Những năm gần đây, một vấn đề được Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm là xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bởi càng đi sâu vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam và người đứng đầu Đảng ta càng thấy rõ vị trí, vai trò rường cột của văn hóa và con người đối với sự tồn tại, phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.
Phát triển mới về tư duy lý luận văn hóa
Cùng với chỉ đạo nghiên cứu, phát triển tư duy lý luận về lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, những năm qua, Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối, quan điểm về lĩnh vực văn hóa. Bởi vì, trong thế giới hội nhập và thời đại toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa không chỉ là tấm thẻ căn cước định vị lịch sử tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc, mà nó còn là “sức mạnh mềm” góp phần khẳng định vị thế, hình ảnh, tầm vóc, thương hiệu của mỗi quốc gia.
Một thời gian khá dài, nhất là thời kỳ bao cấp, chúng ta coi văn hóa chỉ là bề nổi, là “cờ đèn kèn trống”, là nghệ thuật giải trí, cổ vũ tinh thần con người; càng về sau, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa càng đầy đủ, sâu sắc. Văn hóa không chỉ là động lực, mục tiêu của sự phát triển, được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế và xã hội, như Đại hội XIII đã xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.
Đại hội XIII nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam,... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Cũng lần đầu tiên, Đảng ta chính thức đưa thuật ngữ “sức mạnh mềm” vào Văn kiện Đại hội XIII: “Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” để góp phần khơi dậy nguồn năng lực nội sinh to lớn của văn hóa dân tộc và con người Việt Nam đã được hun đúc, bồi đắp, kết tinh trong hành trình lịch sử mấy nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Việc khẳng định xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam làm nền tảng có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Bởi vì, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất... Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Hạnh phúc con người là giá trị biểu đạt cao cả nhất của văn hóa, là biểu hiện đích thực của văn hóa. Nếu như trước đây, Đảng ta đề ra phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thì từ Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh, người dân không chỉ được “biết, bàn, làm, kiểm tra”, mà còn là chủ thể giám sát và thụ hưởng thành quả phát triển của đất nước; chăm lo hạnh phúc toàn diện cho con người là mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước ta.
Như vậy, so với văn kiện các đại hội trước, lần đầu tiên Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập một cách toàn diện, sâu sắc về lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tháng 11-2021. Ảnh: TRỌNG HẢI.
Vì sao Đảng đề cao yếu tố văn hóa và con người trong tình hình hiện nay?
Đảng ta xác định xây dựng văn hóa và con người là nền tảng, bởi vì “nền tảng” có nghĩa là bộ phận vững chắc mà dựa trên đó các bộ phận khác tồn tại, phát triển. Vì vậy, khi khẳng định “lấy giá trị văn hóa, con người làm nền tảng” tức là nhấn mạnh vị trí, vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của yếu tố văn hóa và con người trong việc kiến tạo nền móng, bệ đỡ chắc chắn cho các yếu tố khác tồn tại lâu dài, phát triển bền vững.
Xây dựng văn hóa gắn với con người là cặp biện chứng, có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Văn hóa biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức mạnh tiềm tàng của quốc gia, dân tộc; đồng thời là cốt cách, vị thế, tầm vóc của cả cộng đồng dân tộc. Sở dĩ nhiều nước phát triển, nhất là một số nước châu Á có nhiều nét lịch sử văn hóa tương đồng với nước ta đã “hóa rồng, hóa hổ” một cách thần kỳ, ngoạn mục trong những thập niên gần đây như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... bởi các quốc gia này luôn coi trọng yếu tố văn hóa, coi văn hóa dân tộc nói chung, ngành công nghiệp văn hóa nói riêng là chiếc cầu nối gần gũi nhất, phương tiện quảng bá sức mạnh, vị thế, hình ảnh dân tộc hữu hiệu nhất đến với bạn bè thế giới.
Thực tiễn đã chứng minh, một quốc gia muốn phát triển ổn định, bền vững, bên cạnh dựa vào các yếu tố cứng như đất đai, tài nguyên khoáng sản, cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội, tài chính... thì cần phải biết tận dụng, khai thác yếu tố mềm, đó chính là nguồn lực con người với vai trò là nhân cách văn hóa năng động, sáng tạo nhất, đóng góp quyết định đến sự phát triển giàu mạnh, phồn vinh của đất nước và xã hội. Đặc biệt, trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, con người chính là tài nguyên, của cải quý giá nhất, nguồn lực to lớn nhất, quyết định nhất để tạo nên vị thế, sức mạnh và thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhìn từ thực trạng nhiều nước coi trọng tăng trưởng kinh tế thuần túy, đề cao lợi ích vật chất và chạy theo chủ nghĩa tiêu dùng có thể dẫn đến nguy cơ tha hóa con người, Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) của Đảng sớm cảnh báo: “Phòng, chống sự tha hóa con người và những lệch chuẩn văn hóa”. Văn kiện Đại hội XIII cũng nêu rõ: “Từng bước khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam”. Thẳng thắn chỉ ra điều này bởi lẽ, bên cạnh những giá trị tốt đẹp trong nhân cách người Việt như tinh thần yêu nước, lao động chăm chỉ, đoàn kết cộng đồng, lòng nhân ái, giàu đức hy sinh vì nghĩa lớn,... thì một bộ phận không nhỏ người Việt Nam hiện nay vẫn còn tâm lý tiểu nông, tác phong xuề xòa, thiếu kỹ năng hợp tác, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, thiếu đam mê nghiên cứu bứt phá sáng tạo...
Mặt khác, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, trong đó sự phát triển bùng nổ của internet, truyền thông xã hội như một làn sóng cuốn hút mọi người, nhất là người trẻ vào những “ma trận” thông tin, hình ảnh hay-dở, tốt - xấu, đúng - sai, phải - trái, thực - hư, cao thượng - thấp hèn... cho nên rất dễ “cuốn phăng” bản tính thiện lương và tâm hồn cao cả của con người vào những mặt trái của “thế giới phẳng”.
Từ những lý do đó càng đòi hỏi phải chú trọng quan tâm xây dựng môi trường văn hóa và nuôi dưỡng những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp cho con người, làm cho xã hội và con người không ngừng hoàn thiện các giá trị chân - thiện - mỹ. Đúng như Đảng ta đã khẳng định: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”.
Phát huy tinh thần Việt, sức mạnh Việt
Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đất nước cho thấy, từ đường lối đúng đắn của Đảng về phát triển văn hóa, nội lực văn hóa của Việt Nam không chỉ được củng cố mà còn gia tăng thời cơ hội nhập sâu rộng với văn hóa thế giới. Trước đây, nhân loại tiến bộ và bạn bè quốc tế biết đến dân tộc Việt Nam có tinh thần chiến đấu anh dũng quật cường, đánh thắng hai thế lực hung bạo nhất thời đại là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thì ngày nay, bạn bè năm châu bốn biển nhắc tới Việt Nam là một dân tộc có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều di sản độc đáo, đặc sắc.
Hiện cả nước ta có 166 bảo tàng với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 105 di tích quốc gia đặc biệt, 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây là những giá trị văn hóa được kết tinh, lưu truyền từ hàng nghìn năm qua của cộng đồng 54 dân tộc anh em cư trú trên đất nước Việt Nam và trở thành diện mạo, hình ảnh văn hóa Việt có sức hấp dẫn lớn đối với bạn bè và du khách quốc tế. Điều đó lý giải nhiều năm trở lại đây, Việt Nam liên tục được nhiều tổ chức uy tín của quốc tế, nhiều hãng truyền thông lớn của thế giới bình chọn là một trong những điểm đến an toàn, hấp dẫn. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, năm 2017, Việt Nam đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt gần 511.000 tỷ đồng từ du lịch văn hóa, đến năm 2019, nước ta đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu đạt 726.000 tỷ đồng.
Cũng do Đảng, Nhà nước và toàn xã hội chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa và con người, chỉ số phát triển con người (HDI-gồm 3 tiêu chí chính là chỉ số giáo dục, sức khỏe, thu nhập) của Việt Nam liên tục tăng trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể, HDI năm 2016 đạt mức 0,682 và tăng lên 0,706 năm 2020, nhờ đó Việt Nam từ nhóm có HDI trung bình lên nhóm có HDI cao của thế giới.
Văn hóa là sự tích tụ sâu thẳm truyền thống của mỗi quốc gia, dân tộc, nó nằm ở vỉa sâu nên không dễ tác động tức thời, nhanh chóng như một số yếu tố, lĩnh vực khác; nhưng văn hóa lại có sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn mà nếu biết khai thác đúng lúc, phát huy đúng chỗ thì có thể tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội, đất nước. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta trong hơn 3 thập niên đổi mới vừa qua là sự tích hợp nhiều yếu tố, trong đó có động lực sâu xa là chúng ta ngày càng coi trọng, phát huy cao độ nhân tố con người và yếu tố văn hóa để góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững. Điểm lại một vài thành tựu kinh tế-xã hội nổi bật nêu trên để thêm một lần minh chứng cho sức mạnh to lớn và ánh sáng soi đường, lan tỏa của văn hóa.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người... Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”.
Ngoài chức năng thẩm mỹ, giáo dục, động viên, định hướng xã hội phát triển văn minh, tiến bộ, văn hóa còn có chức năng điều tiết, thực hiện sứ mệnh khuyến thiện diệt ác, nâng niu cái tốt, phê phán cái xấu, uốn nắn những hành vi lệch chuẩn xã hội. Những thiên chức cao cả này của văn hóa sẽ góp phần xây dựng một chế độ xã hội ưu việt như Tổng Bí thư nêu ra.
Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và: “Cái gốc của văn hóa mới là dân tộc”. Đúng vậy! Gốc có vững, cây mới bền. Giữ được cái gốc dân tộc của văn hóa, đó không chỉ là cơ sở vững vàng để bảo vệ thống nhất, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, mà còn là nền tảng, động lực khơi nguồn sức mạnh vô song của toàn dân tộc để xây dựng đất nước ta ngày càng cường thịnh, văn minh.
“Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21”.
(Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24-11-2021)
Nhóm Phóng viên Báo Quân đội nhân dân
Đàm Anh (st)