Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của Đảng, nhân dân, dân tộc ta; Người sáng lập, rèn luyện Đảng ta; là danh nhân văn hóa thế giới; là chiến sĩ cộng sản kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động thế giới, mà còn là người sáng lập, đặt nền móng cho những tổ chức chính trị, quân sự, xã hội, các tổ chức văn hóa, trong đó có báo chí cách mạng nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Báo Người Cùng Khổ (Le Paria). Ảnh: Tư liệu
TỪ NGƯỜI CON YÊU NƯỚC ĐẾN NHÀ BÁO QUỐC TẾ
Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà nho yêu nước. Từ nhỏ, Người đã tiếp thu ảnh hưởng tư tưởng yêu nước tiến bộ, nhân cách cao thượng của cụ Phó bảng và những nhà chí sĩ yêu nước. Vì vậy, Người đã sớm nhận thức được con đường cứu nước riêng cho dân tộc.
Năm 1911, Người đã xin làm phụ bếp dưới tàu buôn Đô đốc Amiral Latouche với biệt danh Văn Ba để được ra thế giới mở rộng kiến thức. Người đã đi qua rất nhiều nước ở châu Âu và châu Phi. Năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp để có điều kiện trực tiếp hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga đã có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định hoạt động cách mạng người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Năm 1919, Nguyễn Tất Thành đã viết “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Versailles, đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Bản yêu sách được ký tên Nguyễn Ái Quốc(1). Cũng từ đó, cái tên ấy được nhiều người trong nước và thế giới biết đến. Nguyễn Ái Quốc đã tham gia Đảng Xã hội Pháp và từ đây, Người bắt đầu có quan niệm rõ ràng, chính xác về một đảng cách mạng chân chính. Tại Đại hội Tour, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III, từ giờ phút ấy, Nguyễn Ái Quốc trở thành Người Cộng sản.
Mặc dù không được hội nghị các nước đế quốc xem xét, nhưng Bản yêu sách đã được đăng trên tờ báo Dân chúng. Cảm kích, Nguyễn Ái Quốc đến tòa soạn báo để cảm ơn. Chủ nhiệm báo - ông Jean Longuet là cháu ngoại của Karl Marx và là Nghị sĩ Quốc hội Pháp đã khuyến khích Nguyễn Ái Quốc viết tin tức ở thuộc địa cho báo với mong muốn giúp người Pháp hiểu rõ những bất công xảy ra ở An Nam. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc thường lui tới tòa soạn báo Dân Chúng để học hỏi và tích cực làm quen với những người Pháp khác. Cũng trong thời gian này Người quen ông chủ bút tờ Đời sống thợ thuyền và bắt đầu học kỹ năng làm báo từ viết những mẩu tin về thuộc địa.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, năm 1920. Ảnh tư liệu
Tại Pháp, những bài báo của Nguyễn Ái Quốc được đăng ở nhiều tờ báo khác nhau như Nhân đạo, Đời sống thợ thuyền, Dân chúng, Người tự do... Tháng 7/1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà yêu nước của các nước thuộc địa Pháp thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa nhằm tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. “Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động cách mạng các nước thuộc địa, năm 1922, Hội Liên hiệp thuộc địa cho xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ)”(2). Trong hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Ái Quốc vừa là chủ bút kiêm chủ nhiệm, đồng thời là thủ quỹ, xuất bản và liên lạc để đảm bảo duy trì hoạt động cho tờ báo.
Thời điểm đó, ở Paris có vô số tờ báo ra mỗi ngày nên ban đầu tờ Le Paria không bán được nhiều. Nguyễn Ái Quốc đã mang báo đến các cuộc mít tinh phát cho dân chúng, rồi lên diễn đàn nói: “Các bạn thân mến, báo Người cùng khổ phát không nhưng chúng tôi hết sức cảm ơn nếu các bạn vui lòng quyên góp giúp ít nhiều để chúng tôi trả tiền in. Một xu, một quan, nhiều ít cũng tốt”(3). Nhờ cách đó, Nguyễn Ái Quốc đã đủ tiền chi trả cho việc ra báo và thỉnh thoảng còn có dư. Có thể nói, việc xuất bản báo Người cùng khổ đã thổi một luồng sinh khí mới đến nhân dân các nước thuộc địa. Tờ báo đã trở thành vũ khí chiến đấu để giải phóng con người!
Những bài báo, tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc viết thời gian này rất nổi tiếng và được nhiều người trên thế giới biết đến. Năm 1923, chỉ tính riêng “trên các trang báo Le Paria, L’Humanite’, La Vie Ouvrière đã in khoảng gần 30 bài viết của Nguyễn Ái Quốc. Những bài báo này đều tập trung lên án chủ nghĩa thực dân, sự tàn bạo của nó đối với các thuộc địa, kêu gọi đoàn kết giữa những người lao động không phân biệt màu da, sắc tộc, biên giới, chính quốc gia hay thuộc địa...”(4).
Năm 1923 - 1924, Nguyễn Ái Quốc theo học trường đại học Phương Đông tại Liên Xô. Tại đây, Người đã viết “Lênin và các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Sự thật của Liên Xô, ca ngợi Lênin - vị lãnh tụ vĩ đại của công nhân và nhân dân lao động thế giới. Năm 1924, Người viết “Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Đời sống thợ thuyền, ví chủ nghĩa tư bản như con đỉa hai vòi, một vòi hút máu của giai cấp vô sản chính quốc, một vòi hút máu của giai cấp vô sản thuộc địa, muốn giết nó thì phải chặt đứt cả hai vòi. Tháng 6/1924, Người tham gia Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản và được bầu làm Ủy viên thường trực Bộ Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam.
Đặc biệt, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” tập hợp nhiều bài viết của Nguyễn Ái Quốc khi hoạt động ở Pháp và Liên Xô, xuất bản 1925, không chỉ dừng lại ở việc tố cáo tội ác của chủ nghĩa đế quốc mà đã nêu lên những luận điểm cơ bản về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, mở ra đường lối chính trị cho nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có dân tộc Việt Nam dựa trên những tư liệu đầy sức thuyết phục, không những có giá trị về chính trị, lý luận mà còn có giá trị báo chí, văn học.
HÀNH TRÌNH KHƠI NGUỒN NỀN BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Trên con đường hoạt động cách mạng, hành trình khơi nguồn dòng báo chí cách mạng Việt Nam là giai đoạn đầu tiên khi Nguyễn Ái Quốc hoàn thiện nhận thức về lý luận và thực tiễn con đường giải phóng cho dân tộc, chuẩn bị các bước về tư tưởng, tổ chức, con người để tiến tới thành lập một chính đảng vô sản tại Việt Nam.
Trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, khi đọc được Bản luận cương bàn về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Người đã khẳng định chắc chắn về con đường giải phóng dân tộc. Với quan niệm, làm báo chính là để làm cách mạng, Người xuất bản tờ báo Người cùng khổ. Để giác ngộ lòng yêu nước và ý chí cách mạng của Việt Kiều đang sống và làm việc tại Pháp cũng như kêu gọi đồng bào nổi dậy đấu tranh đánh đổ đế quốc Pháp, giành độc lập tự do, năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trương xuất bản báo bằng tiếng Việt lấy tên là Việt Nam hồn để bí mật gửi về nước, chuẩn bị cho những bước tiếp theo của cách mạng. Tờ báo này ra đời và xuất bản chỉ trong vòng 8 tháng (từ tháng 1/1926 - 8/1926) thì bị nhà cầm quyền Pháp cấm, sau đó được tái bản vào tháng 9 với tên Phục Quốc; đến tháng 10, toà soạn bị lục soát, ký giả bị bắt. Thời kỳ này, Nguyễn Ái Quốc không có điều kiện tham gia viết cho báo Việt Nam hồn vì Người đã rời Pháp sang Liên Xô.
Sau đó, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), từng bước chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để thành lập một chính Đảng Mácxít ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo đội ngũ cán bộ và bắt tay vào việc chuẩn bị xuất bản một tờ báo chính trị. Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã ra đời, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo.
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh về báo chí Việt Nam trước khi xuất hiện dòng báo chí cách mạng, tính đến năm 1922, cả nước có 96 tờ báo, tạp chí, tập san, tức là những ấn phẩm xuất bản định kỳ, trong đó Bắc kỳ có 44 tờ (36 tờ tiếng Pháp, 8 tờ tiếng Việt); Nam kỳ có 39 tờ (29 tờ tiếng Pháp, 10 tờ tiếng Việt); Trung kỳ có 3 tờ (2 tờ tiếng Pháp, 1 tờ tiếng Việt). Năm 1925, cả nước có 121 tờ, trong đó Bắc kỳ có 69 tờ (56 tờ tiếng Pháp, 13 tờ tiếng Việt); Nam kỳ có 49 tờ (38 tờ tiếng Pháp, 11 tờ tiếng Việt); Trung kỳ có 3 tờ (2 tờ tiếng Pháp, 1 tờ tiếng Việt)”(5).
Báo chí Việt Nam giai đoạn này phát triển rầm rộ, nội dung các tờ báo đặc biệt báo bằng tiếng Việt đã bắt đầu đề cập đến những vấn đề chính trị, kinh tế, tài chính. Tuy nhiên, ở Nam Kỳ “những tờ báo thường chỉ đề cập đến những vấn đề đặc biệt. Những vấn đề chính trị chỉ được nói đến rất ít trong tờ báo”(6). Nói chung, loại báo này ít hay nhiều có khuynh hướng thân chính phủ. Ở Bắc Kỳ, vì là chế độ bảo hộ nên báo chí bị kiểm duyệt rất chặt chẽ, “hầu hết báo chí Bắc Kỳ chỉ nói đến những vấn đề đặc biệt như văn học, kinh tế, lịch sử... Tóm lại đó là những tờ báo không chủ trương chính trị rõ rệt, nhưng trên thực tế đường lối của nó hoặc ít, hoặc nhiều thân chính phủ”(7).
Từ khi báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, “chúng ta mới thực sự bắt đầu có nền báo chí cách mạng Việt Nam”(8). “Cũng giống như cuốn Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc, những trang báo Thanh Niên ngay từ những số đầu đã là cuốn sách gối đầu giường của những nhà yêu nước cách mạng, chứa đựng biết bao trí tuệ và nhiệt huyết của những người đi khai sơn phá mạch cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, cho sự ra đời của nước Việt Nam mới”(9). Trong đó, người đóng vai trò khơi nguồn chính là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, nhà cách mạng chân chính, nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Mỗi giai đoạn cách mạng, nhà báo Hồ Chí Minh lại cho ra đời những bài viết mang tính giáo dục sâu sắc. Sự nghiệp báo chí mà Người để lại cho đời chính là bài học giá trị có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động báo chí cách mạng, là cẩm nang chỉ hướng cho mỗi cơ quan báo chí, nhà báo học tập, rèn luyện và noi theo.
HỒ CHÍ MINH - LÃNH TỤ BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Thứ nhất, Hồ Chí Minh là người sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của tờ Thanh Niên là dấu mốc vô cùng quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của báo chí Việt Nam, từ báo chí yêu nước trở thành báo chí cách mạng, là sự khởi đầu cho dòng báo chí vô sản Việt Nam. Những bài viết trên báo Thanh Niên có nội dung xoay quanh các mâu thuẫn trong xã hội khó có thể hoá giải được. Đó là mâu thuẫn giữa kẻ đi xâm lược và người bị xâm lược, giữa người lao động với chủ nghĩa đế quốc, tư bản, giữa kẻ giàu và người nghèo, tất cả đều lột tả được bản chất vấn đề, tạo nên những tác động to lớn trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, điều mà trước đây chưa một tờ báo nào làm được.
Thứ hai, không chỉ là người khơi nguồn, Hồ Chí Minh còn là người lãnh đạo, tổ chức, định hướng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động và phát triển theo tinh thần thấm nhuần tính Đảng, tính nhân dân sâu sắc. Đây không chỉ là giai đoạn chuyển tiếp trong công tác lãnh đạo hoạt động cách mạng của người Chiến sĩ Cộng sản Nguyễn Ái Quốc đến lãnh đạo tối cao của Đảng, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam mà đối với hoạt động báo chí của Người là bước chuyển từ lập trường làm báo để hoạt động cách mạng sang viết báo để đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ xuất phát điểm: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho đất nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(10), Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”(11). Người còn chỉ rõ vai trò, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam: Hoạt động báo chí là hoạt động cách mạng, trong đó, những người làm báo là những chiến sĩ cách mạng. “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ và hoà bình thế giới”(12). Người cũng chỉ rõ, tính chiến đấu của báo chí không chỉ nhằm ở tiến công vào kẻ thù cách mạng mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động sản xuất. Bên cạnh đó, Người còn nói, trong biểu dương, phải rút được kinh nghiệm có ý nghĩa phổ biến, phê bình phải cụ thể, rõ ràng. Phê bình và tự phê bình là để sửa chữa khuyết điểm và tăng sức chiến đấu. Đặc biệt, Người khẳng định, hoạt động báo chí quan trọng nhất là tính Đảng, đây là cơ sở căn cốt để phân biệt giữa báo chí cách mạng và phản cách mạng. Theo đó, Người yêu cầu: “Báo chí ta không phải chỉ cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”. Chính tư tưởng và đường lối đó đã giúp cho báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động thống nhất về mặt tư tưởng và tổ chức.
Từ khi có Đảng, “báo chí của tổ chức cộng sản trước đây đều ngừng xuất bản, để theo một dòng chỉ đạo thống nhất của Đảng Cộng sản về tư tưởng chính trị của báo chí, theo đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam”(13). Sau khi giành chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến kiến quốc thì cũng là lúc báo chí cách mạng nước ta chuyển hướng hoạt động từ công khai sang bí mật rồi lại công khai với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Trong nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, “là thời điểm đội ngũ phóng viên phải đi sâu vào thực tiễn khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội đến với công trường, nhà máy, hợp tác xã nông nghiệp”(14). Trong giai đoạn hiện nay, là tích cực tuyên truyền, phổ biến Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, tích cực, động viên người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực. Chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo… Mỗi một lĩnh vực Đảng ta điều có chủ trương chỉ đạo rõ ràng, cụ thể và phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước.
Thứ ba, không chỉ là người đưa đường dẫn lối cho báo chí cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh còn tham gia trực tiếp vào quá trình viết báo, tự tay ươm mầm, tự tay chăm bón cho “vườn hoa báo chí” cách mạng Việt Nam trưởng thành và phát triển.
Báo chí cách mạng Việt Nam phát triển song hành với sự phát triển và trưởng thành của Đảng. Mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử cách mạng nước nhà, hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam đều có những bước chuyển mang dáng dấp, hơi thở của thời đại và định hướng chiến lược của Đảng.
“Trong gần 50 năm cầm bút, Bác là tác giả của hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký với gần 200 bút danh được sử dụng”(15), trong đó, mỗi con chữ là những trăn trở về con đường cứu nước, giúp dân, mỗi bài viết là lời hiệu triệu, truyền bá lý tưởng cộng sản và con đường giải phóng dân tộc. Người đã để lại nhiều bài học quý giá về nghề báo và kỹ năng làm báo cách mạng chuyên nghiệp.
Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã gắn bó với nghề báo, coi báo chí là vũ khí sắc bén, là phương tiện để vận động và tập hợp lực lượng cách mạng, tổ chức và thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng và hiệu quả nhất. Chính vì vậy, cho dù ở hoàn cảnh, giai đoạn, tình thế khó khăn nào, Người vẫn quyết tâm sáng lập, chỉ đạo để ra đời những tờ báo, bài báo cách mạng. Ngòi bút của Người bao quát rộng lớn mọi vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Người phân tích một cách cụ thể, sắc sảo, đánh giá rõ ràng và đưa ra những giải pháp rất thiết thực. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, những bài viết của Người như những lời hiệu triệu có tác dụng vô cùng to lớn, trở thành sức mạnh tinh thần kỳ diệu, cổ vũ toàn quân, toàn dân ta tham gia kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.
Hồ Chí Minh thực sự là nhà báo cách mạng và lãnh tụ báo chí vĩ đại!./.
PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Thanh Huyền (st)
_______________________________
(1) (3) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, tr.34-35, 48.
(2) (4) (8) (9) Tập thể tác giả: Theo chân Bác - hồ sơ hành trình Bác Hồ tìm đường cứu nước 1911 - 2011, Nxb. Lao động, H, 2011, tr.11, 12, 439, 439.
(6) (7) Huỳnh Văn Tòng: Báo chí Việt Nam từ khởi thuỷ đến năm 1945, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2000, tr.180, 196.
(5) Nguyễn Thành: Báo chí cách mạng Việt Nam 1925 - 1945, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1984, tr.31.
(10) Cấm ra Ngoài, Thanh Niên số 63 ngày 3/10/1926.
(11) (12) Hồ Chí Min: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t..4, tr.187, 166, 540.
(13) (14) Đào Duy Quát, Đỗ Quang Hưng, Vũ Duy Thông: Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2010, tr.32, 227.
(15) Hà Huy Phượng: Học bác Hồ làm báo chuyên Nghiệp, https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/hoc-bac-ho-lam-bao-chuyen-nghiep-662654.