Mối quan hệ cán, binh trong Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam phản ánh tính thống nhất biện chứng giữa chỉ huy và phục tùng trên tình thương yêu đồng chí, đồng đội.
Đó được coi là biểu hiện cao nhất, thể hiện rõ nhất bản chất cách mạng của Quân đội ta. Đây cũng là đặc trưng cơ bản được khái quát trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về "Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới".
Nhìn lại lịch sử hình thành, phát triển của QĐND Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng, ngay ngày đầu thành lập, 34 đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã hô vang 10 lời thề danh dự. Trong đó, lời thề thứ hai khẳng định: “Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”. Điều đó thể hiện mối quan hệ cán, binh được hình thành ngay từ đầu và xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của QĐND Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mối quan hệ này phát triển dựa trên đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của quân đội; mặt khác, mối quan hệ cán, binh hình thành trên tình thương yêu đồng chí, đồng đội, tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn “anh em một nhà” của những con người chung mục tiêu, lý tưởng. Đó là nguồn sức mạnh vô tận để bộ đội ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) trong giờ nghỉ giao lao. Ảnh: NGỌC LÂM
Trong thư gửi Hội nghị chính trị viên tháng 3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”... Rất nhiều lần đi thăm các đơn vị quân đội và tại các hội nghị cán bộ quân đội, Người luôn nhắc nhở cán bộ phải làm gương cho chiến sĩ noi theo và không loại trừ cấp, chức nào. Người căn dặn: "Các chú là đại đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, hay tiểu đoàn trưởng, cũng chỉ là những người đặt kế hoạch và điều khiển đánh trận. Lúc ra trận, việc đặt mìn, phá lô cốt đều do tay anh em đội viên làm. Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khỏe mạnh thì nhất định thắng. Trái lại, nếu anh em chính trị khá, nhưng quân sự kém, hoặc chính trị quân sự đều khá, nhưng thân thể yếu đuối thì cũng không thắng được"...
Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ cán, binh, cấp trên, cấp dưới được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội học tập, khắc ghi.
Hiện nay, mối quan hệ cán, binh ở các cơ quan, đơn vị được xây dựng trên cơ sở tạo dựng niềm tin, với yêu cầu đội ngũ cán bộ luôn "miệng nói, tay làm, tai lắng nghe", chủ động nắm tình hình tư tưởng của bộ đội, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh và định hướng nhận thức, hành động cho bộ đội một cách đúng đắn, phù hợp. Cán bộ và chiến sĩ coi nhau là người thân, biết chia sẻ, cảm thông, động viên nhau thực hiện nhiệm vụ được giao. Các đơn vị phải chủ động xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ; tuyệt đối không quân phiệt, nặng mệnh lệnh hành chính hoặc xa rời cấp dưới, chiến sĩ.
Tuy nhiên, sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã phần nào ảnh hưởng đến mối quan hệ cán, binh ở một số cơ quan, đơn vị. Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra các biểu hiện: “Độc đoán, gia trưởng, quân phiệt, coi thường tập thể; buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, quan liêu, thiếu sâu sát; xử lý các sai phạm của cấp dưới không cương quyết, thiếu khách quan; thờ ơ, vô cảm, bàng quan trước những khó khăn, nguyện vọng chính đáng của đồng chí, đồng đội và nhân dân”. Thực tế vẫn còn cán bộ, đảng viên thiếu kiểm tra, đôn đốc, không sâu sát, nắm không chắc tình hình đơn vị, vì thế mắc vào “bệnh” xa bộ đội, lý luận suông; cách làm việc quan cách, cửa quyền, hách dịch, thiếu dân chủ hoặc chỉ biết mệnh lệnh hành chính, tạo ra không khí “căng như dây đàn” trong đơn vị. Điều đó làm phương hại đến tình đồng chí, đồng đội vốn là truyền thống, phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.
Quán triệt lời Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ phải thương yêu săn sóc đội viên. Cán bộ phải chăm lo đội viên đủ ăn đủ mặc. Cán bộ có coi đội viên như chân như tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc”, trong các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng mối quan hệ cán, binh mà Nghị quyết số 847-NQ/QUTW đề ra đã yêu cầu phải chăm lo xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội như anh em ruột thịt. Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, ý nghĩa của mối quan hệ cán, binh, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phải coi đây là một nội dung quan trọng được xác định cụ thể trong nghị quyết, từ đó đề ra các chủ trương, biện pháp thực hiện cụ thể, sát với đặc điểm tình hình của đơn vị. Để xây dựng mối quan hệ cán, binh, trước hết các cấp ủy, chi bộ phải thường xuyên nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên; coi việc xây dựng, củng cố và giữ gìn đoàn kết cán, binh là giải pháp cơ bản, lâu dài và quan trọng hàng đầu. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện gia trưởng, độc đoán, “quyền anh, quyền tôi” trong đơn vị với mục tiêu tăng cường xây dựng tình cảm cán, binh, cấp trên, cấp dưới; tuyệt đối không quân phiệt, xúc phạm bộ đội.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần coi trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và bầu không khí dân chủ, cởi mở, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao theo phương châm tất cả vì công việc chung của tập thể chứ không phải đồng thuận, đoàn kết xuôi chiều; chú trọng hướng dẫn kỹ năng giao tiếp để cán bộ, chiến sĩ ứng xử có văn hóa. Đặc biệt, phải luôn quan tâm bồi dưỡng về phương pháp, tác phong quản lý, chỉ huy bộ đội theo đúng quy định của Điều lệnh Quản lý bộ đội, thực hiện "làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh"; giải quyết các mối quan hệ trong công tác theo đúng nguyên tắc, bảo đảm hợp tình, hợp lý, có sức thuyết phục cao. Các cấp ủy, người chỉ huy, nhất là chính ủy, chính trị viên phải luôn quan tâm nhắc nhở, động viên đội ngũ cán bộ tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, thực sự gương mẫu trong lời nói, việc làm và có tinh thần yêu thương, giúp đỡ, vì sự trưởng thành của đơn vị và cấp dưới để bộ đội "tâm phục, khẩu phục" và tự giác học tập, noi theo.
Thượng úy Đào Ngọc Lâm
(HT: 2AN-765 Sóc Sơn, Hà Nội)
Theo Báo Quân đội nhân dân
Đức Thi (st)