Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Sau chiến thắng lịch sử vào mùa xuân 1975, nhân dân Campuchia chưa kịp hưởng hòa bình lại rơi vào bi kịch lớn của dân tộc. Bóng đen ập xuống với cơn hủy diệt thế kỷ bạo tàn khắc vào lịch sử Biển Hồ một trang thấm đẫm đau thương. Làng xóm điêu đứng, số phận non sông chìm trong lưỡi hái Angkar tử thần.

 Sự đánh đổi bằng xương máu

Tập đoàn Pol Pot sau khi lên nắm quyền vào tháng 4-1975 đã phản bội lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia, giết hại hàng triệu người dân, xóa bỏ đến tận gốc mọi cơ sở xã hội, đẩy dân tộc Campuchia vào thảm họa diệt chủng.

Nỗi đau lan sang cả Việt Nam khi Việt Nam và Campuchia vốn là láng giềng sông núi liền kề, một tiếng chim kêu cả hai vùng biên cương cùng nghe thấy. Cái ác vươn vòi, phun nọc độc ra khắp mọi nơi nên sự hủy diệt không chỉ dừng lại ở riêng một bờ cõi.

Tập đoàn Pol Pot đã chà đạp lên những giá trị tốt đẹp của truyền thống đoàn kết hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia, bằng cách tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, gây nên những tội ác tày trời đối với nhân dân Việt Nam.

Đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là tự giúp mình”, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng và thiêng liêng của mình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; đồng thời cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, giúp đỡ những người cách mạng chân chính Campuchia làm lại cuộc cách mạng đã bị phản bội.

Bài 2: Cuộc chiến chính nghĩa

“Hành động của chúng ta là chính nghĩa xét cả về đạo lý và pháp lý. Chúng ta một mặt là để tự vệ nhưng mặt khác là đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của một dân tộc đang đứng trước nguy vong”, Đại tá Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Quân sự, khẳng định với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Đại tá Nguyễn Hữu Đức nguyên là một chiến sĩ quân tình nguyện thuộc Quân đoàn 3. Trong tâm trí người lính già, dù thời gian đã lùi xa nhưng ký ức về giai đoạn thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia chưa bao giờ phai mờ.

 

cuoc chien chinh nghia
Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, ngày 7-1-1979. Ảnh: TTXVN.

Quên làm sao được khi đó là những tháng ngày ông cùng nhiều đồng đội tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới mười tám, đôi mươi, để lại sau lưng mẹ già và làng quê vừa yên bình sau hai cuộc chiến, lên đường thực hiện một sứ mệnh cao cả: Tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ và cuộc hành quân thần tốc, cứu nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người, hồi sinh đất nước và dân tộc, xây dựng cuộc sống hòa bình, tươi đẹp.

Và làm sao không nhớ khi trong cuộc chiến chính nghĩa ấy, bên cạnh những người được trở về lành lặn, không ít đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại hay trở về với một phần xương máu để lại trên đất nước bạn. “Để có được chiến thắng ngày 7-1-1979 của cách mạng Campuchia là sự đánh đổi bằng xương máu, nước mắt và tuổi thanh xuân của không ít đồng bào, cán bộ, chiến sĩ quân đội Việt Nam và Campuchia”, ông nêu rõ.

Giá trị của những hy sinh

Trong dòng hồi ức của Đại tá Nguyễn Hữu Đức, khi tiến quân vào Campuchia, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã được nhân dân khắp các vùng, miền của đất nước Angkor hân hoan chào đón. Tiến quân đến đâu, bộ đội tình nguyện Việt Nam lại giúp bạn xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân và lực lượng vũ trang đến đó.

Tuy lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng bộ đội tình nguyện Việt Nam luôn tận tình giúp đỡ quân và dân Campuchia. “Chúng tôi quán triệt rất nghiêm tinh thần không được tự ý lấy bất kỳ thứ gì của nhân dân Campuchia.

Sáng sáng, bộ đội tập trung đọc to 9 lời thề của quân tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia. Khi tiến hành truy quét tàn quân Pol Pot, trên các trục đường, làng mạc, bắt gặp hàng đoàn người dân Campuchia đói khát, rách rưới, dắt díu nhau hồi hương-vốn trước đó bị quân Pol Pot lùa đi theo làm lá chắn sống khi chúng bị bộ đội tình nguyện Việt Nam tấn công-chúng tôi sẵn sàng chia gạo, lương khô, sữa đặc, thuốc men cho họ”, ông kể.

Đối với Đại tá Nguyễn Hữu Đức, thật vinh dự và tự hào khi người dân xứ chùa tháp trìu mến gọi những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật”-những người cùng chung lưng đấu cật, kề vai sát cánh với họ những lúc bĩ cực nhất để khép lại một trang sử đau thương, đen tối nhất của đất nước Angkor. Ông vẫn nhớ mãi tấm chân tình của những người dân đôn hậu dành cho “Bộ đội nhà Phật” khi đơn vị ông đóng quân tại Siem Reap, Battambang hay Pursat cho dù đó chỉ là chút hoa quả hay những mớ rau tươi nhà trồng.

Hai lần có dịp quay trở lại Campuchia để thăm chiến trường xưa, Đại tá Nguyễn Hữu Đức không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của xứ chùa tháp vốn vài thập niên về trước tưởng chừng như chỉ còn là đống tro tàn.

Tận mắt chứng kiến đất nước Campuchia đã hồi sinh, có hòa bình, ổn định, đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, người dân xứ chùa tháp đang được tận hưởng những mùa xuân yên vui, người lính tình nguyện năm nào càng cảm thấy “những hy sinh xương máu, công sức của nhiều thế hệ khi xưa đã được đền đáp xứng đáng và có giá trị đến nhường nào”.

Sau nhiều năm xét xử với hàng trăm nghìn tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 16-11-2018, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia (ECCC) do Liên hợp quốc bảo trợ đã chính thức ra phán quyết các cựu thủ lĩnh của tập đoàn Pol Pot phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Đức, tuy hàng chục năm đã trôi qua, nhưng phán quyết của ECCC đã trả lại công lý cho những nạn nhân vô tội bị tàn sát bởi bè lũ Pol Pot và một lần nữa khẳng định tính chính nghĩa sáng ngời, sự giúp đỡ vô tư, trong sáng, chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam dành cho Campuchia.                             

(Còn nữa)

HOÀNG VŨ

Theo Báo Quân đội nhân dân

Đức Thi (st)

Bài viết khác: