Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) là một nội dung trong 5 đặc trưng cơ bản được khái quát tại Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Cụ thể là: Gương mẫu trong công tác, sinh hoạt; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Thấu triệt lời Bác Hồ dạy, nâng cao ý thức tiết kiệm

 Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến THTK, CLP đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người cho rằng: “Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy 4 đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính. Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”.

Trong bản Di chúc thiêng liêng, Người cũng căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”... Vậy là, dù viết những lời căn dặn sau khi mình đã từ trần, Bác vẫn không quên nhắc nhở chúng ta phải nghĩ đến dân, đừng gây ra sự lãng phí không cần thiết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu rõ: “Có tiết kiệm, không hoang phí, xa xỉ thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí, xa xỉ thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối”.

chong lang phi
Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái tuần tra biên giới, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Ảnh: Bienphong.com.vn

Đồng thời, theo Người, lãng phí là tiêu dùng bừa bãi. Lãng phí tập trung vào 3 loại: Lãng phí lao động, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của của nhân dân, đất nước. Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của nhân dân, mà nguy hiểm hơn, từ hoang phí, xa xỉ sẽ dẫn đến tham ô, nhũng nhiễu, đánh mất tư cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên.

Theo Bác, tiết kiệm là sử dụng có hiệu quả tiền của, thời gian, công sức lao động, tích trữ thêm vốn cho công cuộc phát triển đất nước, nhằm nâng cao đời sống của nhân dân. Nội hàm thực hành tiết kiệm trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất rộng, bao gồm tiết kiệm của cải vật chất, tiết kiệm thì giờ, sức lao động chứ không đơn thuần là tiết kiệm vật chất theo kiểu “ăn dè hà tiện” trong quan niệm truyền thống.

Từ đó, Người yêu cầu đội ngũ cán bộ phải là lực lượng tiên phong trong cuộc thi đua THTK. Riêng đối với bộ đội, Bác yêu cầu phải tiết kiệm súng đạn, thuốc men, quân trang và lương thực, thực phẩm để chiến đấu, chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Trong những năm qua, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả nội dung THTK, CLP. Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì đã đẩy mạnh việc THTK.

Theo đó, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về Luật THTK, CLP và chương trình hành động của cấp ủy các cấp về THTK, CLP, các đơn vị đã tiến hành lập dự trù, phân bổ kinh phí huấn luyện, kinh phí các ngành bảo đảm đúng thủ tục, nguyên tắc, tạo điều kiện cho đơn vị sử dụng kinh phí hiệu quả, đúng mục đích, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ được giao, bảo đảm phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội, đồng thời THTK đúng quy định của cấp trên. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tự bảo đảm rau xanh, thịt, trứng, cá... nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội.

Ngoài ra, nhiều đơn vị đã lập Quỹ “Vì ngày mai lập nghiệp”, phát động cán bộ, chiến sĩ tiết kiệm lương, phụ cấp để lo tương lai, hạnh phúc gia đình. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị đã phát động cán bộ, chiến sĩ tích cực nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tạo ra nhiều sáng kiến thiết thực ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả huấn luyện, công tác và giúp tiết kiệm thời gian, công sức lao động cùng các loại nguyên vật liệu tiêu hao.

Nhiều giải pháp thực hành tiết kiệm

Công tác THTK, CLP ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã được thực hiện tốt. Mặc dù vậy, ở một vài đơn vị cũng còn những bất cập, tồn tại. Nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương đã chỉ rõ tình trạng “... cố ý làm trái các quy chế, quy định, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...”.

Trên thực tế, vẫn còn đơn vị quản lý kinh phí chưa chặt chẽ, công tác kiểm soát chi tiêu tuy đã được tăng cường nhưng tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản ở một số hạng mục vẫn xảy ra. Ý thức sử dụng tiết kiệm xăng, dầu, điện, nước của số ít cán bộ, đảng viên chưa cao, dẫn đến lãng phí, thất thoát.

Vì vậy, để THTK, CLP hiệu quả theo Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, toàn quân cần đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền nắm chắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc THTK, CLP bằng những việc làm thiết thực hằng ngày, như: Phân tích và làm sâu sắc những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về ý thức THTK, CLP gắn với nhiệm vụ của đơn vị và từng cá nhân; các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy, nhất là cán bộ chủ trì cần gương mẫu, đi đầu trong THTK, CLP; tăng cường trách nhiệm của người chỉ huy, vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy và kiểm soát của cơ quan tài chính cả trước, trong và sau chi tiêu ngân sách, bảo đảm việc sử dụng tiền, tài sản của đơn vị đúng pháp luật, có hiệu quả, chi tiêu đúng nhiệm vụ, nội dung ngân sách được giao...

Để không có tình trạng lãng phí, các đơn vị cần thực hiện nghiêm việc quy trách nhiệm cá nhân chứ không chỉ “rút kinh nghiệm” đối với những khoản chi không đúng. Chi tiêu phải thực hiện công khai để giám sát trước tập thể, cấp ủy đảng.

Cùng với đó, các đơn vị chấp hành nghiêm Luật Ngân sách nhà nước; Luật THTK, CLP; Nghị quyết số 915-NQ/QUTW ngày 25-8-2018 của Quân ủy Trung ương và Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính Quân đội” ban hành theo Quyết định số 3500/QĐ-BQP ngày 26-8-2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đều có thể khoán chi đối với một số nội dung nghiệp vụ hành chính nên khá thuận lợi trong THTK đối với nội dung này; cùng với đó, cần phấn đấu tiết kiệm chi phí hội họp, triệt để tiết kiệm điện, nước, xăng dầu, công tác phí.

Các biện pháp tiết kiệm chi tiêu trong mọi lĩnh vực cần được tăng cường. Kinh phí chi thường xuyên, vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhà công vụ và mua sắm tài sản công cần quản lý chặt chẽ, khoa học. Các cấp quản lý sử dụng hiệu quả tài chính ngân sách và các nguồn kinh phí, tăng khả năng đáp ứng cho các nhiệm vụ; nắm chắc biến động của thị trường, giá cả để chủ động nguồn hàng, mua sắm cho phù hợp.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về THTK, CLP có ý nghĩa rất thiết thực để mỗi chúng ta học tập và noi theo. Việc THTK, CLP ở từng cơ quan, đơn vị là yêu cầu cấp thiết, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, đồng thời giúp tiết kiệm tiền bạc của Nhà nước và nhân dân.

Muốn THTK, CLP thực sự hiệu quả, trước hết là cần sự gương mẫu đi đầu và kiên quyết chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy mỗi cơ quan, đơn vị.

Đào Ngọc Lâm

Theo Báo Quân đội nhân dân

Đức Thi (st)

Bài viết khác: