Cộng đồng Việt kiều ở Thái Lan ngày nay là lớp trẻ, đa số không biết tiếng Việt mang quốc tịch Thái Lan, nhưng vẫn tự hào mình là người Việt Nam, kính trọng Bác Hồ, tự hào mình là cháu Bác Hồ.
Bên trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani. (Ảnh: TTXVN phát)
Sau thời gian ngắn hoạt động ở Bangkok và Ban Dong, khoảng giữa tháng 7/1928, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số cán bộ khác lên đường đến Udon Thani thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi phong trào yêu nước trong cộng đồng kiều bào khá vững mạnh.
Ở Udon Thani, Bác Hồ lấy tên là Thầu Chín, trú chân một thời gian ở khu vực Nong Bua gần ga xe lửa tỉnh Udon Thani hiện nay.
Sau đó, Bác chuyển vào ở trong làng Nong On, xã Chiang Phin thuộc huyện Muang, cách tỉnh lỵ Udon Thani 12km.
Trong những ngày tháng ở Nong On, Bác đã được bà con Việt kiều và nhân dân Thái Lan giúp đỡ, đùm bọc rất nhiều. Tại đây, Bác chủ trương phải mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng thời phải làm cho người dân Thái Lan khi đó gọi là Xiêm có cảm tình hơn nữa với người Việt Nam và Cách mạng Việt Nam.
Cùng với công tác chấn chỉnh xây dựng tổ chức, các buổi tối, Bác thường tổ chức nói chuyện với Việt kiều, giáo dục mọi người tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân Xiêm và khuyên bà con học chữ Xiêm và chữ quốc ngữ.
Bác sống và sinh hoạt như mọi người, cùng đào giếng, vỡ đất làm vườn, trồng trọt và chăn nuôi lợn, gà và lập nên Trại cưa.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani. (Ảnh: TTXVN phát)
Khoảng đầu năm 1929, Bác rời Udon Thani để tiếp tục đi các địa phương khác hoạt động cách mạng và khơi dậy tinh thần yêu nước trong bà con Việt kiều ở Thái Lan.
Mặc dù chỉ lưu lại Udon Thani một thời gian ngắn, song tình cảm sâu sắc mà cộng đồng Việt kiều cũng như nhân dân địa phương dành cho Người vẫn luôn được giữ gìn.
Năm 2002, sau khi trưng cầu ý dân, chính quyền tỉnh Udon Thani và Hội Việt kiều tại tỉnh Udon Thani đã thống nhất ý tưởng xây dựng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi trước đây là Trại cưa với khuôn viên rộng gần 10.000m2.
Khu di tích là niềm tự hào của bà con kiều bào, là nơi họ hết sức nâng niu và trân trọng từng ký ức, kỷ vật và hình ảnh về Bác, đồng thời cũng là một trung tâm giáo dục, nghiên cứu, học tập và du lịch mang tính lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Thái Lan nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Xuân Oanh, một thành viên cốt cán của Ban quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani, cho biết tấm gương, đạo đức và tư tưởng của Bác Hồ chiếm một vị trí đặc biệt trong cộng đồng Việt kiều ở Thái Lan.
Những việc làm và sự hy sinh, tình yêu quê hương đất nước của Bác Hồ luôn được Việt kiều kể lại trong kiều bào.
Bà Oanh, người có một quãng thời gian dài là giáo viên dạy tiếng Việt từ năm 1962, cho biết bà được Ban quản lý Khu di tích phân công trách nhiệm giới thiệu về lịch sử và các hoạt động yêu nước đóng góp vào hai cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước và góp phần xây dựng đất nước của cộng đồng Việt kiều ở Thái Lan cho các đoàn khách tới tham quan.
Theo bà, đối với Việt kiều ở Thái Lan, Bác Hồ như một thành viên trong mọi gia đình vì nhà nào cũng treo ảnh Người. Để con cháu biết về Bác Hồ, Việt kiều luôn tổ chức những hoạt động về Bác cho các cháu tham gia.
Bà Nguyễn Thị Xuân Oanh, một thành viên cốt cán của Ban quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani, người có một quãng thời gian dài là giáo viên dạy tiếng Việt từ năm 1962. (Ảnh: TTXVN phát)
Cộng đồng Việt kiều ở Thái Lan ngày nay là lớp trẻ, đa số không biết tiếng Việt mang quốc tịch Thái Lan, nhưng vẫn tự hào mình là người Việt Nam, kính trọng Bác Hồ mặc dù sự gắn bó với quê hương đất nước còn chưa như những thế hệ trước.
“Lớp trẻ dù không biết nhiều về Việt Nam, nhưng rất tự hào là Việt Nam có Bác Hồ Chí Minh. Tự hào mình là cháu Bác Hồ. Mỗi khi làm công việc gì có ích cho xã hội được ai khen thì đều nói tôi là cháu Bác Hồ đây,” bà Oanh nói.
Bà Oanh cho biết các thế hệ Việt kiều lớn tuổi đều mong muốn con cháu họ biết tiếng Việt, từ đó có thể biết về Việt Nam, hiểu về Bác Hồ. Bà Oanh bày tỏ hy vọng rằng Đảng và Nhà nước có biện pháp phối hợp với các hội của Việt kiều ở Thái Lan quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ ba và thứ tư để phát huy truyền thống của người Việt trên đất Thái Lan.
Udon Thani là tỉnh lớn của khu vực Đông Bắc Thái Lan và cũng là tỉnh có đông người gốc Việt nhất ở Thái Lan.
Ngày nay, đa số bà con đều khá giả, hội nhập rất tốt với sở tại, có cuộc sống và công việc làm ăn ổn định, đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, được chính quyền đánh giá cao.
Từ hàng chục năm nay, bà con luôn hướng về quê hương đất nước, duy trì những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc./.
Ngọc Quang-Hữu Kiên
Theo (TTXVN/ Vietnam+)
Thanh Huyền (st)