Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Kỷ niệm 80 năm Bác Hồ viết tác phẩm "Lịch sử nước ta" là dịp để chúng ta ghi nhớ công ơn của Người đã dành cả cuộc đời cho độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, và cũng là dịp để chúng ta luôn ghi nhớ lịch sử nước nhà, lịch sử hào hùng của dân tộc mà cha ông ta qua nhiều thế hệ đã phải hy sinh xương máu để gìn giữ.

lich su nuoc ta
Bìa cuốn "Lịch sử nước ta" xuất bản năm 1942. (Ảnh tư liệu: Báo Quân đội nhân dân).

  1. Lịch sử là động lực thôi thúc cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Tại làng Pắc Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Người đã mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ cách mạng, trực tiếp bắt tay thực hiện chương trình thí điểm của Việt Minh, tổ chức các Hội Cứu quốc. Ngày 6/6/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết, nhất tề đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật. Người còn xuất bản tờ báo “Việt Nam độc lập” (số đầu tiên ra ngày 1/8/1941) và viết bài cho cơ quan ngôn luận Việt Minh bí mật đóng ở căn cứ rừng núi Cao Bằng. Mục đích của Người là giúp cán bộ Việt Minh có thêm nguồn tư liệu để truyền bá, vận động quần chúng tích cực tham gia vào đoàn thể cứu quốc, vào đội bán vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng khi thời cơ đến.

Tác phẩm “Lịch sử nước ta” gồm 236 câu theo thể thức lục bát, xuất bản lần đầu vào tháng 2/1942, do Việt Minh tuyên truyền bộ ấn hành; trình bày lịch sử Việt Nam từ thời Vua Hùng dựng nước đến năm 1941. Nội dung tác phẩm nêu bật tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc qua các triều đại, ca ngợi những anh hùng dân tộc trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

Trước năm 1941, những bộ thông sử của nước ta gồm có: Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Khâm định việt sử thông giám cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn viết... Những vị tiền nhân sử học biên soạn bằng chữ Hán và chữ Việt, theo thể văn chính luận, ghi chép các biến cố về đời sống, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội nước nhà. Tuy phong cách viết khác nhau nhưng họ đều giống nhau ở tình yêu tha thiết với lịch sử đất nước. Được viết bởi Nguyễn Ái Quốc - Người cộng sản Việt Nam đầu tiên, “Lịch sử nước ta” là tác phẩm có giá trị đặc biệt đứng về phương diện sử học bởi đây là lần đầu tiên lịch sử Việt Nam được đánh giá theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tác giả Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên những quan điểm có tính nguyên tắc chỉ đạo làm phong phú thêm kho tàng tư tưởng lý luận của Đảng. Người đã khái quát và coi lịch sử là một nguồn tư liệu vô giá, là động lực góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ngay từ những câu đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định vị trí quan trọng của lịch sử dân tộc:

“Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam,

Kể năm hơn bốn ngàn năm,

Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà”.(1)

Trân trọng lịch sử, tự hào về truyền thống giữ nước của dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã dùng những từ ngữ phổ thông, dân dã, dễ hiểu, dễ nhớ, ca ngợi, tri ân, vinh danh  các triều đại vua chúa, các đấng anh hùng có tài trị quốc an dân, phát triển đất nước, diệt giặc ngoài thù trong, mở mang bờ cõi như: Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Nam Hán để lại “tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta”, Bà Triệu khởi nghĩa chống quân Ngô, Lý Bôn đánh Tàu “lập nên triều Lý sáu mươi năm liền”, Mai Thúc Loan chống nhà Đường, Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, “ra tài kiến thiết kinh dinh”, Lê Đại Hành “đánh tan quân Tống, đuổi lui Xiêm Thành”; “đời Trần văn giỏi võ nhiều” đã 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Khi quân Minh đô hộ nước ta, Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã “Đánh 20 vạn quân Minh tan tành, Mười năm sự nghiệp hoàn thành…”. Đặc biệt, trong 236 câu diễn ca, Nguyễn Ái Quốc đã tâm huyết viết về thời đại Quang Trung - Nguyễn Huệ 40 câu, đủ biết Người đã dành ý tưởng của mình cho thời kỳ oai hùng này.

Bằng việc điểm lại những cuộc đấu tranh, khởi nghĩa chống quân xâm lược với những tên tuổi tiêu biểu, Nguyễn Ái Quốc khẳng định rằng, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, thời nào đất nước ta cũng xuất hiện những nhân tài có công trị nước yên dân, xây dựng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc. Đặc biệt là những khi đất nước bị xâm lăng, từ những người nông dân áo vải bình dị đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt có lòng yêu nước nồng nàn, có tài cầm quân thao lược giữ yên bờ cõi, trở thành tấm gương sáng, để lại tiếng thơm cho muôn đời. Đồng thời Nguyễn Ái Quốc cũng nghiêm khắc phê phán một số triều đại thoái vị cướp ngôi, tạo nên cảnh chia cắt “Lê Nam - Mạc Bắc”; “Trịnh Bắc - Nguyễn Nam”; “Nam - Bắc phân tranh”; “Vua Lê chúa Trịnh”;… cõng rắn, cắn gà nhà, rước voi giày mả tổ, gây nên thảm cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt, kéo dài hàng thế kỷ, làm chậm quá trình phát triển của đất nước trong một thời gian dài.

  1. Dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, làm nên lịch sử

Từ trong lịch sử dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được tư tưởng “dựa vào dân để có sức mạnh”. Người khẳng định anh hùng làm nên sự nghiệp cao cả vì biết dựa vào dân, tuy đánh giá cao vai trò của cá nhân, song vẫn khẳng định vai trò quyết định của nhân dân. Người nhấn mạnh khi nào đoàn kết được lực lượng yêu nước chung quanh tướng lĩnh trung quân ái quốc, lấy quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy thì sẽ đánh đổ giặc ngoại xâm và tay sai của chúng: Đó là sự kiện năm 40-43, Trưng Vương khởi binh đánh quân Mã Viện chiếm đất Giao Chỉ: “Quân Tàu nhiều kẻ tham lam - Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?- Hai Bà Trưng có đại tài - Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian - Ra tay khôi phục giang san - Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta”; Sự kiện năm 939, Tiền Ngô Vương đóng đô ở Cổ Loa thành đã giải phóng nước nhà khỏi ách Bắc thuộc với ý chí cùng quân dân dựng nghiệp lâu dài: “Ngô Quyền quê ở Đường Lâm - Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm”; Sự kiện năm 1427, Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, “mặc dầu tướng ít binh đơn” nhưng “Vì dân hăng hái kết đoàn - Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng”.

Ngược lại, nếu vương triều nào, cá nhân nào không đoàn kết được sức mạnh của quần chúng thì kết cục chỉ là thất bại: Đó là sự kiện năm 722 Mai Hắc Đế khởi nghĩa chống nhà Đường nhưng “Vì dân đoàn kết chưa sâu - Cho nên thất bại trước sau mấy lần”; sự kiện năm 1802-1888, nhà Nguyễn Thế Tổ lên ngôi vua là Gia Long truyền nghiệp đến đời vua thứ 7 là Đồng Khánh thì “Trung kỳ cũng mất Bắc kỳ cũng tan! - Ngàn năm gấm vóc giang san - Bị vua nhà Nguyễn đem hàng cho Tây! - Tội kia càng đắp càng dầy - Sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng”.

Dựa vào diễn biến mới nhất cuộc chiến tranh thế giới cuối năm 1941 đầu năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa ra nhận định:

“Bây giờ Pháp mất nước rồi,

Không đủ sức, không đủ người trị ta.

Giặc Nhật Bản thì mới qua,

Cái nền thống trị chưa ra mối mành.

Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh,

Khắp nơi có cuộc chiến tranh rầy rà.

Ấy là nhịp tốt cho ta,

Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông”(2).

Như vậy là tương quan lực lượng giữa ta và địch đã có những thay đổi rõ rệt, trong khi thế và lực của ta ngày một mạnh lên còn thế và lực của Pháp - Nhật ngày càng suy yếu, bị động. Nhưng khả năng để cho chúng ta giành thắng lợi tuyệt đối còn chưa chắc chắn vì Mặt trận Việt Minh mới được thành lập, chưa có tầm ảnh hưởng sâu, rộng; sự đoàn kết toàn dân bắt đầu được củng cố, nhưng độ cố kết chưa sâu, chưa bền chắc, dễ bị kẻ thù lợi dụng, chia rẽ, đàn áp. Nhiệm vụ cơ bản của toàn Đảng, toàn dân lúc này là xây dựng tình đoàn kết chặt chẽ, muôn người như một. Đường lối cơ bản đó là sự bảo đảm cho cuộc đấu tranh đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập dân tộc đi đến thắng lợi.

Với tầm nhìn xa trông rộng, tư duy khoa học cùng hiểu biết sâu sắc, Nguyễn Ái Quốc ngợi ca tinh thần bất khuất của các vị anh hùng dân tộc trong lịch sử là nhằm thôi thúc toàn dân, không kể già, trẻ, gái, trai đồng tâm đứng lên xả thân cho tự do, độc lập. Từ những bài học qúy báu của lịch sử, toàn dân ta phải coi việc xây dựng đoàn kết là trung tâm của cuộc vận động cách mạng, là điều kiện cơ bản để Đảng và nhân dân ta khôi phục lại độc lập, tự do. Người kêu gọi:

“Người chúng ít, người mình đông

Dân ta chỉ cốt đồng lòng là nên.

Hỡi ai con cháu Rồng Tiên!

Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau.

Bất kỳ nam nữ, nghèo giàu,

Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn.

Người giúp sức, kẻ giúp tiền,

Cùng nhau giành lấy chủ quyền của ta.

Trên vì nước, dưới vì nhà,

Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh.

Chúng ta có Hội Việt Minh

Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh.

Mai sau sự nghiệp hoàn thành

Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng.

Dân ta xin nhớ chữ đồng:

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!”(3)

Phần cuối tác phẩm “Lịch sử nước ta” là mục “Những năm quan trọng”, ghi lại những sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc diễn ra “trước Tây lịch, sau Tây lịch” kết thúc bằng mốc lịch sử 1945: “Năm 1945, Việt Nam sẽ độc lập”. Đây là một dự báo thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, luôn có sự nhạy cảm đặc biệt đối với lịch sử, nhận thức sâu sát vận mệnh dân tộc, về chiều hướng phát triển của thời đại. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Người đã đưa ra những nhận định, phán đoán và những dự báo kỳ diệu. Tháng 5/1941, trước những diễn biến mới trên thế giới, Người cũng dự báo: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”. Bốn năm sau, Liên Xô đã đánh bại phát xít, giúp một loạt nước Đông Âu đứng lên giành độc lập dân tộc, mở đường cho hệ thống xã hội chủ nghĩa ra đời.

Ngày nay, những nguyên lý tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh hiện nay, với sự biến đổi khôn lường của tình hình thế giới, chúng ta luôn ghi nhớ lịch sử, học tập và vận dụng thành công những kinh nghiệm quý báu của cha ông, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn đất nước, nhằm tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức đưa nước ta trở thành một nước phát triển có thể sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới./.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 259.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 265.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 266.

TS Minh Dương

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Đức Thi (st)

Bài viết khác: