Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

nang cao tinh than
Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ phường 9, quận 11 tận tình hướng dẫn người dân thủ tục mua bảo hiểm y tế tự nguyện hộ gia đình.

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Ðảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở và dành sự quan tâm hàng đầu cho việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng thực hành gương sáng về nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Ðảng, trước nhân dân, coi đó là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Ðể xứng danh, ngang tầm với đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ, sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân và sự suy tôn của toàn dân tộc, tất yếu đòi hỏi Ðảng phải luôn trong sạch, kiểu mẫu. Trong đó, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân chính là một phẩm chất trung tâm về đạo đức cách mạng của người cán bộ cách mạng. Như Người từng chỉ dẫn: "đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Ðảng, cho cách mạng. Ðó là điều chủ chốt nhất... Ðặt lợi ích của Ðảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Ðảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc"(1).

Trong điều kiện Ðảng cầm quyền, người cán bộ cách mạng phải lấy lợi ích tối cao của dân tộc, của Ðảng, của nhân dân làm nền tảng và mục tiêu phấn đấu, thể hiện ở lý tưởng đấu tranh, sự tự giác và ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm rất cao trước Ðảng, trước nhân dân. Như Hồ Chí Minh từng chỉ dẫn: "Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Ðảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v., là không có tinh thần trách nhiệm (…) Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ"(2).

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Yêu thương, tôn trọng nhân dân luôn gắn liền với ý chí đấu tranh và khát vọng mãnh liệt để làm cho dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Ðó là tư tưởng giải phóng xã hội, giải phóng con người một cách toàn diện, triệt để, thấm đượm lý tưởng chính trị, bản chất nhân văn và văn hóa Hồ Chí Minh. Vấn đề số một trong đạo đức phục vụ nhân dân của người cách mạng là lý tưởng, lẽ sống: Sống cho ai, sống vì cái gì?

Bởi vì, "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời: Vì vinh quang của Tổ quốc, của Ðảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo"(3).

Thực tiễn lịch sử cầm quyền của các đảng chính trị trên thế giới đã chứng minh, Ðảng sẽ mất vai trò lãnh đạo cầm quyền nếu tha hóa, biến chất, mất bản chất đảng. Vì rằng: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân"(4).

Gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn lấy dân làm mục tiêu phấn đấu và phục vụ, đã trở thành vấn đề có tính quy luật trong sự tồn tại, phát triển của Ðảng. Từ trong bản chất của mình, mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân được xác lập như một lẽ tự nhiên, tất yếu, trở thành quan hệ máu thịt. Trong mọi hoạt động, người cán bộ cách mạng phải luôn nhận thức rõ bổn phận, trách nhiệm của mình với nhân dân, luôn "Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Ðảng và nhờ đó mà Ðảng thắng lợi"(5).

Ðảng viên, cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân, mà "Muốn phụng sự nhân dân phải gần dân, học dân, nghe theo dân, lãnh đạo là dìu dắt người ta, xa quần chúng thì không lãnh đạo được. Nhưng gần quần chúng không phải là đến nằm ở nhà người ăn, chè chén. Gần gũi học hỏi nghe ngóng, lãnh đạo mấy điều đó phải đi với nhau, không rời nhau được"(6).

Từ thực tiễn hoạt động lãnh đạo, Ðảng ta đã tổng kết một trong những bài học kinh nghiệm lớn: Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Ðảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Ðảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Ðảng.

Tài sản quý báu nhất của Ðảng là niềm tin của nhân dân đối với Ðảng. Vì vậy, trong mọi hoạt động, muốn được dân tin, dân phục, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, kính dân, phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết thảy và phải có một tinh thần chí công vô tư, đoàn kết và thanh khiết. Nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân đòi hỏi phải phát huy cao độ tinh thần dân chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đi liền với đấu tranh phòng chống căn bệnh quan liêu, xa dân, "lên mặt quan cách mạng". Thấm nhuần và thực hành suốt đời văn hóa đạo đức phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên phải được tiến hành thường xuyên, liên tục "như rửa mặt hàng ngày", phải trở thành nhu cầu nội tại, tự giác, tự thân. Ðó chính là nhiệm vụ cao quý nhất của người cán bộ cách mạng.

Nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân trong tình hình hiện nay theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là phải luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết; phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân; phải thật thà thực hành tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc trước nhân dân, coi đó là thứ vũ khí sắc bén để xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu càng phải làm kiểu mẫu về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt hành động vì lợi ích chung, quyết tâm thực hiện trọn vẹn lời nguyện thề trước anh linh của Người: "Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Ðảng, với dân" (7).

Ðó cũng chính là hành động thiết thực nhất để tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một yêu cầu khách quan của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Ðồng thời, vừa thể hiện sự tôn kính của mỗi chúng ta đối với Bác kính yêu, vừa là một biểu hiện cụ thể của vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

PGS, TS. Đỗ Xuân Tuất

Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Ðảng,

Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh

Theo Báo Nhân Dân

Thanh Huyền (st)

-----------------------------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 11, tr.603

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 7, tr.248-249

(3) Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết việc tổ chức Ðại hội Ðảng các cấp tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng, ngày 19/11/2020

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 15, tr.672

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 5, tr.326

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 6, tr.370

(7) Ðiếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9-9-1969. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 15, tr. 629.

Bài viết khác: