Chỉ mục bài viết

 Câu 20: Điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 16 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử được thực hiện như sau:

- Đáp ứng các điều kiện cấp phép mua bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên và bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia.

- Đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.

- Thực hiện biện pháp theo quy định của Chính phủ để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia.

- Áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Câu 21: Biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 17 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh được thực hiện như sau:

- Hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải có bản kê khai gửi Ủy ban nhân dân cấp xã về lượng rượu được sản xuất, phạm vi sử dụng, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và không bán rượu ra thị trường theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định. Việc kê khai không phải nộp phí, lệ phí.

- Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; báo cáo sản lượng và tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh trên địa bàn.

Câu 22: Bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 18 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì rượu, bia được kinh doanh, lưu hành tại Việt Nam phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Câu 23: Địa điểm nào không bán rượu, bia?

Trả lời:

Theo Điều 19 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì các địa điểm không được bán rượu, bia bao gồm:

- Cơ sở y tế.

- Cơ sở giáo dục.

- Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

- Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.

- Cơ sở bảo trợ xã hội.

- Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

Câu 24: Phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 20 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được thực hiện như sau:

- Rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều bị tịch thu, xử lý theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, tham gia với cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

- Bộ Công Thương, Bộ Y tế, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hướng dẫn việc bổ sung chất chỉ thị màu vào các sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ sản phẩm cồn không được phép dùng trong thực phẩm.

Câu 25. Phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 21 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia được thực hiện như sau:

- Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.

- Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.

- Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.

- Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp bằng, chứng chỉ, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý.

Câu 26: Phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 22 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe bao gồm:

- Tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế;

- Sàng lọc, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu, bia; người mắc bệnh, rối loạn chức năng do uống rượu, bia; người nghiện rượu, bia;

- Can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, phụ nữ mang thai có hội chứng hoặc nguy cơ ngộ độc rượu ở thai nhi; phòng, chống nghiện và tái nghiện rượu, bia;

- Chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh, rối loạn chức năng có liên quan đến uống rượu, bia.

Câu 27: Việc tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 23 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định như sau:

- Tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm các nội dung sau đây: Thông tin, kiến thức, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; Biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết và ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia.

- Việc tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia tập trung vào các đối tượng sau đây: Người thường xuyên uống rượu, bia; Người nghiện rượu, bia; Thành viên gia đình có người thường xuyên uống rượu, bia, người nghiện rượu, bia; Trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai; Người bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.

- Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận hướng dẫn, tạo điều kiện cho hoạt động tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn.

- Nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho thành viên trong cộng đồng.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tư vấn quy định trên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Câu 28: Biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 24 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng được thực hiện như sau:

- Tuyên truyền, vận động các gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng.

- Vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư.

- Vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

- Phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Câu 29: Chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 25 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định: Các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia bao gồm:

- Tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú về tác hại của rượu, bia đối với thai nhi, trẻ em; cho người bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình;

- Can thiệp, hỗ trợ, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để không bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia;

- Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

Các biện pháp quy định trên phải được lồng ghép trong chương trình, kế hoạch, hoạt động có liên quan đến trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác.

Cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhận thực hiện quy định trên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Câu 30: Pháp luật quy định như thế nào về kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia?

Trả lời:

Theo Điều 26 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định như sau:

- Kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm: Ngân sách nhà nước; Kinh phí hợp pháp khác.

- Kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia được phân bổ, quản lý, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và theo quy định của pháp luật.

Câu 31: Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 27 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia được thực hiện như sau:

- Người làm công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với trách nhiệm được giao.

- Nhân viên y tế cơ sở, cộng tác viên thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia được ưu tiên tham gia các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Câu 32: Người vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 28 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định xử phạt như sau:

- Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Cơ quan, người có thẩm quyền được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Câu 32: Quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm những nội dung nào?

Trả lời:

Theo Điều 29 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm:

- Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Đào tạo, bồi dưỡng về công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Thống kê, sơ kết, tổng kết, định kỳ báo cáo việc thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Câu 33: Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 30 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia được thực hiện như sau:

- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Bộ Y tế là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương.

Câu 34: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trong phòng, chống tác hại của rượu bia như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 31 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trong phòng, chống tác hại của rượu bia như sau:

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; đưa nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia vào nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; tham gia ý kiến xây dựng pháp luật, thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của pháp luật.

- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm sau đây: Thực hiện trách nhiệm quy định trên; Tuyên truyền, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên không uống rượu, bia; Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia; Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia trong công tác đoàn, đội.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm sau đây: Thực hiện trách nhiệm quy định trên; Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia; Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia trong công tác hội.

- Tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia giáo dục, tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tham gia ý kiến xây dựng pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của pháp luật.

Câu 35: Cơ sở kinh doanh rượu, bia có trách nhiệm gì trong phòng, chống tác hại rượu, bia?

Trả lời:

Theo Điều 32 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì cơ sở kinh doanh rượu, bia có trách nhiệm trong phòng, chống tác hại rượu, bia cụ thể như sau:

- Tuân thủ quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh rượu, bia; về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ghi nhãn hàng hóa đối với rượu, bia. Thông tin về sản phẩm rượu, bia phải bảo đảm chính xác, khoa học.

- Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hoạt động kinh doanh của cơ sở theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

- Không sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh, quảng cáo rượu, bia.

- Thu hồi và xử lý rượu, bia không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm do cơ sở mình sản xuất, mua bán theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

- Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh.

- Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia.

- Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

Câu 36: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm gì trong phòng, chống tác hại của rượu, bia?

Trả lời:

Theo Điều 33 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia cụ thể như sau:

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức.

- Người đứng đầu tổ dân phố, khu phố, khối phố, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, tổ chức tại cơ sở, cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm: Tuyên truyền, vận động các gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng; Vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư; Vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; Phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

- Người đứng đầu, người quản lý, điều hành địa điểm không uống rượu, bia và không bán rượu, bia có trách nhiệm sau đây: Nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm quy định về địa điểm không uống rượu, bia và không bán rượu, bia; từ chối cung cấp dịch vụ nếu người vi phạm tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở, yêu cầu;

- Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về không được uống, không được bán rượu, bia tại địa điểm thuộc, quyền quản lý, điều hành.

Câu 37: Gia đình có trách nhiệm như thế nào trong phòng, chống tác hại của rượu, bia?

Trả lời:

Theo Điều 34 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu bia như sau:

- Giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu, bia trong gia đình cai nghiện rượu, bia.

- Hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Tham gia với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia.

II. MỨC XỬ PHẠT KHI NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ MÀ TRONG MÁU HOẶC HƠI THỞ CÓ NỒNG ĐỘ CỒN

Khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định: Nghiêm cấm điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì mức xử phạt khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì bị xử phạt như sau:

1. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô

a) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (điểm c khoản 6, điểm e khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019).
Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

b) Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. (điểm c khoản 8, điểm g khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)
Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. (điểm a khoản 10, điểm h khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)
Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. (điểm b khoản 10 và điểm h khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

2. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.(điểm c khoản 6, điểm đ khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)
Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

b) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. (điểm c khoản 7, điểm e khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019).
Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. (điểm e khoản 8 và điểm g khoản 10 điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019).
Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

d) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. (điểm g khoản 8 và điểm g khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019).

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

3. Xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác

a) Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. (điểm q khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019).

b) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. (điểm e khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019; Điểm k Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022)

c) Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. (điểm c khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)

b) Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. (điểm d khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)./.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: