So với bề dày lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia, 55 năm tuy chưa phải là dài, song lại là giai đoạn vô cùng ý nghĩa đối với quan hệ hai nước.

 Trải qua biết bao khó khăn, thử thách với những thăng trầm của lịch sử, nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ vô tư, trong sáng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì quyền được sống trong tự do, hạnh phúc và xây dựng đất nước phồn vinh.

Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24-6-1967 / 24-6-2022), Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu vệt bài nhìn lại thời kỳ lịch sử đặc biệt này của quan hệ hai nước.

Bài 1: Trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước láng giềng anh em

Nền tảng của mối quan hệ tốt đẹp

Cách đây 55 năm, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 24-6-1967. Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước láng giềng anh em. Phải đặt trong bối cảnh lúc bấy giờ mới thấy được ý nghĩa đặc biệt của việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và tầm vóc chiến lược của quan hệ Việt Nam-Campuchia.

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời. Mối quan hệ này đã được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp bằng công sức và xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam và Campuchia, trở thành tài sản chung vô giá, thiêng liêng và bền vững của hai dân tộc.

“Hai nước là những láng giềng tốt của nhau, cùng chung sống hòa bình, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Sự hiểu biết lẫn nhau trên cơ sở bình đẳng, cùng chung lợi ích chính là nền tảng của mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia”, TS Kin Phea, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế-Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Ngược dòng thời gian về những năm 60 của thế kỷ trước khi cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở miền Nam Việt Nam từng bước lan rộng ra toàn cõi Đông Dương, nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia một lần nữa phát huy truyền thống đoàn kết trong kháng chiến chống thực dân để tiếp tục kề vai sát cánh trong cuộc chiến tranh trường kỳ chống đế quốc.

thoi ky lich su
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Cách mạng Campuchia
Heng Samrin ký Tuyên bố chung Việt Nam-Campuchia trong chuyến thăm chính thức
Việt Nam, tháng 8-1979. Ảnh: TTXVN.

Hội nghị nhân dân các dân tộc Đông Dương tại Phnom Penh đầu năm 1965 chính là một biểu hiện sinh động cho truyền thống ấy và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá là “một thắng lợi to lớn của nhân dân 3 nước Việt Nam, Campuchia và Lào trong sự nghiệp đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ”. Sau hội nghị này, mối quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với Vương quốc Campuchia do Quốc trưởng Norodom Sihanouk đứng đầu ngày càng được tăng cường.

Biểu hiện rực rỡ của tình đoàn kết chiến đấu

Tới giữa tháng 6-1967, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ và Quốc trưởng Norodom Sihanouk đã có thư trao đổi về việc thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong bức điện gửi Quốc trưởng Norodom Sihanouk ngày 23-6-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước “là sự biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu ấy”, “là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á”.

“Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng Campuchia và Việt Nam núi liền núi, sông liền sông là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ngày 24-6-1967 là một sự kiện trọng đại, đánh dấu trang sử mới trong quan hệ Campuchia-Việt Nam. Cho đến nay, tuy trải qua nhiều khó khăn cùng những thăng trầm, song hai nước chúng ta ngày càng gắn bó khăng khít, hợp tác trên tất cả các phương diện, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn, hoạn nạn”, Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth khẳng định với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Khi miền Nam Việt Nam còn đang trong “mưa bom bão đạn”, việc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao thể hiện sự ủng hộ quý báu của nhân dân Campuchia đối với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không những vậy, theo Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng, sự kiện này còn khẳng định sự ủng hộ chân thành của nhân dân Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập, trung lập của Vương quốc Campuchia do Quốc trưởng Norodom Sihanouk đứng đầu.

“Từ đây, vận mệnh của hai dân tộc thêm gắn bó, sức mạnh càng được tăng cường cùng với ý chí khát khao về độc lập, tự do và sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho nhau đã tạo thêm niềm tin tất thắng, khích lệ quân dân hai nước tiếp tục hiệp đồng tác chiến, đánh bại nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ, ngụy quân Sài Gòn và quân đội Lon Nol”, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nêu rõ.

Trên nền tảng quan hệ lịch sử lâu đời và từ cuộc đấu tranh chống thực dân, việc thiết lập quan hệ ngoại giao đã tạo nên các điều kiện thuận lợi để nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia tiếp tục sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. “Bằng ý chí quật cường và sự đoàn kết gắn bó chặt chẽ, quân dân hai nước đã cùng giành thắng lợi lịch sử vào mùa xuân 1975”, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng khẳng định khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

(còn nữa)

HOÀNG VŨ

Theo Báo Quân đội nhân dân

Đức Thi (st)

Bài viết khác: