"Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc" - Đây là lời tuyên bố với quốc dân ngày 23/10/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cũng nêu lên những việc phải làm ngay để tạo không khí hòa bình, và xây đắp con đường dân chủ để đi tới sự nghiệp Việt Nam thống nhất của chúng ta.
Ðối với Người, độc lập dân tộc không tách rời với thống nhất Tổ quốc và độc lập, thống nhất Tổ quốc, gắn với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người đã nỗ lực hết mình, làm hết sức mình cùng với Ðảng và Chính phủ do Người lãnh đạo thực hành cho bằng được những tư tưởng cao quý đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp, nói chuyện với Đoàn đại biểu Thanh niên Nam Bộ ra thăm.
Ảnh: hochiminh.vn.
“Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi!”
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, ham muốn tột bậc của Người là "làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" và Người nguyện cùng Đảng ta, nhân dân ta kiên trì thực hiện "ham muốn tột bậc" đó. Song thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã bị thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ phá bỏ. Vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất, không cam tâm làm nô lệ, không để quyền sống của mỗi người dân Việt Nam lại bị tước đoạt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thề quyết tâm cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước tiến hành trường kỳ chống thực dân Pháp với tinh thần và ý chí “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước; đã tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với khát vọng: “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, hòa bình thật sự, hòa bình trong độc lập tự do” và niềm tin chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Năm 1952, trong “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Nam bộ kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam bộ. Tôi theo dõi từng giờ, từng phút cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sỹ và cán bộ ta”(1).
Khi đất nước lại bị chia cắt, Bác viết thư gửi bộ đội và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (9/1954) phác ra tiến trình: “Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”.
Rồi khi các cán bộ tập kết đem theo cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác trồng cây vú sữa ngay cạnh ngôi nhà ở góc vườn Phủ Chủ tịch. Khi chuyển về ở và làm việc tại Nhà sàn, Người cho chuyển cây vú sữa về trồng cạnh Nhà sàn để hàng ngày Bác chăm sóc và luôn cảm thấy gần đồng bào chiến sĩ miền Nam.
Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng Người. (Ảnh Tư liệu).
Ngày 20/10/1962, Bác tiếp Đoàn đại biểu đầu tiên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu. Đoàn đã tặng Bác một số kỷ vật của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, trong đó có một chiếc lọ hoa làm bằng vỏ đạn và nói: “Nhân dân miền Nam luôn hướng về Bác, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ!”. Bác rất xúc động và nói: “Bác chẳng có gì để tặng lại cả, chỉ có cái này” - Bác đặt tay lên ngực trái của mình. Ngừng một lát, Bác tiếp: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi!”.
Nǎm 1965, gặp Đoàn Anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, cả đoàn đều khóc vì sung sướng, cảm động và vây quanh Bác; Người xúc động nói: “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm”. Bác hỏi chuyện chiến trường và được biết tâm tư của đồng bào cán bộ chiến sĩ miền Nam “không sợ gian khổ, không sợ chết mà chỉ sợ một điều… sau này không được nhìn thấy Bác”. Vừa nghe xong, Bác trào dâng nước mắt, khóc vì thương nhớ miền Nam.
Trong “Bản thảo diễn văn nhân kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 15 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02/9/1960”, Bác Hồ đã viết: “Trong lúc chúc mừng ngày Quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ, Diệm. Chúng ta xin gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và xin hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”. Và đúng như Bác dự báo, mười lăm năm sau, với đại thắng mùa Xuân năm 1975 của quân dân ta, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất.
Những giờ phút cuối trước khi về cõi người hiền, Bác muốn được uống nước dừa miền Nam từ cây dừa do đồng bào miền Nam gửi ra biếu Bác, với nỗi niềm: “Bác quê ở Nam Đàn nhưng mẹ Bác mất chôn ở Huế, cha Bác mất chôn ở tận Cao Lãnh. Chưa một lần Bác được trở lại hai nơi đó…”(2). Bác đã nhấp được một chút nước dừa để mang theo mình chút nước ngọt mát và ấm lành của miền Nam trước khi từ biệt thế giới này...
Vang mãi lời Bác
Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Bác đã dành tình cảm, niềm tin mãnh liệt cho đồng bào miền Nam, cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Người khẳng định: “Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà". “Dù có lâu dài, gian khổ, cuộc đấu tranh chính nghĩa đó nhất định sẽ thắng lợi”. Lời Bác vang vọng núi sông, có sức cổ vũ mạnh mẽ, thúc giục chiến sĩ ta, nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên quyết chiến đấu đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Rồi khi Bác về với thế giới người hiền, những lời dạy của Bác vẫn còn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thực hiện đúng lời dạy của Người, với tinh thần tự lực, tự cường, đồng bào, chiến sỹ cả nước đã chung sức, chung lòng, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chỉ tiếc là khi ấy Bác Hồ đã không còn để thực hiện ý định “…sẽ đi khắp hai miền Nam, Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ”.
Sáng 15/5/1975, Lễ mừng chiến thắng của nhân dân Sài Gòn - Gia Định tại Quảng trường trước trụ sở Ủy ban quân quản Thành phố.
Năm 1969, khi tiếp nhà báo Marta Rojas (báo Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba), Bác đã tâm sự: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi nghĩ rằng, tôi chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam. Mặc dù vậy, tôi biết rằng, đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi như tôi yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”.
Tháng 4 đến, khi cả nước đang hướng đến kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta lại càng thêm nhớ về Bác. Với niềm yêu kính vô bờ với Bác, chúng ta càng cố gắng để góp sức giữ gìn và xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, sánh vai các cường quốc năm châu như Bác hằng mong muốn./.
Thanh Huyền (Tổng hợp)
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 7, tr.496
(2) Trích Sách: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài hoa vĩnh cửu” (https://www.bqllang.gov.vn/tu-lieu/lang-chu-tich-ho-chi-minh-dai-hoa-vinh-cuu/5975-lang-chu-tich-ho-chi-minh-dai-hoa-vinh-cuu.html?start=2 )