Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

1. Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, có hiệu lực từ ngày 01/4/2022

Theo đó, Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 quy định về số giờ làm thêm như sau:

* Số giờ làm thêm trong 01 năm

Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ các trường hợp sau đây: 

- Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; 

- Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng 

- Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 

- Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; 

- Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. 

Lưu ý: Không áp dụng quy định trên đối với trường hợp tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động, bao gồm: 

Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:

- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;

- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

- Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;

- Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;

- Trường hợp khác do Chính phủ quy định.

* Số giờ làm thêm trong 01 tháng 

Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 01 tháng. 

Ngoài ra, việc thực hiện quy định về số giờ làm thêm tại Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15  phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác có liên quan của Bộ luật Lao động.

Khi tổ chức làm thêm giờ quy định nêu trên, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều 107 Bộ luật Lao động. 

Đồng thời, người sử dụng lao động có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động. 

Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 01/4/2022. Quy định về số giờ làm thêm trong 01 năm tại Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

2. Thông tư số 02/2022/TT-BCT ngày 20/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức Quản lý thị trường, có hiệu lực từ ngày 01/4/2022

Theo đó, các ngạch công chức Quản lý thị trường quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTC áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang như sau:

- Ngạch Kiểm soát viên cao cấp thị trường (mã số 21,187) áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Ngạch Kiểm soát viên chính thị trường (mã số 21.188) áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Ngạch Kiểm soát viên thị trường (mà số 21.189) áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Ngạch Kiểm soát viên trung cấp thị trường (mã số 21.190) áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.

3. Thông tư số 12/2022/TT-BTC ngày 22/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, có hiệu lực từ ngày 09/4/2022

Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức về du lịch sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch với số tiền như sau:

- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng.

Bên cạnh đó, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức về du lịch trong việc triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông du lịch trong cộng đồng được hỗ trợ như sau:

- Hỗ trợ triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, góp phần bảo đảm môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam;

- Hỗ trợ triển khai các chương trình truyền thông nhằm nâng cao ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên du lịch, môi trường du lịch tại các điểm du lịch, khu du lịch

4. Nghị định 18/2022/NĐ-CP ngày 18/02/2022 của Chính phủ về Nghi lễ đối ngoại, có hiệu lực từ ngày 10/4/2022

 Theo đó, nguyên tắc thực hiện nghi lễ đối ngoại được quy định như sau:

- Cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện nghi lễ đối ngoại phải tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật và thông lệ quốc tế.

- Việc tổ chức nghi lễ đối ngoại phải được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống chính trị bao gồm các cơ quan Đảng và Nhà nước, phục vụ yêu cầu chính trị, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, khẳng định được vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị Việt Nam.

- Cơ quan chủ trì kiến nghị các biện pháp nghi lễ đối ngoại trên cơ sở đối đẳng, có đi có lại; chú trọng xử lý các khác biệt giữa hệ thống chính trị, phong tục, văn hóa Việt Nam với hệ thống chính trị, phong tục, văn hóa nước khách.

- Các trường hợp đặc biệt thực hiện theo đề án riêng và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

5. Nghị định số 19/2022/NĐ-CP ngày 22/02/2022 của Chính phủ quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, có hiệu lực từ ngày 15/4/2022

Theo đó, chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc được thực hiện như sau:

- Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác (nếu có) theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý công nhân và viên chức quốc phòng trước khi thôi việc chi trả.

- Thực hiện chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng đã thôi việc về địa phương trong thời gian không quá 01 năm (12 tháng) kể từ ngày quyết định thôi việc có hiệu lực như sau:

+ Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được thực hiện chế độ chuyển ngành theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này, đồng thời phải hoàn trả khoản trợ cấp một lần quy định tại khoản 2 Điều này và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi công nhân và viên chức quốc phòng công tác trước khi thôi việc chỉ đạo thu hồi quyết định thôi việc và các khoản trợ cấp nêu trên; ra quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển ngành; nộp các khoản trợ cấp đã thu vào ngân sách nhà nước và tài khoản chuyên thu của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng xác nhận, thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó theo quy định.

+ Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà có nguyện vọng được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì phải hoàn trả khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi công nhân và viên chức quốc phòng công tác trước khi thôi việc chỉ đạo thu hồi khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần nộp vào tài khoản chuyên thu của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng xác nhận, thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó theo quy định. Khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, không được áp dụng cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để tính lương hưu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

Trường hợp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi công nhân và viên chức quốc phòng công tác trước khi thôi việc đã sáp nhập hoặc giải thể thì thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 2 Nghị định này.

- Thời gian công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc về địa phương không được tính là thời gian công tác tham gia bảo hiểm xã hội.

6. Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT ngày 04/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT ngày 01/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập; Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT ngày 26/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, có hiệu lực kể từ ngày 19/4/2022

Theo đó, thay vì yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên riêng theo từng hạng (I, II, III) như trước, Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT đã cho phép áp dụng tiêu chuẩn chung là có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm hoặc theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học.

Ngoài ra, Thông tư mới cũng nêu rõ, viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng viên chức giảng dạy trước ngày 30/6/2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên.

Đồng thời, còn được sử dụng chứng chỉ này khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên./.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: