảo cho người dân trên địa bàn và các đối tượng do địa phương quản lý.

+ Ngân sách trung ương đảm bảo cho các đối tượng do các cơ quan trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương theo quy định sau:

Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên: Ngân sách trung ương hỗ trợ 70% mức ngân sách nhà nước thực chi theo quy định;

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại: Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên: Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện; Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%: Ngân sách trung ương hỗ trợ 30% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại: Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;

Các địa phương sử dụng tối đa 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương, tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trường hợp địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở mức độ lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương, gồm: 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% Quỹ dự trữ tài chính địa phương, ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện.

- Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả.

2. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 31/TB-VPCPngày 25/02/2021 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19

Trong Kết luận, Thủ tướng Chính phủ biểu dương Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, các bộ liên quan, các địa phương đã rất tích cực, quyết liệt thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, nhất là tại các địa phương đang có ca bệnh. Các lực lượng tiền phương của Bộ Y tế đã bám sát địa bàn, hỗ trợ tích cực và có hiệu quả công tác chống dịch tại các địa phương. Xuất hiện nhiều tấm gương điển hình phòng chống dịch và các hoạt động rất nhân văn hỗ trợ nhân dân vùng có dịch. Một số trường hợp vi phạm quy định về khai báo y tế, cố tình vi phạm về phòng, chống dịch đã được xử lý nghiêm. Đến nay, về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh; tại 11/13 tỉnh, thành phố có dịch đã hơn một tuần qua không ghi nhận các ca mắc mới.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Cụ thể:

- Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

+ Chủ động quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với các mức nguy cơ đối với từng khu vực, địa điểm cụ thể trên địa bàn, bảo đảm không chủ quan, không “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến hoạt động lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm yêu cầu 5K (trước hết là đeo khẩu trang, trong đó tăng cường sử dụng khẩu trang vải), không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…).

UBND các tỉnh đang có dịch, nhất là tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết, xét nghiệm, dập dịch dứt điểm, không để lây lan trên diện rộng.

+ Có biện pháp cụ thể thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa bảo đảm an toàn phòng chống dịch và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

- Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế ban hành ngay quy chế bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải qua lại, đi đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch, nhất là tại địa bàn kinh tế trọng điểm như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương.

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc mua, sử dụng vắc xin COVID-19 ngay trong ngày 24/02/2021.

- Làm đầu mối thực hiện việc mua, nhập khẩu tiếp nhận viện trợ, tài trợ vắc xin COVID-19; có phương án phù hợp, không để xảy ra ách tắc về thủ tục trong thực hiện việc này. Phối hợp với Bộ Ngoại giao (nhất là với các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài) trong việc tiếp cận nguồn cung vắc xin.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận, phân phối vắc xin bảo đảm kịp thời, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 50-CV/VPTW ngày 19/02/2021 và của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 312/VPCP-KGVX ngày 08/02/2021.

- Nhanh chóng tổ chức tiêm vắc xin, trước hết cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết của Chính phủ.

- Tiếp tục rà soát, thúc đẩy đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó quán triệt tinh thần chủ động, tích cực, không chủ quan, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tại Hải Dương, Hải Phòng và sớm xử lý dứt điểm các ổ dịch hiện có.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, phải tiếp tục chỉ đạo việc cho học sinh đến trường, thực hiện các quy định phòng, chống dịch tại trường học, bảo đảm an toàn.

Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung, ngăn ngừa có hiệu quả việc lây nhiễm trong các cơ sở cách ly tập trung.

Các Bộ: Quốc phòng, Công an, UBND cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo quản lý, kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, ngăn chặn và xử lý kịp thời hoạt động nhập cảnh trái phép.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước và thực hiện cách ly kịp thời, đúng quy định.

Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thông tin, truyền thông về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch nhất là về thực hiện 5K, khuyến cáo chủ động khai báo y tế... trên tinh thần truyền thông vì lợi ích chung, đưa tin chính xác, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và không gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của một số địa phương (như Hà Nội, Hải Phòng...) về việc mua vắc xin theo phương thức xã hội hóa như tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Thủ tướng Chính phủ. Giao Bộ Y tế hướng dẫn kịp thời, cụ thể.

Đồng thời, cũng đồng ý với các kiến nghị của Bộ Y tế về vấn đề số lượng vắc xin mua, đối tượng tiêm, lộ trình, ký kết thỏa thuận bồi thường với nhà sản xuất, tiếp nhận các nguồn kinh phí phù hợp mua vắc xin một cách chặt chẽ, đúng pháp luật.

3. Văn phòng Chính phủ: Công văn số 1193/VPCP-KTTH ngày 24/02/2021 về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo đó, xét Báo cáo của Bộ Công Thương tại văn bản 901/TTr-BCT ngày 21/02/2021 về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đầy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến như sau:

- Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid -19, Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 19/02/2021 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và Thông báo 28/TB-VPCP ngày 17/02/2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

- Các Bộ: Y Tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan trên cơ sở báo cáo và kiến nghị nêu trên của Bộ Công Thương, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hoá, nhất là đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và nông sản tại các địa phương có dịch COVID-19, không để tình trạng ách tắc trong khâu giao nhận, vận tải làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định.

- Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng tại thị trường trong nước và xuất khẩu; chủ động theo dõi, nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.

4. Bộ Y tế: Công văn số 1096/BYT-MT ngày 23/02/2021 về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới tại nơi làm việc

Trong Công văn, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung sau:

- Tăng cường kiểm tra và đôn đốc các cơ sở lao động trên địa bàn quản lý nghiêm túc thực hiện Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”; đặc biệt chỉ đạo công tác tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Yêu cầu người sử dụng lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm yêu cầu “5K” trong phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế).

- Yêu cầu người lao động cài đặt ứng dụng truy vết Bluzone và thường xuyên bật Blutooth để ứng dụng hoạt động hiệu quả, nhằm cảnh báo sớm nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm, người nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 để giúp cơ quan chức năng phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm.

5. UBND thành phố Hà Nội: Công văn số 572/UBND-KGVX ngày 27/02/2021 về việc cho học sinh trở lại trường sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Văn bản nêu rõ: UBND Thành phố đồng ý đề xuất của liên Sở: Giáo dục và Đào tạo - Y tế tại Tờ trình liên ngành số 522/TTrLN: SGDĐT-YT ngày 24/02/2021 về việc cho học sinh trở lại trường học từ ngày 02/3/2021 (thứ Ba).

Đồng ý với đề xuất của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình 903/TTr-SLĐTBXH ngày 24/02/2021 về việc cho sinh viên, học viên trở lại trường học từ ngày 08/3/2021 (thứ Hai).

UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các trường, các đơn vị và tổ chức liên quan triển khai nghiêm túc, đầy đủ cac biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Trung ương và thành phố để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: