Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

chinh sach thang 7

1. Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hoá đơn, chứng từ (có hiệu lực từ ngày 01/7/2022)

Theo đó, hoá đơn giấy truyền thống chỉ được sử dụng đến hết ngày 30/6/2022 và từ 01/7/2022, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).

Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc đối tượng ngừng sử dụng hóa đơn thì đăng ký sử dụng HĐĐT (bao gồm cả đăng ký HĐĐT bán tài sản công, HĐĐT bán hàng dự trữ quốc gia) thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT.

Trường hợp sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ thì có thể đăng ký sử dụng HĐĐT thông qua hai phương thức. Cụ thể, đăng ký qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc đăng ký qua tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT được Tổng cục Thuế ủy thác cung cấp dịch vụ HĐĐT có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ.

Trường hợp doanh nghiệp là tổ chức kết nối chuyển dữ liệu HĐĐT theo hình thức gửi trực tiếp đến cơ quan thuế thì đăng ký sử dụng HĐĐT thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

2. Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (có hiệu lực từ ngày 01/7/2022)

Nghị định này quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Đối tượng áp dụng gồm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.

Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4,42 triệu đồng/tháng lên 4,68 triệu đồng/tháng.

Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng/tháng lên 4,16 triệu đồng/tháng.

Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3,43 triệu đồng/tháng lên 3,64 triệu đồng/tháng.

Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng/tháng lên 3,25 triệu đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000-260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động.

3. Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng (có hiệu lực từ ngày 01/7/2022)

Theo đó, từ ngày 01/7/2022, nhà thầu thi công xây dựng ngoài việc phải mua bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường như trước đây, còn phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.

Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.

Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là 100 triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.

Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau:

- Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 tỉ đồng, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.

- Đối với công trình có giá trị từ 1.000 tỉ đồng trở lên, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 100 tỉ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.

4. Thông tư số 07/2022/TT-BGDĐT ngày 23/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục (có hiệu lực từ ngày 08/7/2022)

Theo Thông tư, tại cấp tiểu học được tạo môi trường, hỗ trợ nhận biết về nghề nghiệp, việc làm thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế tối thiểu 01 lần/năm học.

Đối với cấp trung học phổ thông, học sinh được trải nghiệm, thực hành đối với nhóm ngành nghề, việc làm đã được tư vấn thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tối thiểu 01 lần/năm. Đồng thời, được tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, tư vấn nghề nghiệp, việc làm tối thiểu 01 lần/năm học.

Tại các cơ sở giáo dục đại học, sinh viên được tổ chức rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, việc làm thông qua các hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt câu lạc bộ... Đồng thời, được thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp, tham gia các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu thành tựu khoa học kỹ thuật, dự án khởi nghiệp...

5. Nghị định số 33/2022/NĐ-CP ngày 27/5/2022 của Chính phủ quy định một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường (có hiệu lực ngày 15/7/2022)

Theo đó, phương tiện và trang phục của lực lượng Quản lý thị trường được quy định như sau:

- Phương tiện làm việc phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường gồm:

+ Xe ô tô chức danh theo quy định;

+ Xe ô tô phục vụ công tác chung;

+ Xe ô tô chuyên dùng: xe ô tô tải, xe ô tô bán tải, xe ô tô trên 16 chỗ ngồi, xe ô tô trang bị phòng thí nghiệm, xe ô tô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù; xe mô tô;

+ Xuồng cao tốc;

+ Máy bộ đàm, thiết bị đo, kiểm tra nhanh, thiết bị chuyên dùng, thiết bị công nghệ thông tin, điện tử, máy móc, thiết bị văn phòng và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác theo yêu cầu công tác và theo quy định của pháp luật.

- Về trang phục thì bao gồm các nội dung sau:

+ Phù hiệu Quản lý thị trường, biểu tượng (lô-gô) của lực lượng Quản lý thị trường;

+ Cờ hiệu Quản lý thị trường;

+ Cấp hiệu Quản lý thị trường;

+ Biển hiệu Quản lý thị trường;

+ Trang phục Quản lý thị trường;

+  Mẫu, quy cách trang phục Quản lý thị trường;

+ Tiêu chuẩn, niên hạn cấp phát trang phục, biển hiệu, cấp hiệu đối với công chức làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường các cấp;

+ Kinh phí mua sắm, sửa chữa phương tiện làm việc, phù hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, trang phục của lực lượng Quản lý thị trường.

6. Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2022)

Nghị định gồm 08 Chương, 76 Điều, quy định những vấn đề chung; đầu tư hạ tầng, thành lập khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; một số loại hình khu công nghiệp và khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị; hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế; quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; và  điều khoản thi hành.

7. Thông tư số 29/2022/TT-BTC ngày 03/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên ngành, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ (có hiệu lực từ ngày 18/7/2022)

Theo đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của ngạch công chức ngành kế toán, thuế, hải quan không còn quy định về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học nữa, cụ thể như sau:

- Đối với công chức chuyên ngành kế toán:

+ Không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với vị trí kế toán cao cấp, kế toán chính, kế toán viên và không yêu cầu chứng chỉ tin học đối với vị trí kế toán trung cấp.

+ Bằng cao cấp lý luận chính trị có thể thay thế chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức tại vị trí kế toán cao cấp và kế toán chính.

- Đối với công chức chuyên ngành thuế:

+ Không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với vị trí kiểm tra viên chính thuế, kiểm tra viên thuế, kiểm tra viên trung cấp thuế.

+ Vị trí kiểm tra viên chính thuế và kiểm tra viên thuế: bằng cao cấp lý luận chính trị-hành chính có thể thay thế chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức.

+ Vị trí kiểm tra viên trung cấp thuế loại bỏ yêu cầu chứng chỉ chương trình bồi dưỡng ngạch kiểm tra viên trung cấp thuế.

+ Vị trí nhân viên thuế thì loại bỏ yêu cầu về chứng chỉ chương trình bồi dưỡng ngạch kiểm tra nhân viên thuế.

- Đối với công chức chuyên ngành hải quan:

+ Không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với vị trí kiểm tra viên cao cấp hải quan, kiểm tra viên chính hải quan, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên trung cấp hải quan.

+ Bỏ yêu cầu chứng chỉ chương trình bồi dưỡng ngạch nhân viên hải quan đối với vị trí nhân viên hải quan.

+ Bỏ yêu cầu chứng chỉ chương trình bồi dưỡng ngạch kiểm tra viên trung cấp hải quan đối với vị trí kiểm tra viên trung cấp hải quan.

+ Bằng cao cấp lý luận chính trị-hành chính có thể thay thế chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ở vị trí kiểm tra viên cao cấp hải quan và kiểm tra viên chính hải quan.

- Đối với công chức chuyên ngành dự trữ:

+ Không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với vị trí kỹ thuật viên bảo quản chính, kỹ thuật viên bảo quản, kỹ thuật viên bảo quản trung cấp, thủ kho bảo quản.

+ Bỏ chứng chỉ chương trình bồi dưỡng ngạch kỹ thuật viên bảo quản trung cấp đối với vị trí kỹ thuật viên bảo quản trung cấp.

+ Bỏ chứng chỉ chương trình bồi dưỡng ngạch thủ kho bảo quản đối với vị trí thủ kho bảo quản.

+ Bỏ chứng chỉ chương trình bồi dưỡng ngạch nhân viên bảo vệ kho dự trữ đối với vị trí nhân viên bảo vệ kho dự trữ.

+ Bằng cao cấp lý luận chính trị-hành chính có thể thay thế chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ở vị trí kỹ thuật viên bảo quản chính.

8. Thông tư số 30/2022/TT-BTC ngày 03/6/202 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030 (có hiệu lực từ ngày 20/7/2022)

Theo đó, người được cử đi học tiến sĩ và thạc sĩ toàn thời gian ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ:

- Học phí và các khoản liên quan đến học phí tối đa không quá 25.000 USD/năm học.

- Chi phí làm hộ chiếu, visa.

- Sinh hoạt phí gồm: Tiền ăn, ở, đi lại, tiền tài liệu và đồ dùng học tập theo thời gian học thực tế.

- Bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định của nước sở tại nhưng tối đa không quá 1.000 USD/năm.

- Tiền vé máy bay đi và về, chí phí đi đường...

Người được cử đi học tiến sĩ toàn thời gian ở trong nước sẽ được hỗ trợ:

- Học phí.

- Kinh phí thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước với mức hỗ trợ từ 13 - 20 triệu đồng/năm...

9. Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh Đại học, tuyển sinh Cao đẳng ngành giáo dục mầm non (có hiệu lực từ ngày 22/7/2022)

Cụ thể, từ năm 2023, thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ được được xác định điểm ưu tiên theo công thức:

Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên. Như vậy, nếu tính điểm ưu tiên theo quy chế thi mới, thi sinh có tổng điểm càng cao thì càng được cộng ít điểm ưu tiên hơn. Ngoài việc giảm điểm ưu tiên cho các thí sinh có tổng điểm thi trên 22,5 điểm, quy chế thi mới còn giới hạn thời gian hưởng chế độ cộng điểm ưu tiên khu vực từ năm 2023.

Theo đó, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và thêm 1 năm kế tiếp. Thí sinh thi lại sau 2 năm tốt nghiệp THPT không còn được cộng điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển đại học.

10. Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 22/7/2022)

Theo đó, Thông tư đã bổ sung nhiều ngành học vào Danh mục các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ:

- Ngành Giáo dục và phát triển cộng đồng - Mã 8140113

- Ngành Tâm lý học lâm sàng - Mã 8310402

- Ngành Luật - Mã 8380101

- Ngành Khoa học dữ liệu - Mã 8460108

- Ngành Trí tuệ nhân tạo - Mã 848010

- Ngành Kỹ thuật hàng hải - Mã 8520138

- Ngành Trinh sát kỹ thuật - Mã 8860103

- Ngành Kỹ thuật Công an nhân dân - Mã 8860107

- Ngành An ninh phi truyền thống - Mã 8860118

11. Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (có hiệu lực từ ngày 22/7/2022)

Cụ thể, phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện mà không có lý do chính đáng (hiện nay quy định mức phạt từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng).

Tăng mức phạt từ 2 - 4 triệu đồng lên mức từ 15 - 20 triệu đồng đối các hành vi nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự dưới đây: Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;  Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự (Hiện không quy định mức tiền dưới 2 triệu đồng).

Đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 12 - 15 triệu đồng./.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: