1. Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2021.

Theo Thông tư, điều kiện sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc: Người sử dụng lao động phải tuân thủ Điều 145 của Bộ luật Lao động khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, với các quy định cụ thể sau:

- Giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

- Bố trí thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Lao động. Người chưa đủ 15 tuổi vừa làm việc vừa học tập hoặc có nhu cầu học tập thì việc bố trí thời giờ làm việc phải bảo đảm không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi.

lao dong chua thanh nien
Ảnh minh họa: Internet

- Bố trí các đợt nghỉ giải lao cho người chưa đủ 15 tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật Lao động.

- Tuân thủ quy định về khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Lao động và Luật An toàn, vệ sinh lao động.

- Chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm công việc nhẹ khi công việc đó đáp ứng các điều kiện sau:

+ Là công việc có trong danh mục quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

+ Nơi làm việc không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Lao động và khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.

- Không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

 Một số công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm: Biểu diễn nghệ thuật; Vận động viên thể thao; Lập trình phần mềm; Các nghề truyền thống: chấm men gốm; cưa vỏ trai; làm giấy dó; làm nón lá; chấm nón; dệt chiếu; làm trống; dệt thổ cẩm; thêu thổ cẩm; làm bún gạo; làm miến; làm giá đỗ; làm bánh đa; dệt tơ tằm; se sợi hoa sen; vẽ tranh sơn mài, se nhang, làm vàng mã (trừ các công đoạn có sử dụng hóa chất độc hại như sơn ta, hóa chất tẩy rửa, hóa chất dùng để ướp màu, hóa chất tạo mùi, tạo tàn nhang cong…); Các nghề thủ công mỹ nghệ: thêu ren; mộc mỹ nghệ; làm lược sừng; làm tranh dân gian (tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống…); nặn tò he; làm tranh khắc gỗ, biểu tranh lụa; nhặt vỏ sò, điệp để gắn trên tranh mỹ nghệ; mài đánh bóng tranh mỹ nghệ; xâu chuỗi tràng hạt kết cườm, đánh bóng trang sức mỹ nghệ; làm rối búp bê; làm thiếp mừng các sản phẩm từ giấy nghệ thuật trang trí trên thiếp mừng; làm khung tranh mô hình giấy, hộp giấy, túi giấy; Đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như: mây, tre, nứa, dừa, chuối, bèo lục bình, đay, cói, quế, guột, đót, lá nón; Gói nem, gói kẹo, gói bánh (trừ việc vận hành hoặc sử dụng các máy, thiết bị, dụng cụ đóng gói)…

2. Thông tư số 01/2021/TT-BYT ngày 25/01/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2021.

Theo đó, một số nội dung khuyến khích kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh:

- Tập thể:

Xã đạt 100% thôn đã có nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong hương ước, quy ước được đề xuất Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện khen thưởng một lần kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

- Cá nhân:

Căn cứ mục tiêu chính sách dân số và thực tiễn, để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, địa phương lựa chọn, quyết định một số nội dung cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ cho cặp vợ chồng sinh 02 (hai) con một bề cam kết không sinh thêm con như: tôn vinh, biểu dương việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan, con học giỏi, thành đạt; miễn, giảm học phí, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế học sinh; hỗ trợ sữa học đường và các nội dung, hình thức phù hợp khác.

Một số nội dung khuyến khích góp phần nâng cao chất lượng dân số:

- Tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh:

+ Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; sống tại vùng nhiễm chất độc dioxin, vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thực hiện tầm soát trước sinh (sàng lọc trước sinh), tầm soát sơ sinh (sàng lọc sơ sinh) và hỗ trợ bằng tiền (nếu có).

+ Cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn mà thôn phụ trách đạt và vượt các chỉ tiêu về vận động đối tượng tham gia thực hiện tầm soát trước sinh, tầm soát sơ sinh được khen thưởng, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

- Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi:

+ Tập thể: Xã đạt 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ được đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng một lần kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

Căn cứ mục tiêu chính sách dân số và thực tiễn, để bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, địa phương lựa chọn, quyết định khuyến khích, hỗ trợ để phát triển các loại hình câu lạc bộ rèn luyện sức khỏe, văn hóa, giải trí của người cao tuổi tại cộng đồng; mở rộng các loại hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và các nội dung phù hợp khác.

+ Cá nhân:

Cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn mà thôn phụ trách đạt và vượt các chỉ tiêu về vận động, theo dõi chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng được khen thưởng, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

3. Thông tư số 11/2021/TT-BTC ngày 05/02/2021 của Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư số 161/2014/TT-BTC ngày 31/10/2014 của Bộ Tài chính quy định công tác bảo vệ bí mật nhà nước của ngành tài chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/3/2021.

Thông tư này quy định bãi bỏ toàn bộ Thông tư số 161/2014/TT-BTC ngày 31/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định công tác bảo vệ bí mật nhà nước của ngành Tài chính.

4. Thông tư số 12/2021/TT-BQP ngày 28/01/2021 của Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 170/2016/TT-BQP ngày 30/10/2016 của Bộ Quốc phòng quy định cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương, phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm trong trường hợp bị kỷ luật hạ bậc lương; trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2021.

Một số điều được sửa đổi, bổ sung của Thông tư số 170/2016/TT-BQP như sau:

Bổ sung Điều 8a như sau:

“Điều 8a. Đối tượng, điều kiện kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ.

Đối tượng:

a) Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ cao đẳng trở lên đang đảm nhiệm các chức danh: Kỹ thuật viên, Nhân viên Kỹ thuật, Huấn luyện viên, Nghệ sĩ, Nhạc sĩ, Diễn viên làm việc đúng chuyên ngành đào tạo ở các cơ sở nghiên cứu, nhà trường, bệnh viện, trung tâm thể dục thể thao, đoàn nghệ thuật, nhà máy, doanh nghiệp quốc phòng; đơn vị đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

b) Quân nhân chuyên nghiệp đang làm việc thuộc các chuyên ngành hẹp được đào tạo công phu hoặc chuyên ngành Quân đội chưa đào tạo được; thợ bậc cao.

c) Quân nhân chuyên nghiệp đang đảm nhiệm chức vụ chỉ huy, quản lý ở các nhà máy, doanh nghiệp quốc phòng.

d) Quân nhân chuyên nghiệp không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản này do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.

2. Điều kiện:

Quân nhân chuyên nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 8a Thông tư này được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ khi có đủ các điều kiện sau:

a) Đơn vị có biên chế và nhu cầu sử dụng.

b) Hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo cấp bậc quân hàm quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; chưa có người thay thế; tự nguyện tiếp tục phục vụ tại ngũ.

c) Có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

d) Có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi; tay nghề cao; chất lượng, hiệu quả công tác tốt.”

Bổ sung Điều 8b như sau:

“Điều 8b. Thời hạn kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ.

1. Thời hạn kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm so với hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo cấp bậc quân hàm nhưng không quá tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh tăng theo lộ trình của Bộ luật Lao động.

2. Đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8a Thông tư này, nếu kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ thì thôi đảm nhiệm chức vụ chỉ huy, quản lý; trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.

3. Trong thời gian kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quân nhân chuyên nghiệp không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 8a Thông tư này, thì đơn vị xét thôi phục vụ tại ngũ.”

Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 9. Thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, phong, thăng cấp bậc quân hàm; hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm; kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ và cho thôi phục vụ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.

4. Thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:

a) Phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp;

b) Nâng lương, chuyển nhóm đối với quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương từ 6,80 trở lên; thăng cấp bậc quân hàm Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp;

c) Nâng loại quân nhân chuyên nghiệp;

d) Nâng lương, chuyển nhóm đối với công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương từ 6,20 trở lên;

đ)Nâng loại công nhân quốc phòng, thăng hạng viên chức quốc phòng;

e) Kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp có cấp bậc quân hàm Thượng tá và đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8a, khoản 2 Điều 8b Thông tư này.

5. Thẩm quyền của Tổng Tham mưu trưởng:

a) Thực hiện thẩm quyền của người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng quy định tại khoản 3 Điều này đối với Bộ Tổng Tham mưu và doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng;

b) Quyết định phê duyệt danh sách kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ một năm (đủ 12 tháng) đến không quá 5 năm đối với quân nhân chuyên nghiệp có cấp bậc quân hàm Trung tá trở xuống theo đề nghị của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.

6. Thẩm quyền của người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng trừ các doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng:

a) Nâng lương, chuyển nhóm đối với quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương dưới 6,80; thăng cấp bậc quân hàm từ Trung úy đến Trung tá quân nhân chuyên nghiệp;

b) Nâng lương, chuyển nhóm đối với công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,20;

c) Kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp có cấp bậc quân hàm Trung tá trở xuống gồm:

- Kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ dưới một năm;

- Kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ một năm (đủ 12 tháng) đến không quá 5 năm sau khi có quyết định phê duyệt của Tổng Tham mưu trưởng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

7. Cấp có thẩm quyền thăng cấp bậc quân hàm, nâng lương đến cấp bậc, hệ số mức lương nào thì có thẩm quyền cho hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đến cấp bậc, hệ số mức lương đó.

8. Cấp có thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, thăng quân hàm đến cấp bậc, hệ số mức lương nào thì có thẩm quyền hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm và cho thôi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp, cho thôi phục vụ trong quân đội đối với công nhân và viên chức quốc phòng đến cấp bậc, hệ số mức lương đó”.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: