Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

chinh sach t6
Ảnh internet

1. Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 25/4/2022 của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, có hiệu lực từ ngày 01/6/2022

Trong đó, Nghị định quy định doanh nghiệp khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng.

Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề quy định phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện trên, vốn điều lệ của doanh nghiệp khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.

Đối với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội hoặc hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn cần Nhà nước đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp thì vốn điều lệ có thể thấp hơn 100 tỷ đồng nhưng không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.

2. Nghị định 24/2022/NĐ-CP ngày 06/4/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 01/6/2022

          Nghị định số 24/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài quy định tại Nghị định 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019. Theo đó, về các hình thức liên kết đào tạo với nước ngoài, Nghị định 24/2022/NĐ-CP quy định: Liên kết đào tạo với nước ngoài được thực hiện theo các chương trình đào tạo sau đây:

- Chương trình đào tạo do hai bên xây dựng; cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài và của Việt Nam;

- Chương trình đào tạo của nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài;

- Chương trình đào tạo của nước ngoài chuyển giao; cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài và của Việt Nam.

Liên kết đào tạo với nước ngoài được thực hiện toàn phần tại Việt Nam hoặc thực hiện một phần tại Việt Nam và một phần tại nước ngoài do các bên liên kết đào tạo quyết định.

3. Nghị định số 25/2022/NĐ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính, có hiệu lực từ ngày 01/6/2022

Trong đó, Nghị định bổ sung Điều 15đ về khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính. Cụ thể, việc khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.

Mức giảm giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính được khuyến mại bằng hình thức giảm giá không được vượt quá 50% giá cước gần nhất đã công khai, thông báo theo quy định.

4. Nghị định số 26/2022/NĐ-CP  ngày 14/4/2022 của Chính phủ về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/6/2022

Về nguyên tắc thực hiện chức năng lãnh sự, Nghị định nêu rõ: Cơ quan lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự chỉ được phép thực hiện các chức năng lãnh sự tại khu vực lãnh sự nhất định tại Việt Nam sau khi được Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam.

Về tiêu chuẩn của ứng viên Lãnh sự danh dự: Nghị định quy định rõ người được chấp thuận làm Lãnh sự danh dự phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có quốc tịch Nước cử hoặc quốc tịch Việt Nam. Trường hợp là người có quốc tịch của nước thứ ba hoặc người có hai hay nhiều quốc tịch thì phải được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao theo trình tự thủ tục quy định. Sự đồng ý về quốc tịch này có thể bị rút lại vào bất kỳ lúc nào mà không cần nêu lý do. Trong trường hợp này, Bộ Ngoại giao sẽ gửi công hàm thông báo đến Nước cử.

- Thường trú tại Việt Nam hoặc đã cư trú, làm việc ít nhất 01 năm tại khu vực lãnh sự.

- Không phải là cán bộ công chức, viên chức hoặc người lao động nhận lương từ ngân sách nhà nước của bất kỳ nước nào.

- Bố trí trụ sở làm việc hoặc nơi cư trú trong khu vực lãnh sự của Cơ quan lãnh sự mà người đó dự kiến đứng đầu.

- Có lý lịch tư pháp rõ ràng.

- Có khả năng tài chính, uy tín trong xã hội.

5. Thông tư số 03/2022/TT-BNV ngày 12/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương, có hiệu lực từ ngày 01/6/2022

Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực tổ chức cán bộ được quy định tại Thông tư bao gồm:

- Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

- Tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức; thi nâng ngạch công chức, viên chức; thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

- Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế.

- Thẩm định các đề án thành lập mới, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, tổ chức phi chính phủ, hội nghề nghiệp.

- Thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính các cấp.

- Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

- Phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo.

- Quản lý, thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

6. Thông tư số 19/2022/TT-BTC ngày 23/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số, có hiệu lực từ ngày 01/6/2022

Theo Thông tư, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia là tổ chức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số quy định tại Thông tư này.

Mức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số: 3.000 đồng/tháng/01 chứng thư số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp cho thuê bao là tổ chức, doanh nghiệp (không bao gồm cá nhân). Thời gian tính phí quy định được tính từ tháng chứng thư số được cấp cho thuê bao bắt đầu có hiệu lực hoạt động đến tháng trước liền kề tháng thuê bao hết hạn sử dụng. Trường hợp chứng thư số có hiệu lực và hết hiệu lực trong cùng tháng thì tính là một tháng.

Tổ chức thu phí được để lại 85% số phí thu được để trang trải chi phí phục vụ công việc, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

7. Thông tư số 03/2022/TT-BYT ngày 26/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Y yế sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế, có hiệu lực từ ngày 10/6/2022

Theo đó, từ ngày 10/6/2022, không còn quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.

 Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với bác sĩ cao cấp (hạng I) bao gồm: Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ nhóm ngành Y học (trừ ngành y học dự phòng); bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ ngành Răng - Hàm - Mặt; Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).

Còn đối với bác sĩ chính (hạng II) thì yêu cầu tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên nhóm ngành Y học (trừ ngành y học dự phòng); bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên ngành Răng - Hàm - Mặt; Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).

Đối với bác sĩ (hạng III) thì yêu cầu tốt nghiệp bác sĩ nhóm ngành Y học (trừ ngành Y học dự phòng); bác sĩ ngành Răng - Hàm - Mặt; Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).

8. Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép láu xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ ngày 15/6/2022

Theo Thông tư, chương trình đào tạo lái xe ô tô sẽ giảm thời gian học thực hành trên sân tập lái, đồng thời tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông.

Hạng

Thời gian học thực hành trên sân tập lái

Thời gian học thực hành trên đường giao thông

B1
(học xe số tự động)

45 giờ

(trước đây là 15 giờ)

20 giờ

(trước đây là 24 giờ)

B1
(học xe số cơ khí)

45 giờ

(trước đây là 41 giờ)

36 giờ

(trước đây là 40 giờ)

C

46 giờ

(trước đây là 43 giờ)

45 giờ

(trước đây là 48 giờ)

Ngoài ra, Thông tư còn kéo dài thời gian trang bị và sử dụng ca bin mô phỏng học lái xe để đào tạo lái xe ô tô đến ngày 31/12/2022 thay vì phải trang bị ngay từ 01/7/2022.

9. Thông tư số 19/2022/TT-BCA ngày 29/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân, có hiệu lực từ ngày 15/6/2022

Theo Thông tư quy định, đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh nộp cho cơ quan Công an phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Về hình thức đơn: Viết bằng tiếng Việt; ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên và địa chỉ của người viết đơn; có chữ ký/điểm chỉ của người viết đơn. Nếu viết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch được công chứng;

- Nội dung đơn: Ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; nội dung, lý do khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; yêu cầu của người khiếu nại, kiến nghị, phản ánh;

- Có thêm tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh (nếu có).

10. Thông tư số 01/2022/TT-VPCP ngày 02/5/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có hiệu lực từ ngày 20/6/2022

Theo Thông tư, Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; bộ máy tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Văn phòng UBND cấp tỉnh có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh về: Chương trình, kế hoạch công tác của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; kiểm soát thủ tục hành chính; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của địa phương; tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức về hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Văn phòng UBND cấp tỉnh là đầu mối Cổng Thông tin điện tử, kết nối hệ thống thông tin hành chính điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; quản lý Công báo và phục vụ các hoạt động chung của UBND cấp tỉnh; giúp Chủ tịch UBND và các Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền; quản lý công tác quản trị nội bộ của Văn phòng; tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ngoại vụ, dân tộc (đối với địa phương không tổ chức riêng Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc).

11. Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, có hiệu lực từ ngày 24/6/2022

Theo quy định, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo quy định nêu trên được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị  định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

12. Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CPngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực từ ngày 25/6/2022

Theo Thông tư , các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các hoạt động sau:

- Học viên của doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài được hỗ trợ bao gồm: Học phí, tài liệu, ăn, ở, đi lại (bao gồm vé máy bay).

- Doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử sẽ được hỗ trợ:

+ Đối với sàn thương mại điện tử trong nước: Phí thanh toán, phí cố định và phí dịch vụ người bán phải trả cho sàn thương mại điện tử.

+ Đối với sàn thương mại điện tử quốc tế: Phí tài khoản người bán, phí giới thiệu, phí hoàn thiện đơn hàng, phí lưu kho, chi phí đăng ký mã vạch sản phẩm, chi phí thiết kế và chụp ảnh sản phẩm, chi phí quảng cáo trên sàn thương mại điện tử.

- Doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ phí, lệ phí tham gia cuộc thi; ăn, ở tại nước sở tại; đi lại (bao gồm vé máy bay); vận chuyển tài liệu, sản phẩm, trang thiết bị phục vụ tham gia cuộc thi./.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: