Trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đã có biết bao chiến sĩ cộng sản không quản gian khổ, hy sinh, nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, phấn đấu, cống hiến trọn đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, trở thành biểu tượng, tấm gương mẫu mực cho thế hệ mai sau. Đồng chí Phạm Hùng là một người như thế.

dong chi pham hung 1
 Đồng chí Trường Chinh, Trưởng đoàn đại biểu miền Bắc và đồng chí Phạm Hùng, Trưởng đoàn đại biểu miền Nam ký văn kiện chính thức sau Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc (ngày 21/11/1975). Ảnh: TTXVN

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất.

Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912, trong một gia đình nông dân tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Long Bình, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống văn hóa và tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng tại Mỹ Tho khi mới 16 tuổi; được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư chi bộ trường học khi 18 tuổi và được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho ở tuổi 19. Khi đang tích cực lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp và chế độ phong kiến, ngày 02/6/1931, Đồng chí bị địch bắt tại Mỹ Tho. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc, mọi cực hình để tra tấn nhưng không khuất phục được ý chí cách mạng của Đồng chí. Sau hơn bảy tháng giam cầm, đầu năm 1932, chúng đưa Đồng chí ra tòa Đề hình ở Sài Gòn xét xử. Mặc dù không có chứng cớ gì, nhưng tòa án thực dân Pháp vẫn khép Đồng chí 03 năm tù, 03 năm quản thúc và đưa về Mỹ Tho giam giữ.

Trong lao tù, Đồng chí tiếp tục lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù; tổ chức liên lạc với bên ngoài để chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng chống chế độ thực dân và bọn phong kiến tay sai. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã đàn áp dã man cuộc đấu tranh của tù nhân, đồng chí Phạm Hùng bị địch tống biệt giam, kết án tử hình và đưa về giam ở xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn. Tại đây, Đồng chí đã cảm hóa một số tù thường phạm bị thực dân Pháp kết án xử tử, thức tỉnh lương tâm và truyền niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng cho các bạn tử tù. Trước phong trào đấu tranh của các lực lượng yêu nước và tiến bộ ở trong nước cũng như trên thế giới đã buộc chính quyền thực dân Pháp phải giảm án tử hình đối với đồng chí Phạm Hùng và một số chiến sĩ cách mạng xuống chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo tháng 01/1934. Gần 15 năm tù đày, trong đó 12 năm bị thực dân Pháp giam giữ ở nhà tù Côn Đảo - địa ngục trần gian tàn bạo của chế độ thực dân Pháp, Đồng chí luôn thể hiện khí phách cách mạng cao đẹp, kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, là biểu tượng của “tinh thần thép”. Với tinh thần lạc quan cách mạng và ý thức trách nhiệm cao đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Phạm Hùng đã cùng chi ủy, chi bộ lãnh đạo tù nhân đấu tranh quyết liệt, không chỉ đòi giảm nhẹ chế độ tù khổ sai, mà còn tổ chức nhiều lớp học văn hóa, bồi dưỡng lý luận, nâng cao trình độ chính trị, củng cố lý tưởng, lập trường và giữ vững niềm tin vào tương lai của cách mạng cho các chiến sĩ cộng sản, các bạn tù thường phạm, các bạn tù thuộc các đảng phái khác, góp phần quan trọng biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản, đào tạo lớp cán bộ cách mạng trưởng thành ngay trong nhà tù đế quốc. Trong khí thế Cách mạng tháng Tám năm 1945, với tư cách là Bí thư Đảo ủy, Đồng chí đã lãnh đạo tù nhân đứng lên giải phóng nhà tù Côn Đảo và trở về đất liền tiếp tục tham gia lãnh đạo kháng chiến ở miền Nam.

Nhà lãnh đạo tài năng, uy tín của Đảng, Nhà nước ta.

Sau khi từ nhà tù Côn Đảo về đất liền, đồng chí Phạm Hùng được bầu vào Xứ ủy lâm thời Nam bộ. Đầu năm 1946, Đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ kiêm Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc (Giám đốc Nha Công an Nam bộ). Đồng chí luôn năng nổ, nhiệt huyết, làm việc có kế hoạch, có nguyên tắc và dân chủ, bám sát các nghị quyết của Đảng và những chỉ đạo của Bác Hồ, cùng tập thể Xứ ủy củng cố khối đoàn kết thống nhất các lực lượng kháng chiến và kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Xứ ủy, góp phần quan trọng trong chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Nam Bộ, lập được nhiều chiến thắng vẻ vang, được Bác Hồ tặng danh hiệu Nam Bộ Thành Đồng.

Với tư cách là Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, Đồng chí trực tiếp chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an cách mạng ở Nam Bộ. Những chiến công của Công an Nam Bộ làm cho kẻ thù khiếp sợ, nhân dân yêu mến và tuyệt đối tin tưởng, che giấu, giúp đỡ, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V (tháng 01/1950), dự thảo Đề án Công an nhân dân Việt Nam do đồng chí Phạm Hùng trình bày đã được Hội nghị nhất trí thông qua, những nội dung được đề cập trong Đề án đã trở thành cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam sau này.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 02/1951), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được chỉ định tham gia Trung ương Cục miền Nam, là Phó Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Phân Liên khu ủy miền Đông (tháng 3/1952). Đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo quân dân miền Đông kháng chiến chống thực dân Pháp, củng cố và phát triển cơ sở kháng chiến, từng bước tạo ra thế và lực, đưa cuộc kháng chiến của quân dân miền Đông phát triển lên đỉnh cao, góp phần phối hợp với chiến trường chính, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Tháng 9/1954, Trung ương Đảng họp và khẳng định, nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc chưa hoàn thành cuộc đấu tranh cứu quốc và điều chỉnh phương châm đấu tranh, bảo đảm việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, đồng chí Phạm Hùng được phân công làm Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến ở Nam Bộ, Trưởng phái đoàn liên lạc Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban quốc tế ở Sài Gòn, có nhiệm vụ giám sát và đấu tranh buộc đối phương thi hành Hiệp định ở vùng Nam Bộ.

Trong suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đồng chí đã cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể Nam Bộ, đề ra nhiều chủ trương quan trọng: tổ chức tiến hành chiến tranh nhân dân; thực hiện dân chủ ở nông thôn; chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị; giải quyết thành công vấn đề tôn giáo, làm tốt công tác vận động nhân sĩ, trí thức, tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất; đặc biệt là tăng cường công tác xây dựng Đảng. Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân và liên minh công - nông - trí, nên cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Đồng chí đã tham gia tổ chức biên soạn và hoàn thiện dự thảo Đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam, làm cơ sở cho Hội nghị Trung ương 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) xây dựng Nghị quyết 15 về cách mạng miền Nam; góp phần to lớn tạo bước ngoặt cho cách mạng miền Nam từ thế cầm cự giữ gìn lực lượng, chuyển sang thế tấn công và giành thắng lợi. Ngày 29/4/1958, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa I đã bầu đồng chí Phạm Hùng làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí đã dành hết tâm trí, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo lĩnh vực phát triển kinh tế, trực tiếp đi cơ sở động viên các phong trào sản xuất nông nghiệp, cơ sở sản xuất kinh tế; kiểm tra, chỉ đạo thực tiễn ở địa phương, chỉ đạo xây dựng và ban hành các văn bản điều hành kinh tế vĩ mô và tổ chức các nhiệm vụ phát triển trên các mặt trận kinh tế - xã hội, đạt những thành tựu quan trọng, thúc đẩy phát triển toàn diện, làm cơ sở hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam.

Năm 1967, Đồng chí được Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là thời điểm quân và dân miền Nam đang bí mật gấp rút chuẩn bị và tiến hành đòn tiến công chiến lược Tết Mậu Thân (năm 1968). Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta nổ ra đồng loạt trên khắp miền Nam, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, buộc chúng phải thay đổi chiến lược chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta tại Hội nghị Paris.

Từ cuối năm 1968 đến tháng 4/1975, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng, Trung ương Cục đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo phong trào đấu tranh của quân và dân miền Nam trên cả ba vùng chiến lược. Tháng 4/1975, sau thắng lợi của các chiến dịch Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn, mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ định đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Với tư cách là Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy Chiến dịch, Đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc tổ chức và lãnh đạo quân và dân ta, nhất là cổ vũ, động viên lực lượng vũ trang chớp thời cơ để hoàn thành thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sáng 30/4/1975, khi nghe tin Tổng thống Sài Gòn đề nghị với phía cách mạng ngừng bắn để thương lượng, Chính ủy Phạm Hùng đã ký và cho phát ngay bức điện hỏa tốc gửi các đơn vị trên chiến trường: “Địch đang dao động tan rã. Các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh chiếm các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại Dinh Độc lập. Địch không còn có gì để thương lượng bàn giao. Chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng!” - 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Là một trong những người lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam, đồng chí Phạm Hùng đã tỏ rõ tinh thần kiên cường, dũng cảm, mưu trí, vượt qua gian khổ, ác liệt của đạn bom, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện thành công tâm nguyện của Bác Hồ, thu non sông Việt Nam về một mối.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Phạm Hùng được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), Đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (ngày 17/6/1987), Đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tình hình đất nước ta trong những năm đầu đổi mới gặp vô vàn khó khăn, khủng hoảng, lạm phát nghiêm trọng, các thế lực thù địch thực hiện cấm vận bao vây, phá hoại nhiều mặt, hòng làm đất nước ta kiệt quệ về kinh tế. Trên cương vị đứng đầu Chính phủ, Đồng chí khẳng định trước Quốc hội: “Tập thể Hội đồng Bộ trưởng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình bằng ý chí tiến công cách mạng, bằng hành động thiết thực, bằng hiệu quả cụ thể để làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Quốc hội và nhân dân”. Những cống hiến và hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Phạm Hùng trong những năm tháng chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn thời kỳ đầu đổi mới đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định tài năng và tinh thần trách nhiệm của một nhà lãnh đạo chủ chốt với những quyết sách của Đảng và Nhà nước, đưa đất nước ta thoát khỏi đói nghèo, từng bước phát triển.

Đồng chí Phạm Hùng là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng. Trong sinh hoạt đồng chí luôn thể hiện phong cách bình dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, dân chủ và rộng lượng với mọi người, nhưng lại rất nghiêm khắc với bản thân. Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, mọi người đều thấy ở Đồng chí sự thanh tao, tiết kiệm, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian, không ham muốn quyền lợi cho riêng tư, ghét thói bợ đỡ, công khai tự phê bình và phê bình và sẵn sàng tiếp thu ý kiến người khác góp ý cho mình. Đặc biệt, Đồng chí luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, phấn đấu không mệt mỏi cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc; không chỉ quan tâm giáo dục, giác ngộ mà còn gần gũi học hỏi nhân dân, lo từ cái ăn, ở, học hành của dân, bảo vệ lợi ích và tài sản của nhân dân.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng là một tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Trong suốt 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, Đồng chí luôn tỏ rõ tinh thần kiên trung cách mạng, ý chí suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc; không quản gian nan, nguy hiểm, dù ở cương vị nào, dù ở thời kỳ cách mạng nào cũng luôn sẵn sàng xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Với tinh thần nhiệt huyết cách mạng, kiên định, sáng tạo, nghị lực phi thường, Đồng chí đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, vì hòa bình và phát triển đất nước. Với những đóng góp to lớn cho đất nước, đồng chí Phạm Hùng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng thêm tự hào về người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng; từ đó, ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

PGS, TS. Lý Việt Quang

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: