Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi kỷ luật là một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong xây dưng quân đội cách mạng. Người khẳng định: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”. Do đó, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đồng thời, luôn có tác dụng định hướng và chỉ đạo việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực mọi mặt của quân đội trong giai đoạn hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kỷ luật của Quân đội cách mạng được thể hiện cơ bản trên một số nội dung sau:

Một là, kỷ luật là sức mạnh của quân đội, buông lỏng kỷ luật là làm suy yếu quân đội.

Kỷ luật là hệ thống những nguyên tắc, quy định, được cụ thể hóa thành điều lệnh, điều lệ của quân đội, hoạt động theo khuôn khổ của Nhà nước và đảm bảo cho các hoạt động của quân đội được thực hiện một cách thống nhất và có hiệu quả. Kỷ luật là một thuộc tính không thể thiếu của quân đội, nhưng kỷ luật của các quân đội thì lại không hoàn toàn giống nhau. Quân đội ta là quân đội của dân, do dân và vì dân nên hoàn toàn khác về bản chất với quân đội của các nước tư bản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”1. Kỷ luật trong quân đội được thể hiện ở ý thức, hành động của toàn thể quân nhân trong thực hiện mọi nhiệm vụ, mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Vì vậy, vấn đề kỷ luật trong quân đội là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu vì đó là sức mạnh, là nền tảng làm nên mọi chiến thắng trong thực hiện nhiệm vụ sứ mệnh lịch sử của quân đội. Kỷ luật khi đã được giáo dục, đã được thấm sâu vào nhận thức, tình cảm của mọi quân nhân sẽ hướng dẫn hành động của họ và trở thành sức mạnh vật chất làm cho sức mạnh chiến đấu của quân đội được tăng lên gấp bội. Kỷ luật quân đội là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của một người quân nhân cách mạng. Nếu buông lỏng kỉ luật, quân nhân sẽ chấp hành mệnh lệnh chiến đấu không nghiêm, làm giảm sức chiến đấu của Quân đội. Một tập hợp không có kỉ luật theo Người chỉ là một đội quân ô hợp, thiếu tổ chức chặt chẽ, thiếu kỷ luật thì không thể có sức mạnh, cho dù nó có được trang bị những vũ khí tối tân nhất. Kỷ luật sa sút và lỏng lẻo đồng nghĩa với sự suy yếu của quân đội.

Hai là, kỷ luật của quân đội ta là kỷ luật tự giác, nghiêm minh, đòi hỏi phải được duy trì thực sự nghiêm túc.

Sinh thời, Người thường xuyên nhấn mạnh: Quân đội ta là quân đội của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, kỷ luật phải tự giác, nghiêm minh... Điều đó khác hoàn toàn về bản chất so với kỷ luật quân phiệt của quân đội tư sản, đế quốc. Quân đội ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn mang trong mình bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, có tính nhân dân và dân tộc sâu sắc. Bản chất kỷ luật của quân đội ta mang bản chất kỷ luật của Đảng, là kỷ luật “tự giác, nghiêm minh”. Đoàn kết tốt, chấp hành kỷ luật tự giác, nghiêm minh đã trở thành bản chất, truyền thống tốt đẹp, một phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, là một yếu tố quan trọng nhất để xây dựng chính quy và tạo nên sức mạnh chiến đấu tổng hợp của quân đội ta. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề kỷ luật đối với sức mạnh chiến đấu của quân đội, trong quá trình huấn luyện, giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm đến giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, chiến sỹ, chú trọng tăng cường kỷ luật trong quân đội. Người chỉ rõ: “Kỷ luật phải nghiêm minh. Trong kỷ luật phải chú ý hai điểm: Thưởng -  Phạt”2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, quân đội không thể có kỷ luật tự giác, nghiêm minh nếu như không có sự giáo dục, rèn luyện. Và trong quá trình duy trì kỷ luật không thực hiện tốt vấn đề khen thưởng và xử phạt thì sẽ dễ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực không tốt tới cán bộ, chiến sỹ. Thưởng, phạt là yêu cầu cơ bản trong thực hiện kỷ luật để đảm bảo tính nghiêm minh và hiệu quả thực tế của kỷ luật. Sự công minh và nghiêm túc trong khen thưởng và kỷ luật bao giờ cũng là động lực tích cực cho mọi quân nhân phấn đấu và rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, ác liệt để hoàn thành nhiệm vụ. Thưởng, phạt không công minh, không thỏa đáng thì có tác động ngược lại, làm suy giảm, nguội lạnh tinh thần phấn đấu của bộ đội và không đúng với bản chất của kỷ luật trong quân đội cách mạng, quân đội của giai cấp công nhân.

Nếu kỷ luật mà không duy trì tốt, vấn đề khen thưởng, sử phạt không công minh thì kỉ luật ấy chỉ mang tính hình thức, qua loa, đại khái sẽ làm suy yếu ý trí, sức chiến đấu của bộ đội. Vì vậy, “Thưởng - Phạt” cần phải được các cấp trong quân đội và toàn thể cán bộ, chiến sỹ quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc. Cán bộ, chỉ huy là tấm gương cho mọi chiến sỹ học tập, noi theo. Cán bộ, chỉ huy càng ở vị trí công tác cao thì trách nhiệm càng nặng nề, càng phải chấp hành nghiêm kỷ luật của quân đội, phải thực sự là tấm gương mẫu mực về chấp hành kỷ luật; đồng thời càng phải thực hiện “Thưởng - Phạt” phân minh. Không được coi nhẹ, buông lỏng bản thân mình, luôn gắn mình với kỉ luật quân đội, với nhiệm vụ, chức trách Đảng và Nhà nước giao phó.

Ba là, xây dựng quân đội phải thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục kỷ luật đồng thời tăng cường kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, xây dựng ý thức kỷ luật tự giác cho mỗi cán bộ, chiến sỹ.

Xuất phát từ thực tiễn cách mạng, Hồ Chủ tịch cho rằng chỉ có thể trên cơ sở chính trị tinh thần cao và kỷ luật tự giác, nghiêm minh, cán bộ, chiến sỹ quân đội ta mới có thể chịu đựng được những khó khăn, ác liệt của chiến tranh, mới có thể nâng cao hiệu quả sử dụng trang bị vũ khí trong quá trình chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Vì vậy, tăng cường kỷ luật là yêu cầu cơ bản của việc tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội.  

Người thường xuyên căn dặn bộ đội ta phải giữ nghiêm kỷ luật, đặc biệt là trong lúc cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, nhiệm vụ mới. Sự phát triển của nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới không những đòi hỏi phải tăng cường kỷ luật, mà còn cần phải có những nội dung và yêu cầu mới về kỷ luật đối với bộ đội, đó là một tất yếu khách quan. Sự chậm trễ, không kịp thời tăng cường kỷ luật trong hoàn cảnh mới có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội cách mạng.

Trong rèn luyện kỷ luật cho quân đội, Người rất lưu ý đến vấn đề chấp hành mệnh lệnh. Tuyệt đối chấp hành mệnh lệnhlà yêu cầu có tính chất đặc thù đối với tổ chức quân sự, tính chất kỷ luật “sắt”, tính nghiêm minh của quân đội biểu hiện tập trung thông qua đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ quân đội ta: “Mệnh lệnh cấp trên đưa xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành”3. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên đã trở thành lời thề danh dự và luôn được thể hiện cụ thể trong mọi hành động của cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam trong quá trình xây dựng và trưởng thành, trong thời chiến cũng như trong thời bình.

Bốn là, tăng cường kỷ luật nhằm xây dựng con người mới trong quân đội, hình thành những phẩm chất của người quân nhân cách mạng.

Hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” in đậm trong lòng nhân dân được tạo dựng không chỉ từ những chiến công vẻ vang của quân đội ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc mà còn bởi một phần rất quan trọng từ sự chấp hành kỷ luật một cách tự giác và nghiêm minh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Sự dũng cảm trong chiến đấu chống xâm lược, tuy nhiên nếu có những biểu hiện công thần, không chịu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm kỷ luật quân đội, kỷ luật trong quan hệ với nhân dân trong thời bình thì quân đội cũng không thể có được sự ngưỡng mộ, yêu mến và lòng tin tưởng của nhân dân. Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vấn đề kỷ luật còn hướng đến xây dựng con người trong quân đội, xây dựng những phẩm chất tốt đẹp của người quân nhân cách mạng. Đây là sự thể hiện sâu sắc giá trị nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm tăng cường kỷ luật quân đội, giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật cho bộ đội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quân đội ta là quân đội cách mạng từ Nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và có sự liên hệ chặt chẽ với Nhân dân. Theo Người, quân đội cách mạng phải khác căn bản với quân đội nhà nghề của giai cấp thống trị, xâm lược. Vì vậy, phải thường xuyên tăng cường bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, tính nhân dân và dân tộc sâu sắc vào từng ý chí, hành động của quân đội ta. Sự thống nhất của các yếu tố đó là một giá trị nhân văn đáng tự hào của Quân đội.

Đến nay, tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang tính xuyên suốt trong quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Người dạy rằng, "dân như nước, mình như cá, lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết"4. Vì lẽ đó, sức mạnh của Đảng, của nhà nước của quân đội là từ nhân dân mà ra, quân đội phải thương yêu quý trọng nhân dân như cha, mẹ, anh em của mình, phải đoàn kết chặt chẽ với dân, giúp nhân dân trong mọi hoàn cảnh.

Mặt khác, công tác giáo dục cán bộ, chiến sỹ trong quân đội phải chú trọng giáo dục tình thương yêu, chia sẻ lẫn nhau như những người ruột thịt: "Chiến sĩ chưa ăn cán bộ không được kêu mình đói, chiến sĩ chưa ngủ cán bộ không được kêu mình rét; chính trị viên phải như chị hiền; chiến sỹ, cấp dưới phải tôn trọng cấp trên, tôn trọng, bảo vệ cán bộ và chấp hành nghiêm mọi mệnh lệnh”5. Tinh thần đoàn kết quốc tế, lòng nhân đạo với sĩ quan binh lính địch lúc bị chết, bị thương, bị bắt làm tù binh, có thái độ đúng đắn với những kẻ xâm lược và nhân dân lao động nhằm tăng bạn, bớt thù trong chiến tranh cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng trong quá trình giáo dục rèn luyện cán bộ, chiến sỹ.  

Năm là, tăng cường kỷ luật phải gắn liền với phát huy dân chủ, phê phán những biểu hiện vi phạm kỷ luật, những thói hư tật xấu, xây dựng nếp sống văn hóa trong trong môi trường quân đội.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng cường kỷ luật là việc mở rộng dân chủ, phát huy tinh thần dân chủ của cán bộ, chiến sĩ. Mở rộng dân chủ, phát huy dân chủ không đồng nghĩa với tình trạng vô kỷ luật, vô tổ chức mà là để nhằm củng cố kỷ luật được tốt hơn, càng tăng cường kỷ luật hơn. Người phân tích: “Không nên hiểu lầm dân chủ. Khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã có quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để bàn cách thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện. Phải cấm chỉ những hành động tự do quá trớn ấy”6. Mối quan hệ giữa kỷ luật và dân chủ, giữa tăng cường kỷ luật và phát huy dân chủ được Hồ Chí Minh đặt ra, phân tích sâu sắc làm cơ sở cho quá trình tăng cường rèn luyện kỷ luật và phát huy dân chủ trong quân đội ta trong tất cả các giai đoạn lịch sử. Trong khi tăng cường giáo dục ý thức tổ chức rèn luyện kỷ luật cho quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán những thói hư tật xấu, những biểu hiện vi phạm kỷ luật dễ xảy ra ở những cán bộ, chiến sĩ có thành tích trong chiến đấu.

Muốn tăng cường kỷ luật cho quân đội, cần phải thực hiện tốt và kết hợp chặt chẽ các biện pháp “xây” và “chống”. “Xây” và “chống” có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau nhằm làm cho kỷ luật của quân đội được thực hiện thật nghiêm minh và với tinh thần tự giác cao, đồng thời góp phần xây dựng con người quân nhân cách mạng, hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội mang đậm chất tính xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện hiên nay, khi đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trước những biến chuyển to lớn, phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, trước vận hội và thách thức mới, quân đội ta  càng cần phải nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, tăng cường rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ, tránh những tư tưởng mất cảnh giác, không để những tiêu cực “len lỏi” vào trong môi trường quân đội. Trên cơ sở đó bảo đảm cho quân đội ta vững mạnh toàn diện, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện kỷ luật quân đội đó chính là cơ sở giáo dục, rèn luyện kỷ luật để xây dựng quân đội ta vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là công cụ sắc bén tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó, làm cho quân đội ta thực sự là quân đội của dân, do dân và vì dân. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa hiện nay đặt ra những yêu cầu, thách thức mới. Vì vậy công tác giáo dục, rèn luyện kỷ luật trong quân đội đòi hỏi mang tính thống nhất, khoa học và có chiều sâu, phải xây dựng quân đội ta thực sự vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao để đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Giang Hải

1. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 7, tr.483.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.483
3. Lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II, họp từ ngày 23 đến 28-10-1950
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.116.
5. Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị kiểm thảo Chiến dịch Đường số 18, năm 1951
6. Huấn thị của Bác tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Lê Hồng Phong

Bài viết khác: