Bác Hồ căn dặn: “Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó.

Càng thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”. Một “ngọn núi cổ điển” vĩ đại là nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu-người được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới với những căn cứ trước tác thơ yêu nước, giàu giá trị nhân đạo, trân trọng, quý mến con người, mang ý nghĩa văn hóa giáo dục sâu sắc, có tầm ảnh hưởng lớn.

Cụ Đồ Chiểu có câu thơ bất hủ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, chúng ta vẫn hiểu là nói về sứ mệnh con thuyền nghệ thuật chở đạo lý, người nghệ sĩ là chiến sĩ dùng ngòi bút làm vũ khí chống lại kẻ xấu, kẻ gian.

loi nguoi xua
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920.
Ảnh tư liệu/congan.com.vn

Một trong những bài thơ của cụ Đồ Chiểu có tính răn dạy sâu sắc là bài “Thà đui”. Mở đầu bài thơ, tác giả viết: “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ”. Không chỉ là nếp nhà (gia phong), “đạo nhà”, rộng hơn là “đạo Tổ quốc”, là đạo lý, phép tắc quốc gia. “Ông cha” là tổ tiên, là lịch sử. Người có đạo lý là người biết giữ gìn, bảo vệ, biết hy sinh vì nước. Kẻ vô đạo là kẻ quên tổ tiên, quên lịch sử. Soi điều ấy vào tác phẩm (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc), ta hiểu thêm cụ Đồ Chiểu đã điêu khắc một tượng đài của đạo lý lòng yêu nước bằng ngôn ngữ của tình yêu thương, khâm phục, kính trọng.

“Dầu đui mà khỏi danh nhơ/ Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình”. Câu thơ như nói với hôm nay: Cái danh dự con người là quan trọng, là thiêng liêng. Đừng để danh dự mình nhơ bẩn. Thế mà nay sao vẫn có kẻ “có mắt”, lại ngược lại, bán rẻ danh dự, nhân cách của mình đổi lấy những đồng tiền, những lợi ích vật chất “tanh rình”!

“Dầu đui mà đặng trọn mình/ Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu”. Sống ở đời là phải cần đến bản lĩnh. Thời nay càng vậy. Vì trong sự hội nhập toàn cầu, không tránh được những cơn gió văn hóa độc hại từ bên ngoài thổi tới, nếu không có sức đề kháng sẽ dễ nhiễm độc. Để “trọn mình” phải có lý tưởng, có hiểu biết, có bản lĩnh để đừng a dua, đừng học đòi... Trước khi tiếp thu cái hay, cái mới của người, mình phải là mình đã, nếu không sẽ tự biến thành kẻ khác!

Còn nhiều điều phải học nữa, thiết nghĩ, những điều cụ Đồ Chiểu dạy về đạo lý, với người cách mạng chúng ta hôm nay cần phải đưa vào chương trình học tập, rèn luyện thường ngày, coi đó như là một cách trau dồi, thấm thía những điều nhân nghĩa, nhân văn ở đời.

Nhiều chuyên gia thế giới khẳng định cụ Đồ Chiểu là cây đại thụ “liên văn hóa” có chùm rễ rất khỏe, cắm sâu vào các mảnh đất văn hóa: Truyền thống yêu nước, thương người của văn hóa Việt; phẩm chất quân tử của đạo Nho; từ bi của đạo Phật; bác ái của đạo Công giáo. Cành lá vươn cao quang hợp ánh sáng lý tưởng nghĩa hiệp, khảng khái, yêu tự do của văn hóa Nam Bộ buổi đương thời hừng hực tinh thần chống Pháp xâm lược. Điều này lý giải cụ giỏi Nho nhưng sáng tác hầu hết bằng chữ Nôm, hướng tới đối tượng đọc là dân nghèo. Đó là một cách “chở đạo” vì dân mà gần dân, thân dân. Là một tấm gương sáng ngời về ý chí, nghị lực phi thường, về đạo lý làm người, cứu giúp người, cụ là hình mẫu cho người trí thức hôm nay về trí tuệ, tình thương, trách nhiệm trước xã hội. Qua các trước tác của mình, cụ đã để lại di sản lớn mang tầm “mẫu số chung” với văn hóa nhân loại: Ca ngợi con người, đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu.

Ngẫm lại những lời cụ Đồ Chiểu xưa để lại cho hậu thế, bỗng thấy giật mình vì thời nay có không ít người, kể cả người có chức quyền, học hàm, học vị, được “muôn dân biết mặt, cả nước biết tên”, nhưng do không hết lòng vì nước, vì dân nên tự biến mình thành những kẻ “đui” trước cám dỗ vật chất, dẫn tới vi phạm pháp luật và vướng vào vòng lao lý, thân bại danh liệt! Âu cũng là hậu quả của sự tự mình cắt đứt cội nguồn văn hóa, rời xa gốc rễ văn chương thấm đượm nghĩa tình non nước của ông cha để lại./.

NGUYÊN THANH

Theo Báo Quân đội nhân dân

Đức Thi (st)

Bài viết khác: