Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Tại Việt Nam, từng có ý kiến lo ngại rằng, kinh tế tư nhân (KTTN) lớn mạnh sẽ thao túng nền kinh tế, làm chệch hướng chủ nghĩa xã hội (CNXH), trong đó nhiều ông chủ tư nhân có quyền lực vô biên, đứng trên cả pháp luật.

 (Tiếp theo và hết)

Thế nhưng, thực tiễn thời gian qua đã cho thấy, dù doanh nghiệp tư nhân có phát triển thế nào vẫn phải hành động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, phục vụ mục tiêu đi lên CNXH, mọi vi phạm đều bị xử lý nghiêm.

Đóng góp quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội

Trong hơn 35 năm của thời kỳ đổi mới, KTTN ở nước ta đã dần phát triển, thực sự trở thành lực lượng vật chất quan trọng trong nền kinh tế, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội. Sự phát triển của KTTN chính là góp phần để thực hiện các mục tiêu của thời kỳ quá độ đi lên CNXH.

Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách khuyến khích KTTN phát triển không hạn chế quy mô, số lượng. Vai trò của KTTN trong xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH là rất to lớn. KTTN đã tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với các nguồn lực trong nền kinh tế, tạo ra “sức bật” về trình độ công nghệ, đào tạo nghề cho người lao động, gia tăng khả năng hấp thu vốn, công nghệ hiện đại, thúc đẩy tăng năng suất lao động. Điều quan trọng hơn là KTTN phát triển đã góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại. Đây chính là những mảng kết cấu cơ sở vật chất mà CNXH đang cần.

Bài 2: Kiểm soát, định hướng phát huy vai trò kinh tế tư nhân cho mục tiêu chủ nghĩa xã hội

chu nghia xa hoi 2
 Ảnh minh họa: TTXVN.

Chúng ta thấy những tập đoàn KTTN lớn như Sun Group, Vingroup, Thaco, Masan, FPT... KTTN tham gia và làm tốt nhiều lĩnh vực mà trước đây chỉ có kinh tế nhà nước mới đủ khả năng thực hiện như xây dựng sân bay, cảng biển trị giá hàng nghìn tỷ đồng; sản xuất ô tô; lĩnh vực hàng không... Điển hình như Tập đoàn Sun Group đầu tư 3 công trình trọng điểm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn xây chưa đầy hai năm, được trao hai giải thưởng là “Sân bay mới hàng đầu châu Á 2019” và “Sân bay mới hàng đầu thế giới”; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cao tốc Hạ Long-Vân Đồn... Các doanh nghiệp Thaco, VinFast đang biến khát vọng ô tô “make in Vietnam” thành hiện thực. Những tập đoàn KTTN như Sun Group, Vingroup... đã kiến tạo nên các công trình, dịch vụ, sản phẩm du lịch độc đáo xứng tầm quốc tế như: Bà Nà Hill, cầu Vàng, Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl; Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; chuỗi Carnival đường phố khắp các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng... tạo sức bật mạnh mẽ cho ngành du lịch Việt Nam.

KTTN còn khẳng định được vai trò to lớn trong giải quyết việc làm, đóng góp quan trọng trong tổng GDP đất nước. Tham gia các hoạt động an sinh xã hội không chỉ có các doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp tư nhân cũng đóng góp to lớn. Điển hình là khả năng thu hút, tham gia đào tạo người lao động, giải quyết việc làm; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa các vùng, miền. Theo thống kê, hiện nay KTTN thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, điều này cũng có nghĩa doanh nghiệp tư nhân bảo đảm cho phần lớn lực lượng lao động trong nền kinh tế có việc làm, thu nhập, được bảo đảm các điều kiện tối thiểu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Điều đó giúp cho người lao động, các nhóm yếu thế trong xã hội bảo đảm được sinh kế ổn định, kể cả trong điều kiện có rủi ro về thiên tai, dịch bệnh cũng như tác động của đại dịch Covid-19.

Quản lý, kiểm soát, định hướng hoạt động của KTTN theo khuôn khổ pháp luật

Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của KTTN nhưng đồng thời Nhà nước cũng quản lý, điều tiết, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các thành phần kinh tế trong đó có KTTN bằng pháp luật. Bất kể là doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn KTTN trong hay ngoài nước, bất kể quy mô doanh nghiệp, trình độ công nghệ ra sao, khả năng chi phối, điều tiết thị trường thế nào đều phải chấp hành pháp luật Việt Nam. Trong chủ nghĩa tư bản, nhà nước tư sản tìm mọi cách ban hành các chính sách kinh tế có lợi cho các tập đoàn tư bản độc quyền chi phối thị trường, tối đa hóa lợi nhuận, kinh doanh trong cả những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro (như kinh doanh súng đạn) bất chấp sự tổn hại lợi ích của người lao động, của xã hội và môi trường. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, sự phát triển của KTTN hoàn toàn khác biệt. Doanh nghiệp KTTN hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp, lợi ích người lao động và lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia. Doanh nghiệp tư nhân được tự do sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm, không gây tổn hại đến xã hội và môi trường, bảo đảm đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam quy định rõ mức lương tối thiểu vùng, quy định các vấn đề về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động buộc chủ doanh nghiệp tư nhân muốn sử dụng lao động phải tuân thủ. Đây chính là định hướng nhằm bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Đồng thời, Nhà nước xử lý nghiêm các doanh nghiệp, tập đoàn KTTN trục lợi, vi phạm pháp luật, thao túng thị trường gây tổn hại cho các nhà đầu tư, xâm hại lợi ích của xã hội. Thực tế là trong thời gian qua, đã có không ít lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân lớn bị điều tra, xử lý khi có những dấu hiệu vi phạm pháp luật...

Sự nghiêm minh của pháp luật vừa tạo điều kiện bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, đồng thời cũng là ranh giới để các doanh nghiệp hoạt động. Ở Việt Nam, dưới chế độ XHCN, mọi thành phần kinh tế đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Không phải cứ doanh nghiệp lớn, có sức ảnh hưởng cao trên thị trường, thậm chí đóng góp nhiều cho các hoạt động xã hội thiện nguyện là muốn làm gì thì làm, muốn xúc phạm ai tùy ý. Những hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý, bất kể đó là lãnh đạo tập đoàn nào, khả năng chi phối thị trường, sức ảnh hưởng đến nền kinh tế ra sao. Những vụ việc đối với lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn vừa qua là lời cảnh tỉnh cho lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân, để họ luôn làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội cao, để bảo đảm rằng sự phát triển lành mạnh doanh nghiệp của họ mang lại lợi ích cho xã hội, vì mục tiêu XHCN.

Như vậy, sự phát triển và đóng góp của KTTN đã chứng minh rằng phát triển KTTN không những không từ bỏ mục tiêu CNXH mà ngược lại, chúng ta sử dụng nó như một phương tiện cần thiết trong thời kỳ quá độ nhằm phát triển lực lượng sản xuất, gia tăng các nguồn lực vật chất cho mục tiêu CNXH. KTTN được tự do phát triển nhưng theo sự điều tiết của Nhà nước XHCN, dựa trên nền tảng vật chất của CNXH. Vì vậy, KTTN không thể hướng lái nền kinh tế nước ta đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Sự phát triển có định hướng của KTTN luôn phải bảo đảm cả mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội, trở thành công cụ quan trọng để thực hiện tăng trưởng, phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội.

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn trên đây, có thể khẳng định đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển KTTN thành một động lực quan trọng của nền kinh tế là đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Đường lối đó sẽ là mấu chốt để khơi dậy, phát huy động lực to lớn của khu vực KTTN, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra lực lượng vật chất cần thiết hỗ trợ cho con đường đi lên CNXH ở nước ta. Thừa nhận KTTN không có nghĩa là từ bỏ mục tiêu CNXH, ngược lại sử dụng, phát huy thành phần kinh tế này như một công cụ cho quá trình hiện đại hóa lực lượng sản xuất, từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cho CNXH trong thời kỳ quá độ./.

Thượng tá, TS Phùng Mạnh Cường

Khoa Kinh tế Chính trị học Mác-Lênin (Học viện Chính trị)

Theo Báo Quân đội nhân dân

Đức Thi (st)

Bài viết khác: