“Phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến góp ý với tinh thần cầu thị” là một trong những nội dung cấu thành đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được nêu rõ trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương.
Điều này đã được kiểm nghiệm và chứng minh trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Quân đội ta. Ở giai đoạn cách mạng mới, phẩm chất đó càng cần được gìn giữ và phát huy, xem như một giải pháp căn cốt, nền tảng vững chắc để xây đắp tình đoàn kết đồng chí, đồng đội, tạo nên sức mạnh tập thể để cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) đồng lòng vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Phát huy dân chủ là một trong những truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta. Từ khi ra đời đến nay, Quân đội ta luôn coi trọng phát huy quyền làm chủ của CB, CS trong các nhiệm vụ; coi đó là mặt công tác cơ bản trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhằm tạo môi trường thuận lợi để bộ đội thực hiện tốt quyền lợi, trách nhiệm, nâng cao ý thức kỷ luật và chất lượng, hiệu quả công tác. Minh chứng sinh động về phát huy dân chủ trong quân đội những năm qua, đó là việc triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở. Mọi CB, CS được nghiên cứu, trao đổi và quán triệt thực hiện tốt các chủ trương, chính sách trên từng lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế trong môi trường quân đội; qua đó xác định quyền làm chủ của mình trên các mặt hoạt động và bảo đảm đời sống; giải quyết được những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra, giữ vững niềm tin, củng cố tư tưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam) giúp nhân dân huyện Tây Giang dựng lại nhà sau bão số 9. Ảnh: PHAN TIẾN DŨNG.
Cũng thông qua việc phát huy dân chủ, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp của cấp dưới để xây dựng tập thể, kịp thời khắc phục hạn chế, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ cũng như phương pháp, tác phong công tác. Cán binh thêm gần gũi, đồng lòng; đồng chí, đồng đội thêm thấu hiểu, sẻ chia, gắn kết chính là kết quả từ việc cấp trên biết lắng nghe cấp dưới, đồng nghiệp chân thành góp ý và hội tụ chung ở tinh thần xây dựng, cầu thị, tôn trọng lẫn nhau.
Để tăng cường phát huy dân chủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn, quyết định, quy chế, quy định trên các mặt, lĩnh vực công tác, cụ thể hóa việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong quân đội. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Nổi bật là ý thức dân chủ và trình độ làm chủ của quân nhân được nâng cao; các thiết chế dân chủ ngày càng được hoàn thiện; sự đồng thuận, đoàn kết, kỷ luật trong nội bộ cơ quan, đơn vị được tăng cường; niềm tin của CB, CS vào cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp được củng cố vững chắc, tạo không khí phấn khởi thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân còn vận dụng linh hoạt nhiều hình thức, biện pháp, kênh thông tin để nắm bắt, lắng nghe CB, CS đóng góp ý kiến, như: Tọa đàm, diễn đàn, đối thoại; trao đổi trực tiếp thông qua thực hiện nhiệm vụ hằng ngày hay các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục-thể thao, văn hóa-văn nghệ... Nhiều cán bộ nêu cao tính tiền phong gương mẫu, gần gũi, sẻ chia, tạo được niềm tin như người ruột thịt trong gia đình, là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm, giãi bày những khó khăn, vướng mắc của bộ đội trong cả công việc lẫn cuộc sống. Phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến góp ý với tinh thần cầu thị không chỉ là đòi hỏi thực tiễn để người cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, mà còn trở thành “bí quyết” để tháo gỡ kịp thời và hiệu quả mọi vướng mắc nảy sinh ở cơ quan, đơn vị.
Không chỉ cấp trên chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của cấp dưới, mà đồng chí, đồng đội cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, thiếu sót của nhau để cùng khắc phục, sửa chữa, không ngừng hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Minh chứng rõ nét cho điều đó là thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, hiệu quả việc tự phê bình và phê bình ở các tổ chức đảng và đảng viên trong toàn quân. Quá trình tự phê bình và phê bình, từng đảng viên, tổ chức đảng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân cấp ủy viên, tránh biểu hiện hình thức, chiếu lệ, nói không đi đôi với làm, nể nang, né tránh, ngại va chạm. Trên cơ sở đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp nghiêm túc tiếp thu, đổi mới công tác lãnh đạo; từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì xây dựng kế hoạch phấn đấu, xác định phương hướng, nội dung, biện pháp khắc phục khâu yếu, mặt yếu được chỉ ra.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc gần gũi, lắng nghe ý kiến, hết lòng phục vụ nhân dân là đạo đức, phong cách của người cách mạng chân chính. Bác cho rằng: Lắng nghe một cách chân thành và nghiêm túc tiếng nói từ bên dưới mới có thể nhận được những thông tin phản hồi chính xác để điều chỉnh và sửa sai nhằm hoàn thiện chủ trương, đường lối, chương trình, kế hoạch; phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên cũng không sợ nghe sự thật. Muốn thành công trong công việc, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải biết lắng nghe và kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của quần chúng, của cán bộ dưới quyền, đặc biệt là những ý kiến phản biện.
Thực hiện lời dạy của Người, việc phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến góp ý với tinh thần cầu thị đã được quân đội nói chung, các cơ quan, đơn vị, CB, CS toàn quân nói riêng luôn coi trọng, đề cao và thực hiện hiệu quả. Thế nhưng, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên và quần chúng sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng, phát ngôn thiếu tính xây dựng, nể nang, né tránh, ngại va chạm, tính toán thiệt hơn... như Nghị quyết 847 đã chỉ rõ. Hạn chế nêu trên có nguyên nhân không nhỏ từ việc thiếu dân chủ, quân phiệt, bảo thủ, duy ý chí, áp đặt, độc đoán, chuyên quyền, coi thường ý kiến người khác, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Có nơi, tập thể chỉ là “bình phong” để hợp thức hóa quyết định của người đứng đầu. Một số cán bộ chủ chốt vì động cơ, mục đích vụ lợi mà không thực sự tôn trọng, phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể hoặc lợi dụng tập thể để thực hiện mục đích tư lợi cá nhân. Tình trạng đó xuất phát từ việc tập thể cấp ủy, cán bộ, đảng viên, quần chúng thiếu sức chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, không dám nói khác hay làm trái ý kiến người đứng đầu, khiến dân chủ bị lợi dụng, thậm chí bị vô hiệu hóa.
Trong giai đoạn cách mạng mới, phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến góp ý với tinh thần cầu thị không chỉ là đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, mà mỗi CB, CS cần nhận thức sâu sắc rằng, sự phát triển, vận động đi lên không có chỗ cho sự bảo thủ, duy ý chí. Thực tiễn đã kiểm nghiệm, nhiều chủ trương, chính sách của quân đội được bàn thảo, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi đã ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đông đảo CB, CS, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Ở những cơ quan, đơn vị có người đứng đầu luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến đóng góp của cấp dưới thì ở đó dân chủ được phát huy, tập thể đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để làm được điều đó, người đứng đầu phải công tâm, khách quan, cầu thị, có phương pháp lãnh đạo tốt, phong cách gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở. Ngược lại, những cán bộ cấp dưới, đảng viên, quần chúng cần phát huy dân chủ, tính chiến đấu, thẳng thắn đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng. Sự tương tác hai chiều giữa lắng nghe và góp ý xuất phát từ động cơ trong sáng, ý thức vì tập thể mới tạo được mạch nguồn nuôi dưỡng dân chủ thực chất, vững bền trong mỗi cơ quan, đơn vị.
Gìn giữ, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, mỗi CB, CS cần bồi đắp tố chất biết lắng nghe, dám nghe những điều phản biện, cầu thị sửa mình để ngày mai tiến bộ hơn ngày hôm nay, đó cũng là hành động thiết thực góp phần xây dựng Quân đội ta ngày càng vững mạnh.
Đào Hồng
Theo Báo Quân đội nhân dân
Đức Thi (st)