Một trong những yếu tố thuộc về đặc trưng của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được xác định trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương là “gắn bó máu thịt với nhân dân”.
Đây là nét đẹp truyền thống, là cội nguồn sức mạnh của Quân đội ta, được hình thành ngay từ khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và ngày càng phát triển lên tầm cao mới theo bề dày thời gian.
Ngược dòng lịch sử, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Từ 34 chiến sĩ, trải qua hơn 77 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ của nhân dân, đội quân ấy đã lớn mạnh không ngừng, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục khẳng định, tô thắm truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân. Sự gắn bó đó là mối quan hệ bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau giữa quân và dân. Nhân dân luôn là nguồn sức mạnh to lớn của quân đội, giúp cho quân đội chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Ngược lại, quân đội luôn “hiếu với dân”, sẵn sàng xả thân chiến đấu, hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân bất kể hiểm nguy, gian khổ.
Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả và dọn dẹp sau lũ. Ảnh: Tuấn Sơn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân”. Người thường xuyên căn dặn cán bộ, chiến sĩ quân đội: “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”. Với mục tiêu đánh đuổi phát xít, thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, mang lại cơm no, áo ấm cho nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, Quân đội ta đã anh dũng chiến đấu; cán bộ, chiến sĩ quân đội không tiếc máu xương để đổi lấy cuộc sống hạnh phúc, yên bình cho nhân dân. Khi Tổ quốc lâm nguy, cuộc sống của nhân dân bị đe dọa, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ xung phong ra mặt trận, xông pha trong bom đạn chiến tranh, để lại gia đình, cha mẹ, vợ con nơi quê nhà để chiến đấu cho Tổ quốc trường tồn, cho nhân dân không còn cảnh đau thương, cơ cực. Trong số họ, không ít người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường ở tuổi hai mươi.
Ngay cả khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, bao người lính vẫn đằng đẵng xa nhà, chấp nhận mọi khó khăn, vất vả, kể cả hiểm nguy để canh giữ chủ quyền biên giới quốc gia, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hòa bình rồi nhưng máu của Bộ đội Cụ Hồ vẫn đổ trong lúc giúp dân chống thiên tai, lũ lụt. Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ dầm mình cứu dân trong lũ dữ; đẫm mồ hôi mang lương thực, thực phẩm tiếp tế nhân dân bị cô lập bởi mưa bão, thiên tai... càng tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Mới đây nhất, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, hàng chục vạn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang không quản ngại vất vả, nguy cơ lây nhiễm, dũng cảm lao vào “cuộc chiến” chống dịch, cứu dân. Bộ đội, bác sĩ quân y ở khắp các đơn vị toàn quân hừng hực khí thế “đi về phía nhân dân” với tinh thần “tính mạng của nhân dân trên hết, trước hết”. Lực lượng vũ trang Quân khu 7 phát động Phong trào thi đua đặc biệt “Chống dịch, cứu dân”; tổ chức các chương trình 5.000 phần quà hỗ trợ nhân dân, rồi 10.000, 20.000, 100.000 phần quà giúp dân chống đói, ổn định an sinh. Ở địa bàn biên giới, Bộ đội Biên phòng cắm chốt ngay từ đầu khi dịch xuất hiện, căng mình tuần tra đường mòn, lối mở để phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ có người thân qua đời vì ốm đau, dịch bệnh nhưng không thể về tiễn biệt lần cuối, phải nén đau thương bái vọng từ xa...
Cũng ở tuyến biên giới, địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi đất cằn sỏi đá, nước độc rừng thiêng, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị kinh tế-quốc phòng bám trụ, đồng hành với nhân dân; hằng ngày cầm tay, chỉ việc, hỗ trợ giống, vốn, hướng dẫn kỹ thuật để bà con biết trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ cao cả ấy, đã có bao mất mát, hy sinh giữa thời bình vì cuộc sống của nhân dân...
Tất cả những điều đó đã góp phần khẳng định, ở những nơi nguy hiểm nhất, gian khổ nhất, xa xôi nhất đều có mặt Bộ đội Cụ Hồ sát cánh cùng nhân dân vượt qua mọi chông gai, thử thách; tận tình bảo vệ và giúp đỡ nhân dân. Tình đoàn kết quân dân gắn bó máu thịt đã trở thành nét đẹp văn hóa, thẳm sâu trong con tim, khối óc của mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, bởi họ luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có dân thì không có bộ đội”, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Cho nên, dẫu xông pha trong lửa đạn, oằn mình trong bão lũ, vất vả giữa trùng khơi hay nhọc nhằn nơi biên viễn..., mỗi cán bộ, chiến sĩ đều hiểu rõ trách nhiệm, vinh dự của mình-đó là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính những người thân yêu của mình nơi quê hương yêu dấu. Bởi thế, họ sẵn sàng, tự nguyện chấp nhận hy sinh. Và sự hy sinh đó đã góp phần vun đắp thêm truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, làm sáng đẹp phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ...
Đáp lại tình cảm sâu nặng của Bộ đội Cụ Hồ, hơn 77 năm qua, nhân dân luôn tin yêu, quý mến, đùm bọc, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân. Thực tiễn lịch sử cho thấy, Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ quân đội đều là con em của nhân dân, nên được dân yêu, dân mến, dân nuôi dưỡng, che chở. Trong những năm chiến tranh, nhân dân chính là hậu phương vững chắc, là căn cứ địa an toàn nhất cho bộ đội đánh giặc. Hình ảnh những bà mẹ, những người chị chắt chiu, gom góp cho đầy “hũ gạo kháng chiến”, gửi áo ấm, chăn màn cho chiến sĩ; đào hầm nuôi giấu bộ đội... mãi là những hình ảnh cao đẹp của tình quân dân, của lòng dân trời biển. Hẳn chúng ta không thể quên những khẩu hiệu, phong trào thi đua: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Tất cả vì tiền tuyến”, “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, “Tay cày, tay súng”... được triển khai sâu rộng để bộ đội “ăn no, đánh thắng”, hỗ trợ tiền tuyến, cổ vũ bộ đội vững tâm chiến đấu, đánh đuổi quân thù, thu non sông về một mối.
Đất nước hòa bình, thống nhất, sự gắn bó máu thịt giữa quân đội với nhân dân tiếp tục thêm khăng khít. Hàng loạt chương trình, mô hình nhân dân chung sức chăm lo cho bộ đội, chăm lo cho nhiệm vụ quốc phòng-an ninh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Điển hình như các phong trào: “Góp đá xây Trường Sa”; “Thắp sáng nhà giàn DK1”, mô hình “Mái ấm cho chiến sĩ, người nghèo nơi biên giới”, “Nước ngọt vùng biên”, Quỹ “Vì biển đảo quê hương-Vì tuyến đầu Tổ quốc”... thể hiện sâu sắc ý Đảng, lòng dân và thấm nhuần bài học từ lịch sử: Trong thái bình vẫn phải lo giữ nước, dưỡng quân, quân có mạnh cơ đồ mới vững.
Có thể thấy rằng, những hành động, việc làm và nhiệt huyết đó chỉ có thể xuất phát từ sự tin tưởng, từ tình cảm thương yêu và tinh thần quân với dân một ý chí; đồng thời một lần nữa khẳng định sự gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Bộ đội Cụ Hồ...
Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới không chỉ khái quát đặc trưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, mà còn chỉ ra những nhóm giải pháp cụ thể. Thấu triệt và cụ thể hóa những giải pháp ấy, để phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tăng cường sự gắn bó máu thịt với nhân dân, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt công tác dân vận, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Bằng chính tình cảm, sự chân thành và hành động cao đẹp của mình để thuyết phục nhân dân tin theo bộ đội; thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; củng cố vững chắc “cái gốc”, cái cội nguồn sức mạnh của quân đội theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
TS. Uông Thiện Hoàng
Theo Báo Quân đội nhân dân
Đức Thi (st)