Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6), Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (ngày 26 tháng 6), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ, ngành thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022 từ ngày 01 đến ngày 30 tháng 6 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy - Vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn”.
Nhằm triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Văn bản số 3042/VPCP-KGVX ngày 17/5/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo nên một chiến dịch truyền thông phòng, chống ma túy trên phạm vi toàn quốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm, hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong công tác phòng, chống ma túy. Nhân dịp này, trân trọng giới thiệu một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 11 ngày 30/3/2021 (Luật số 73/2021/QH14), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Luật gồm 08 chương, 55 điều, cụ thể như sau:
Câu hỏi 1. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma tuý gồm những nội dung gì?
Trả lời: Điều 3 Luật Phòng chống ma tuý quy định chính sách của Nhà nước về phòng chống ma tuý bao gồm:
1. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống ma túy; kết hợp với phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.
2. Tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống ma túy; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy.
3. Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy.
4. Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ.
5. Bảo vệ, hỗ trợ cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma túy.
6. Quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy; khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.
7. Bảo đảm kinh phí cai nghiện ma túy bắt buộc; hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện, kinh phí quản lý sau cai nghiện ma túy.
8. Tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma túy, hỗ trợ quản lý sau cai nghiện ma túy, phòng, chống tái nghiện ma túy được miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
9. Khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ cao trong phòng, chống ma túy.
10. Khen thưởng cá nhân, tổ chức, cơ quan có thành tích trong phòng, chống ma túy.
Câu hỏi 2: Luật Phòng chống ma tuý năm 2021 nghiêm cấm những hành vi nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 5 Luật Phòng chống ma tuý 2021, những hành vi sau bị nghiêm cấm:
1. Trồng cây có chứa chất ma túy, hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy.
2. Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
3. Chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
4. Giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, bảo quản chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật; cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần tới quy định của pháp luật.
5. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.
6. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
7. Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.
8. Trả thù hoặc cản trở người thực thi nhiệm vụ phòng, chống ma túy, người tham gia phòng, chống ma túy.
9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
10. Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy.
11. Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.
12. Các hành vi bị nghiêm cấm khác do luật định liên quan đếnma túy.
Câu hỏi 3: Trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong phòng, chống ma tuý?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 6 Luật Phòng, chống ma tuý 2021, cá nhân, gia đình có trách nhiệm:
1. Tuyên truyền, giáo dục thành viên trong gia đình, người thân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; quản lý, ngăn chặn thành viên trong gia đình vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
2. Thực hiện đúng chỉ định của người có thẩm quyền về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
3. Hợp tác với cơ quan chức năng trong đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy; tham gia hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; theo dõi, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện ma túy.
4. Cung cấp kịp thời thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy và việc trồng cây có chứa chất ma túy cho cơ quan công an hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tham gia xóa bỏ cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức.
Câu hỏi 4: Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống ma tuý?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 7 Luật phòng, chống ma tuý 2021, cơ quan nhà nước có trách nhiệm:
1. Tổ chức phòng, chống ma túy trong cơ quan, đơn vị; phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy; tuyên truyền, vận động Nhân dân phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.
2. Tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội để thay thế việc trồng cây có chứa chất ma túy tại các vùng xóa bỏ cây có chứa chất ma túy.
Câu hỏi 5: Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong phòng, chống ma tuý?
Trả lời: Theo Điều 8 Luật Phòng, chống ma tuý 2021, cơ sở giáo dục có trách nhiệm:
1. Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
2. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma túy.
3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên sử dụng trái phép chất ma túy.
Câu hỏi 6: Theo Luật phòng, chống ma tuý 2021, cơ quan chuyên trách phòng, chống ma tuý là những cơ quan nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 11 Luật Phòng, chống ma tuý 2021; Điều 5 Nghị định số 105/2021/NĐ-CP, các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma tuý bao gồm:
1. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân bao gồm: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (hoặc Đội có chức năng điều tra tội phạm về ma túy) Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng bao gồm: Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng; Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (Ban Phòng, chống ma túy và tội phạm), Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, thành phố; Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc các Đồn Biên phòng (Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng); Hải đoàn Biên phòng
3. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Cảnh sát biển bao gồm: Cục Nghiệp vụ và pháp luật, các Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng; Phòng Phòng, chống tội phạm ma túy thuộc các Vùng Cảnh sát biển.
4. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Hải quan bao gồm: Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính; Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy (hoặc Đội Kiểm soát Hải quan) trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố; Tổ Kiểm soát ma túy thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu.
Câu hỏi 7: Việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể được thực hiện đối với người thuộc trường hợp nào?
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật Phòng, chống ma tuý 2021, việc xét nghiệm chất ma tuý trong cơ thể được thực hiện đối với người thuộc trường hợp sau đây:
- Người bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người mà cơ quan, người có thẩm quyền có căn cứ cho rằng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý;
- Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; đang cai nghiện ma túy; đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy.
Câu hỏi 8: Trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức, cộng đồng trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy?
Trả lời: Tại Điều 25 Luật Phòng, chống ma tuý 2021 quy định:
1. Gia đình người sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm sau đây:
a) Quản lý, giáo dục người sử dụng trái phép chất ma túy; ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;
b) Cung cấp thông tin về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người sử dụng trái phép chất ma túy cho công an cấp xã nơi người đó cư trú;
c) Ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội;
d) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể.
2. Cơ quan, tổ chức nơi người sử dụng trái phép chất ma túy làm việc, cộng đồng nơi người sử dụng trái phép chất ma túy sinh sống có trách nhiệm sau đây:
a) Động viên, giúp đỡ, giáo dục người sử dụng, trái phép chất ma túy; ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;
b) Phối hợp với gia đình, cơ quan có thẩm quyền đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể.
Câu hỏi 9: Việc xác định tình trạng nghiện ma túy được thực hiện đối với người thuộc trường hợp nào?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Phòng, chống ma tuý 2021, việc xác định tình trạng nghiện ma túy được thực hiện đối với người thuộc trường hợp sau đây:
- Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời gian quản lý bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định;
- Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy.
Câu hỏi 10: Việc cai nghiện ma tuý tự nguyện tại cộng đồng được quy định như thế nào?Trả lời: Tại Điều 30 Luật Phòng, chống ma tuý 2021 quy định:
1. Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là việc người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.
3. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khi hoàn thành ít nhất 03 giai đoạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 29 của Luật này (Tiếp nhận, phân loại;Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác;Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách) được hỗ trợ kinh phí.
4. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn;
b) Nộp chi phí liên quan đến cai nghiện ma túy theo quy định.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:
a) Tiếp nhận đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;
b) Hướng dẫn, quản lý người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;
c) Cấp giấy xác nhận hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồ
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:
a) Giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;
b) Tiếp nhận đăng ký và công bố danh sách tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;
c) Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã danh sách tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;
d) Bố trí kinh phí hỗ trợcông tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
7. Cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp một hoặc nhiều hoạt động cai nghiện theo quy trình cai nghiện ma túy quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này được cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và có trách nhiệm sau đây:
a) Tiếp nhận và tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;
b) Thực hiện đúng quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người cai nghiện ma túy sử dụng dịch vụ hoặc tự ý chấm dứt việc sử dụng dịch vụ hoặc hoàn thành dịch vụ phải thông báo cho
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
8. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thì được đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Câu hỏi 11: Việc cai nghiện ma tuý tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma tuý được quy định như thế nào?
Trả lời: Tại Điều 31 Luật Phòng, chống ma tuý 2021 quy định:
1. Thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.
2. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy khi hoàn thành ít nhất 03 giai đoạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 29 của Luật này được hỗ trợ kinh phí.
3. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn;
b) Nộp chi phí liên quan đến cai nghiện ma túy theo quy đị
Trường hợp người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập mà có hoàn cảnh khó khăn được xét giảm hoặc miễn chi phí phải nộp.
4. Cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm cấp giấy xác nhận hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện cho người cai nghiện ma túy.
Câu hỏi 12: Đề nghị cho biết đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc?
Trả lời: Tại Điều 32 Luật Phòng, chống ma tuý 2021 quy định:
Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
2. Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
3. Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;
4. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.
Câu hỏi 13: Việc cai nghiện ma tuý cho người từ đủ 12 tuổi đến 18 tuổi được quy định như thế nào?
Trả lời: Tại Điều 33 Luật Phòng, chống ma tuý 2021 quy định:
1. Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
b) Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
c) Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.
2. Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có trách nhiệm sau đây:
a) Tuân thủ các quy định về cai nghiện ma túy bắt buộc, nội quy, quy chế và chịu sự quản lý, giáo dục, điều trị của cơ sở cai nghiện bắt buộc;
b) Tham gia các hoạt động điều trị, chữa bệnh, giáo dục, tư vấn, học văn hóa, học nghề, lao động trị liệu và các hoạt động phục hồi hành vi, nhân cách.
3. Thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.
4. Việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơsở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định và không phải là biện pháp xử lý hành chính.
5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Câu hỏi 14: Việc quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú được quy định như thế nào?
Trả lời: Tại Điều 40 Luật Phòng, chống ma tuý 2021 quy định:
1. Người đã hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện, người đã hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chịu sự quản lýsau cai nghiện ma túy trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hoàn thành việc cai nghiện hoặc chấp hành xong quyết định.
2. Người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định.
3. Nội dung quản lý sau cai nghiện ma túy bao gồm:
a) Lập danh sách người bị quản lý sau cai nghiện ma túy;
b) Tư vấn, giúp đỡ, phòng, chống tái nghiện ma túy
c) Theo dõi, phát hiện, ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
3. Hỗ trợ xã hội trong thời gian quản lý sau cainghiện ma túy bao gồm:
a) Hỗ trợ học văn hóa đối vớingườitừ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi;
b) Hỗ trợ học nghề, vay vốn, tìm việc làm và tham gia các hoạt động xã hội để hòa nhập cộng đồng.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định và tổ chức quản lý, hỗ trợ xã hội sau cai nghiện ma túy./.
Huyền Trang (tổng hợp)