Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Việc nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Nhận diện và chọn lọc giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số

Văn hóa theo nghĩa rộng bao gồm toàn bộ các giá trị vật thể và phi vật thể, các mối quan hệ xã hội của con người được hình thành do quá trình hoạt động của con người tác động vào thế giới tự nhiên, nhằm thỏa mãn các nhu cầu sống, nhu cầu tồn tại và phát triển của mình. Xét về mặt văn hóa tộc người, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa. Tính đa dạng về văn hóa không chỉ phổ biến ở các tộc người, mà còn phản ánh đậm nét ở các vùng, miền khác nhau.

van hoa dan toc 1
Trao truyền những giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau _Nguồn: vapa.org.vn

Văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta vừa thống nhất vừa đa dạng. Tính thống nhất biểu hiện ở quá trình đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm, phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi; ở ý thức quốc gia và trong lối sống, cách ứng xử, đặc biệt là tinh thần yêu nước của các dân tộc Việt Nam. Nguyên nhân sâu xa, trực tiếp tạo nên tính thống nhất của văn hóa Việt Nam chính là ở bản lĩnh, bản sắc văn hóa dân tộc - quốc gia Việt Nam. Ðây là công lao, kết quả sáng tạo của 54 dân tộc anh em, là sản phẩm ra đời từ tình cảm, tâm hồn của nhiều cộng đồng cư trú trong những hoàn cảnh môi trường, địa lý khác nhau. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số cần được nhận diện một cách khách quan và đầy đủ. Trên cơ sở nhận diện mới chọn lọc được những tinh hoa văn hóa để bảo tồn, phát huy và xây dựng những giá trị văn hóa mới tạo nền tảng phát triển bền vững. Khi tìm hiểu, nghiên cứu và nhận diện cần dựa vào hai bộ công cụ quan trọng là: Hệ tọa độ ba chiều (chủ thể văn hóa, không gian văn hóa, thời gian văn hóa) và các đặc trưng văn hóa (tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân sinh và tính lịch sử). Nhận diện và khái quát được giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số phải bắt đầu từ những dấu hiệu có thể chi phối các đặc điểm khác, có khả năng khu biệt nền văn hóa này với nền văn hóa khác,… thể hiện qua các giá trị văn hóa vật thể, như các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các công trình kiến trúc độc đáo, những bộ trang phục dân tộc, các loại nhạc cụ dân tộc; văn hóa phi vật thể, như phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, lễ hội truyền thống, nghi lễ, tín ngưỡng, các tác phẩm văn học tiêu biểu, phong cách âm nhạc đặc sắc, như: nghệ thuật hát giao duyên, hát dân ca, dân vũ… (nghệ thuật hát then - đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái; điệu múa khèn của đồng bào Mông,…), nghề thủ công truyền thống của các dân tộc rất ít người, như Bố Y, Pu Péo, Ơ-đu, Brâu, Rơ-măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, Si La…

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nói chung, giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng là một trong những nội dung được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Chủ trương xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, “hội nhập mà không hòa tan” là một chủ trương đúng đắn trong chiến lược phát triển toàn diện của đất nước.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện đã có 3 bảo tàng Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê, trưng bày di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Giai đoạn 2016 - 2018, có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số được xếp hạng di tích quốc gia. Sau 2 đợt xét tặng (năm 2015 và năm 2019), đã có 559 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước. Công tác bảo tồn, phát triển một số môn thể thao dân tộc, như võ cổ truyền, Vôvinam, đấu gậy, vật dân tộc,… đã đạt mục tiêu đề ra. Một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được hạn chế, loại bỏ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, đa dạng, phong phú, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số được thực hiện thông qua nhiều hình thức, như tổ chức ngày hội, giao lưu văn hóa cấp vùng, miền, khu vực, từng dân tộc; các lớp truyền dạy… Các đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương tổ chức sản xuất nhiều phim tài liệu, chuyên đề về phong tục, tập quán, lễ hội, bản sắc đặc trưng của các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước, góp phần tuyên truyền, phổ biến bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số.

Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Để hiện thực hóa nội dung này, Ủy ban Dân tộc xác định thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển toàn diện văn hóa dân tộc thiểu số, giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa thông qua bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết; các lễ hội truyền thống tốt đẹp, xây dựng và nhân rộng sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương. Hỗ trợ xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ, phát huy vai trò làm chủ về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với các chương trình, hoạt động lễ hội và biểu diễn văn hóa - nghệ thuật truyền thống của đồng bào; huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số…

Ngày 27-7-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở Quyết định số 1270/QĐ-TTg, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành và trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình bảo tồn văn hóa, lồng ghép các dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg, ngày 30-6-2017, phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020.

Nhằm triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4) từ Trung ương đến địa phương; khảo sát và mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc rất ít người, như Bố Y, Pu Péo, Ơ-đu, Brâu, Rơ-măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, Si La,… do chính các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ. Thông qua các hoạt động này góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Việc định kỳ tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên; giao lưu văn hóa đối với từng dân tộc, như tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Hoa, Thái, Chăm, Khmer, Hmông, Mường, Dao...; giao lưu Liên hoan nghệ thuật Hát then - Đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái; giao lưu văn hóa, nghệ thuật tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia,... không chỉ tăng cường củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các địa phương trong cả nước, tăng cường hợp tác quốc tế, mà còn giới thiệu, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa tốt đẹp, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay, đã có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc; hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn, gắn phát triển du lịch với khai thác, phát huy giá trị bản sắc văn hóa; từ đó, nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hóa - du lịch, điểm văn hóa - du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng định kỳ tổ chức Hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những người có công trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số; thường xuyên phục dựng, tái hiện các lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, góp phần bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động, thiết thực. Đến nay, đã có hơn 150 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục di sản văn hóa hóa phi vật thể quốc gia (trên tổng số gần 300 di sản của cả nước)… Các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được quan tâm, lập hồ sơ khoa học và xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt.

Ngoài ra, các địa phương đã tiến hành phục dựng nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, lập hồ sơ, trình Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều cuốn sách về bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số được các nhà nghiên cứu xuất bản, lưu giữ,… góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Bản sắc văn hóa nhiều dân tộc thiểu số đã và đang mai một. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, công tác bảo tồn và phát huy còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả, việc huy động nguồn lực của xã hội, chính quyền địa phương và của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa còn nhiều khó khăn...

van hoa dan toc 2
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên_Nguồn: vapa.org.vn

Một số giải pháp cần triển khai trong thời gian tới

Văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận cấu thành văn hóa Việt Nam. Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định quan điểm tôn trọng tính đa dạng văn hóa và chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, coi đó là tài sản quý báu của toàn xã hội, là điều kiện quan trọng để xây dựng nền văn hóa chung của quốc gia, dân tộc. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trân trọng giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, để đồng bào dân tộc thiểu số có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa hiện đại. Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành các chương trình, đề án cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai là, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý văn hóa với sự quan tâm và vai trò định hướng, tạo dựng nguồn lực… trong bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số; đầu tư trang thiết bị cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao năng lực tổ chức hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã và thôn, bản. Tăng cường các hoạt động thông tin cơ sở; xây dựng và phát triển đội văn nghệ, câu lạc bộ sinh hoạt văn nghệ dân gian, tạo điều kiện để nhân dân tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.

Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện; ưu tiên bố trí các nguồn lực hỗ trợ phát triển mạng lưới thư viện, không gian đọc, nhà sách, tủ sách, phát triển văn hóa đọc cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức và hướng dẫn triển khai xây dựng các bộ tài liệu phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích, hỗ trợ sưu tầm, lưu trữ, số hóa các xuất bản phẩm bằng tiếng dân tộc; tăng cường luân chuyển tài nguyên thông tin và phục vụ thư viện lưu động đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là, bố trí nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa; tổ chức kiểm kê, lập danh mục kiểm kê và xây dựng hồ sơ di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.

Năm là, phát triển du lịch, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái nhằm nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân; tăng tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại địa phương. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các hủ tục, mê tín dị đoan trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Sáu là, xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình thí điểm đầu tư, hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số nhằm khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của 16 dân tộc thiểu số có dân số ít người, gồm 16 dân tộc: La Ha, Phù Lá, La Hủ, Lự, Lô Lô, Chứt, Mảng, Pà Thẻn, Cơ Lao, Cống, Bố Y, Si La, Pu Péo, Brâu, Ơ-đu, Rơ-măm, định mức mỗi dân tộc được hỗ trợ kinh phí 10 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2030. Có chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận./.

HIẾU GIANG

Theo Tạp chí Cộng sản

Đức Thi (st)

Bài viết khác: