Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912-1941) là lớp đảng viên thuộc thế hệ đầu tiên và trở thành Tổng Bí thư của Đảng vào tháng 3/1938, khi chưa đầy 26 tuổi. Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm hoạt động cách mạng, hai lần bị tù với 7 năm giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn 2 năm làm Tổng Bí thư, cuộc đời của đồng chí tuy ngắn ngủi nhưng “cống hiến của đồng chí thì sáng rực như một ánh sao băng trên bầu trời cách mạng Việt Nam ở một thời đoạn lịch sử mang tính bước ngoặt lớn, phức tạp”(1). Đồng chí đã để lại tấm gương sáng ngời về tinh thần cách mạng và nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thể hiện qua tác phẩm “Tự chỉ trích”.
TÁC PHẨM LÝ LUẬN MẪU MỰC VỀ TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH TRONG ĐẢNG
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là Tổng Bí thư của Đảng trong thời kỳ cách mạng thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, nhất là sau bầu cử Hội đồng quản hạt ở Nam Kỳ (4/1939), nội bộ Đảng và phong trào cách mạng xuất hiện những khuynh hướng khác nhau, có thể gây chia rẽ, phân liệt Đảng. Với bút danh Trí Cường, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết cuốn sách “Tự chỉ trích”, do nhà sách Dân chúng ấn hành tại Sài Gòn năm 1939. Thông qua tác phẩm này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo triển khai cuộc đấu tranh vạch trần bộ mặt giả danh cách mạng của bọn tờrốtkít, tiến hành tự phê bình và phê bình, thực hiện dân chủ, xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đồng thời, cũng là sự chuẩn bị về chính trị, tư tưởng cho Hội nghị Trung ương lần thứ 6, tháng 11/1939 quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng, bước vào giai đoạn đấu tranh giành chính quyền.
Mục đích của tự chỉ trích là “để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiên thủ”(1). Đảng mới thành lập còn ít kinh nghiệm, lại hoạt động trong điều kiện bất hợp pháp, bị kẻ thù đàn áp, nên khó tránh khỏi khiếm khuyết, sai lầm, nhưng "Mỗi cuộc thất bại là một dịp cho ta kinh nghiệm, coi những khẩu hiệu ta đề ra có được quảng đại quần chúng hiểu, công nhận và thực hành không"(3). Việc tự chỉ trích “thành thật và mạnh dạn” nhằm “thống nhất tư tưởng, một sự thống nhất thật sự, mạnh mẽ, dựa trên sự giác ngộ và trung thành của mọi người”(4). Phê bình không phải là làm yếu Đảng, mà làm cho Đảng mạnh lên, đáp ứng sự phát triển của phong trào cách mạng trong tình hình mới. Muốn vậy, trước hết những người cộng sản phải hiểu thế nào là “tự chỉ trích Bôsêvích”, phải xuất phát từ động cơ xây dựng Đảng, đồng thời, phải có trình độ lý luận và năng lực thực tiễn dày dặn để “biết phân tích tình hình theo mácxít, phải biết những điều kiện đặc biệt của Đông Dương”(5), không để kẻ thù lợi dụng hạ thấp uy tín và phá hoại Đảng.
Nội dung đấu tranh phê bình và tự phê bình phải gắn liền với nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong phong trào dân chủ, sai lầm trong phương thức vận động quần chúng. Đồng chí chỉ ra những căn bệnh như bệnh tự ái cá nhân, mơ hồ về lập trường giai cấp, “một bộ phận đồng chí đã chệch hướng sang hữu, đã do dự và hành động ngược lại chính sách của Đảng”; có đồng chí biểu hiện xu hướng “tả khuynh” cô độc nó muốn làm cho Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng”(6). Những sai lầm đó “chỉ làm trầm trọng thêm những nguy cơ đang đe dọa chúng ta từ mọi phía”(7), ảnh hưởng tới khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, gây tổn thất nghiêm trọng cho sự nghiệp cách mạng.
Tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là phải nhìn thẳng vào sự thật, nhận rõ khuyết điểm. Người cộng sản chân chính “dẫu cho có sai lầm, có thất bại thì phải có can đảm “mở to mắt ra nhìn sự thật”, “phải chịu hoàn toàn trách nhiệm..."(8). Sự thống nhất đạt được sau thảo luận, sau tự phê bình và phê bình, sau khi được làm rõ đúng sai, phải trái sẽ trở thành sự thống nhất tự giác, là cơ sở cho sự đồng thuận, đoàn kết của tập thể, sự thống nhất ý chí của Đảng. Nếu không dám đấu tranh, chỉ cốt “Giữ cái vỏ thống nhất mà bên trong thì hổ lốn một cục” thì đó “không phải một Đảng tiền phong cách mạng mà là một Đảng hoạt đầu cải lương”. Đảng sẽ mất tính chiến đấu và không còn vai trò tiền phong với quần chúng cách mạng.
|
Phê bình và tự phê bình phải giữ vững nguyên tắc của Đảng mácxít. Trước thành bại của cách mạng, người đảng viên cộng sản “không bi quan hoảng hốt mà cũng không đắc trí tự mãn”. Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận và chỉ trích, nhưng phải có nguyên tắc, không được “đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - dù là đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong đội ngũ Đảng..."(9). Đó là những hành động mang tính chất hữu khuynh, cơ hội. Nguyên tắc của Đảng cũng không cho phép tranh luận, phô bầy công khai các vấn đề nội bộ. Đó là sự thể hiện của xu hướng “tả” khuynh. Mọi đảng viên đều có quyền tranh luận, phê bình đồng chí, phê bình Đảng, nêu các vấn đề nội bộ, trong khuôn khổ của tổ chức. Và khi đã thảo luận rõ ràng rồi, đã xây dựng thành nghị quyết thì “chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, ngàn người sẽ như một để thực hành ý chí ấy”(10). Việc tự phê bình và phê bình cần vượt qua những điều “cãi vã những chuyện nhỏ nhen”, tuyệt đối tránh tình trạng “đả kích hoặc cường điệu những sai lầm khuyết điểm của đồng chí mình”, phải bảo đảm tính giáo dục, giúp nhau tiến bộ; kịp thời sửa chữa, không để khuyết điểm, sai lầm nhỏ thành lớn.
Muốn khắc phục sai lầm, khuyết điểm, phải phân tích đúng nguyên nhân của các sai lầm và có biện pháp giải quyết phù hợp.
Trong lời kết của “Tự chỉ trích”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã để lại một kinh nghiệm hết sức quý báu cho Đảng: “Chúng ta đã phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ: xu hướng “tả khuynh” cô độc nó muốn làm cho Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng và xu hướng thoả hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh”(11). Hai khuynh hướng ấy luôn là nguy cơ thường trực, làm suy yếu Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng.
TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH THEO TINH THẦN “TỰ CHỈ TRÍCH” GÓP PHẦN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 KHÓA XIII
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bao nhiêu năm hoạt động bí mật, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao và Đảng ta gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Đó là vì Đảng ta khéo dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình”(12). Tiếp nối tinh thần đó, trong công cuộc đổi mới, Đảng rất coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với nội dung quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Trong ba kỳ đại hội gần đây, Đảng đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là hội nghị đầu mỗi khóa để bàn về công tác xây dựng Đảng. Kết luận số 21-KL/TW về "Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”" của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Điều này khẳng định Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện là then chốt để xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Với tinh thần của tác phẩm “Tự chỉ trích”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII đã tự phê bình sâu sắc khi nhìn thẳng vào khuyết điểm: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Khắc phục những khuyết điểm đó cần đến hệ thống giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên được nêu ra là “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình”. Để thực hiện tốt giải pháp đó, trên cơ sở học tập tinh thần và phương pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nêu trong “Tự chỉ trích”, cần tập trung thực hiện các nội dung sau:
Một là, phải luôn nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò của công tác tự phê bình và phê bình đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, tuy đất nước đã có sự phát triển vượt bậc, vai trò cầm quyền của Đảng được củng cố vững chắc, nhưng chúng ta vẫn đang đối diện với không ít nguy cơ, thách thức, trong đó có những nguy cơ phức tạp hơn, khó lường và nghiêm trọng hơn so với thời kỳ trước, nhất là nguy cơ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Do vậy, tiếp nối tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, đến khóa XIII, Đảng ban hành Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đặt yêu cầu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở mức độ cao hơn, gắn chặt việc phòng ngừa với chủ động tiến công để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, tác phong của cán bộ đảng viên, qua đó tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, phải có tinh thần và phương pháp tự phê bình và phê bình đúng đắn. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII khẳng định: Nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cấp uỷ, thường vụ cấp uỷ, đề cao và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, "dĩ hoà vi quý". Kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Nếu thiếu ý thức vì dân, vì Đảng; thiếu tinh thần “tự soi, tự sửa”, việc phê và tự phê hoặc sẽ hình thức, qua loa đại khái hoặc bị lợi dụng để đả kích, gây chia rẽ, làm suy yếu tổ chức, làm suy yếu năng lực và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Tác phẩm “Tự chỉ trích” là mẫu mực về tinh thần tự phê bình và phê bình của Đảng ta, thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, cả tả khuynh và hữu khuynh, làm sáng tỏ đường lối, quan điểm của Đảng, góp phần đập tan mọi sự mơ hồ, lẫn lộn trong tư duy và hành động của cán bộ, đảng viên, đi tới sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. “Tự chỉ trích” không chỉ đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cách mạng trong nước lúc đó, mà tinh thần, nội dung và những vấn đề phương pháp luận trong tác phẩm này vẫn soi rọi và chỉ dẫn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. |
Ba là, chống cả hai khuynh hướng hữu khuynh và tả khuynh trong công tác tự phê bình và phê bình. Trong thời kỳ Đảng chưa giành chính quyền, những khác biệt về quan điểm trong hàng ngũ của Đảng chủ yếu là từ trình độ nhận thức của đảng viên. Trong điều kiện Đảng cầm quyền và phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, những khác biệt nảy sinh không chỉ do trình độ nhận thức, mà phần lớn là do tác động lợi ích cũng như ảnh hưởng của nhiều mối quan hệ của đời sống xã hội, nhiều luồng văn hóa tư tưởng. Vì vậy, tự phê bình và phê bình hiện nay càng không được né tránh, phủ nhận, không “tự đóng cửa để che giấu khuyết điểm” mà phải thật sự cầu thị, mở rộng dân chủ, thảo luận công khai trong Đảng cũng như huy động tối đa sự tham gia đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội; gắn với nắm bắt diễn biến tâm lý, tư tưởng, kiểm soát các quan hệ lợi ích, kiểm soát quyền lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà Đảng ủy thác và nhân dân ủy quyền. Bên cạnh đó, Đảng luôn giữ vững nguyên tắc mácxít, không để các vấn đề nội bộ Đảng bị thế lực thù địch và cơ hội chính trị lợi dụng chống phá Đảng. Đấu tranh để đi đến thống nhất, đoàn kết trong Đảng, triệt tiêu mọi mầm mống của chủ nghĩa cơ hội hoặc chủ nghĩa biệt phái; cũng như không để cuộc đấu tranh nội bộ Đảng bị bên ngoài lợi dụng kích động để hạ thấp uy tín, gây chia rẽ trong nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân.
Bốn là, gắn tự phê bình và phê bình với kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Vấn đề xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên vừa đảm bảo tính nghiêm minh theo quy định của quy định pháp luật, Điều lệ Đảng, vừa mang tính nhân văn, nhằm đẩy lùi phần xấu, khơi dậy phần tốt mỗi con người. Khi đã xác định được khuyết điểm, phải có kế hoạch và biện pháp sửa chữa kịp thời, bởi mục đích của tự phê bình và phê bình không phải là làm “Đảng yếu đi”, mà để “sửa chữa khuyết điểm, thống nhất tư tưởng và hành động”, làm “Đảng mạnh hơn, phát triển hơn”, thực hiện nhiệm vụ chính trị tốt hơn, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Năm là, việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình nói riêng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung có liên hệ mật thiết với công tác cán bộ. Đối với công tác cán bộ - khâu trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, Đảng nêu ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, vừa kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền, vừa không để sót những cán bộ thực sự có đức, có tài, “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”. Bên cạnh việc tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao trình độ lý luận, giáo dục, rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên, cần thực hiện nghiêm các quy định nêu gương của Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu. Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ thực tiễn và tổ chức thực tiễn cho cán bộ, đảng viên, tạo cơ sở vững chắc cho việc nắm bắt, kiểm nghiệm chân lý qua phê bình và tự phê bình.
Lê Thị Hằng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Thanh Huyền (st)
--
(1) Nguyễn Đức Bình: Nguyễn Văn Cừ, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, tr. 47.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.6, tr. 620
(3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) Nguyễn Văn Cừ: Một số tác phẩm, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2010, tr. 221, 216, 215, 242, 243, 220, 219, 216, 242.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.11, tr. 608.