Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quyết tâm chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân và dân ta, Chiến dịch Trị - Thiên năm 1972 đã giành thắng lợi. Nửa thế kỷ đã trôi qua, song sự kiện giải phóng Quảng Trị vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thực sâu sắc; để lại nhiều bài học quý cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

chien dich quang tri 1
Chiến trường Trị - Thiên - Huế năm 1972 ác liệt_Ảnh: TTXVN.

Trong hai năm 1970 - 1971, mặc dù bị thất bại liên tiếp trên chiến trường Đông Dương, song Mỹ - ngụy vẫn ngoan cố thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, hòng tạo thế để mặc cả với ta trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Thực hiện ý đồ đó, chúng tăng cường phòng thủ trên hướng Trị - Thiên, biến nơi đây thành tuyến phòng thủ kiên cố, liên hoàn, vững chắc. Lực lượng địch ở khu vực này gồm 2 sư đoàn bộ binh, 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ, 3 thiết đoàn (xe tăng, thiết giáp), 17 tiểu đoàn pháo binh,… được không quân, pháo binh (kể cả pháo hạm) chi viện, hòng ngăn chặn, đánh bại các cuộc tiến công của ta.

Về phía ta, thực hiện chủ trương giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, ngày 23-2-1972, Bộ Chính trị thông qua quyết tâm chiến đấu và phê chuẩn kế hoạch tiến công chiến lược, mở cuộc tiến công trên toàn chiến trường miền Nam, lấy Trị - Thiên làm hướng tiến công chủ yếu, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là hai hướng phối hợp quan trọng. Trên hướng Trị - Thiên, ta mở chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng có quy mô lớn. Sau gần 3 tháng chiến đấu (từ ngày 30-3 đến ngày 27-6-1972), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cùng quyết tâm chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân và dân ta, Chiến dịch Trị - Thiên đã giành thắng lợi rất to lớn, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 30.000 tên địch, phá hủy và thu giữ nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của chúng, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Cuộc chiến đấu giải phóng Quảng Trị năm 1972 để lại nhiều bài học quý cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

Một là, nâng cao khả năng dự báo tình hình, tham mưu hiệu quả, xử lý tốt các tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Ngay sau thắng lợi của chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, tháng 5-1971, Bộ Chính trị họp, đề ra nhiệm vụ cho chiến trường miền Nam là giành thắng lợi quyết định trong năm 1972; đồng thời khẳng định, ta đang đứng trước thời cơ mới có thể giành thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ nhận định đó, Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ cần kíp cho quân và dân ta là “kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài”(1).

Để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, tháng 6-1971, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị nghiên cứu tình hình và đề ra nhiệm vụ của cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Quân ủy Trung ương xác định, đòn tiến công của chủ lực sẽ tiến hành đồng thời trên 3 hướng chiến lược là Trị - Thiên, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; theo đó, miền Đông Nam Bộ là hướng tiến công chủ yếu số một, Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu số hai, Trị - Thiên là hướng phối hợp quan trọng. Tuy nhiên, đến nửa đầu tháng 3-1972, căn cứ tình hình so sánh lực lượng giữa ta và địch, qua kiểm tra công tác chuẩn bị của từng hướng và cân nhắc các hướng chiến lược, Quân ủy Trung ương quyết định báo cáo Bộ Chính trị chọn Trị - Thiên làm hướng chiến lược chủ yếu. Bởi vì, cuộc tiến công này phải giáng đòn quyết định của bộ đội chủ lực vào địa bàn dễ gây tác động lớn đối với Mỹ - ngụy. Ta phải đánh mạnh vào nơi địch mạnh hoặc tương đối mạnh, nơi hiểm yếu, buộc địch phải đối phó quyết liệt với những cố gắng cao nhất. Tại địa bàn này, địch bố trí lực lượng phòng thủ mạnh ở vòng ngoài, nhưng yếu ở bên trong, khi ta phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch dễ có điều kiện phát triển tiến công tiêu diệt, làm chủ các mục tiêu chủ yếu; khi bị ta tiến công uy hiếp, buộc địch phải đưa quân chi viện, ta có điều kiện tiêu diệt được nhiều lực lượng và phương tiện. Đối với ta, địa bàn Trị - Thiên là nơi có điều kiện để phát huy sức mạnh cao nhất của bộ đội chủ lực, của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Từ nhận định chính xác đó, Bộ Chính trị chính thức phê chuẩn đề nghị của Quân ủy Trung ương chuyển chiến trường Trị - Thiên từ hướng phối hợp quan trọng trở thành hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược. Sự nhạy bén của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong việc điều chỉnh hướng tiến công chiến lược là nhân tố hàng đầu đưa đến thắng lợi của Chiến dịch Trị - Thiên.

Từ bài học kinh nghiệm về chọn hướng tiến công chiến lược ở chiến trường Trị - Thiên năm 1972, vận dụng vào thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay cho thấy, mặc dù hòa hình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn ở khu vực và trên thế giới, nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh, xung đột cục bộ vẫn diễn ra gay gắt. Đặc biệt, một số nước đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực hải quân với những thế hệ vũ khí mới. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, an ninh mạng, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh mới làm thay đổi môi trường chiến lược, tác động sâu sắc tới mọi quốc gia - dân tộc.

Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, ổn định của đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam cần chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo chính xác tình hình; trên cơ sở đó, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định và thực hiện đường lối, chiến lược, chủ động, tích cực bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; trong đó, cần chủ động nghiên cứu, dự kiến các tình huống, biện pháp đối phó hiệu quả với mọi tình huống về quân sự, quốc phòng cả trên không, trên đất liền, trên biển, đảo và trên không gian mạng, kiên quyết không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; luôn bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển toàn diện đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội. Về vấn đề này, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự… Nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”(2). Đây là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hai là, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân vững mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; trong đó, tập trung xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Trong Chiến dịch tiến công Trị - Thiên, ta đã xây dựng được lực lượng tại chỗ rộng khắp(3), lực lượng chủ lực cơ động hùng hậu, do đó, tạo thuận lợi cho phối hợp tác chiến của bộ đội chủ lực và lực lượng tại chỗ ngay từ giai đoạn hoạt động tạo thế, cài thế, nghi binh lừa địch. Từ tháng 1 đến tháng 3-1972, lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Quảng Trị đã đánh gần 400 trận lớn, nhỏ. Ở Thừa Thiên ta liên tục hoạt động trên hướng tây đường số 12, đồng thời kết hợp với hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng cơ sở chính trị, diệt ác, trừ gian, nhất là ở các vùng xung yếu… Các hoạt động trên làm cho thế kìm kẹp của địch bị phân tán, ta cài được thế vào cả 3 vùng (vùng rừng núi, vùng nông thôn đồng bằng và vùng thành thị), vẫn giữ được bí mật chiến dịch, phân tán sự chú ý của địch về hướng tiến công chủ yếu của ta ở mặt trận Quảng Trị. Đợt 1 chiến dịch (từ ngày 30-3 đến ngày 9-4-1972), bộ đội chủ lực tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài, đẩy địch vào thế hoang mang dao động. Tận dụng thời cơ có lợi, Tiểu đoàn 47 Vĩnh Linh, các tiểu đoàn đặc công và các đại đội bộ đội địa phương, lực lượng dân quân du kích cùng quần chúng nổi dậy giải phóng quận lỵ Gio Linh, Bến Ngự, Mai Xá Thị, Xuân Khánh, Hà Thượng…

Cùng với đó, trên hướng phối hợp, lực lượng vũ trang địa phương của Thừa Thiên liên tục đánh địch ở Cù Mông, điểm cao 620, đường số 12 (đoạn Tà Lương - Động Tranh) suốt từ ngày 26-3 đến ngày 30-4-1972, đã kiềm chế và thu hút một phần lực lượng địch, tạo thuận lợi cho hướng chủ yếu (hướng Quảng Trị) của chiến dịch tiến công tiêu diệt địch. Đợt 2 (từ ngày 27-4 đến ngày 2-5-1972), chiến dịch sử dụng Trung đoàn 27, Tiểu đoàn 47 Vĩnh Linh và Trung đoàn bộ binh cơ giới 66 (Quân đoàn 2) thọc sâu, vu hồi phía đông, phối hợp với hướng chia cắt (hướng nam Quảng Trị do Sư đoàn bộ binh 324 đảm nhiệm), đồng thời hỗ trợ lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng ở Triệu Phong và Hải Lăng nổi dậy giành quyền làm chủ. Trên hướng phối hợp, lực lượng Quân khu Trị - Thiên cùng lực lượng vũ trang địa phương tiếp tục tiến công địch trên hướng đường số 12… Đợt 2 của chiến dịch đã giành thắng lợi to lớn, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Đợt 3 (từ ngày 20-6 đến ngày 27-6-1972), ta chủ trương tiếp tục tiến công nhằm tiêu diệt đại bộ phận lực lượng quân địch, giải phóng Thừa Thiên, kể cả Huế và Phú Bài, nhưng do thiếu sót trong đánh giá tình hình địch - ta, cũng như trong công tác bảo đảm các mặt, nên hiệu quả tiêu diệt địch thấp; do đó, đêm 27-6-1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định ngừng tiến công, chuyển phương thức tác chiến mới, giữ vững vùng giải phóng, đánh bại nỗ lực tái chiếm Quảng Trị của địch. Thắng lợi của Chiến dịch Trị - Thiên năm 1972 có nhiều yếu tố cấu thành, trong đó nghệ thuật kết hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương đã phát triển đến đỉnh cao trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để lại nhiều bài học quý về xây dựng quân đội nhân dân.

Trong giai đoạn hiện nay, trước sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự biến động của tình hình thế giới, khu vực đem lại những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra những yêu cầu mới đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với nền an ninh nhân dân; coi trọng xây dựng lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ cân đối, đồng bộ, có chất lượng tổng hợp, trình độ, sức mạnh và khả năng phối hợp tác chiến cao, nhất là giữa lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ; tranh thủ thời cơ, tận dụng, khai thác, phát huy tốt lợi thế của các lĩnh vực, nhất là khoa học - công nghệ..., đẩy nhanh lộ trình hiện đại hóa quân đội đáp ứng ngày càng tốt sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

chien dich quang tri 2
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 935, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân_Nguồn: qdnd.vn

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17-1-2022, của Bộ Chính trị, về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; điều chỉnh tổ chức, biên chế bảo đảm “tinh, gọn, mạnh”. Cơ cấu đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối trung gian, đồng bộ giữa vũ khí, trang bị với nhân lực và công tác bảo đảm. Cùng với đó, cần xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng ngày càng cao, được quản lý chặt chẽ, sẵn sàng động viên, mở rộng lực lượng khi cần thiết. Củng cố lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, có số lượng, cơ cấu phù hợp với đặc điểm địa bàn, dân số, chú trọng lực lượng dân quân tự vệ ở các vùng trọng điểm, dân quân biển; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh ngay tại cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần bảo đảm chất lượng huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, “đội quân lao động, sản xuất” trong thời bình, sẵn sàng giúp nhân dân trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và những thách thức an ninh phi truyền thống, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Ba là, chú trọng công tác huấn luyện, không ngừng nâng cao năng lực, sức chiến đấu của bộ đội, khả năng, trình độ tổ chức hiệp đồng giữa các đơn vị, lực lượng trong toàn quân.

Nghiên cứu, đánh giá đúng về tình hình địch - ta và địa bàn, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Trị - Thiên quyết định đánh vào chỗ tương đối mạnh của địch, nhưng là nơi địch không ngờ tới, bởi chúng cho rằng ta chưa đủ khả năng đánh lớn ở Quảng Trị. Đây là quyết định rất đúng đắn và táo bạo của Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhằm tạo bất ngờ cho địch, đồng thời chứng tỏ trình độ, khả năng tác chiến của quân đội ta. Thực hiện quyết tâm đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương sử dụng pháo binh chiến dịch đánh “mềm” chiến trường, lực lượng pháo cao xạ sẵn sàng bắn máy bay, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng chi viện của không quân địch; kết hợp sức cơ động, đột kích của xe tăng, bộ binh lần lượt tiêu diệt các cứ điểm từ ngoài vào trong, tạo bàn đạp phát triển sâu vào trung tâm phòng ngự của địch. Bộ Tư lệnh Chiến dịch giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị đánh chiếm từng mục tiêu và thực hành hiệp đồng chặt chẽ giữa các cánh quân, các hướng tiến công; đồng thời, trên từng hướng, mũi thống nhất hành động giữa bộ binh với các lực lượng binh chủng.

Như vậy, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta tổ chức chiến dịch tiến công quy mô lớn, lấy sức mạnh hiệp đồng binh chủng đánh vào khu vực phòng ngự mạnh nhất của địch, khiến chúng bất ngờ và choáng váng. Điều quan trọng là, nghệ thuật điều hành, phối hợp các lực lượng trên các tuyến, hướng tiến công, nhất là giữa bộ binh, pháo binh và xe tăng luôn nhịp nhàng, ăn khớp, tạo sức mạnh to lớn, đập tan các “ổ đề kháng” kiên cố của địch. Đây là thực tiễn quan trọng để ta tiếp tục phát triển, vận dụng vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Diễn biến chiến dịch cho thấy, ngay khi mở màn, lực lượng pháo binh ta đã bắn gần 8.000 viên đạn, khống chế hơn 24 căn cứ, trong đó có 13 cụm pháo binh địch, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều công trình quân sự, trung tâm thông tin địch. Chớp thời cơ, bộ binh cùng xe tăng trên 4 hướng đồng loạt tiến công, đánh chiếm các mục tiêu: Động Toàn, Ba Hồ, điểm cao 544… Đặc biệt, Trung đoàn đặc công hải quân 126, với cách đánh bí mật của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, đã nhanh chóng tiến công tiêu diệt toàn bộ địch trên sông và duyên đoàn 11 của địch tại Cửa Việt, khống chế hoàn toàn tuyến đường sông phía đông. Với việc vận dụng nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng chặt chẽ, sáng tạo, nên chỉ sau 5 ngày tiến công của đợt 1 chiến dịch, phía ta đã phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch, phá tan hàng rào điện tử Mac Na-ma-ra, giải phóng hai huyện Gio Linh và Cam Lộ, buộc chính quyền Sài Gòn phải tăng viện khẩn cấp cho mặt trận Quảng Trị và hô hào tử thủ, bảo vệ những khu vực còn lại.

Mất tuyến phòng ngự vòng ngoài và bị thiệt hại nặng, địch tăng cường lực lượng và điều chỉnh lại thế bố trí phòng ngự thành các cụm quân mạnh ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang, tạo thành khu vực “co cụm cứng”, kết hợp với di động linh hoạt để đối phó với ta. Theo đó, ta không thể dùng lối đánh ồ ạt, chớp nhoáng để đập tan các cụm cứ điểm “di động” của địch bằng một đòn, mà phải tiếp tục thực hiện bằng nhiều đòn liên tục, nhằm đập vỡ từng đoạn, tiến tới thực hiện đòn đánh quyết định, tiêu diệt lớn lực lượng địch. Thực hiện phương pháp tác chiến mới, chiến dịch tập trung phát huy sức mạnh của binh khí, kỹ thuật hiện đại, tiến hành đột phá liên tục, tiêu diệt xe tăng, xe thiết giáp, làm vỡ “vỏ cứng” phòng ngự, vừa bắn phá những mục tiêu chủ yếu trên toàn tuyến, vừa tập trung diệt từng điểm, cụm; kiên quyết bao vây, chia cắt chiến dịch, đánh vỡ từng mảng, tiến tới tiêu diệt toàn bộ địch co cụm. Thực tế, đợt 2 chiến dịch cho thấy, dưới sự chi viện mạnh của hỏa lực, các đơn vị thực hành tiêu diệt xe tăng, xe thiết giáp, làm mất chỗ dựa của bộ binh địch, từ đó đánh chiếm từng mục tiêu lần lượt từ ngoài vào trong, theo cách “bóc vỏ”, tạo điều kiện cho bộ binh, xe tăng của ta nhanh chóng thọc sâu, đánh chiếm mục tiêu bên trong, trên cả 3 cụm phòng ngự chủ yếu của địch, làm chủ trận địa. Điển hình là, trên hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch đánh vào cụm Đông Hà (Quảng Trị), Sư đoàn bộ binh 308, Quân đoàn 1 được sự chi viện của pháo binh, xe tăng đã nhanh chóng đánh chiếm các điểm cao 30, 28…, cô lập hoàn toàn Đông Hà; đồng thời, tổ chức Trung đoàn bộ binh cơ giới 66 và Tiểu đoàn đặc công 33 tạo thành mũi thọc sâu đánh chiếm sân bay Đông Hà, dồn địch vào thế hỗn loạn, buộc chúng phải bỏ cả vũ khí, trang bị kỹ thuật rút chạy, ta làm chủ Đông Hà, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, tạo cục diện mới cho cuộc chiến tranh.

chien dich quang tri 3
Tiểu đoàn bộ binh 43, Trung đoàn bộ binh 842, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị huấn luyện, kiểm tra các chiến sĩ mới thực hành bắn đạn thật súng tiểu liên AK_Ảnh: baoquankhu4.com.vn

Thành công của Chiến dịch Trị - Thiên chứng tỏ vai trò to lớn của công tác tổ chức huấn luyện, tổ chức chỉ huy cũng như hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng địch trong mọi tình huống. Vận dụng bài học kinh nghiệm này để tiếp tục xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc; phấn đấu đến năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, cần chú trọng công tác huấn luyện, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ tổ chức hiệp đồng chiến đấu của bộ đội. Theo đó, toàn quân tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17-1-2022, của Bộ Chính trị, về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18-1-2019, của Quân ủy Trung ương, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo; Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Tổng Tham mưu trưởng, cụ thể hóa bằng các chủ trương, giải pháp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả. Coi trọng công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập sát với đối tượng, phù hợp với tổ chức, biên chế, trang bị và sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong huấn luyện bộ đội, chú trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị, nhất là vũ khí, khí tài mới, hiện đại; kết hợp giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị và rèn luyện thể lực cho bộ đội, nâng cao bản lĩnh, quyết tâm và khả năng cơ động trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Vận dụng tốt 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện. Chỉ đạo huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, trình độ xử lý các tình huống quân sự, quốc phòng cho cán bộ chỉ huy; thường xuyên bổ sung, hoàn thiện phương án tác chiến đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bốn là, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, sức chiến đấu của bộ đội.

Chiến dịch tiến công Trị - Thiên là cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, các bên tác chiến đều tập trung khả năng cao nhất để giành chiến thắng, tạo chuyển biến cục diện chiến tranh trong thế có lợi. Một trong những yếu tố làm nên chiến thắng Trị - Thiên của quân và dân ta trong năm 1972 không thể không nhắc tới tinh thần, ý chí, quyết tâm chiến đấu của các lực lượng tham gia chiến dịch. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của yếu tố này, lãnh đạo, chỉ huy các cấp luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng ý chí, quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Trước khi chiến dịch bắt đầu, các đơn vị tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, nghiên cứu chỉ thị công tác đảng, công tác chính trị của Tổng cục Chính trị, Đảng ủy Mặt trận, thư của Trung ương, Quân ủy Trung ương… Các tài liệu học tập đều được sinh hoạt trong các cấp ủy, phổ biến đến tận chiến sĩ theo mức độ khác nhau. Các đợt giáo dục và sinh hoạt đều tập trung vào xây dựng ý chí chiến đấu, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết hiệp đồng, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình chiến đấu, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị nhanh chóng phát hiện và uốn nắn những nhận thức tư tưởng không đúng, như sau đợt 1 xuất hiện tư tưởng chủ quan, khinh địch, thiếu cảnh giác. Nhờ vậy, tư tưởng, quyết tâm của bộ đội được giữ vững, hiệu suất chiến đấu được nâng cao, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu. Bộ đội pháo binh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, tình hình tư tưởng, quyết tâm của bộ đội từ ngày nổ súng đến khi kết thúc chiến dịch được giữ vững và phát huy, các biểu hiện tiêu cực hầu như không có, xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các đơn vị công binh cầu đường, dù bị địch đánh phá ác liệt, thương vong nhiều, khí tài hư hỏng, giảm sút, nhưng mọi nhiệm vụ được giao đều hoàn thành kịp thời theo đúng yêu cầu, mọi tuyến giao thông trên bộ đều thông suốt; cán bộ không có hiện tượng thoái thác nhiệm vụ. Sư đoàn bộ binh 308 tiến công cụm cứ điểm Đông Hà - Lai Phước bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng trong thời gian gấp, lại chưa có kinh nghiệm đánh cứ điểm trung tâm phòng ngự của địch, quân số hao hụt chưa được bổ sung, nhưng Sư đoàn đã làm tốt công tác chuẩn bị, kịp thời động viên bộ đội vượt qua khó khăn, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

chien dich quang tri 4
Lễ thượng cờ cho 2 tàu hộ vệ tên lửa hiện đại lớp Gepard 3.9 là 015-Trần Hưng Đạo và 016-Quang Trung của Hải quân Việt Nam_Ảnh: TTXVN.

Vận dụng bài học kinh nghiệm về xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội trong Chiến dịch Trị - Thiên vào công tác xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình hiện nay, cần đặt ra những yêu cầu, nội dung mới toàn diện và đầy đủ hơn. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị; nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống”(4). Nghị quyết nêu rõ, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là nguyên tắc trong xây dựng quân đội. Để thực hiện xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, cần tiếp tục xây dựng củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc trong quân đội. Tập trung xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng, các cơ quan vững mạnh toàn diện. Xây dựng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho bộ đội, thực hiện nghiêm, có hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Các cơ quan, đơn vị cần coi trọng, đổi mới, nâng cao chất lượng và phát huy vai trò, hiệu quả của công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội; phòng, chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hiện nay, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng, yêu cầu cán bộ, chiến sĩ quân đội phải kịp thời phát hiện, chủ động trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống “phi chính trị hóa” quân đội. Tích cực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận làm cơ sở để đề ra giải pháp phù hợp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, vận dụng nghệ thuật quân sự phù hợp, sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp cần tiến hành đồng bộ các chủ trương, biện pháp giáo dục, huấn luyện, quản lý bộ đội, tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới./.

Nguyễn Tân Cương

Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Theo Tạp chí Cộng sản

Đàm Anh (st)

-------------------

(1) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 2, tr. 514

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 159

(3) Tỉnh Quảng trị có 1 tiểu đoàn đặc công, 2 tiểu đoàn và 5 đại đội bộ đội địa phương, 8 đại đội biệt động của tỉnh, 6 trung đội bộ đội địa phương huyện Hướng Hóa; mỗi huyện Hải Lăng, Triệu Phong có từ 1 đến 2 trung đội và dân quân du kích xã… Tỉnh Thừa Thiên có 5 tiểu đoàn bộ đội địa phương, 2 tiểu đoàn đặc công của tỉnh, 10 đại đội địa phương các huyện và dân quân du kích xã…

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 227

Bài viết khác: