Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Một số điều chỉnh về chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2022, cụ thể như sau:

I. ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG THUỘC DOANH NGHIỆP

1. Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022

Ngày 12/6/2022, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng mới áp dụng từ 01/7/2022. Từ ngày 01/7/2022, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh bởi Nghị định số 38/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định 90/2019/NĐ-CP.

a) Chính thức tăng 6% mức lương tối thiểu vùng từ 01/7/2022
Căn cứ khoản 4 Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương tối thiểu vùng sẽ do Chính phủ quyết định và công bố trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Sau khi kết thức 02 phiên thảo luận về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng cho lao động trong các doanh nghiệp, sáng ngày 12/4/2022, Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu từ ngày 01/7/2022 với mức tăng bình quân là 6% và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Đáp lại sự mỏng mỏi của hàng ngàn lao động trên cả nước, Chính phủ đã đồng ý phương án tăng tiền lương tối thiểu vùng mà Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất và ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức tiền lương tối thiểu vùng mới như sau:

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đến hết 30/6/2022

Mức lương tối thiểu vùng từ 01/7/2022

Mức tăng

Vùng I

4,42 triệu đồng/tháng

4,68 triệu đồng/tháng

260.000 đồng

Vùng II

3,92 triệu đồng/tháng

4,16 triệu đồng/tháng

240.000 đồng

Vùng III

3,43 triệu đồng/tháng

3,64 triệu đồng/tháng

210.000 đồng

Vùng IV

3,07 triệu đồng/tháng

3,25 triệu đồng/tháng

180.000 đồng

b) Chính thức có lương tối thiểu vùng theo giờ

Tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định: “Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ”. Tuy nhiên, tại các Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trước đây không quy định về mức lương tối thiểu vùng theo giờ.

Đến Nghị định 38/2022/NĐ-CP  đã quy định về mức lương tối thiểu vùng theo giờ từ 01/7/2022, cụ thể:

- Vùng I: 22.500 đồng/giờ;

- Vùng II: 20.000 đồng/giờ;

- Vùng III: 17.500 đồng/giờ;

- Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.

2. Thay đổi địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng

Danh mục địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 được quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, trong đó có thay đổi về địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng, đơn cử như sau:

- Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh thuộc vùng I (Hiện nay thuộc vùng II);

- Thành phố Vinh, thị xã Cửa lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An thuộc vùng II (Hiện nay thuộc vùng III);

- Thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu thuộc vùng II (Hiện nay thuộc vùng III);

- Các huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh thuộc vùng III (Hiện nay thuộc vùng IV).

3. Vấn đề trả lương cho người lao động đã qua đào tạo

Nghị định 38/2022/NĐ-CP không còn quy định rõ ràng về việc trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Tuy nhiên, Nghị định số 38/2022/NĐ-CP và Công văn 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN có quy định: Các nội dung đã thực hiện trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động.

II. ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
1. Lùi cải cách tiền lương từ 1/7/2022 đến khi có văn bản hướng dẫn

Sau 02 lần lỡ hẹn tăng lương vào tháng 7/2020 và tháng 7/2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đa số cán bộ, công chức, viên chức mong đợi năm 2022 sẽ có thông tin, quy định tốt hơn, lương cơ sở tiếp tục tăng trở lại để phần nào đáp ứng nhu cầu chi phí leo thang từng ngày. Tuy nhiên, cuối năm 2021, ngày 13/11/2021 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 34/2021/QH15 nhằm điều chỉnh các chính sách tiền lương phù hợp với tình hình thực tế. Căn cứ theo Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 34/2021/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 nêu rõ:

“1. Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.”

Như vậy, đối với nhóm đối tượng là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ thực hiện lùi cải cách tiền lương từ 1/7/2022 đến khi có văn bản hướng dẫn chính thức. Theo chỉ đạo thì việc lùi cải cách tiền lương sẽ không kéo dài quá lâu gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người lao động. 

Hiện mức lương của cán bộ công chức, viên chức vẫn tính theo công thức sau: Tiền lương = Hệ số lương  x  Mức lương cơ sở  + các khoản phụ cấp - các khoản đóng BHXH, khác (nếu có). Trong đó, mức lương cơ sở 2022 là 1,49 triệu đồng/tháng. Hiện chưa có thông báo chính thức về việc thay đổi mức lương cơ sở và mức lương cơ sở này được duy trì từ 1/7/2019 đến nay.

Trước đó, trong một thời gian dài chúng ta đã có những Nghị quyết về việc lùi thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở. Cụ thể:

Tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019, Quốc hội cũng đã dự kiến tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2020, nhưng bị hoãn lại do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tiếp đến, tại Nghị quyết 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 đã quyết định không tăng lương cơ sở trong năm 2020 và 2021 để đảm bảo kinh phí cho phòng chống dịch Covid-19. Điều này khiến cho mức lương của cán bộ công chức viên chức không tăng.

2. Thống kê mức lương cơ sở qua các năm

Lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ 1/7/2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng. Dưới đây là thống kê mức lương cơ sở qua các năm từ 1/5/012 đến 31/12/2021.

Thời điểm áp dụng

Mức lương cơ sở

Căn cứ pháp lý

Từ 01/05/2012 đến hết tháng 6/2013

1.050.000

Nghị định 31/2012/NĐ-CP

Từ 01/07/2013 đến hết tháng 4/2016

1.150.000

Nghị định 66/2013/NĐ-CP

Từ 01/05/2016 đến hết tháng 6/2017

1.210.000

Nghị định 47/2016/NĐ-CP

Từ 01/07/2017 đến hết tháng 6/2018

1.300.000

Nghị định 47/2017/NĐ-CP

Từ 01/07/2018 đến hết tháng 6/2019

1.390.000

Nghị định 72/2018/NĐ-CP

Từ 01/07/2019 đến hết tháng 6/2020

1.490.000

Nghị định 38/2019/NĐ-CP

Từ 01/07/20020 đến hết tháng 7/2021

1.490.000

Nghị định 38/2019/NĐ-CP

Như vậy, để khắc phục những khó khăn về kinh tế, hai kỳ liên tiếp chúng ta đã giữ nguyên mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng (Nghị định số 38/2019/NĐ-CP). 

3. Dự kiến năm 2023 tăng mức lương cơ sở

Ngày 04/6/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tại các phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất, bên cạnh việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp, cần điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức vào ngày 1/7 hàng năm.

Trước đây, hằng năm điều chỉnh tăng lương nhưng 03 năm qua thì chưa thực hiện được do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức cũng rất khó khăn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: “Năm sau cần tính toán việc này, vì suy cho cùng đó cũng là chi cho đầu tư phát triển, góp phần để kích cầu”. Kết luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị trong năm 2023, Chính phủ cần bố trí ngân sách tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức do đời sống rất khó khăn và đã 03 năm chưa tăng lương do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Từ ngày 01/7/2022, mức lương cơ sở vẫn chưa được điều chỉnh, như vậy, đã có 3 kỳ liên tiếp giữ nguyên mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng nhằm huy động nguồn lực ngân sách cho việc phòng, chống dịch, cho các chính sách an sinh xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh…Khi lương cơ sở không tăng đồng nghĩa với việc cán bộ, công chức, viên chức không được điều chỉnh tăng lương, phụ cấp. Nhiều người lao động sẽ phải lo lắng trước tình hình lương không tăng mà vật giá lại leo thang. Tuy nhiên, xét về tính cộng đồng và xã hội thì đây lại là những chia sẻ thể hiện sự san sẻ đối với Nhà nước trước những ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 gây ra.

Hy vọng rằng trong thời gian tới tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn đồng thời tình hình kinh tế được khôi phục, có nhiều điểm sáng nhằm thực hiện kế hoạch tăng mức lương cơ sở cũng như cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27/NQ-TW nhằm ổn định đời sống đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động./.

Bùi Hảo (tổng hợp)

Bài viết khác: