Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Trước sự phát triển của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, toàn quân tiếp tục đột phá, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, ứng phó kịp thời, hiệu quả trước mọi tình huống.

Năm 2021, toàn quân thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trong điều kiện có nhiều tác động. Tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược; Biển Đông tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, v.v. Trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội. Tổ chức, biên chế một số đơn vị đang trong quá trình điều chỉnh; thao trường huấn luyện thiếu, không đồng bộ; đại dịch Covid-19 kéo dài,… ảnh hưởng đến công tác huấn luyện trong toàn quân. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác huấn luyện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Bám sát chương trình, nội dung huấn luyện cơ bản theo quy định, các đơn vị đã có nhiều đổi mới, sát địa bàn và phương án tác chiến; kết hợp tốt giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị và rèn luyện thể lực. Đáng chú ý, trước đòi hỏi bức bách về nhu cầu thao trường huấn luyện, cơ quan chức năng đã kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 28/2021/TT-BQP, ngày 01/3/2021 về Quy chế quản lý đầu tư và điều hành sử dụng hệ thống trường bắn, thao trường huấn luyện. Việc triển khai huấn luyện theo từng trạng thái, cấp độ dịch Covid-19 được các cơ quan, đơn vị, nhà trường thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc; tổ chức huấn luyện bù cho các đối tượng bảo đảm đúng, đủ quân số, nội dung theo quy định,… đáp ứng yêu cầu vừa nâng cao chất lượng huấn luyện, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả. Các đơn vị, địa phương tổ chức diễn tập vòng tổng hợp, cụm lực lượng; diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật; diễn tập khu vực phòng thủ,… chặt chẽ, nghiêm túc, sát thực tế, an toàn tuyệt đối. Chất lượng huấn luyện toàn quân tiếp tục được nâng cao1, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Năm 2022, tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo; vấn đề Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường. Ở trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; các thách thức về an ninh truyền thống, phi truyền thống, như: biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục gia tăng, diễn biến bất thường. Toàn quân, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, cùng với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức lực lượng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đột phá, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

Trước hết, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện. Đây là nội dung, giải pháp quan trọng hàng đầu, mang tính nguyên tắc, bảo đảm công tác huấn luyện đúng hướng, sát thực tiễn. Do vậy, các cơ quan, đơn vị, nhà trường tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác huấn luyện; trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18/01/2019 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo, Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Tổng Tham mưu trưởng; hướng dẫn của cơ quan chức năng. Trên sơ sở đó, cấp ủy các cấp rà soát, bổ sung nghị quyết chuyên đề về công tác huấn luyện, cụ thể hóa bằng những chủ trương, giải pháp phù hợp với nhiệm vụ theo tư duy mới về công tác quân sự, quốc phòng của Đảng và yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết một cách quyết liệt, đồng bộ. Trong đó, coi trọng chỉ đạo đổi mới cơ chế quản lý huấn luyện theo hướng “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”, phân rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp; phát huy tốt vai trò của cơ quan trong việc tham mưu, hướng dẫn, tổ chức, phối hợp, hiệp đồng giữa cơ quan và đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Quá trình triển khai phải đảm bảo khoa học, đúng tiến độ, sát yêu cầu, nhiệm vụ, địa bàn tác chiến; lấy huấn luyện tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao làm điều kiện và môi trường để rèn luyện bộ đội; lấy nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân làm mục tiêu huấn luyện. Các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn quân tích cực đổi mới, tăng cường các hình thức tổ chức, phương pháp kiểm tra, phúc tra; chú trọng kiểm tra theo phân cấp, đột xuất, ban đêm,… khắc phục dứt điểm những biểu hiện chủ quan, khoán trắng cho cấp dưới hoặc bớt xén thời gian, nội dung, hạ thấp chỉ tiêu, yêu cầu trong huấn luyện; kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện phô trương, hình thức, chạy theo thành tích.

dot pha trong cong tac huan luyen
Cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 962 quyết tâm hoàn thành thắng lợi thi đua trong huấn luyện năm 2022. (Ảnh qdnd.vn)

Hai là, tích cực, chủ động đổi mới nội dung, tổ chức, phương pháp huấn luyện. Đây là giải pháp quan trọng, trực tiếp quyết định đến chất lượng huấn luyện, bởi chỉ có đổi mới về nội dung, tổ chức và phương pháp mới tạo ra đột phá mạnh mẽ để nâng cao chất lượng huấn luyện ở từng cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện, các đơn vị cần chủ động đổi mới các nội dung trên, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, khoa học; đồng thời, bám sát yêu cầu đồng bộ, toàn diện, chuyên sâu, sát thực tiễn. Quá trình thực hiện, cần kết hợp tốt giữa huấn luyện kỹ thuật với chiến thuật; tăng cường huấn luyện dã ngoại, huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, huấn luyện theo nhiệm vụ, tình huống, đưa bộ đội vào sát, gần thực tế chiến đấu; nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng; đáp ứng yêu cầu tác chiến cả trên không, trên bộ, trên biển. Trong thực hành huấn luyện, lấy huấn luyện cán bộ làm then chốt, tập trung nâng cao trình độ quản lý, chỉ huy và tổ chức điều hành huấn luyện cho đội ngũ cán bộ phân đội; tích cực tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ các cấp, chú trọng bồi dưỡng những cán bộ trực tiếp huấn luyện, cán bộ mới bổ nhiệm, vừa ra trường. Đối với huấn luyện phân đội, phải bảo đảm cơ bản, vững chắc từ cấp dưới lên cấp cao hơn; chú trọng nâng cao chất lượng diễn tập chiến thuật, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp, diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật, diễn tập chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng, diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập trong điều kiện thời gian chuẩn bị gấp. Đồng thời, kết hợp tốt giữa huấn luyện kỹ thuật với chiến thuật và rèn luyện thể lực cho bộ đội; duy trì nghiêm chế độ, nền nếp chính quy, nâng cao tính kỷ luật, bảo đảm sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, khả năng thích nghi với mọi điều kiện địa hình, thời tiết, cường độ cao. Kịp thời điều chỉnh nội dung, chương trình, kế hoạch huấn luyện phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh, thiên tai; tổ chức huấn luyện bù, vét cho các lực lượng, đối tượng tham gia thực hiện các nhiệm vụ đột xuất chặt chẽ, chất lượng, an toàn.

Ba là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, tư duy mới cho bộ đội về nhiệm vụ quan trọng này. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc yêu cầu xây dựng cho bộ đội luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin vào vũ khí, trang bị, cách đánh và nghệ thuật quân sự Việt Nam; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao cả trong những tình huống nguy hiểm, phức tạp nhất, các cấp cần tập trung giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tư duy về nhiệm vụ huấn luyện trong tình hình mới. Toàn quân thống nhất nhận thức: nâng cao chất lượng huấn luyện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay, huấn luyện cần phải linh hoạt ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, vừa huấn luyện, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, sự cố môi trường, thảm họa, thiên tai. Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, các cấp cần chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức giáo dục một cách đồng bộ, sát với nhận thức từng đối tượng, đặc điểm, nhiệm vụ từng đơn vị, nhất là đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đóng quân trên địa bàn đặc biệt khó khăn, v.v. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục chính trị theo chương trình quy định hằng năm, gắn với yêu cầu trong hoàn cảnh mới; kết hợp chặt chẽ, đan xen giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện kỷ luật; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện bằng nhiều biện pháp, hình thức, sát thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng trong huấn luyện, v.v.

Bốn là, đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc hội thi, hội thao; tăng cường đầu tư sản xuất, mua sắm, củng cố cơ sở, vật chất huấn luyện. Hội thi, hội thao huấn luyện là biện pháp hiệu quả, cần thiết tạo môi trường tốt, khích lệ, phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm, tích cực của bộ đội trong huấn luyện; qua đó, phát hiện những phương pháp huấn luyện hay, mô hình tốt, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng; đồng thời phát hiện những hạn chế, bất cập để nhanh chóng rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng huấn luyện. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức tốt việc hội thi, hội thao huấn luyện ở từng cấp với nội dung, hình thức phù hợp. Quá trình thực hiện phải bảo đảm chặt chẽ, khoa học, thiết thực, hiệu quả; trong đó, cần tập trung vào các nội dung quan trọng, yếu, thiếu, cần thống nhất. Đánh giá khách quan, phản ánh đúng thực tế; rút kinh nghiệm kịp thời; triển khai nhân rộng phương pháp hay, mô hình huấn luyện tốt vào thực tiễn; khắc phục triệt để hiện tượng chạy theo thành tích, tập trung nhiều cho hội thi, hội thao mà xem nhẹ huấn luyện của các bộ phận còn lại, v.v.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng bảo đảm tốt cơ sở vật chất cho huấn luyện, nhất là đối với các nội dung huấn luyện chuyên sâu, đặc thù và luyện tập, diễn tập tổng hợp. Theo đó, các cấp cần quán triệt và thực hiện nghiêm Thông tư số 28/2021/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, kịp thời điều chỉnh quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường bắn, thao trường huấn luyện, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng tính hiệu quả. Khai thác, tận dụng mọi nguồn lực; tích cực nghiên cứu, mua sắm, cải tiến và sản xuất mô hình, học cụ, trang thiết bị bảo đảm đầy đủ, chất lượng; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng sát thực tiễn chiến đấu, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; bảo đảm Quân đội luôn sẵn sàng chiến đấu cao, không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thiếu tướng Thái Văn Minh, Cục trưởng Cục Quân huấn

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Đức Thi (st)

________________  

1. Năm 2021, toàn quân có 123 đơn vị đạt Đơn vị huấn luyện giỏi; Hội thao quân sự quốc tế (Army Games 2021), các đội tham gia của Quân đội nhân dân Việt Nam giành 07 huy chương các loại (01 vàng, 02 bạc, 04 đồng), xếp thứ 7/42 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.

Bài viết khác: