Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương (sau đây gọi là Nghị quyết 847) về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới bao hàm nhiều nội dung quan trọng, toàn diện. Một trong những đặc trưng cơ bản mang giá trị cốt lõi đó là: Nói đi đôi với làm, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân.
Người xưa có câu: “Nói chín thì phải làm mười/ Nói mười làm chín kẻ cười người chê”. Chỉ có một phần không làm được như lời đã nói, đã hứa mà bị kẻ cười, người chê, điều đó cho thấy các cụ ta ngày xưa đã rất quan tâm đến chữ tín, đề cao hành vi “nói đi đôi với làm”. Tìm hiểu sâu hơn nội hàm thuật ngữ “nói đi đôi với làm” trong Nghị quyết 847 cho thấy: Đây không đơn thuần là vấn đề đạo đức thông thường, mà ở tầm cao hơn chính là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động trong thực tiễn để được tập thể, nhân dân tin tưởng, ủng hộ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tinh thần nói đi đôi với làm. Người căn dặn cán bộ, đảng viên: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước".
Bộ đội giúp dân gặt lúa. Ảnh minh họa: TTXVN.
Bộ đội Cụ Hồ là danh hiệu cao quý được Đảng và nhân dân dành tặng cho cán bộ, chiến sĩ. Với sứ mệnh, trách nhiệm cao cả là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ cần giữ gìn, phát huy phẩm chất: Nói đi đôi với làm, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân. Gần 8 thập kỷ trôi qua nhưng nội dung, ý nghĩa 10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam vang lên dưới lá cờ Tổ quốc luôn là kim chỉ nam trong lời nói và hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ trên mọi mặt trận. Phẩm chất ấy được minh chứng trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, kiến quốc thời bình, tựa như “ngọc càng mài càng sáng”, qua thời gian ngày càng thêm sáng đẹp.
Hòa bình, đất nước không còn tiếng súng nhưng các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng. Đáng chú ý là chúng lôi kéo, dụ dỗ đồng bào tham gia các tà đạo, lập "vương quốc" riêng, gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Xác định là lực lượng nòng cốt, để “nói dân nghe, làm dân tin”, phát huy phẩm chất nói đi đôi với làm, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã thực hiện “3 bám, 4 cùng” (bám dân, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) với dân bản.
Bằng phương pháp tuyên truyền linh hoạt, kết hợp vừa nói vừa làm, vừa tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vừa cầm tay chỉ việc giúp dân xây dựng các mô hình kinh tế, Bộ đội Cụ Hồ trở thành điểm tựa của đồng bào, nhờ đó an ninh chính trị, trật tự địa bàn nơi phên giậu Tổ quốc được giữ vững. Hay, trong cuộc chiến chống "giặc Covid-19" vừa qua, hình ảnh bộ đội nhường lại doanh trại cho nhân dân cách ly, còn mình dựng lán ngủ ngoài rừng, ăn cơm bưng lá chuối đã làm lay động trái tim nhiều người. Hành động, nghĩa cử ấy càng làm tô thắm thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân, do dân, vì dân.
Khẳng định phẩm chất nói đi đôi với làm, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết là đặc trưng cơ bản cần tiếp tục lan tỏa, nhân rộng, thế nhưng thực tiễn cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, không ít cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, nói và làm có những khoảng cách, thậm chí nói một đằng làm một nẻo. Không ít người cho mình quyền được nói, được đề cao người này, phê phán người kia mà thực tâm không phải để đóng góp xây dựng mà cốt là để hạ bệ người khác, nâng cao bản thân và những người cùng lợi ích. Không ít người trong hội nghị thì im lặng, dĩ hòa vi quý, "tránh voi không xấu mặt nào" nhưng sau hội nghị thì xì xèo, bàn tán, đả kích người khác. Một hiện tượng hay gặp ở những người có thói quen xu nịnh là tâng bốc cấp trên bằng lời lẽ hoa mỹ, sáo rỗng nhưng khi hết quyền lợi thì thờ ơ, vô cảm. Xót xa hơn, vừa qua, một số cán bộ bị đưa ra khởi tố mà trước đó chưa lâu họ còn phô trương, tô vẽ những việc mình làm là “cống hiến vì dân, vì nước”.
Tình trạng trên được Nghị quyết 847 nhận diện là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, đó là: “Không quan tâm đến lợi ích chung, làm việc gì cũng chỉ mưu cầu cho lợi ích cá nhân; sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi... Nói, viết và làm không đúng nghị quyết, chỉ thị, quy định, nguyên tắc của Đảng, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của quân đội...”. Những biểu hiện trên không chỉ là sự suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống mà còn là biểu hiện của “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, trở thành rào cản sự phát triển, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.
Bộ đội Cụ Hồ ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi để phát huy phẩm chất, tài năng cống hiến cho đất nước, song cũng đặt ra thách thức lớn bởi lối sống thực dụng, ưa thụ hưởng và những cám dỗ về vật chất, các tệ nạn xã hội đang len lỏi. Bởi vậy, phát huy phẩm chất nói đi đôi với làm, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân cho bộ đội là việc làm quan trọng và cần thiết. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết 847 nhấn mạnh là: “Tăng cường công tác lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân”.
Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ, để nói đi đôi với làm, trước hết cần phải có nhận thức đúng và quyết tâm vượt qua chính mình. Bởi, có nhận thức đúng nhưng không vượt qua được sự cám dỗ của lợi ích cá nhân sẽ dẫn đến nói không đi đôi với làm. Muốn vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tư cách đảng viên; khắc phục mọi biểu hiện cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, mơ hồ mất cảnh giác. Nói đi đôi với làm phải thể hiện bằng kết quả công việc, với những sản phẩm cụ thể. Kết quả công việc là thước đo sự cống hiến của mỗi người. Việc gì làm được thì nói, chưa làm được thì không thể phô trương, tô vẽ.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần có nhiều chủ trương, giải pháp phát huy dân chủ trong Đảng, tăng cường giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, quán triệt, thực hiện nghiêm 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân và chức trách quân nhân. Đồng thời cần biểu dương, khen thưởng những gương cán bộ, đảng viên tận tụy, tâm huyết, chịu khó, tìm tòi, sáng tạo, thật thà, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phát huy phẩm chất nói đi đôi với làm, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, quân nhân sẽ ngày càng khẳng định được tài năng, bản lĩnh, trí tuệ và được tập thể, quần chúng ghi nhận, xứng đáng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ.
Phạm Kiên
Theo Báo Quân đội nhân dân
Đức Thi (st)