Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Quán triệt, vận dụng tốt nội dung này là giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Có thể nói rằng, cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự biểu đạt rõ nét nhất về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ngay khi còn là một thanh niên yêu nước, tất cả những điều mà Người muốn, Người hiểu, đó là: tự do cho đồng bào và độc lập cho Tổ quốc. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”1. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước lúc đi xa, Người mong muốn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”2. Nhìn một cách tổng quát, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: nước độc lập, dân tự do, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu, “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Đó là khát vọng cháy bỏng trong tâm khảm của Người, truyền cảm hứng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, được hiện thực bằng việc xác định đường lối và thực tiễn trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trên cơ sở dự báo tình hình, xu hướng phát triển của đất nước và thế giới, Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu cụ thể, gắn với các dấu mốc lịch sử: kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, Đại hội xác định đến năm 2025: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Thực hiện mục tiêu, tầm nhìn đó, chính là nhằm hiện thực hóa khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu. Để biến khát vọng đó thành hiện thực, cần phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay. Đó là sự kết tinh của bản lĩnh chính trị trên cơ sở nhãn quan đúng đắn, có tinh thần chủ động và ý chí lớn lao để hành động một cách phù hợp nhằm đạt được mục tiêu. Trong đó, cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tinh thần giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng đất nước sau khi thiết lập chế độ chính trị mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa hàm chứa tinh thần quảng giao, Việt Nam muốn “làm bạn với mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”3 và “thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình”4, với tâm thế luôn luôn hướng đạt tình nghĩa bốn biển đều là anh em, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà; hợp tác quốc tế phải trên cơ sở kết hợp nội lực với ngoại lực, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, các bên cùng có lợi, giải quyết các mối quan hệ theo các công ước quốc tế. Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, muốn đất nước phát triển, thì Việt Nam không thể đứng ngoài quá trình này. Thế giới càng phát triển, toàn cầu hóa và cạnh tranh càng gay gắt thì sự rủi ro trên con đường phát triển của mỗi quốc gia càng lớn; trong đó có nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc. Dự báo đúng điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: tăng cường và mở rộng quan hệ quốc tế nhưng giữ vững cốt cách, đặc tính của dân tộc mình; phải giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc; tự lực, tự cường không có nghĩa là đóng cửa, tự cô lập mình, đồng thời cũng không được phép ỷ lại sự giúp đỡ của các nước khác, không đánh mất chính mình. Trong bối cảnh tình hình thế giới rất phức tạp, vừa hợp tác, vừa đấu tranh với sự cạnh tranh gay gắt, với sự thao túng của các nước lớn trong các mối quan hệ, chỉ có tự lực, tự cường theo tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, song song với đẩy mạnh hợp tác quốc tế thì đất nước mới phát triển một cách bền vững.

Hai là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, luôn luôn nhất quán quan điểm: coi nội lực là yếu tố quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng. Trong suốt quá trình phát triển của dân tộc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tiến hành “một cuộc chiến đấu khổng lồ”5 để “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”6. Trước những thay đổi lớn của cục diện thế giới sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ, tinh thần tự lực, tự cường của đất nước ta càng cần được thể hiện rõ ràng hơn. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh: “một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”7; khát vọng không có gì quý hơn độc lập, tự do và ý chí phải tự lực cánh sinh, phải dựa vào sức mình là chính, nội lực là yếu tố có tính chất quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng trong sự phát triển bền vững, biến ngoại lực thành nội lực. Đảng ta xác định đường lối đổi mới đúng đắn, tìm cách đưa đất nước đi lên một cách phù hợp theo nguyên tắc: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”8.

Ba là, ý chí tự lực, tự cường trong công cuộc đổi mới phải được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cập việc xây dựng thực lực cách mạng Việt Nam tạo ra sức mạnh tổng hợp từ tất cả các nguồn lực, trong tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, v.v. Quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”9. Nhận thức đó đang biến thành hành động cách mạng, đang đi vào cuộc sống và đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, việc phát huy sức mạnh tự lực, tự cường của dân tộc cần chú trọng đổi mới về kinh tế từng bước với đổi mới chính trị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc trên cơ sở xây dựng, củng cố và phát triển thế trận lòng dân; thực thi chính sách đối ngoại đúng đắn trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia. Đồng thời, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế vì hòa bình, độc lập, phát triển, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau để tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước, tạo ra thế và lực từ nội tại của tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các ngành, các cấp, bồi đắp năng lực cạnh tranh quốc tế trong môi trường toàn cầu hóa. Chỉ có như thế, đất nước ta mới phát triển nhanh và bền vững trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đủ sức tự bảo vệ mình trước mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.

Bốn là, có quyết tâm chính trị cao đi liền với hành động, nói đi đôi với làm để biến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trở thành hiện thực. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ ý chí quyết tâm của Người trong mọi công việc và Người đã truyền quyết tâm đó cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Người khẳng định: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”10; “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”11; “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”12. Có quyết tâm chính trị cao, chưa đủ, mà cần phải đi liền với hành động. Người căn dặn: quyết tâm mười phần thì kế hoạch phải hai mươi phần, chớ đem chủ quan của mình áp vào bắt thực tế phải theo, như “đẽo chân cho vừa giày”. Có nghị quyết đúng là điều rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Có quyết tâm cao cũng là cần nhưng chưa đủ. Điều cần và đủ là quyết tâm phải đi liền với chương trình, kế hoạch hành động thiết thực, tỉ mỉ, có tính khả thi, có tổ chức triển khai phù hợp, đáp ứng đủ các điều kiện thực tế, với sự đồng lòng, dốc sức của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đồng thời, phải quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo quan điểm: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”13.

Khát vọng chỉ là khát vọng, nếu không có hành động cách mạng kiên quyết. Do vậy, điều cần nhất là nói phải đi đôi với làm thì khát vọng mới có khả năng biến thành hiện thực. Hiện thực khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải xây dựng chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ, thật sự vì dân, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội văn minh, tiến bộ với những giá trị đạo đức tốt đẹp. Muốn vậy, phải xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, có kế hoạch thực hiện với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân. Thành quả cách mạng thực tế trên từng lĩnh vực là thước đo chính xác nhất trong việc biến khát vọng phồn vinh, hạnh phúc thành hiện thực cho dân tộc. Tăng trưởng kinh tế là cực kỳ cần thiết, nhưng phải bảo đảm phát triển bền vững và phải dựa trên nền văn hóa dân tộc. Sự phồn vinh, hạnh phúc của cả dân tộc thể hiện ở những chỉ số tổng hợp: chủ quyền quốc gia ổn định, bình an, một xã hội lành mạnh, quan hệ quốc tế trong sáng, kết quả của quá trình phấn đấu thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; trong đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh được xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên để thực hiện hoài bão, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. 

Thấm nhuần tinh thần đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy cao độ ý thức, trách nhiệm, tinh thần cống hiến, lao động sáng tạo, phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc, phục vụ Nhân dân, ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

GS, TS. Mạch Quang Thắng

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Xuân Trọng (st)

_________________

  1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 187.
  2. Sđd, Tập 15, tr. 624.
  3. 3, 4. Sđd, Tập 5, tr. 256, 39.
  4. 5, 6. Sđd, Tập 15, tr. 617.
  1. Sđd, Tập 7, tr. 445.
  2. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H, 2021, tr. 110.
  3. Sđd, Tập I, tr. 110.
  4. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 03.
  5. Sđd, Tập 4, tr. 534.
  6. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H.2011, tr. 131.
  7. Sđd, Tập 9, tr. 244.

Bài viết khác: