Ở Việt Nam, từ trước đến nay chưa có một đảng yêu nước nào được tổ chức chặt chẽ, khoa học, Nhân dân hết lòng ủng hộ ngay từ khi mới ra đời như Đảng Cộng sản Việt Nam; điều đó thể hiện nét đẹp văn hóa chính trị, kết quả vận động, phát triển chín muồi của các điều kiện khách quan và sự chuẩn bị của các nhân tố chủ quan, sự thừa nhận, tin yêu, suy tôn, ủy thác của Nhân dân. Đây là điều căn cốt nhất quy định bản chất, uy tín, vị thế và giúp Đảng ta trở thành một Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo cách mạng. Với tinh thần đó, lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ đại hội, văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra cụm từ Đảng “cầm quyền, lãnh đạo” đối với Nhà nước và xã hội. Để làm rõ nội hàm vấn đề này, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chùm bài viết: “ĐẢNG TA LÀ MỘT ĐẢNG CẦM QUYỀN”, của Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Bá Dương và Thiếu tướng, TS. Đỗ Hồng Lâm.
- Lịch sử và lô gíc
1- Vào thời của C.Mác và Ph.Ăngghen, giai cấp vô sản chưa giành được chính quyền, do đó chưa thể thiết lập nhà nước của giai cấp vô sản. C.Mác và Ph.Ăngghen chưa có điều kiện đề cập và phân tích toàn diện vấn đề này mà tập trung luận giải nhiều hơn mối quan hệ giữa các giai cấp, vai trò của đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội trong điều kiện có đối kháng giai cấp và đấu tranh giai cấp. Trên cơ sở đó, các ông đã phát hiện và chỉ ra vai trò, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản, sự cần thiết phải thành lập đảng chính trị của giai cấp vô sản và vai trò của các đảng chính trị trong quá trình lãnh đạo cách mạng vô sản giành thắng lợi, cầm quyền và xây dựng chế độ xã hội mới, thực hiện khát vọng giải phóng con người, đem lại cuộc hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Kế thừa và phát triển sáng tạo tư tưởng cơ bản của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác về xây dựng chính đảng độc lập của giai cấp vô sản trong điều kiện mới, V.I.Lênin đã xây dựng học thuyết khoa học, cách mạng về đảng mácxít kiểu mới với tư cách là một đảng cầm quyền, lãnh đạo cách mạng, xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa; đồng thời, trực tiếp tổ chức, sáng lập, lãnh đạo Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga - một chính đảng vô sản kiểu mới. Theo V.I.Lênin, tính tất yếu khách quan phải thiết lập và không ngừng củng cố, phát huy vai trò cầm quyền, lãnh đạo của đảng mácxít kiểu mới thể hiện ở chỗ nó là điều kiện cơ bản, hàng đầu, quyết định sự thành công của cách mạng. Khác với tất cả các đảng chính trị đương thời, đảng mácxít kiểu mới là đội tiên phong chính trị chiến đấu có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân; là lương tâm, trí tuệ, niềm vinh dự, tự hào của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh xoá bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người,... xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Người khẳng định một Đảng Cộng sản thực sự cách mạng, đủ sức cầm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, thì đương nhiên sẽ trở thành nhân tố bảo đảm thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân; nếu những đảng viên của đảng tự nguyện phấn đấu, hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng thì Đảng ấy có sự thống nhất cao về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Đó là đòi hỏi khách quan, đặt ra như là “sự sống còn - một mệnh lệnh của cuộc sống’’, “lời kêu gọi từ trái tim”, yêu cầu Đảng Cộng sản phải ý thức sâu sắc trách nhiệm, vững vàng bản lĩnh chính trị, có tầm cao trí tuệ, thực hiện nghiêm nguyên tắc cầm quyền trong tổ chức và lãnh đạo cách mạng.
2 - Đảng cầm quyền là khái niệm của khoa học chính trị, dùng để chỉ một đảng chính trị đại diện cho giai cấp đang nắm quyền lực và lãnh đạo chính quyền để tổ chức, quản lý đất nước, bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Bàn về tính tất yếu lịch sử của đảng cầm quyền, đa số chính trị gia, nhà khoa học chính trị trên thế giới cho rằng, đảng cầm quyền là đảng giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử theo chế độ dân chủ và chiếm ưu thế trong cạnh tranh giữa các đảng phái, có thực quyền lãnh đạo để quyết định đường lối và phương thức hoạt động dưới danh nghĩa là quyền lực và sức mạnh nhà nước.
Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, con đường trở thành Đảng Cộng sản cầm quyền lại có đặc điểm và sắc thái riêng. Để trở thành đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản phải lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh, chống “thù trong, giặc ngoài”, tiến hành cuộc cách mạng vô sản hoặc cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để lật đổ chính quyền của giai cấp bóc lột, thiết lập chính quyền mới của giai cấp công nhân. Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng, giành chính quyền về tay mình, Đảng Cộng sản lãnh đạo nhà nước và bộ máy của nó, tiến hành cải tạo xã hội cũ, xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Khi Đảng Cộng sản nắm được quyền thống trị, thì điều đó có nghĩa là “nắm quyền đó với ý thức là chỉ một mình mình nắm”1. Theo V.I.Lênin, trong thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa, duy nhất chỉ có Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, không có sự cạnh tranh, chia sẻ quyền lực cho các đảng chính trị khác; thực hiện thể chế nhất nguyên, không có đảng đối lập tranh giành quyền lực nhà nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ảnh: Tư liệu
Ở Việt Nam, ngày 03/02/1930, một đảng mác xít kiểu mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện đã chính thức ra đời, chịu sự ủy thác của dân tộc và Nhân dân Việt Nam, trở thành chính Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ý thức sâu sắc vai trò và sứ mệnh vẻ vang của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền với tư cách là đảng duy nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền để chỉ rõ bản chất, vai trò, vị thế của Đảng là tổ chức đảng duy nhất trong hệ thống chính trị ở Việt Nam nắm giữ quyền lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong bản Di chúc, Người viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”2. Theo nguyên tắc chung và đặc điểm riêng, từ ngày 02/9/1945, ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Đảng ta đã nắm giữ quyền lực Nhà nước và trực tiếp lãnh đạo Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng và củng cố lực lượng cách mạng, thực hiện mục tiêu: Đem lại “quyền hành”, lợi ích chính đáng và hạnh phúc cho nhân dân. Từ thời điểm ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức trở thành Đảng cầm quyền đúng bản chất, ý nghĩa, vai trò và sứ mệnh được ủy thác.
Đối với Đảng ta, “Đảng cầm quyền” đã chứa đựng trong đó “Đảng lãnh đạo”, Đảng nắm quyền lực Nhà nước, hóa thân vào Nhà nước nhưng không làm thay Nhà nước. Đảng cầm quyền, thực chất là sử dụng Nhà nước, lãnh đạo Nhà nước và hệ thống chính trị thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, phấn đấu vì mục đích chung của toàn xã hội, của dân tộc Việt Nam theo phương châm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”3; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, vì Nhân dân.
Đảng cầm quyền và Nhà nước quản lý là hai trung tâm quyền lực có nguồn gốc, vị trí, vai trò khác nhau. Vì vậy, không thể đồng nhất quyền lực của Đảng với quyền lực của Nhà nước. Quyền lực của Đảng cầm quyền thể hiện rõ nhất ở quyền lực về chính trị: Đảng vạch ra cương lĩnh, chủ trương, đường lối, định hướng chính trị lãnh đạo Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân tộc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng. Quyền lực của Nhà nước là quyền lực quản trị xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, tổ chức phục vụ xã hội, kiến tạo và phát triển đất nước theo chủ trương, đường lối của Đảng. Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt (chiến tranh), nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu của Đảng là bảo vệ chính quyền Nhà nước thì Đảng chủ trương phải thống nhất quyền lực của Đảng và quyền lực của Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra. Khi nội dung cách mạng có những điểm mới, lúc đó Đảng phân định, tổ chức lại quyền lực giữa Đảng và Nhà nước cho phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Với tư cách là một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nội dung lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, về thực chất là những nội dung Đảng cầm quyền nhưng sự cầm quyền ấy được Nhân dân thừa nhận, Hiến pháp và pháp luật hiến định. Đảng cầm quyền thông qua sự lãnh đạo các cơ quan công quyền chứ không tự mình biến thành nhà nước, đứng trên nhà nước hoặc làm thay nhà nước. Về lý luận cũng như về nguyên tắc hoạt động thực tiễn, Đảng ta không phải là cơ quan công quyền và do đó, Đảng không làm thay chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực công. Thực tế này bác bỏ quan điểm sai trái, thù địch khi đồng nhất quyền lực của Đảng với quyền lực của Nhà nước và mưu toan phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Vai trò cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam dựa trên nguyên tắc bất di bất dịch của hệ thống chính trị nhất nguyên do một Đảng cầm quyền, không có đảng đối lập cạnh tranh quyền lực. Đó là tính đặc thù phản ánh tính tất yếu lịch sử khách quan trong sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện vai trò cầm quyền, lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong bối cảnh mới, Đảng ta ý thức sâu sắc những khó khăn, vướng mắc và bất cập do hạn chế lịch sử của nguyên tắc trên sinh ra. Vì vậy, Đảng ta rất quan tâm nghiên cứu, vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đảng mácxít kiểu mới; chú trọng công tác xây dựng, chính đốn Đảng, phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, các nguy cơ mắc “bệnh” độc đoán, chuyên quyền, lộng quyền, quan liêu, tham nhũng, kìm hãm dân chủ. Nghị quyết Đại hội X, XI, XII, XIII, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) của Đảng đã thể hiện ý chí quyết tâm chính trị to lớn của Đảng ta là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn, làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.
Tính tất yếu lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền còn thể hiện ở vai trò tiền phong, gương mẫu của người lãnh đạo là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, thông qua mối quan hệ, liên hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Khi chưa nắm được chính quyền, Đảng phải dựa vào dân, sống trong dân, được dân nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ trước sự truy xét, khủng bố của kẻ thù. Khi trở thành Đảng cầm quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm trong tay quyền lực chính trị, sinh mệnh chính trị của nhân dân, quyền lực quản lý nhà nước,…. đòi hỏi Đảng phải thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn để xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.
Từ sự phân tích trên có thể khái quát lại tính tất yếu lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền lãnh đạo qua mấy điểm sau:
(1). Vai trò cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam được Nhân dân Việt Nam thừa nhận, tin tưởng, ủng hộ và suy tôn, được hiến định trong Hiến pháp và pháp luật. Điều đó không tự đến, không phải là ngẫu nhiên mà có được. Nó đã trải qua một quá trình lâu dài, được “đong, đo”, kiểm chứng, xác nhận bởi chính lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử cách mạng thời đại Hồ Chí Minh; do thực tế lịch sử và Nhân dân Việt Nam khẳng định vai trò, uy tín, vị thế của Đảng hơn 9 thập kỷ kiên quyết, kiên trì lãnh đạo Nhân dân chiến đấu mới có được cơ ngơi, tiền đồ, tương lai sáng lạn như ngày nay.
(2). Đảng xuất hiện đúng lúc, kịp thời giải đáp những câu hỏi của các bậc tiền bối, đòi hỏi bức thiết của cách mạng và của Nhân dân; đưa ra các chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn. Nhờ đó, Đảng đã quy tụ, tập hợp, tổ chức được lực lượng cách mạng trong cuộc đấu tranh chung. Đảng tìm thấy ở nhân dân chỗ dựa vững chắc, lực lượng vô địch của cách mạng. Nhân dân tìm thấy ở Đảng niềm tin, người dẫn đường, chỉ lối trong đấu tranh cách mạng. Vì vậy, vai trò cầm quyền, lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định như một tất yếu lịch sử, một sự lựa chọn đúng đắn của dân tộc.
(3). Đảng chịu sự ủy thác làm đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định chân lý ấy. Ở Việt Nam không có lực lượng chính trị nào có thể thay thế vị trí, vài trò và sứ mệnh vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đang được nhân dân ủy thác, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.
(4) Đảng ta là một đảng cầm quyền. “Một” thể hiện tính duy nhất, hàm ý cả tính tuyệt đối. Đảng không chia sẻ quyền lực với bất kỳ đảng khác trong vai trò cầm quyền của mình. Cần khẳng định dứt khoát là Đảng ta “không chia sẻ quyền lực” chứ không độc nhất tồn tại. Đây không phải là sự độc chiếm quyền lực lãnh đạo mà đó là kết quả tất yếu của lịch sử, sự lựa chọn của Nhân dân, của cả một dân tộc; không một thế lực nào có thể bác bỏ sự thật hiển nhiên ấy.
(5). Là một đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thực sự mẫu mực về phẩm chất và năng lực; đức và tài, phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng; không thể sống khác, làm khác chuẩn mực đạo đức của người cộng sản, đi ngược lại giá trị và lợi ích, sự lựa chọn, niềm tin và sự kỳ vọng của Nhân dân.
(6). Đảng thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nêu gương mẫu mực về phẩm chất và năng lực, đức và tài. Đây là những điều căn cốt nhất cần khắc ghi, phấn đấu thực hiện suốt đời đối với mỗi cán bộ, đảng viên, phải ra sức phòng tránh sai lầm trong nhận thức và hoạt động lãnh đạo của một Đảng Cộng sản cầm quyền.
(7). Đảng phải tự điều chỉnh, bổ sung, phát triển và hoàn thiện chủ trương, đường lối, tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội, làm cho ý Đảng - lòng Dân trở thành động lực mới thực hiện khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo; đưa sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giành những thành tựu mới, có ý nghĩa thời đại.
(Số sau: II. Trọng trách lớn lao trước dân tộc)
Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN BÁ DƯƠNG*
- Thiếu tướng, TS. ĐỖ HỒNG LÂM**
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Đàm Anh (st)
* - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
** - Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân
1 - V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1978, tập 43, tr. 156.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 611-612.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 51.