1. Thông tư số 06/2021/TT-BKHĐT ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc thu, nộp, quản lý và sử dụng các chi phí về đăng ký, đăng tải thông tin, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu, có hiệu lực từ ngày 01/3/2022
Thông tư gồm 5 Chương, 12 Điều quy định rõ nguyên tắc thu chi, mức thu và tổ chức thu, nộp chi phí sử dụng dịch vụ; Quản lý và sử dụng khoản thu chi phí sử dụng dịch vụ; Trách nhiệm của các bên; Điều khoản thi hành.
Trong nguyên tắc thu, chi đối với khoản thu Chi phí sử dụng dịch vụ quy định Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, Báo Đấu thầu, Doanh nghiệp Dự án e-GP có trách nhiệm thu, quản lý và sử dụng khoản thu Chi phí sử dụng dịch vụ theo quy định tại Thông tư và Hợp đồng BOT Dự án e-GP để cung cấp dịch vụ trên Hệ thống, Báo Đấu thầu.
Nguồn thu từ Chi phí sử dụng dịch vụ để thực hiện các nhiệm vụ quản lý, duy trì, vận hành và phát triển Hệ thống; Đăng tải thông tin về đấu thầu, thông tin về lựa chọn nhà đầu tư trên Hệ thống, Báo Đấu thầu; Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống; Các nhiệm vụ chi thường xuyên khác và chi đầu tư liên quan đến việc phục vụ hoạt động của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia và Báo Đấu thầu…
Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản lý Trung tâm Đấu thấu qua mạng quốc gia, Cục Quản lý đấu thầu, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, Báo Đấu thầu, Doanh nghiệp Dự án e-GP.
Theo đó, Bên mời thầu có trách nhiệm nộp chi phí đăng tải thông tin về đấu thầu theo thời hạn quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 của Thông tư. Hết thời hạn thanh toán chi phí theo quy định mà không thanh toán chi phí thì bên mới thầu không được thực hiện đăng tải thông tin về đấu thầu trên Hệ thống đối với các gói thầu tiếp theo cho đến khi hoàn thành trách nhiệm thanh toán chi phí theo quy định.
Nhà thầu có trách nhiệm nộp chi phí quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 6 của Thông tư. Hết thời hạn thanh toán chi phí theo quy định mà không thanh toán chi phí thì tài khoản của nhà thầu trên Hệ thống bị chuyển sang trạng thái tạm ngừng và nhà thầu không được thực hiện các giao dịch liên quan trên Hệ thống cho đến khi hoàn thành trách nhiệm thanh toán chi phí theo quy định.
Nhà đầu tư có trách nhiệm nộp chi phí quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 6 của Thông tư. Hết thời hạn thanh toán chi phí theo quy định mà không thanh toán chi phí thì tài khoản của nhà đầu tư trên Hệ thống bị chuyển sang trạng thái tạm ngừng và nhà đầu tư không được thực hiện các giao dịch liên quan trên Hệ thống cho đến khi hoàn thành trách nhiệm thanh toán chi phí theo quy định.
2. Thông tư số 22/2021/TT-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, có hiệu lực từ ngày 01/3/2022
Theo đó, hướng dẫn người dùng phản ánh, cung cấp các bằng chứng tin nhắn rác, cuộc gọi rác và thư điện tử rác như sau:
Đối với tin nhắn rác: (1) Phản ánh qua tin nhắn tới tổng đài 5656 theo cú pháp: S [Nguồn phát tán][Nội dung tin nhắn rác] hoặc S (nguồn phát tán)(Nội dung tin nhắn rác) gửi 5656; (2) Phản ánh theo hướng dẫn tại website thongbaorac.ais.gov.vn hoặc qua tổng đài hoặc ứng dụng.
Đối với cuộc gọi rác: (1) Phản ánh qua tin nhắn tới tổng đài 5656: Người sử dụng soạn tin nhắn phản ánh theo cú pháp: V [Nguồn phát tán][Nội dung cuộc gọi rác] hoặc V (Nguồn phát tán)(Nội dung cuộc gọi rác) gửi 5656; (2) Phản ánh theo hướng dẫn tại website thongbaorac.ais.gov.vn hoặc qua tổng đài hoặc ứng dụng.
Đối với thư điện tử rác: (1) Phản ánh thông qua việc chuyển tiếp thư điện tử rác tới địa chỉ thư điện tử: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.; (2) Phản ánh theo hướng dẫn tại website thongbaorac.ais.gov.vn hoặc qua tổng đài hoặc ứng dụng.
3. Thông tư số 28/2021/BLĐTBXH ngày 28/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 01/3/2022
Trong đó quy định, tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động và tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp.
Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động hoặc thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.
Quyết định bồi thường, trợ cấp của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được hoàn tất trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được biên bản giám định của Hội đồng Giám định Y khoa về mức độ suy giảm khả năng lao động đối với những vụ tai nạn lao động nặng hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh hoặc cấp trung ương tổ chức cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động tại cơ sở đối với những vụ tai nạn lao động chết người.
Tiền bồi thường, trợ cấp phải được thanh toán một lần cho người lao động hoặc thân nhân của họ, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người sử dụng lao động ra quyết định bồi thường, trợ cấp.
4. Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực từ ngày 01/3/2022
Luật cơ cấu thành 11 điều, gồm: 09 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 luật hiện hành, 01 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 01 điều quy định về hiệu lực thi hành.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng, thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Về phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, Điều 1 quy định việc sửa đổi, bổ sung điểm b, c và d khoản 4, Điều 17, bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5, Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 8, Điều 25, khoản 4, Điều 82, khoản 1, Điều 83 Luật Đầu tư công, theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.
Điều 2 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 2, Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, theo hướng: Quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Trung ương do bộ, cơ quan Trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác; HĐND cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Đáng chú ý, với mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương, Điều 3 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm g và bổ sung điểm g1 vào sau điểm g khoản 1, Điều 31 Luật Đầu tư để thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50 nghìn người trở lên. Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa, không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới.
Nhằm bảo đảm tính thống nhất, thúc đẩy giải ngân, đưa dự án hoàn thành đúng thời hạn, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ, xây lắp trong các dự án ODA, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Điều 5 của Luật sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 34 và bổ sung Điều 33a để quy định các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng: Việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về thu hút xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Điều 6 của Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2, Điều 4 để quy định: Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng; Nhà nước độc quyền trong các hoạt động điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng...
5. Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, có hiệu lực từ ngày 01/3/2022
Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải có các điều kiện sau đây:
- Phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh bất động sản;
- Phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban Quản lý dự án (đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản), tại sàn giao dịch bất động sản (đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản) các thông tin về doanh nghiệp (bao gồm tên, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại liên lạc, tên người đại diện theo pháp luật);
Thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Luật Kinh doanh bất động sản;
Thông tin về việc thế chấp nhà, công trình xây dựng, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh (nếu có);
Thông tin về số lượng, loại sản phẩm bất động sản được kinh doanh, số lượng, loại sản phẩm bất động sản đã bán, chuyển nhượng, cho thuê mua và số lượng, loại sản phẩm còn lại đang tiếp tục kinh doanh.
Lưu ý: Các thông tin đã công khai quy định tại Điểm này sau đó có thay đổi phải được cập nhật kịp thời ngay sau khi có thay đổi.
Theo đó, chỉ kinh doanh các bất động sản có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 9, Điều 55 của Luật Kinh doanh bất động sản.
Đối với trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án bất động sản theo quy định của pháp luật thì:
- Nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên.
- Khi thực hiện kinh doanh bất động sản thì chủ đầu tư dự án phải đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này (điều kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải có ở trên).
- Việc xác định vốn chủ sở hữu được căn cứ vào kết quả báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc kết quả báo cáo kiểm toán độc lập của doanh nghiệp đang hoạt động (được thực hiện trong năm hoặc năm trước liền kề);
- Trường hợp là doanh nghiệp mới thành lập thì xác định vốn chủ sở hữu theo vốn điều lệ thực tế đã góp theo quy định của pháp luật.
6. Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ, có hiệu lực từ ngày 01/3/2022
Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ của các tài sản được quy định tại Điều 8 Nghị định này như sau:
- Nhà, đất là 0,5%;
- Súng săn, súng dùng để tập luyện, thi đấu thể thao là 2%;
- Tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy, tàu ngầm, tàu lặn, thuyền, kể cả du thuyền, tàu bay là 1%;
- Xe máy là 2%. Riêng xe máy nộp lệ phí trước bạ lần thứ hai trở đi thì mức thu này là 1%. Trường hợp chủ tài sản đã kê khai, nộp lệ phí trước bạ đối với xe máy là 2%, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn quy định nêu trên thì nộp lệ phí trước bạ với mức thu là 5%.
- Ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô, mức thu là 2%...
Riêng ô tô điện chạy pin, Nghị định này đã bổ sung mức thu lệ phí trước bạ lần đầu là 0% trong vòng 03 năm kể từ ngày 01.3.2022 và trong vòng 02 năm tiếp theo, mức thu lệ phí này bằng 50% mức thu với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Đặc biệt, Khoản 2 Điều 14 Nghị định 10/2022/NĐ-CP nêu rõ: Kể từ ngày 01.3.2022 - ngày Nghị định này có hiệu lực, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống và giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà, ô tô, xe máy tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành cho đến khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành mức thu lệ phí trước bạ mới với ô tô, xe máy
7. Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 29/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng từ ngày 01/01/2022 đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc theo Quyết định 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng, có hiệu lực từ ngày 15/3/2022
Theo Thông tư, từ ngày 01/01/2022, thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ như sau:
Tăng thêm 7,4% mức trợ cấp hàng tháng trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 12/202.
Mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc sau khi điều chỉnh theo quy định mà thấp hơn 2.500.000 đồng/tháng thì được tăng thêm mức trợ cấp như sau:
Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức trợ cấp hàng tháng dưới 2.300.000 đồng/người/tháng;
Tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.
Cũng theo Thông tư, căn cứ quy định nêu trên, mức trợ cấp hàng tháng được hưởng từ ngày 01/01/2022 (đã làm tròn số) đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc như sau:
Đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã: 2.473.000 đồng/tháng;
Đối với cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 2.400.000 đồng/tháng;
Đối với các chức danh còn lại: 2.237.000 đồng/tháng.
8. Thông tư số 37/2021/TT-BLĐTBXH ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc, có hiệu lực từ ngày 15/3/2022
Thông tư quy định, từ ngày 01/01/2022, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng tăng 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng của tháng 12/2021 với:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng;
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng;
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định pháp luật.
9. Thông tư số 03/2022/TT-BCT ngày 28/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch, có hiệu lực từ ngày 15/3/2022 đến ngày 31/12/2022
Theo đó, các mã hàng khẩu trang y tế tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gồm: Mã hàng 6307.90.40; mã hàng 6307.90.90.
Các mã hàng găng tay y tế tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gồm: Mã hàng 3926.20.90; mã hàng 4015.11.00; mã hàng 4015.19.00.
Bộ trang phục phòng chống dịch (gồm quần áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày) mã hàng 6210.10.90 cũng tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất.
Đối với những lô hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế, bộ trang phục phòng chống dịch đã làm thủ tục hải quan tạm nhập từ ngày 01/01/2022 đến trước ngày 15/3/2022 được tiếp tục thực hiện tái xuất theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
10. Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, có hiệu lực từ ngày 25/3/2022
Theo đó, có 06 nhóm tiêu chí khi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản như sau:
- Nhóm tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá.
- Nhóm tiêu chí về phương án đấu giá khả thi, hiệu quả.
- Nhóm tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản.
- Nhóm tiêu chí về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp.
- Có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố.
- Nhóm tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định.
Sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản với đầy đủ tiêu chí quy định tại Điều 3 và Phụ lục I Thông tư.
Người có tài sản đấu giá thông báo công khai việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trong thời hạn ít nhất là 03 ngày làm việc trước ngày quyết định lựa chọn, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
11. Thông tư số 08/2022/TT-BTC ngày 09/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu, chi trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, có hiệu lực từ ngày 25/3/2022
Thông tư áp dụng đối với 3 loại dự án: Dự án đầu tư theo phương thức PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất và dự án phải tổ chức đấu thầu theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa (sau đây gọi là dự án PPP, dự án phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư).
So với quy định trước đây, Thông tư số 08/2022/TT-BTC đã quy định rõ nguồn kinh phí thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (sau đây gọi là kinh phí đấu thầu) phù hợp với tính chất của từng loại dự án. Theo đó, đối với dự án PPP thì kinh phí đấu thầu được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công của cơ quan có thẩm quyền; trong khi đó các dự án phải đấu thầu thì kinh phí đấu thầu được bố trí từ nguồn kinh phí thường xuyên của bên mời thầu.
Thông tư đã bổ sung đầy đủ các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ lập, phê duyệt và chấp hành dự toán kinh phí chi thường xuyên cho công tác đấu thầu đối với các dự án phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Quy định mới này tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan áp dụng trong quá trình lập, phê duyệt và chấp hành dự toán nguồn chi thường xuyên cho công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với mô hình tổ chức của bên mời thầu, bao gồm trường hợp bên mời thầu là Ban quản lý dự án, Đơn vị chuyên môn trực thuộc cơ quan có thẩm quyền (đối với dự án PPP) hoặc là Đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính (đối với dự án phải đấu thầu). Quy định này giúp quản lý nguồn kinh phí này minh bạch, rõ ràng, phù hợp với mô hình tổ chức của đơn vị và đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.
Với nguyên tắc, chi phí công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán nên toàn bộ các khoản thu từ tiền bán hồ sơ mời thầu và các khoản thu khác (nếu có) sau khi thực hiện các nghĩa vụ thuế được bên mời thầu nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Quy định này đảm bảo tính minh bạch trong việc quản lý và sử dụng các khoản thu - chi trong công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
12. Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực từ ngày 28/3/2022
Trong đó, tại Điều 5 Thông tư quy định rõ về quy trình đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản. Cụ thể, về thời điểm đánh giá tác động, việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính được tiến hành trong quá trình hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng văn bản và phải hoàn thành trước khi gửi hồ sơ cho cơ quan thẩm định đề nghị xây dựng văn bản.
Cơ quan lập đề nghị thực hiện đánh giá tác động của thủ tục hành chính theo các bước sau:
- Tiến hành đánh giá tác động của thủ tục hành chính
Cơ quan lập đề nghị căn cứ quy định tại Điều 6, 7, 8, 9 và sử dụng Biểu mẫu đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này để đánh giá về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
- Hoàn thiện đề xuất quy định thủ tục hành chính
Trong quá trình đánh giá tác động, nếu thủ tục hành chính được xác định là không cần thiết hoặc không đúng thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật thì cơ quan lập đề nghị không tiến hành việc đánh giá và không đề xuất phương án, giải pháp quy định thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng văn bản.
Nếu thủ tục hành chính được xác định là cần thiết, ban hành đúng thẩm quyền thì tiếp tục đánh giá tác động của thủ tục hành chính và căn cứ kết quả đánh giá, cơ quan lập đề nghị chỉnh lý, hoàn thiện đề xuất phương án, giải pháp quy định thủ tục hành chính.
- Tổng hợp kết quả đánh giá tác động của thủ tục hành chính
Sau khi đánh giá tác động của thủ tục hành chính, cơ quan lập đề nghị tổng hợp kết quả đánh giá thủ tục hành chính vào nội dung Báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Biểu mẫu đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này là một phần của Báo cáo đánh giá tác động của chính sách.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 28/3/2022 và thay thế Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính.
Đối với các hồ sơ lập đề nghị xây dựng văn bản và hồ sơ dự án, dự thảo văn bản đã gửi cơ quan thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính./.
Huyền Trang (tổng hợp)