Ngày 01/6/1950 - Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên được diễn ra khi đất nước ta đang trải qua giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp đầy cam go, ác liệt. Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng Bác Hồ kính yêu vẫn luôn quan tâm, gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tình thương yêu sâu sắc đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng vì các cháu là hạnh phúc của gia đình và tương lai của đất nước. Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi...” và ân cần căn dặn: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Bác qua những bức thư, lời dạy, bài viết gửi đến thiếu niên, nhi đồng cả nước nhân các dịp lễ, tết… mãi mãi khắc sâu, trở thành tài sản vô giá đối với các thế hệ măng non Việt Nam.
Bác Hồ chia kẹo cho các cháu thiếu nhi ở nhà trẻ của con em công nhân Nhà máy cao su
Sao Vàng, xà phòng Hà Nội và thuốc lá Thăng Long (Khu Cao-Xà-Lá), ngày 15/2/1961.
Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Nhớ lại Ngày Tết thiếu nhi đầu tiên, ngày 01/6/1950, Báo Sự Thật, số 134 đã đăng toàn văn thư chúc mừng của Bác tới các cháu thiếu nhi cả nước. Trong thư, Bác viết:
“Các cháu yêu quý! Ngày 01-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới.
Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô.
Song ở các nước tư bản, cha mẹ là người lao động bị bóc lột, thì trẻ con cũng bị bóc lột, phải chịu cực khổ.
Ví dụ: Mỹ là một nước nhiều tiền bạc nhất, có những nhà đại phú, ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng con nhà lao động thì lên 5, lên 6 tuổi đã phải đi làm thuê, làm mướn.
Ở nước Việt Nam ta thì, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến.
Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng...
Bác mong các cháu ngoan ngoãn. Bác chúc các cháu mạnh khỏe. Bác gửi các cháu nhiều cái hôn.
BÁC HỒ”
Quan tâm đến trẻ nhỏ, Bác quan tâm đến từng việc nhỏ nhất. Trong số rất nhiều câu chuyện của Bác với trẻ nhỏ, chúng ta nhớ về chuyện Bác Hồ tắm cho các em bé Việt Bắc. Cuối năm 1944, Bác Hồ từ Trung Quốc về Pắc Bó. Tại đây, Người đã sống cùng người dân Việt Bắc. Một hôm, Bác bảo các cháu nhỏ ở đây xếp hàng ra phía khe nước. Người tự tay cởi quần áo cho các cháu bé, lần lượt tắm rửa kỳ cọ cho từng cháu. Chúng vừa tắm vừa vui đùa bắn cả nước vào Bác.
Trong số bọn trẻ được Bác tắm cho hôm đó có cháu Thân bị chốc đầu, tóc dính bết. Tắm gội xong, Bác còn làm thuốc dịt cho. Thuốc xót, thấy cháu kêu, Bác Hồ dỗ dành ngọt ngào:
- Không sao, chỉ một lát là hết sót ngay thôi cháu ạ.
Rồi Bác nói với đám thanh niên chúng tôi đứng quanh đó:
- Các cô các chú, vợ chồng còn trẻ phải giữ gìn quanh năm sạch sẽ cho con cái, bệnh ghẻ lây nhanh lắm đấy, thật khổ cho cháu tôi.
Chúng tôi im lặng, cảm động. Trông thấy mấy cháu mặc quần áo bẩn và rách, Bác không vui:
- Các cháu này con cô chú nào đây? Lấy áo sạch thay cho trẻ, còn mang quần áo bẩn đi giặt, chỗ nào rách thì khâu lại.
Bác Hồ kính yêu luôn có một niềm hy vọng, niềm tin: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Vì vậy, cả khi sức khỏe đã yếu, Bác vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Ngày 01/6/1969, với bút danh T.L, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng" đăng trên Báo Nhân Dân, số 5526:
“Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng
Nói chung trẻ con ta là rất tốt.
Ở miền Nam, các cháu bé rất dũng cảm, đã hăng hái giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ gia đình có người kháng chiến, làm giao liên, đánh du kích… Nhiều cháu mới hơn 10 tuổi đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ.
Ở miền Bắc, các cháu đều hăng hái thi đua làm “nghìn việc tốt” như giúp đỡ gia đình bộ đội, trả lại của rơi, gan góc liều mình cứu bạn…
Ở nông thôn, thì nhiều nơi các cháu tổ chức giúp các hợp tác xã chăm sóc trâu bò béo khỏe, trồng cây và bảo vệ cây xanh tốt. Các cháu sơ tán xa gia đình vẫn cố gắng vượt mọi khó khăn, kính thầy, yêu bạn, đoàn kết với đồng bào địa phương và thi đua học tập tốt, lao động tốt. Nhiều cháu học giỏi, tất cả các môn đều đạt điểm 5, điểm 10 đã được giải thưởng của Bác Hồ.
Hàng trăm cháu có thành tích xuất sắc đã được Bác Hồ thưởng Huy Hiệu. Hơn hai triệu cháu được bình bầu là Cháu ngoan Bác Hồ.
Nhân dân ta rất tự hào có nhiều con cháu tiến bộ như thế. Mong các cháu ngày càng cố gắng hơn nữa và tiến bộ hơn nữa.
Song vẫn còn một số ít cháu chậm tiến vì chưa được chăm sóc, dạy dỗ đến nơi đến chốn.
Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực.
Trước hết các gia đình (tức ông, bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy. Các đảng ủy, đường phố và hợp tác xã phải phụ trách chỉ đạo thiết thực và thường xuyên. Ủy ban Thiếu niên nhi đồng, đoàn thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu ngày càng mạnh khỏe và tiến bộ. Các tỉnh ủy, thành ủy cần phải phụ trách đôn đốc việc này cho có kết quả tốt.
Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.
(Báo Nhân Dân số 5526, ngày 01/6/1969)
Ðây là bài báo cuối cùng trong tổng số hơn 1.000 bài báo mà Bác đã viết trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Bài báo có nội dung không dài, trong đó Bác đề cập những thành tích của thiếu niên, nhi đồng hai miền Nam, Bắc, những vấn đề đang tồn tại. Và từ đó Người đề ra trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Xã hội và gia đình cần nhận thức rõ trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, cùng chung tay chăm sóc để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần
Trước lúc đi xa, trong lòng Bác vẫn luôn đau đáu một sự quan tâm đặc biệt đối với thiếu niên, nhi đồng. Vì vậy, trong bản Di chúc của mình, Người cũng hai lần nhắc đến nhi đồng. Đoạn mở đầu, Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Ở đoạn kết thúc, Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.
Thấm nhuần tư tưởng, tình cảm của Bác, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh. Nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là bản Hiến pháp Việt Nam ngay từ năm 1959 cho đến nay đều có nội dung về trẻ em. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở Châu Á, nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em đã được các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Nhiều chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng như chăm sóc thường xuyên đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19… Ngày 31/5/2022, tại buổi Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ có Tháng hành động vì trẻ em mà phải luôn luôn hành động vì trẻ em… Chúng ta phải cùng nhau hành động để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ em. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Gia đình, nhà trường, xã hội luôn thực hiện trách nhiệm với các cháu. Mỗi cháu sẽ là mầm non lan tỏa tình yêu thương, nhân ái, bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, để đất nước Việt Nam ngày càng phát triển hùng cường và thịnh vượng”.
Đáp lại tình yêu thương to lớn của Bác Hồ, sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam luôn siêng năng học tập, rèn luyện đạt nhiều thành tích, là con ngoan trò giỏi, trở thành niềm tin tươi sáng về một thế hệ tương lai xây dựng đất nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, nhà trường và các tổ chức đoàn thể đã quan tâm, thường xuyên tổ chức các đoàn thanh thiếu niên, nhi đồng, các em học sinh về Lăng viếng Bác, tổ chức lễ báo công, lễ kết nạp đoàn, lễ kết nạp đội, lễ vinh danh học sinh giỏi tiêu biểu… Đây là hoạt động có ý nghĩa giáo dục to lớn, là dịp để các em thể hiện tình cảm, lòng biết ơn, khắc ghi lời dạy của Bác, đồng thời xác định cho bản thân mục đích học tập cũng như tích cực hơn trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phát triển toàn diện, đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước.
Vào Lăng viếng Bác luôn là niềm vui, hạnh phúc đối với các thế hệ thiếu niên,
nhi đồng Việt Nam.
Dịp Tết thiếu nhi, trong mỗi giai đoạn cách mạng của đất nước cũng như trong mỗi giai đoạn cuộc đời của Bác, chúng ta luôn cảm nhận được tình yêu, sự quan tâm đặc biệt của Bác dành cho thiếu niên, nhi đồng. Hơn thế, sự quan tâm, chăm lo cho các em nhỏ thể hiện trong phong cách sống, trong đạo đức, trong tầm nhìn chiến lược và khoa học của Người. Gần 53 năm Bác đi xa nhưng tình yêu đó vẫn luôn còn mãi. Những lời dạy và bài viết của Người dành cho thiếu niên, nhi đồng được xem như một trong những di sản vô giá của dân tộc và thế hệ trẻ nước ta. Như em Bích Thùy (10 tuổi, Hà Nam) chia sẻ: Chúng em sẽ luôn nhớ về những lời dạy của Bác Hồ để cố gắng học tập, rèn luyện, trở thành con ngoan, trò giỏi, sau này sẽ là người có ích cho xã hội./.
Thanh Huyền (tổng hợp)