Thể thao truyền thống là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam và có sức ảnh hưởng nhất định trong đời sống tinh thần của nhân dân ta, gắn liền với cuộc sống lao động và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta từ ngàn xưa đến nay.

the thao truyen thong
Dù rất bận rộn nhưng Bác Hồ vẫn luôn chú trọng tập luyện thể dục thể thao
 để giữ gìn sức khỏe.

Các hoạt động thể thao truyền thống thường được tổ chức trong các dịp lễ, Tết, không chỉ giúp rèn luyện, nâng cao sức khỏe, thể chất cho nhân dân mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy tinh thần gắn kết cộng đồng, làm phong phú đời sống văn hoá của nhân dân. Do đó, việc kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó giữ gìn và phát triển các môn thể thao truyền thống luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời coi trọng, đề cao, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng một nền văn hóa mới khi Người chủ trương: “phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”(1).

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Mặc dù rất bận rộn với trách nhiệm của người lãnh đạo Đảng và cách mạng nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất chú trọng tới việc tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe và Người cũng quan tâm tới phong trào thể dục thể thao cũng như việc giữ gìn sức khỏe cho nhân dân. Chính vì vậy, ngày 30-01-1946, Người ký Sắc lệnh số 14 về việc thành lập Nha Thể dục Trung ương trực thuộc Bộ Thanh niên. Sắc lệnh quy định Nha Thể dục Trung ương có nhiệm vụ cùng Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc. Sau đó ít ngày, Trường Thể dục đã ra đời và đặt cơ sở tại căn nhà ở đường Cột Cờ (Hà Nội) - vốn là một khu trại học tập của sĩ quan Pháp. Đây là sự kiện đánh dấu mốc khai sinh Ngành Thể dục Thể thao cách mạng Việt Nam. Tiếp đó, ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 về việc lập Nha Thanh niên và Thể dục trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục với cơ cấu gồm Phòng Thanh niên và Phòng Thể dục Trung ương. Cùng ngày, Người viết bài “Sức khoẻ và thể dục” dưới phụ đề “Hồ Chủ tịch kêu gọi đồng bào toàn quốc tập thể dục”, bài viết đăng trên báo Cứu quốc số 199. Chủ tịch Hồ Chí Minh tha thiết kêu gọi, khởi xướng tinh thần thể dục thể thao đối với toàn thể nhân dân bằng lời kết “Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”(2). Vì vậy, cần tạo ra các phong trào thể dục, thể thao sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trong đó các hoạt động thể thao truyền thống là một phương pháp vừa duy trì rèn luyện sức khỏe, vừa phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc, tạo ra sự gần gũi, đoàn kết trong nhân dân, góp phần vào sự nghiệp chung của cách mạng.

Phát triển thể thao truyền thống là một trong những hình thức để khuyến khích phong trào thể dục thể thao được lan rộng trong cộng đồng. Ngày 26-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ khai mạc “Ngày thanh niên vận động” và phát động phong trào “Khoẻ vì nước”, mở đầu cho phong trào rèn luyện thể dục, thể thao trong đông đảo quần chúng nhân dân. Sau khi phát động phong trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn cán bộ Thanh niên và Thể dục thể thao của nhiều tỉnh, thành phố của nước ta. Người căn dặn tất cả các cán bộ của các đoàn hãy tích cực tham gia các phong trào cách mạng, tổ chức hoạt động thể dục thể thao, phát động phong trào “Khỏe vì nước” ở địa phương, góp phần tích cực vào công cuộc “kháng chiến kiến quốc” thắng lợi. Phong trào có nhiều loại hình tập luyện thi đấu, trong đó các môn thể thao truyền thống của dân tộc được các tầng lớp nhân dân tham gia nhiệt liệt là: võ, vật cổ truyền, bơi thuyền, bơi chải, đánh phết, đá cầu chinh, kéo co, ném còn, đẩy gậy v.v... Việc đưa các môn thể thao truyền thống vào các phong trào thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân đã thể hiện sự quan tâm, coi trọng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các môn thể thao này trong sự phát triển của ngành Thể dục thể thao nói riêng và sự nghiệp cách mạng nói chung.

Là một người con đất Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất yêu thích và hăng say tập luyện một số môn thể thao truyền thống như: Cờ tướng, leo núi, võ cổ truyền, v.v... Người cho rằng phát triển các môn thể thao truyền thống phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu của đất nước. Thêm nữa, thể thao truyền thống đang được phát triển mạnh mẽ trong phong trào thể dục thể thao quần chúng và cũng được nhiều nước trên thế giới rất chú ý, coi trọng.

Không chỉ kêu gọi toàn thể nhân dân tham gia tập luyện, bản thân Hồ Chí Minh chính là tấm gương về tinh thần tự rèn luyện thân thể và gìn giữ sức khỏe để nhân dân học tập và noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc tập luyện thể dục thể thao hàng ngày bằng cách vận dụng nhiều loại hình thể thao truyền thống dân tộc và thể dục thể thao hiện đại, phương Đông và phương Tây với các phương pháp khác nhau, tự điều chỉnh khối lượng và cường độ tập luyện cho phù hợp với tình hình sức khỏe, thời tiết, địa hình nơi Người ở và làm việc, động viên mọi người xung quanh cùng tập luyện, nâng cao sức khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các môn thể thao truyền thống, Hồ Chí Minh thường xuyên tập môn Thái cực quyền - một loại hình văn hóa thể chất mang đậm chất phương Đông, làm cho người tập có một cơ thể dẻo dai, linh hoạt và mềm mại. Năm 1957, Người tập Thái cực quyền dưới sự hướng dẫn của ông Cố Lưu Hinh - một giáo sư thể thao y học Trung Quốc do Thủ tướng Chu Ân Lai giới thiệu sang. Bắt đầu từ ngày mồng 5 tháng giêng, một lớp học Thái cực quyền được tổ chức gồm Chủ tịch Hồ Chí Minh và 22 cán bộ nhân viên của Phủ Chủ tịch(3). Ngoài thời gian do giáo sư quy định, Người kiên trì tự luyện tập thêm vào sáng sớm và buổi tối, nên sau 62 ngày, Người đã học xong toàn bộ giáo trình Thái cực quyền. Nhờ vậy, bệnh mất ngủ của Người đã giảm(4). Khi đã nắm vững thành thạo, Hồ Chí Minh tự soạn ra bài Thái cực quyền riêng cho mình để tập luyện phù hợp với sức khoẻ và tuổi tác, giúp Người rèn luyện sức khỏe, đảm bảo thể lực và trí lực sáng suốt, tính kiên trì, bền bỉ, dẻo dai để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Người nói với các học viên lớp học rằng: “Hiệu quả tập Thái cực quyền rất tốt, mong các đồng chí kiên trì tập luyện để dạy cho người khác”(5). Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn vận động viên Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao các lực lượng mới trỗi dậy (GANEFO) trở về. Tại đây, Người không chỉ khen ngợi, động viên các vận động viên tham gia Đại hội, mà còn nói chuyện, giảng giải cho Đoàn cán bộ và vận động viên về các môn thể thao truyền thống, trong đó có Thái cực quyền mà Người tập luyện hàng ngày. Sau này, Người từng là “huấn luyện viên” hướng dẫn một số cán bộ, thành viên cơ quan Chính phủ, đoàn thể tập nhu quyền, thể dục dưỡng sinh, làm mẫu cho cán bộ, chiến sĩ một số đơn vị quân đội tập thể dục hoặc võ thuật. Bên cạnh đó, khi có điều kiện cho phép, Hồ Chí Minh rất khuyến khích cán bộ các cơ quan Chính phủ, đoàn thể, các đơn vị bộ đội tổ chức tập luyện và giao lưu biểu diễn võ thuật và một số môn thể thao khác, thúc đẩy việc giữ gìn và phát triển các môn thể thao truyền thống dân tộc.

the thao truyen thong 2
Bác Hồ tập võ rèn luyện sức khỏe ( Ảnh tư liệu)

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm, tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam được hun đúc trở thành nét đẹp trong phẩm chất con người Việt Nam ở mọi thời đại. Hồ Chí Minh có hiểu biết rất sâu sắc về quyền và võ cổ truyền của dân tộc khi Người khẳng định “võ dân tộc của ta rất giàu tính chiến đấu”. Ngày 14-12-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Thể dục thể thao Trung ương (nay là Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh). Sau khi nói chuyện với cán bộ, giáo viên học sinh toàn trường, Người ra sân xem các cháu học sinh biểu diễn bài kiếm liên hoàn và nhận xét, chỉnh sửa động tác cho học sinh với lời dặn dò: “Khi đánh kiếm, cánh tay phải vung mạnh, động tác phải nhanh, lưỡi kiếm đưa đi con mắt phải nhìn theo. Võ dân tộc của ta rất giàu tính chiến đấu”(6). Tư tưởng này của Người không chỉ nêu ra nguyên tắc cơ bản trong môn võ kiếm mà còn chỉ chung các loại hình võ cổ truyền dân tộc, thể hiện tinh thần thượng võ, ý chí kiên cường của nhân dân ta trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Tính chiến đấu phong phú, độc đáo trong võ cổ truyền dân tộc của ta toát lên yếu tố văn hoá thể chất và văn hoá nói chung mang bản sắc dân tộc Việt Nam rất sâu sắc. Điều đó cũng cho thấy rằng, võ cổ truyền dân tộc nói riêng và các môn thể thao truyền thống nói chung rất giàu tính sáng tạo, biến hóa giữa công và thủ, lấy tĩnh chế động, thiên biến vạn hóa, dĩ bất biến ứng vạn biến. Đó cũng là yếu tố căn bản để chiến thắng kẻ thù hùng mạnh và những yếu tố đó đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng tầm trở thành nghệ thuật quân sự vận dụng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã khẳng định việc giữ gìn và phát triển võ cổ truyền dân tộc cũng như các môn thể thao truyền thống là phù hợp với nhu cầu của nhân dân.

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Thể dục thể thao Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, từng bước vươn lên khẳng định vị thế của thể thao nước nhà tại các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới, góp phần không nhỏ vào sự phát triển phồn vinh của đất nước. Cùng với sự du nhập mạnh mẽ của các môn thể thao hiện đại, các môn Olympic, các môn thể thao truyền thống dân tộc vẫn luôn được bảo tồn, giữ gìn và phát triển. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Thể dục thể thao để không chỉ thúc đẩy phong trào Thể dục thể thao quần chúng, mà còn đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Do đó, việc kế thừa và phát huy các loại hình thể thao truyền thống theo định hướng tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa sâu sắc. Điều này đã được khẳng định trong các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

the thao truyen thong 3
Bác Hồ và các vận động viên năm 1966. (Ảnh tư liệu).

Trong những năm gần đây, từ Trung ương đến địa phương, việc tổ chức các giải thi đấu thể thao truyền thống, các Hội thi thể thao, Hội thi văn hóa thể thao đã trở thành hoạt động thường niên và nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia. Bên cạnh đó, tại các kỳ Đại hội Thể dục thể thao các cấp, các môn thể thao dân tộc đều được đưa vào tổ chức và tùy thuộc vào điều kiện, sở thích cũng như phong tục tập quán ở từng vùng miền để lựa chọn đưa các môn thể thao dân tộc sao cho phù hợp. Ngoài ra, tại các địa phương, các môn thể thao dân tộc, truyền thống luôn được tổ chức tại các dịp Lễ, Tết và được đông đảo nhân dân yêu thích tập luyện, đặc biệt là đối với các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa… Đây là dịp để nhân dân vui chơi, giải trí, củng cố tinh thần đoàn kết cộng đồng, đồng thời bảo tồn và gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngoài việc khuyến khích hỗ trợ phát triển các môn thể thao truyền thống ở các vùng dân tộc thiểu số, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành Thể dục thể thao cũng đang tập trung vào việc hỗ trợ sưu tầm, nghiên cứu bảo vệ, bảo tồn và phổ biến các trò chơi vận động dân gian, các môn thể thao dân tộc thiểu số; thống kê các trò chơi vận động dân gian của các dân tộc thiểu số thành một nội dung của nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khai sinh ra nền Thể dục thể thao Việt Nam, chủ trương giữ gìn và phát huy các môn thể thao truyền thống mà Người cũng chính là tấm gương sáng về rèn luyện các môn thể thao truyền thống dân tộc. Những chỉ dẫn của Người có ý nghĩa sâu sắc định hướng cho việc khai thác và phát triển thể thao truyền thống để các môn thể thao này tiếp tục giữ vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Thể thao truyền thống mang lại lợi ích to lớn về mặt sức khỏe thể chất cho con người, đồng thời tôn vinh và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, thể hiện tinh thần, ý chí, khát vọng vươn lên tầm cao mới của cả dân tộc. Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát triển các môn thể thao truyền thống là việc làm cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay./.

ThS. Nguyễn Trung Kiên

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Thanh Huyền (st)

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.40.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.241

(3) Trương Quốc Uyên: Chủ tịch Hồ Chí Minh với thể dục thể thao, Nxb. Thể dục thể thao, Hà Nội, 2003, tr.142

(4) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 6, tr.319

(5) Trương Quốc Uyên: Chủ tịch Hồ Chí Minh với thể dục thể thao, Nxb. Thể dục thể thao, Hà Nội, 2003, tr.143-144

(6) Trương Quốc Uyên: Chủ tịch Hồ Chí Minh với thể dục thể thao, Nxb. Thể dục thể thao, Hà Nội, 2003, tr.147

Bài viết khác: