Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Vì thế, xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới ngày càng vững chắc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này là vấn đề cấp thiết, cần được nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn.
Thực tiễn công cuộc gìn giữ, bảo vệ biên cương Tổ quốc cho thấy, yếu tố “lòng dân” là cội nguồn sức mạnh của sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Vì vậy, để gìn giữ biên cương, lãnh thổ, ông cha ta luôn coi “mỗi người dân ở biên giới, vùng biển là một người lính biên thùy”. Nhận thức rõ điều đó và trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân, cũng như quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, những năm qua, Đảng và Nhà nước, Bộ đội Biên phòng luôn coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân”, phát huy vai trò của nhân dân, đẩy mạnh thực hiện phong trào: “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới đất liền và trên biển.
Tuy nhiên, sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của nước ta có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Các quốc gia trong khu vực chuyển từ biên giới ngăn cách sang biên giới hợp tác theo luật pháp quốc tế là xu hướng chủ đạo. Trong khi đó, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chống phá ta về nhiều mặt. Đàm phán phân giới, cắm mốc biên giới Tây Nam Tổ quốc diễn ra đã nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Việc quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều địa phương biên giới, kinh tế - xã hội còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, an ninh, trật tự xã hội diễn biến phức tạp, v.v. Vì thế, để quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia trong tình hình mới, yêu cầu khách quan, nhiệm vụ cấp bách là phải xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh ngay từ thời bình, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh xảy ra. Phạm vi bài viết xin nêu một số giải pháp về vấn đề trên để cùng nghiên cứu, trao đổi.
Một là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, pháp luật cho nhân dân ở khu vực biên giới. Đây là vấn đề cơ bản xuyên suốt, yếu tố quan trọng trong xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới, nhất là trên vùng biển, đảo. Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục phải làm cho người dân nắm chắc quan điểm của Đảng về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức cho nhân dân về vị trí, vai trò của biên giới quốc gia và trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ biên giới, biển đảo; chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, chăm lo đời sống nhân dân vùng biên giới. Đẩy mạnh giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, con người Việt Nam, tinh thần yêu nước, yêu quê hương và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chú trọng bồi dưỡng tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Do địa bàn biên giới đất liền và trên biển, đảo còn nhiều khó khăn, nên cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trên địa bàn. Quá trình thực hiện, cần thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, nhất là các cụm dân cư giáp biên giới và trên các đảo. Qua đó, làm cho nhân dân hiểu và tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong quản lý, bảo vệ biên giới; đồng thời, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá, xâm phạm biên giới quốc gia; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Hai là, tổ chức thế bố trí dân cư ở khu vực biên giới hợp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Tổ chức đưa dân ra biên giới, quy hoạch các cụm dân cư, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm từng bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới và quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Do đó, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương; xây dựng và phát huy mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn biên giới. Các địa phương biên giới cần tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, bố trí lại dân cư trên tuyến biên giới đất liền và biển, đảo. Thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển dân số vùng biên; có chính sách đặc thù về dân số khu vực biên giới đất liền và biển, đảo; ưu tiên phát triển dân cư tại chỗ kết hợp với đưa dân từ địa bàn khác đến khu vực biên giới. Phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các cụm dân cư, như: “điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới”, “điểm dân cư liền kề đồn, trạm, chốt Biên phòng”, tiến tới hình thành thôn, bản, phum, sóc biên giới ổn định, bền vững; kiên quyết khắc phục tình trạng “trắng dân cư” ở khu vực biên giới. Từng bước hình thành các trung tâm dân cư trên toàn tuyến biên giới để xây dựng lực lượng lao động, lực lượng bảo vệ, chiến đấu tại chỗ, tạo thế vững cho địa bàn biên giới phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh, tạo thế và lực mạnh cho thế trận biên phòng toàn dân. Tuy nhiên, việc điều chỉnh, bố trí lại dân cư phải đảm bảo các điều kiện đồng bộ về cơ sở hạ tầng trước khi đưa dân đến, như: đất sản xuất, đường giao thông, các điều kiện về sinh hoạt, học hành, khám chữa bệnh để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống, gắn bó với biên giới.
Ba là, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là vấn đề quan trọng, quyết định đến xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ở khu vực biên giới và ngược lại. Vì thế, cần thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở. Chú trọng phát triển đội ngũ đảng viên có cơ cấu về độ tuổi, giới tính hợp lý; thực hiện tốt công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã biên giới khó khăn; có quy định cụ thể để cơ cấu cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy, chính quyền ở huyện, xã biên giới; cử đảng viên ở các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt ở các tổ chức đảng thôn, bản biên giới, không để thôn, bản “trắng đảng viên”; đồng thời, giao nhiệm vụ cho đảng viên của đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới; sẵn sàng tăng cường hoặc chuyển cán bộ quân sự, biên phòng ra làm cán bộ địa phương. Cùng với đó, hoàn thiện bộ máy chính quyền cơ sở ở khu vực biên giới tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực sự là của dân, do dân và vì dân. Trong đó, cùng với nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cơ sở; đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính; làm tốt việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật và năng lực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cho đội ngũ cán bộ các cấp, cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện tốt phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân bảo vệ, dân thụ hưởng”. Có chính sách phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Bốn là, phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh đã xác định cho từng tuyến biên giới, Nhà nước tiếp tục có chính sách ưu tiên, đầu tư cho địa bàn biên giới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, mạnh, bền vững. Trong đó, ưu tiên đầu tư ngân sách, nguồn lực, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu quy mô vừa và nhỏ. Có chính sách hỗ trợ vốn, phổ biến kiến thức, phương pháp tổ chức sản xuất và kinh doanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và phong tục tập quán của đồng bào; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại vào sản xuất; từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị sản xuất kinh tế hàng hóa ở khu vực biên giới. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng cơ sở hạ tầng, như: đường, trường, trạm, viễn thông, thủy điện, hồ chứa nước, hệ thống kênh mương thủy lợi. Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực hiện dự án trồng rừng vành đai biên giới; tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch rà phá bom mìn, vật liệu nổ tạo nguồn đất sạch cho nhân dân sản xuất; giao đất, giao rừng, tạo điều kiện cho nhân dân định canh, định cư sinh sống ổn định, lâu dài, bền vững ở khu vực biên giới. Đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu ở các cửa khẩu, hình thành các trung tâm thương mại, trung tâm buôn bán nông sản ở địa bàn biên giới, thúc đẩy thương mại hai bên biên giới; triển khai chương trình kết nối biên giới, xuyên biên giới, tăng cường giao lưu, kết nghĩa giữa các địa phương hai bên biên giới. Phát huy thế mạnh về du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa ở các địa phương. Tăng cường đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, dân số, môi trường. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa mới; kiên quyết chống lại văn hóa độc hại phản động, đồi trụy, xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan trong đời sống nhân dân. Làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại, tạo sự bình yên cuộc sống của nhân dân./.
Đại tá, TS. Khuất Văn Tuấn, Giám đốc Học viện Biên phòng
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Đức Thi (st)