Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

75 năm qua, công tác chính sách, chăm lo người có công với cách mạng và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện, sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực.

Đó vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm, vừa là truyền thống, đạo lý thể hiện tính nhân văn, nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chăm lo đối tượng chính sách. Người chỉ rõ: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”(1). Thực hiện lời dạy của Người, 75 năm qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân ta đã dành tất cả sự kính trọng, tình thương yêu và trách nhiệm đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng - những người đã cống hiến, hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc và sự trường tồn của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Cùng với sự phát triển của đất nước, sự lớn mạnh của quân đội, công tác chính sách, chăm lo người có công và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được toàn quân triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ và đạt hiệu quả thiết thực, trực tiếp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.

toan quan thuc hien cong tac thuong binh
Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và đoàn công tác dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Khánh Trình.

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chức năng tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành và bổ sung kịp thời nhiều văn bản quy định về chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương quân đội. Nổi bật là: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TW ngày 15-5-2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; Quyết định số 1237/QĐ-TTg, ngày 27-7-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 14-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ “Ban hành Kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách, công tác bảo đảm đối với nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Đến nay, cả nước đã tìm kiếm, quy tập được hơn 955.000 hài cốt liệt sĩ trong nước và ngoài nước, tổ chức truy điệu và an táng chu đáo tại các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước.

Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quân đội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chặt chẽ, toàn diện, đồng bộ với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với thực tế của đơn vị, địa phương và nguyện vọng của đối tượng chính sách. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển cả bề rộng và chiều sâu, huy động được nhiều nguồn lực cùng chăm lo người có công, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. 10 năm qua, toàn quân đã vận động cán bộ, chiến sĩ và huy động các nguồn đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 497,9 tỷ đồng; xây dựng hơn 6.800 nhà tình nghĩa, với số tiền hơn 568,9 tỷ đồng; phụng dưỡng 2.879 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (1.489 mẹ còn sống); đỡ đầu 702 con liệt sĩ, thương binh nặng; tuyển dụng, giải quyết việc làm cho 338 trường hợp là con thương binh nặng đang điều dưỡng tại các trung tâm và vợ, con liệt sĩ; tặng hơn 5.600 sổ tiết kiệm, trị giá gần 13,9 tỷ đồng cho đối tượng chính sách, thăm hỏi, tặng quà đối với hàng vạn đối tượng chính sách nhân các ngày lễ, tết; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị y tế cho các trung tâm điều dưỡng thương binh với số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Quân đội luôn chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện chu đáo chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; tích cực giải quyết tồn đọng chính sách sau các cuộc chiến tranh. Đến nay, đã giải quyết chế độ trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng đối với hơn 26 vạn đối tượng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp; gần 1,7 triệu đối tượng tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ; hơn 1,3 triệu đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào, Campuchia; hơn 1,4 triệu dân công hỏa tuyến. Xác lập hồ sơ và đề nghị công nhận gần 1.000 liệt sĩ, gần 9.000 thương binh, gần 1.800 bệnh binh.

Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân thường xuyên quan tâm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với thân nhân liệt sĩ đang công tác trong quân đội, gia đình quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng có hoàn cảnh khó khăn. Đổi mới và thực hiện hiệu quả chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ; quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ quân đội nghỉ hưu, nhất là cán bộ có nhiều công lao, cống hiến trong các thời kỳ cách mạng; ưu tiên hỗ trợ đối với cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với các đối tượng, lực lượng làm nhiệm vụ đột xuất, khó khăn, nguy hiểm.

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2022), toàn quân đã phát động đợt thi đua cao điểm “Uống nước nhớ nguồn, tri ân người có công với cách mạng”; xây dựng 1.769 nhà tình nghĩa; trao 505 sổ tiết kiệm tặng đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; tặng quà, áo lụa đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng do quân đội nhận phụng dưỡng; tặng quân phục đối với thương binh, bệnh binh nặng; hỗ trợ trang thiết bị đối với một số trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, bệnh binh; gặp mặt, biểu dương đại biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong quân đội; thăm, tặng quà; dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ... với số tiền gần 41 tỷ đồng.

Những kết quả đã đạt được trong thực hiện công tác chính sách, chăm lo người có công, chính sách hậu phương quân đội và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của toàn quân thời gian qua đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ toàn quân ta đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc và quân đội cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đất nước cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các yếu tố an ninh phi truyền thống vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và đời sống người có công với cách mạng. Cùng với đó, nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác chính sách. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và hệ thống các văn bản liên quan đến chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội, chính sách đối với người có công với cách mạng, đặc biệt là Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chỉ thị số 169-CT/QUTW ngày 29-12-2020 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội giai đoạn 2021-2025”, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì các cấp trong thực hiện công tác chính sách, chăm lo người có công với cách mạng và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp phải quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về thực hiện công tác chính sách, chăm lo người có công và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm và tình cảm của cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; phát huy vai trò của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả công tác chính sách, chăm lo người có công với cách mạng và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở từng cấp; từng cơ quan, đơn vị. Bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, quân đội, điều kiện, khả năng của cơ quan, đơn vị và nhu cầu, quyền lợi thiết thực của đối tượng chính sách, người có công với cách mạng để xác định nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và bằng những việc làm thiết thực. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, kết quả thực hiện công tác chính sách, chăm lo người có công với cách mạng của quân đội, đơn vị, địa phương; phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tạo thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Hai là, tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành và triển khai tổ chức thực hiện tốt chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội và chính sách người có công với cách mạng.

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và triển khai tổ chức thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; các chế độ, chính sách đối với người tham gia các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm chế độ, chính sách đối với các đối tượng làm nhiệm vụ đặc thù, nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đang công tác ở những địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo; chính sách bảo đảm cho thực hiện các đề án tinh giản biên chế, thu hút, khuyến khích người tài và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong quân đội. Tập trung hoàn thiện chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với tiến trình cải cách chính sách xã hội của Nhà nước và đặc thù quân đội. Đặc biệt, cần nghiên cứu, tổng kết rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện một số chính sách trong thời gian qua; kịp thời phổ biến, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; phát huy dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện các chế độ, chính sách.

Ba là, quan tâm đẩy mạnh giải quyết những tồn đọng chính sách đối với người có công với cách mạng; thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Thực hiện hiệu quả việc xác nhận và giải quyết chính sách đối với quân nhân mất tin, mất tích sau các cuộc chiến tranh; giải quyết kịp thời, chu đáo chế độ, chính sách đối với các trường hợp bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Tích cực giải quyết tồn đọng chính sách sau chiến tranh; chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cả trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, công khai. Triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng. Đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin, thúc đẩy hợp tác quốc tế về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Bốn là, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, các địa phương, thường xuyên quan tâm, chăm lo thực hiện ngày càng tốt hơn công tác chính sách, chăm lo người có công với cách mạng.

Toàn quân tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư và Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng; tích cực đổi mới nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp, hình thức thực hiện Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Huy động nhiều nguồn lực chăm sóc người có công với cách mạng, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ xây tặng nhà tình nghĩa; hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện cho các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; thăm hỏi, tặng quà, tặng công cụ sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, sổ tiết kiệm,... đến đối tượng chính sách và người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục hỗ trợ tu sửa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ. Thường xuyên quan tâm chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất về vị trí công tác, việc làm phù hợp đối với thương binh, bệnh binh đang công tác trong quân đội để tiếp tục cống hiến, phát triển. Đồng thời thực hiện chu đáo công tác giáo dục-đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho con em của các đối tượng chính sách, nhất là vợ (hoặc chồng), con của liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Phát huy sức mạnh tổng hợp trong chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách cả về vật chất, tinh thần, đặc biệt là đối với các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Các cơ quan, đơn vị đề cao vai trò, trách nhiệm, tinh thần chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành của Trung ương, địa phương làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt công tác chính sách, chăm lo người có công với cách mạng; làm tốt công tác phối hợp trong khai thác, huy động mọi nguồn lực của xã hội, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chăm lo, thực hiện tốt công tác chính sách và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Phối hợp nắm chắc số lượng đối tượng chính sách và tình hình thực hiện các chế độ, chính sách ở địa phương; xác định nội dung, biện pháp tiến hành công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn của địa phương, đơn vị. Phối hợp thực hiện hiệu quả các chương trình, cuộc vận động của Trung ương, địa phương về xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, chung tay vì sức khỏe cộng đồng, quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới...

Năm là, tiếp tục chăm lo, bồi dưỡng xây dựng cơ quan chính sách và đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành chính sách quân đội vững vàng về chính trị, tư tưởng, mẫu mực về đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn cơ quan chính sách các cấp trong toàn quân ngày càng vững mạnh; chăm lo bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành chính sách quân đội có phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên sâu, tận tụy, trách nhiệm trong công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; phát huy vai trò của ngành chính sách quân đội thực hiện tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội, chính sách người có công với cách mạng và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuẩn hóa quy trình công tác, nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học-công nghệ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện công tác chính sách, hậu phương quân đội. Đồng thời, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời nắm và giải quyết những vướng mắc, phát sinh; xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện công tác chính sách.

Thực hiện tốt công tác chính sách, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là việc làm thiết thực thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam. Qua đó, tô thắm thêm nét đẹp truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần tôn vinh, tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người có công với cách mạng đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ và các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Đây cũng là việc làm cụ thể góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới./.

Đại tướng LƯƠNG CƯỜNG

Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương,
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

 (1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, NXB CTQG H.2021, tr.327

Bài viết khác: