Kích hoạt khẩn trương, kịp thời và vận dụng sáng tạo, hiệu quả các nguyên tắc, cơ chế, biện pháp,… phòng thủ dân sự vào ứng phó thắng lợi với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là phòng, chống đại dịch Covid-19 là vấn đề quan trọng, cần tiếp tục được nghiên cứu vận dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Luật Quốc phòng Việt Nam xác định: “Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân”1. Như vậy, phòng thủ dân sự là một bộ phận hợp thành quan trọng trong các biện pháp phòng thủ quốc gia, được tiến hành cả thời bình và thời chiến. Nhiệm vụ của phòng thủ dân sự gồm nhiều nội dung; trong đó, tập trung vào: bảo vệ nhân dân, phòng, tránh tác động, tàn phá của các phương tiện chiến tranh; những tổn thất do thảm họa, thiên tai, dịch bệnh,… gây ra, bảo đảm cho đời sống nhân dân, nền kinh tế hoạt động ổn định, bền vững trong các tình huống đặc biệt; tiến hành cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thảm họa, v.v.
Trước sự xuất hiện dịch Covid-19 (cuối năm 2019), nhanh chóng phát triển thành đại dịch - một trong những thách thức an ninh phi truyền thống chưa từng có trong lịch sử nhân loại nói chung, Việt Nam nói riêng, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã vận dụng các biện pháp phòng thủ dân sự vào ứng phó và khống chế tương đối thành công dịch bệnh. Trong đó, có một số đợt, giai đoạn trở thành điểm sáng trong phòng, chống dịch bệnh, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, do dịch diễn biến phức tạp, kéo dài, với nhiều biến thể khó lường, lại chưa có thực tiễn kiểm nghiệm,… nên công tác phòng, chống dịch nói chung, vận dụng các biện pháp phòng thủ dân sự để khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch nói riêng, trên một số địa bàn vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, thậm chí có nơi, có thời điểm còn đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cũng như sự ổn định kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay và giai đoạn tới, tình hình dịch đang và sẽ còn kéo dài, diễn biến phức tạp, để thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả các biện pháp phòng thủ dân sự trong phòng, chống dịch Covid-19 là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Phạm vi bài viết xin nêu một số suy nghĩ về vấn đề này để cùng nghiên cứu, trao đổi.
Một là, quán triệt, thực hiện hiệu quả nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện; Nhà nước quản lý, điều hành tập trung, thống nhất hoạt động phòng thủ dân sự, trong đó có nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Phải khẳng định rằng, sự lãnh đạo của Đảng luôn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi cách mạng Việt Nam không chỉ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, mà cả trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vì thế, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước đối với phòng thủ dân sự nói chung, vận dụng trong phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng là vấn đề quan trọng đối với sự ổn định của đất nước; là nhiệm vụ chiến lược liên quan trực tiếp đến tính mạng của nhân dân, đòi hỏi phải phát huy trách nhiệm chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là hệ thống tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên từ Trung ương tới cơ sở. Vừa qua, tình huống an ninh phi truyền thống (dịch Covid-19) diễn ra nhanh, bất ngờ dẫn đến một số địa phương còn lúng túng trong việc kích hoạt, vận dụng các nguyên tắc, cơ chế phòng thủ dân sự vào ứng phó, xử lý, nhất là nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, người đứng đầu và cơ quan phòng thủ dân sự các cấp. Thực tiễn phòng, chống dịch bệnh cho thấy, địa phương, cơ quan, đơn vị nào cấp ủy, chỉ huy, người đứng đầu sâu sát, gần dân, nắm chắc tình hình, có chủ trương đúng, quyết tâm cao, giải pháp quyết liệt, phù hợp, thì ở đó dịch bệnh được kiểm soát tốt và ngược lại.
Để kiểm soát tốt dịch bệnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy tập trung, thống nhất; vận dụng sáng tạo, hiệu quả nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tổ chức đảng, hệ thống chính quyền, cùng hoạt động của các cơ quan, đoàn thể và toàn dân vào cụ thể điều kiện phòng, chống dịch. Phát huy vai trò của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự (phòng, chống dịch) các cấp, từ Trung ương đến cơ sở, nhất là vai trò của Ban chỉ đạo, chỉ huy lâm thời các cấp, triển khai các giải pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả, phù hợp, thông suốt, linh hoạt, sáng tạo. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng phòng thủ dân sự, kiên quyết kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
Hai là, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng phòng thủ dân sự trong phòng, chống dịch Covid-19. Lực lượng phòng thủ dân sự phòng, chống dịch Covid-19 gồm nhiều thành phần, trong đó nòng cốt, chủ yếu là lực lượng Y tế, Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ,… đây là lực lượng chủ công, tuyến đầu trong thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”. Tuy nhiên, do chức năng, nhiệm vụ và trình độ chuyên môn khác nhau, nên việc sử dụng và phát huy năng lực, sở trường của từng lực lượng trong phòng, chống dịch cũng khác nhau. Đối với lực lượng Y tế, tập trung tham mưu cho Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo các ban, bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp chuyên ngành y tế về đánh giá, dự báo tình hình dịch bệnh; cơ sở, chỉ tiêu phân chia cấp độ, khu vực, vùng dịch; các biện pháp khoanh vùng, cách ly, thu dung, điều trị, dập dịch; phối hợp với các địa phương, lực lượng liên quan kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đối với Quân đội - lực lượng nòng cốt trong phòng thủ dân sự, thực hiện chức năng đội quân công tác, tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cả ở trong và ngoài Quân đội. Trong đó, tập trung nhận định, đánh giá, dự báo chính xác tình hình; tổ chức diễn tập thống nhất trình tự, nội dung, phương pháp chỉ huy, điều hành, phối hợp, hiệp đồng phòng, chống dịch ở các cấp độ; ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài vào lãnh thổ đất nước; phối hợp với lực lượng Y tế, Công an,… tổ chức các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến theo chỉ đạo của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương; hợp tác quốc tế, nghiên cứu sản xuất thiết bị y tế, vaccine; điều động khẩn cấp lực lượng quân y và bộ đội ở các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng,… xung kích tham gia phòng, chống dịch trên các địa bàn; giúp đỡ vật chất, động viên tinh thần nhân dân vượt qua khó khăn, phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Đối với lực lượng Công an, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống dịch; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, tài sản, giúp nhân dân ổn định đời sống và thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác. Ngoài ra, cần phát huy vai trò xung kích của lực lượng Dân quân tự vệ, Thanh niên tình nguyện, Hội Cựu chiến binh, tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng, các nhóm tình nguyện trong xã hội,… trong công tác phối hợp hỗ trợ trực tiếp tại các địa bàn có dịch, v.v.
Ba là, duy trì nghiêm luật pháp trong suốt quá trình phòng, chống dịch. Thời gian qua, trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch, thì một số cán bộ, đảng viên đã vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến phẩm chất, đạo đức gây bất bình trong nhân dân. Xuất hiện một số hành động bột phát, chống đối người đang thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch; từ phạm pháp hình sự đến xúc phạm, khiêu khích, tấn công người thi hành công vụ, phá hoại tài sản, không chấp hành quy trình, quy định phòng, chống dịch,… nếu không nghiêm trị có thể xảy ra biểu tình, gây rối, vô hiệu hóa chính quyền các cấp. Đối tượng vi phạm đa dạng thành phần, lứa tuổi, thậm chí có cả cán bộ các cơ quan nhà nước, trí thức, cán bộ nghỉ hưu, v.v. Những hành vi vi phạm pháp luật và lệch chuẩn về đạo đức đó cần phải được nghiêm trị bằng pháp luật kết hợp tăng cường giáo dục đạo đức xã hội.
Theo đó, phải củng cố hệ thống cơ quan thực thi pháp luật, xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp với nhiều tình huống, kịch bản. Dự kiến các cấp độ chống đối, bất tuân dân sự trong nước kết hợp với lợi dụng can thiệp, chống phá từ bên ngoài và biện pháp xử lý ngay khi đất nước còn ổn định, không để bị động, bất ngờ. Khi xảy ra các hiện tượng chống đối, tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng để xử lý; kiên quyết trấn áp kịp thời, duy trì sự nghiêm minh của pháp luật trong mọi điều kiện, ổn định tư tưởng nhân dân.
Bốn là, ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ vào phòng, chống dịch bệnh. Vừa qua, chúng ta đã ứng dụng tương đối tốt các thành tựu khoa học - công nghệ trong phòng thủ dân sự nói chung, phòng, chống dịch Covid 19 nói riêng. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu cá nhân chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, khai báo y tế thủ công mất nhiều thời gian, lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh; ứng dụng công nghệ trong giáo dục - đào tạo, nhất là dạy học online thiếu chủ động, còn nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng chất lượng giáo dục - đào tạo. Việc duy trì sử dụng giấy đi đường cùng các loại giấy tờ khác cho thấy cách làm thủ công, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho lĩnh vực khoa học - công nghệ trong triển khai phòng thủ dân sự với các tình huống, cấp độ khác nhau.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam cần kết hợp ngoại giao, nhập vaccine với đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine các loại, nhằm thực hiện mục tiêu bao phủ vaccine toàn dân, tạo “lá chắn” bảo vệ người dân trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong kiểm soát dịch và hỗ trợ điều trị, như: phát huy nền tảng của hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch; triển khai bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, nâng cấp phần mềm khai báo y tế,... tạo ra các sản phẩm khoa học - công nghệ phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ, v.v. Nghiên cứu chế tạo, sản xuất, nâng cấp, mở rộng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, như: Robot, máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn. Quá trình ứng dụng cần nghiên cứu các biện pháp kiểm soát, chống sự phá hoại bằng công nghệ từ bên ngoài.
Thiên tai, dịch bệnh, thảm họa,… không chỉ gây tổn thất lớn về tính mạng, tài sản, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mạnh quốc gia, sự ổn định chính trị, xã hội. Do đó, nghiên cứu, nắm chắc để kích hoạt, vận dụng sáng tạo, hiệu quả các nguyên tắc, cơ chế, biện pháp phòng thủ dân sự theo các cấp độ, nhằm đối phó thắng lợi với các tình huống an ninh phi truyền thống, giữ cho đất nước an toàn, ổn định, là việc làm cần thiết, quan trọng.
Thiếu tướng, TS. Trần Minh Tuấn,
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Đức Thi (st)
_________________
1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Luật Quốc phòng 2018, Nxb QĐND, H. 2018, tr. 23.