Mấy lần gọi điện thoại đến nhà riêng, người nhà đều bảo “bà đi ra ngoài chưa về”.
1. Mấy lần gọi điện thoại đến nhà riêng, người nhà đều bảo “bà đi ra ngoài chưa về”. Tôi lấy làm lạ. Năm nay đã tròn 80 tuổi, về hưu cũng đã lâu rồi. Vậy bà còn bận bịu với công việc gì, mà chưa chịu nghỉ ngơi ở nhà? Đến khi gặp bà, tôi mới hiểu: bà vẫn đang là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học của Phường, nên công việc cũng lu bu. Bà bảo: “Cũng đều là những việc không tên cả. Không tốn nhiều sức lực, nhưng rất cần có tâm và lòng nhiệt tình. Đến năm 2014 mới hết nhiệm kỳ, cũng ráng làm cho trọn với lương tâm, trách nhiệm của mình...”.
Bà là Nguyễn Thị Ngọc Bích, người gốc Hà Nội, một cựu chiến binh, nhà giáo lão thành. Nhưng nhắc đến bà, mọi người không chỉ biết đến một nhà giáo mẫu mực, một cán bộ quản lý giáo dục mẫn cán, tận tụy với nghề suốt mấy chục năm, mà còn rất kính nể bà - một người cần mẫn sưu tầm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 30 năm qua. Bộ sưu tập này đã trở thành những kỷ vật quý giá của bà giáo và cho cả thế hệ trẻ mai sau.
Bà hẹn tiếp tôi tại nhà riêng ở gần sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP. HCM). Trong căn phòng nhỏ, với tủ tài liệu về Bác Hồ được xếp ngay ngắn, bà kể cho tôi nghe về một thời gian khó, nhưng cũng rất tự hào, về cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Bà Ngọc Bích tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TP.HCM)
2. Nhớ lại tuổi thơ của mình, bà không thể quên ngày 2/9/1945, khi đó bà mới 12 tuổi, được ba đưa đi dự Lễ Quốc khánh và nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Bà bảo lúc ấy còn nhỏ, chưa hiểu rõ nội dung và ý nghĩa của bản Tuyên ngôn Độc lập, nhưng không bao giờ quên được hình ảnh uy nghiêm của Bác Hồ cùng các vị đại diện Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên lễ đài, và giọng nói ấm áp của Người: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Hình ảnh và lời nói hào sảng của Bác đã là nguồn cổ vũ rất lớn để bà đi theo cách mạng.
Cô gái Hà Nội Ngọc Bích đi bộ đội khi vừa tròn 16 tuổi, được làm giao liên tại Đại đoàn 320 nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp. Sau 3 năm tham gia kháng chiến, cô bị thương, nằm trong hang đá suốt 3 tháng trời. Khi đơn vị phát hiện, vết thương ở chân đã quá nặng, phải đoạn chi để cứu mạng. Thủ trưởng đơn vị lúc ấy là Tướng Văn Tiến Dũng, thấy Bích còn trẻ, tương lai và hạnh phúc còn ở phía trước nên đề nghị quân y tìm mọi cách giữ lấy đôi chân cho cô. Thật may mắn, vết thương không bị nhiễm trùng nặng, sau một thời gian thì lành lặn và cô được xuất ngũ.
Trở về Hà Nội, mới 19 tuổi, cô xin đi học Sơ cấp sư phạm. Ra trường, 21 tuổi, cô tình nguyện đi dạy học ở vùng khó khăn, hăng hái tham gia phong trào xóa nạn mù chữ, là một trong số những Chiến sĩ tiêu biểu trong phong trào “Diệt giặc dốt” của thanh niên ngành Giáo dục Hà Nội, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1958, tại Lễ tổng kết phong trào này, cô giáo trẻ Ngọc Bích đã vinh dự được nhận thư tuyên dương và Huy hiệu của Bác Hồ gửi tặng. Đây là phần thưởng cao quý, là nguồn động viên lớn lao đối với cô giáo Ngọc Bích, trong suốt chặng đường dài cống hiến tâm sức cho sự nghiệp trồng người.
Sau này, khi đã có gia đình, cô Bích lại tiếp tục xin đi học nâng cao trình độ ở trường Cao đẳng Sư phạm, rồi Đại học Sư phạm (hệ tại chức) và lần lượt được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường phổ thông cấp 2 ở Hà Tây, Hưng Yên... trong suốt những năm máy bay Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Năm 1975, đất nước thống nhất, cô lại xung phong vào Quảng Ngãi quê chồng dạy học, rồi lại lần lượt làm Hiệu phó các Trường phổ thông cấp 3 Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Nghĩa Lộ I, Nghĩa Lộ II, Lê Hồng Phong - tỉnh Nghĩa Bình (sau này tách ra thành Quảng Ngãi và Bình Định).
Có một điều mà những người làm giáo dục ở Nghĩa Bình hồi ấy đều biết và cảm phục cô Ngọc Bích. Đó là cô luôn chấp nhận được giao về làm quản lý ở các trường yếu kém. Sau khi xây dựng nhà trường khá lên, cô lại được điều động về gây dựng một trường yếu kém khác. Cứ như vậy, cô lần lượt về làm hiệu phó chuyên môn ở 5 trường, chỉ trong vòng gần 5 năm.
Năm 1979, bà Ngọc Bích cùng gia đình chuyển công tác vào TP. HCM, được phân công về làm Hiệu phó Trường Bổ túc văn hóa Quận Tân Bình, với những học trò lớn tuổi, phần lớn là cán bộ nòng cốt của quận, trước đây do tham gia kháng chiến chống Mỹ nên chưa có điều kiện học hết chương trình phổ thông. Trường Bổ túc văn hóa sau này đổi tên thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên, bà tiếp tục làm Phó Giám đốc cho tới ngày nghỉ hưu (1986). Và bây giờ, bà lại tham gia Hội Khuyến học của phường, của quận... cho đến nay.
Bà luôn tự hào về dòng họ đã có 5 đời làm nghề giáo của mình. Cuộc sống của nhà giáo tuy nghèo, nhưng thanh bạch và luôn giữ được nền nếp gia phong, luôn là tấm gương mẫu mực để con cháu noi theo. Bà bảo, tài sản quý nhất của bà bây giờ là 4 người con (2 gái, 2 trai) đều được ăn học đến nơi đến chốn và đều thành đạt, cùng những đứa cháu nội ngoại học giỏi, chăm ngoan. Thế là hạnh phúc lắm!
Bà Ngọc Bích trước tủ tư liệu quý về Bác Hồ. Ảnh: Đ.Q.T
3. Hành trình sưu tầm tư liệu về Bác Hồ của bà bắt đầu từ năm 1980, sau khi bà được bạn bè gửi tặng những tấm ảnh quý, chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến đi Pháp dự Hội nghị ký kết Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt năm 1946. Đây là bộ ảnh gốc rất quý, vì thời điểm đó ở trong nước ít ai có được. Sau này, bà đã tặng bộ ảnh gốc này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TP. HCM), chỉ giữ lại bản photocoppy.
Kể từ đó, sau những giờ dạy học, bà lại kể cho học sinh nghe những câu chuyện về Bác Hồ. Nghe rồi, học sinh lại đòi bà kể tiếp khi gặp cô. Để những câu chuyện về Bác thêm sinh động và sâu sắc, bà đã dày công sưu tầm những tư liệu về Bác, để minh họa. Những tấm ảnh chụp Bác được bạn bè gửi tặng, những cuốn sách cũ viết về hành trình tìm đường cứu nước, cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, những bài báo viết về Bác, từ trước đến nay, ở trong và ngoài nước v.v... đều được bà trân trọng lưu giữ.
Bằng tấm lòng tôn kính Bác Hồ, với tính cẩn thận, khoa học của một nhà giáo, bà đã tập hợp tất cả hình ảnh, tư liệu về Bác thành từng tập, theo từng chủ đề, như: Thời niên thiếu của Bác; Bác rời Bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước; Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945); Đảng và Bác lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại; Toàn Đảng, toàn dân đời đời nguyện theo chân Bác...
Lặng lẽ, miệt mài sưu tầm, đến nay, bộ sưu tập về Bác Hồ của bà đã có hàng chục tập tư liệu, với gần 2.000 bức ảnh, bài báo viết về Bác. Những người quen, ai cần tài liệu về Bác Hồ, hoặc những sinh viên làm luận văn tốt nghiệp về đề tài Hồ Chí Minh, đến mượn tư liệu, hình ảnh về Bác, bà đều sẵn lòng giúp đỡ vô điều kiện.
Bà bảo, mỗi khi đến kỳ nhận lương hưu, bà đều nhờ con cháu đưa tới những tiệm sách cũ, tìm mua những tài liệu về Bác, vì “mua sách cũ giá rẻ hơn và nhiều tư liệu cũ có giá trị, mà bây giờ, sách mới chưa chắc đã có!”.
Tôi hỏi bà, động lực nào mà suốt hơn 30 năm qua, bà đã lặng lẽ, miệt mài, cần mẫn sưu tầm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh như vậy? Bà bảo: “Có lẽ, một giáo viên dạy văn như tôi, mỗi khi giảng những vần thơ, bài văn cho học sinh nghe, là một lần có cơ hội được tìm hiểu về Bác và thấy được gần Bác hơn. Khi tìm hiểu về Bác, tôi càng tìm ra những tầng nhân cách cao đẹp trong một con người bình dị, càng thấy được những bài học quý giá cho bản thân mình”.
Ngoài việc sưu tầm tư liệu về Bác, những năm qua, bà luôn tích cực tham gia các cuộc thi kể chuyện, thi viết, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bà cũng thường xuyên đến các trường học kể chuyện về Bác Hồ cho nhiều thế hệ học trò. Trong tâm khảm của mình, bà luôn trăn trở, làm sao những hình ảnh, tư tưởng của Bác, tiếp tục được lưu giữ và truyền lại trọn vẹn cho những thế hệ mai sau.
Đào Quốc Toàn
Theo http://thegioimoi.vn
Thu Hiền (st)