Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên(1) của Đảng. Đây là nội dung quan trọng trong các quan điểm chỉ đạo cơ bản về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo của Đảng; cần được toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng vũ trang quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và là quan điểm nhất quán của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các kỳ đại hội. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, phần định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đảng ta chỉ rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”(2). Đây là sự kế thừa kinh nghiệm, truyền thống hàng nghìn năm “dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc, cũng như sự vận dụng, phát triển phù hợp của Đảng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; trong đó, khẳng định bảo đảm quốc phòng, an ninh là quan điểm, tư tưởng xuyên suốt và cũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm trong suốt quá trình cách mạng, mọi giai đoạn lịch sử của đất nước và dân tộc. Đồng thời, nhấn mạnh mối quan hệ biện chứng giữa tăng cường quốc phòng, quân sự với bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để quán triệt, đưa quan điểm quan trọng này vào thực tiễn cần tiến hành đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực cho các đối tượng phù hợp với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Đây là nội dung, giải pháp quan trọng hàng đầu, nhằm thống nhất nhận thức về quan điểm cơ bản này trong toàn xã hội; từ đó, tạo sự đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực thực hiện, biến quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành hiện thực. Do vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, tình hình, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới; tiếp tục đổi mới tư duy, có cái nhìn đúng đắn cả lý luận và thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc; thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước, kịp thời cập nhật những vấn đề tác động đến quốc phòng, an ninh; từ đó, làm tốt công tác giáo dục, thống nhất nhận thức cho mọi đối tượng.

Thực hiện mục tiêu đó, các cấp cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các cấp, nhất là năng lực thu thập, tổng hợp, phân tích tình hình, dự báo chiến lược, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, chỉ huy cho cán bộ các cấp, không để bị động, bất ngờ. Cùng với đó, các cấp chú trọng đổi mới tư duy về quốc phòng, an ninh, nâng cao năng lực quản lý về tổ chức, đơn vị, con người, cơ sở vật chất kỹ thuật theo yêu cầu mới; coi trọng nâng cao năng lực thực hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng, hoạt động, đấu tranh, chiến đấu, xử lý kịp thời, chính xác các tình huống, nhất là tình huống chiến lược. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; trong đó, tập trung vào những vấn đề lý luận cơ bản, thiết thực về nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng, quân sự; tiềm lực, lực lượng, thế trận an ninh. Đẩy mạnh đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo phân cấp đối tượng, nâng cao nhận thức, năng lực đánh giá, xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; giải quyết đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa giữ vững độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa đối tác và đối tượng; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội,... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, lấy sức mạnh của lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh được hợp thành từ sự kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang nhân dân và sức mạnh tổng hợp từ mọi lực lượng, nguồn lực khác của đất nước; giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;… trong đó, sức mạnh của lực lượng vũ trang luôn đóng vai trò nòng cốt. Vì thế, vấn đề quan trọng trước hết, cần vận dụng thích hợp các giải pháp xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; tập trung vào những vấn đề cơ bản, thiết thực, trọng tâm, trọng điểm. Để làm được điều đó, cần thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội, Công an và luôn xem đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; xây dựng các tổ chức, nhất là tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, v.v. Trên cơ sở đó, quyết tâm thực hiện tốt chủ trương chiến lược của Đảng về xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại; bảo đảm phù hợp với khả năng đất nước, tình hình chính trị, quân sự thế giới và khu vực, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Có quy trình hợp lý phát triển lực lượng (nhất là lực lượng trực tiếp chiến đấu, đấu tranh, lực lượng trẻ), đầu tư vũ khí, trang bị, phương tiện theo hướng xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện, rèn luyện lực lượng vũ trang cần tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp; nghiên cứu phát triển nền nghệ thuật quân sự Việt Nam,… nâng cao sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh hiện tại và tương lai, nhất là hoạt động trong điều kiện tác chiến công nghệ cao, môi trường phức tạp, khắc nghiệt. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, tập trung nghiên cứu, triển khai kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng với tiềm lực, thế trận an ninh, bảo đảm vững mạnh, đáp ứng yêu cầu cả thời bình và thời chiến. Trong đó, cần xác định rõ lộ trình, tổ chức thực hiện tốt các chiến lược trực tiếp liên quan đến quốc phòng, an ninh, như: Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc; Chiến lược Quốc phòng; Chiến lược Quân sự; Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia; Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia; Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Chiến lược An ninh mạng quốc gia, v.v. Cùng với đó, việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại cần được đẩy mạnh và gắn kết chặt chẽ với công tác quốc phòng, an ninh; tập trung vào các chiến lược xây dựng, phát triển về từng lĩnh vực, như: chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội; chiến lược về khoa học - công nghệ; chiến lược về giáo dục và đào tạo; chiến lược về biển, đảo,… cần bám sát thực tiễn, kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Đây là yếu tố rất quan trọng để đẩy mạnh, phát triển tiềm lực và phát huy hiệu quả nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; không ngừng xây dựng, củng cố và phát triển sức mạnh tổng hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước.

Ba là, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây là những yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra sâu, rộng, hợp tác giữa các quốc gia ngày càng được tăng cường, phát triển thì các yếu tố đó càng có vai trò quan trọng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất bổ sung, điều chỉnh hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu mới. Hiện nay, hệ thống pháp luật về công tác quốc phòng, an ninh thường xuyên được củng cố, kiện toàn tương đối đầy đủ và đã phát huy tác dụng tốt trong thực tiễn, như: Luật Quốc phòng, Luật Biên giới quốc gia, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Dự bị động viên, Luật Dân quân tự vệ; Luật An ninh Quốc gia, Luật An ninh mạng, v.v. Tuy nhiên, tính đồng bộ của một số văn bản luật còn hạn chế, có chỗ bất cập, chưa thống nhất; trong khi đó, thực tiễn lại luôn có sự phát triển, nhiều vấn đề mới đặt ra cần được sửa đổi, bổ sung, hoặc xây dựng mới cho phù hợp, nhất là các vấn đề có sự phối - kết hợp giữa các lĩnh vực, ngành cần được luật hóa và hướng dẫn thi hành bằng các văn bản dưới luật một cách cụ thể. Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động về bảo đảm quốc phòng, an ninh phù hợp với thực tiễn. Trên cơ sở bám sát cơ chế chung: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, cần có cơ chế cụ thể, chặt chẽ hơn trong kết hợp quốc phòng với an ninh, quốc phòng, an ninh với các hoạt động chuyên biệt của các bộ, ngành; quy định rõ trách nhiệm và quy trình hoạt động cụ thể của các đối tượng; khắc phục tình trạng kết hợp hình thức, kém hiệu quả. Đối với chính sách bảo đảm quốc phòng, an ninh, Nhà nước đã có nhiều chính sách động viên, khuyến khích, huy động tinh thần, vật chất, sức người, sức của cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như: chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, v.v. Tuy nhiên, trước sự phát triển mới của tình hình thực tiễn, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Đảng, Nhà nước hoàn chỉnh hơn hệ thống chính sách về lĩnh vực này; chú trọng tính thực chất trong các chính sách, nhất là chính sách đối với người có công, hậu phương lực lượng vũ trang, thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao,… nhằm nâng cao tính hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong mọi giai đoạn, nhiệm vụ cách mạng.

Thực hiện mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc của toàn dân tộc ta; tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh càng trở nên quan trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; không ngừng tăng cường sức mạnh chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN HỒNG, Học viện Quốc phòng

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Đức Thi (st)

______________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 34.

2 - Sđd, tr. 117.

Bài viết khác: