Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là công tác quan trọng trong công tác tư tưởng và công tác tổ chức, cán bộ của Đảng. Nhấn mạnh vai trò của lý luận chính trị và công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Học tập lý luận chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu và học tập lý luận chính trị là một yêu cầu cần thiết và cấp bách, thường xuyên và lâu dài đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quy định số 54-QĐ/TW, ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và tiếp thu ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 57-QĐ/TW ngày 08/02/2022 về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị. Quy định 57 có nhiều điểm mới, cụ thể, đồng bộ, xác định rõ đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo lý luận chính trị ở từng cấp, tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác đào tạo lý luận chính trị. Cụ thể:

1. Thẩm quyền ban hành quy định là Ban Bí thư, đã phân cấp, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ đào tạo về lý luận chính trị, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị liên quan trong từng bậc đào tạo về sơ cấp, trung cấp và cao cấp, giải quyết được vấn đề nhiều cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn về đối tượng, tiêu chuẩn thiếu tính phối hợp, liên thông, đồng bộ

2. Quy định đã làm rõ và cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo lý luận chính trị trong từng cấp:

2.1. Trình độ sơ cấp lý luận chính trị

Đối tượng học là đảng viên; đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị, xã hội; công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và một số đối tượng khác có nguyện vọng phù hợp với yêu cầu chung. Tiêu chuẩn của người tham gia đào tạo sơ cấp lý luận chính trị thuộc các đối tượng trên phải tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.

2.2. Về trình độ trung cấp lý luận chính trị

Đối tượng đào tạo là cán bộ lãnh đạo, quản lý được quy định tại khoản 1, Điều 5 của Quy định, không trùng với đối tượng đào tạo sơ cấp và cao cấp. Đồng thời, lần đầu tiên quy định rõ đối tượng là cán bộ Quân đội, Công an. Tiêu chuẩn của người được đào tạo trung cấp lý luận chính trị thuộc các đối tượng trên phải là đảng viên dự bị hoặc chính thức; tốt nghiệp cao đẳng trở lên (tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn); với cán bộ học hệ không tập trung thì nữ phải từ 33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên

3. Trình độ cao cấp lý luận chính trị

 Đối tượng đào tạo là cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp huyện đến Trung ương, không trùng với đối tượng đào tạo trung cấp và phải phù hợp với các văn bản, quy định hiện hành. Tiêu chuẩn của người tham gia đào tạo cao cấp lý luận chính trị thuộc các đối tượng trên phải là đảng viên chính thức, tốt nghiệp đại học trở lên; với cán bộ học hệ không tập trung thì nữ phải từ 38 tuổi, nam từ 40 tuổi trở lên.

4. Một số học viện, trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ lực lượng vũ trang.

5. Xác định rõ việc phân cấp nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị

- Trung tâm chính trị cấp huyện được giao đào tạo sơ cấp chính trị.

 - Trường Chính trị cấp tỉnh đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ của địa phương và của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương làm việc trên địa bàn.

- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

6. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị liên quan trong từng bậc đào tạo theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; các cơ quan có liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, không trùng lặp, chồng chéo.

7. Xác định rõ lộ trình dừng việc đào tạo trung cấp lý luận chính trị của các cơ sở đào tạo thuộc các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương từ ngày 01/01/2024, để các học viện, trường tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngành; công tác đào tạo trung cấp lý luận chính trị đối với cán bộ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương do các trường chính trị cấp tỉnh thực hiện.

Quy định số 57-QĐ/TW gồm 4 Chương, 12 Điều thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc cụ thể hoá, đảm bảo sự đồng bộ công tác đào tạo lý luận chính trị với việc đổi mới công tác cán bộ của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và phù hợp với tình hình mới. sẽ tạo nên hành lang pháp lý để thống nhất việc lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị ở cả 3 cấp (sơ cấp, trung cấp, cao cấp).

Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị để hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của cách mạng nước ta hiện nay là phải xây dựng được nguồn nhân lực có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn giỏi và lý luận chính trị sắc bén, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhất là trong các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội./.

Bùi Hảo (tổng hợp)

Bài viết khác: